Họp báo về kinh tế - xã hội tháng 2/2022, công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM

Vân Anh - Huyền Mai - Linh Nhi 07/03/2022 20:44

(HMC) – Chiều 7/3/2022, Ủy ban nhân dân TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội (KT-VH-XH), quốc phòng – an ninh (QP-AN) tháng 2, 02 tháng đầu năm, phương hướng tháng 3/2022 và công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn những ngày qua. Chánh Văn phòng UBND TP Đặng Quốc Toàn; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương chủ trì họp báo.

Tham dự có đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an TP, Bộ Tư lệnh TP, các Sở: Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Y tế, Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Giao thông – vận tải (GTVT), Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Du lịch, Văn hóa – Thể thao (VH-TT), Quy hoạch và Kiến trúc (QH&KT), Cục Thuế TP, Cục Thống kê TP, Trung tâm Xúc tiến và đầu tư TP, Trung tâm dịch vụ Bán đấu giá tài sản TP, UBND TP Thủ Đức, UBND huyện Củ Chi và UBND huyện Hóc Môn; cùng đại diện lãnh đạo và các phóng viên, biên tập viên từ các cơ quan báo chí trú, đóng trên địa bàn TPHCM qua 15 điểm cầu trực tuyến và trực tiếp tại Trung tâm Báo chí TP.

03 thách thức TPHCM đang phải đối diện

Thông tin về tình hình KT-VH-XH, QP-AN tháng 2, 02 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 3/2022, Chánh Văn phòng UBND TP Đặng Quốc Toàn cho biết: Kinh tế TP phục hồi cơ bản và tương đối toàn diện, một số chỉ tiêu tăng trưởng dương và có nhiều khởi sắc so với cùng kỳ. Hầu hết các ngành công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn TP đã hoạt động trở lại.

Dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát có hiệu quả, hệ thống y tế cơ sở được tăng cường, nâng cao với đội ngũ y bác sĩ trẻ tình nguyện; hoạt động dạy và học trực tiếp linh hoạt với diễn biến của dịch bệnh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững; công tác tuyển, giao quân đạt kết quả rất tốt, 100% chỉ tiêu.

Chánh Văn phòng UBND TPHCM Đặng Quốc Toàn

Tuy nhiên, theo Chánh Văn phòng UBND TP, sự xuất hiện và các mức độ ảnh hưởng khác nhau của biến chủng mới (Omicron); đồng thời, giá cả xăng dầu, hàng hóa, nhiên nguyên vật liệu trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang có xu hướng tăng lên, gây ảnh hưởng đến hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 02 và dự báo trong suốt quý I/2022; hoạt động một số loại tội phạm (ma túy, cướp giật…) vẫn còn phức tạp.

Vì vậy, có 03 điểm đáng lưu ý và cũng là thách thức TP đang phải đối diện, cần tập trung chỉ đạo xử lý có hiệu quả. (1) dịch bệnh tăng do chủng Omicrom còn diễn biến phức tạp yêu cầu cần giám sát kỹ và có chủ trương, biện pháp phù hợp; (2) thành lập doanh nghiệp mới tăng về số lượng nhưng giảm về vốn; (3) việc chậm ban hành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 dẫn đến chậm tiến độ, gây khó khăn cho các chủ đầu tư.

Để quyết liệt triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022, UBND TP đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện 15 nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 3/2022. Trong đó, tập trung giám sát, kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn TP; tăng tốc giải ngân đầu tư công; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, triển khai các chính sách phục hồi kinh tế nhất là các chính sách về tài khóa, tiền tệ vừa được Quốc hội thông qua; rà soát, tiếp tục có những giải pháp cho người lao động; làm tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội; tập trung khởi công và hoàn thiện một số công trình trọng điểm; tiếp tục các biện pháp đảm bảo quốc phòng, an ninh…

Phát hiện 33 vụ việc liên quan đến mua bán hàng hóa và tiền ảo qua mạng xã hội

Liên quan đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang – Phó Giám đốc Công an TP thông tin thêm: Trong thời gian qua, dù được cơ quan chức năng tuyên truyền, cảnh báo bằng nhiều hình thức về phương thức, thủ đoạn hoạt động, hệ lụy khi mua hàng hóa, mua tiền ảo nhưng nhiều người dân vẫn chấp nhận mua bán qua các app trên mạng xã hội.

Từ năm 2021 đến nay, Công an TP đã phát hiện 33 vụ việc liên quan đến mua bán hàng hóa và tiền ảo qua mạng xã hội. Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP) đã khởi tố 02 vụ án với 03 bị can liên quan đến việc lập các sàn tiền ảo như Bi option, UK Trade Globad… kêu gọi các nhà đầu tư, đưa ra các mức lãi suất siêu lợi nhuận rồi hướng dẫn tạo tài khoản tham gia và sau đó chiếm đoạt tài sản của bị hại; hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố đang điều tra xác minh 31 vụ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, thủ đoạn của loại tội phạm này cũng giống với các thủ đoạn lừa đảo khác là đánh vào lòng tham của bị hại như không cần mất phí vẫn nhận được phần quà giá trị lớn, đưa ra mức lãi suất siêu lợi nhuận để dụ bị hại tham gia. Tuy nhiên, dạng thủ đoạn này nguy hiểm hon và dễ dụ dỗ bị hại hon vì chúng có hệ thống, có sự bàn bạc và cấu kết thực hiện một cách bài bản.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang – Phó Giám đốc Công an TPHCM

Vì vậy, lãnh đạo Công an TP khuyến cáo người dân cần trang bị kiến thức, hiểu biết về các hình thức đầu tư, mua bán trên không gian mạng, hiểu được hành vi nào là vi phạm pháp luật, mức độ nguy hại, chế tài xử lý và nâng cao ý thức phòng ngừa ngay từ ban đầu đối với loại tội phạm này. Khi người dân khi gặp tình huống này nên gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo đến cơ quan điều tra, Công an quận - huyện nơi người dân sinh sống để điều tra làm rõ.

Trong thời gian tới, Công an TP tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp để phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật

đại diện Trung tâm Thương mại Xúc tiến Đầu tư TPHCM

Theo ông Nguyễn Phúc Vinh - đại diện Trung tâm Thương mại Xúc tiến Đầu tư TP, “Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn” dự kiến diễn ra trong 01 buổi sáng (từ 8h00 – 12h00) tại Hội trường TPHCM, do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì.

Tại Hội nghị, các đại biểu, khách mời sẽ tham quan khu vực trưng bày, giới thiệu 55 dự án mời gọi đầu tư của huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi (tổng vốn đầu tư 285.524 tỉ đồng) và các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của 2 địa phương này. Đồng thời, được thông tin về định hướng quy hoạch tổng thể TPHCM, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi; tổng quan môi trường đầu tư và các dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn 2 huyện;…

Cùng với đó, lãnh đạo TPHCM, các Sở, Ban, ngành sẽ thực hiện kí kế bản ghi nhớ với các doanh nghiệp; tiến hành phiên trao đổi trực tiếp với nhà đầu tư;…

Lương tối thiểu dựa trên 07 tiêu chí đo lường

Về vấn đề 02 năm chưa tăng lương tối thiểu khiến nhiều công nhân bức xúc, ở góc độ TPHCM, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Nguyễn Văn Lâm cho hay: theo quy định tại Khoản 3 Điều 91 Bộ Luật Lao động năm 2019, mức lương tối thiểu vùng được dựa trên 7 tiêu chí. Bao gồm: mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Trên cơ sở đo lường 7 tiêu chí này, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ tư vấn và khuyến nghị Chính phủ quyết định, công bố mức lương tối thiểu, chính sách tiền lương đối với người lao động.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm

Về phía Sở LĐ-TB&XH TPHCM, hàng năm đều tổ chức điều tra tình hình chi trả lương, thưởng của các doanh nghiệp. Đồng thời, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội về việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng để cung cấp, báo cáo thông tin cho Bộ LĐ-TB&XH. Đây cũng là cơ sở để tính toán, đề xuất Hội đồng tiền lương quốc gia trong việc điều chỉnh lương tối thiểu.

Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các ngành liên quan, trao đổi với các doanh nghiệp, kiến nghị xem xét, tăng lương, thực hiện các chính sách phúc lợi chăm lo cho người lao động.

Chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là “bệnh lưu hành”

Trước tình trạng người dân tự mua, tích trữ thuốc điều trị COVID-19, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, mới đây, Bộ Y tế đã cấp phép cho 3 công ty sản xuất thuốc điều trị COVID-19, năng lực sản xuất đạt khoảng 2 triệu viên/tháng. Sắp tới đây, Bộ Y tế cũng sẽ cấp phép cho hàng loạt công ty đáp ứng đủ điều kiện, do vậy, người dân không lo thiếu thuốc.

“Thời hạn sử dụng của thuốc điều trị COVID-19 tương đối ngắn nên việc tích trữ này không có lợi. Đồng thời đây là loại thuốc điều trị theo kê toa, theo đó, chỉ cấp, phát và có thể mua thuốc khi người bệnh đủ điều kiện. Ngoài ra, sau khi các công ty dược được cấp phép và sản xuất đồng loạt thì giá thành sản phẩm còn giảm đi đáng kể”, Chánh Văn phòng Sở Y tế nói.

Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai

Đối với việc tiến tới xem COVID-19 là một loại bệnh đặc hữu, bà Mai thông tin, tại báo cáo gửi Thủ tướng ngày 5/3, Bộ Y tế cho biết "bệnh lưu hành" còn được một số chuyên gia gọi là "bệnh đặc hữu", là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định.

Có 4 tiêu chí để đánh giá bệnh lưu hành gồm: Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể nhiễm trùng và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm hoặc một quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc có tính ổn định và có thể dự báo.

Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi COVID-19 trong tình trạng đại dịch và dự đoán có thể có các biến thể không lường trước được của virus SARS-CoV-2. Tình hình dịch bệnh tại nhiều nước trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Ở trong nước, tuy tỷ lệ bệnh nặng, tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số tử vong ghi nhận hàng ngày vẫn ở mức cao (trên dưới 100 ca/ngày). Con số này cao hơn cả số tử vong cao điểm hàng năm do bệnh dại hoặc dốt xuất huyết, sởi - những bệnh lưu hành có số tử vong cao hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.

Bộ Y tế cho rằng, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là “bệnh lưu hành”. Thay vào đó, ngành Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch; cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định coi COVID-19 là “bệnh lưu hành” ở thời điểm thích hợp.

Giai đoạn 2021 - 2025, chỉ tiêu diện tích nhà ở xã hội tăng thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng

Trả lời câu hỏi của PV báo chí về tiến độ xây dựng nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân, đại diện Sở Xây dựng cho biết, ngày 9/12/2021, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 4151/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021, 2022. Theo Kế hoạch này, giai đoạn 2021 - 2025, tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm tổi thiểu là 50 triệu m2.

Đại diện Sở Xây dựng TPHCM trả lời các câu hỏi của báo chí

Chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người đến năm 2025 tối thiểu 23,5 m2/người. Trong đó, ở khu vực trung tâm hiện hữu (quận 1 và quận 3) là 25,6 m2/người; khu vực nội thành hiện hữu (gồm 11 quận: 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú) là 22,5 m2/người; khu vực nội thành phát triển (quận 7, 12, Bình Tân và TP Thủ Đức) là 23,9 m2/người và khu vực 5 huyện ngoại thành (Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ) là 24,2 m2/người.

Riêng giai đoạn 2021 - 2025, chỉ tiêu diện tích nhà ở xã hội tăng thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng, trong đó diện tích sàn nhà ở xã hội cho thuê phấn đấu đạt tối thiểu 500.000 m2 sàn (chiếm tỷ lệ 20% tổng diện tích).

Rà soát, xem xét để xác định cụ thể tính chất vi phạm lấn chiếm hành lang sông

Về phản ánh của PV về thực trạng dọc bờ sông Sài Gòn đoạn qua đường Bình Lợi (quận Bình Thạnh), đường Nguyễn Văn Hưởng (thành phố Thủ Đức), đoạn qua phường Hiệp Bình Chánh (thành phố Thủ Đức), các nhà hàng, quán cà phê, công trình xây dựng đã lấn chiếm hết phần diện tích hành lang sông, người dân không còn hoặc còn rất ít khu vực có thể tiếp cận bờ sông, đại diện Sở Xây Dựng TP cho biết, tại Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND, UBND TP đã ban hành quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng thuộc địa bàn TPHCM.

Đại diện Sở Xây dựng TPHCM

Theo đó, Thành phố nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm, sử dụng đất bất hợp pháp, sử dụng đất không đúng mục đích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc những hành vi gây tác hại xấu, gây sạt lở, làm ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của các công trình xây dựng bảo vệ bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng; đồng thời phải tôn trọng và bảo vệ hiện trạng tự nhiên của bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng.

Tùy thuộc vào quy mô, mục tiêu sử dụng của kênh rạch, theo đó quy định khoảng không gian hành lang bảo vệ trên bờ của Sông Sài Gòn trong khoảng từ 30 - 50m.

Đại diện Sở Xây dựng TP

Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 5 của Quyết định 22/2017/QĐ-UBND, mọi tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất hợp pháp trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ, được quyền tham gia đầu tư xây dựng công trình theo đúng mục đích được quy định, phù hợp với quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, tùy điều kiện cụ thể từng khu vực quy hoạch, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét cho các tố chức, cả nhân thuê đất trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ có thời hạn để sử dụng theo đúng mục đích (bao gồm các điểm cà phê, giải khát ngoài trời, các điểm kinh doanh phục vụ du lịch, khu thể dục thế thao...), đảm bảo yếu tố bảo vệ bờ sông kết hợp với không gian cảnh quan trong tối đa 3 năm.

Do đó, để xác định cụ thể tính chất vi phạm tại các khu vực nêu trên, địa phương liên quan cần phối hợp với Sở GTVT, Sở QH&KT căn cứ vào các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt và các quy định hiện hành để rà soát, xem xét.

Phát triển không gian kè sông Sài Gòn được triển khai theo định hướng phát triển đồng bộ của TP

Liên quan đến vấn đề hành lang sông Sài Gòn, tại buổi họp báo, đại diện Sở QH&KT cho biết, việc phát triển không gian kè sông Sài Gòn hiện nay được triển khai thực hiện theo nhiều định hướng phát triển đồng bộ của TP, trong đó, cụ thể là Đề án phát triển kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông TPHCM, giai đoạn 2020 - 2045.

Theo nội dung Đề án, lộ trình trước mắt, trong giai đoạn 2020 - 2025, tập trung nghiên cứu đánh giá hiện trạng, nghiên cứu đề xuất các giải pháp về quy hoạch, định hướng các giải pháp cơ chế chính sách tổ chức thực hỉên. UBND TP đã ban hành Kế hoạch thưc hiện đề án cho giai đoạn 2020 - 2045.

Đại diện Sở QH&KT TPHCM

Sở QH&KT đang triển khai theo Kế hoạch này, bước đầu đang rà soát sơ bộ các đồ án quy hoach phân khu dọc sông. Việc quản lý phát triển khu vực sông Sài Gòn trải qua nhiều giai đoạn, hiện trạng phức tạp bao gồm các yếu tố nông thôn, đô thị, và dân cư phát triển nhanh. Do đó việc định hình phát triển khu vực sông Sài Gòn đang được chuẩn bi kỹ, trên cơ sở rà soát và đánh giá đúng hiện trạng, xác định các yếu tố hạn chế cần được giải quyết, các yếu tố tiềm năng cần được phát huy với mục tiêu đưa ra phương án quy hoạch, và giải pháp tổ chức thực hiên phù hợp với điều kiện thực tế, quản lý khai thác hiệu quả và bền vững quỹ đất, khuyến khích các nguồn lực tham gia, tiết kiệm ngân sách, phù hợp với quy định pháp luật.

Vân Anh - Huyền Mai - Linh Nhi