Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 24/1/2022
Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 24/1:
Xu hướng kiến trúc 5 huyện ở TPHCM thay đổi mạnh
Thông tin trên báo Pháp Luật TP, UBND TP vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc đánh giá thực trạng quy hoạch, kiến trúc nông thôn 5 huyện trên địa bàn.
Theo đó, huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè có tỷ lệ quy hoạch đô thị chiếm khá lớn, ranh giới giữa đô thị và nông thôn không rõ rệt, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa đảm bảo khi nằm xen cài trong đô thị. Kiến trúc nhà ở không có phong cách rõ ràng, không được lưu truyền để tạo thành bản sắc riêng, bức tranh tổng thể khu vực nông thôn không tạo nên được hình ảnh đặc trưng của vùng này.

Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chủ yếu tập trung trên địa bàn năm huyện tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, giá trị đất tại các huyện cũng tăng cao, người dân chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang lao động công nghiệp, kinh tế dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp... dẫn đến nhu cầu nhà ở cũng thay đổi.
Diện tích sân, vườn có xu hướng thu hẹp, diện tích nhà chính có xu hướng mở rộng, các thành phần chức năng có xu hướng hợp khối, bố cục không gian có sự biến đổi từ cấu trúc khuôn viên nhà truyền thống sang khuôn viên nhà ở đô thị như nhà vườn, nhà chia lô.
UBND TP cho rằng, để có một giải pháp toàn diện cho kiến trúc vùng nông thôn TPHCM, cần khoanh vùng xác định rõ khu vực phát triển đô thị và khu vực xây dựng nông thôn trong Đồ án Quy hoạch chung TPHCM. Hiện, UBND TP vừa ban hành kế hoạch xây dựng Đề án đầu tư - xây dựng các huyện (Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè) thành quận (hoặc thành phố thuộc TPHCM) giai đoạn 2021 - 2030.
Thi công xuyên Tết để đưa metro số 1 sớm về đích
Báo Pháp Luật TP cũng ghi nhận, hiện tại, công trường các gói thầu metro số 1 đang rất sôi động dù tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang tới gần. Năm nay, một số hạng mục của tuyến metro số 1 sẽ được thi công xuyên tết để đẩy nhanh tiến độ toàn dự án.

Một kỹ sư công trường ga Bến Thành cho biết, từ nay đến tết Nguyên đán, các công nhân vẫn tập trung vào cơ điện và kiến trúc. Đặc biệt, so với thời gian giãn cách xã hội thì công trường tuyến metro số 1 được gia tăng nhiều công nhân để đẩy nhanh tiến độ thi công. Điển hình, gói thầu CP1a (nhà ga Bến Thành và hầm đào hở Lê Lợi) hiện có tổng cộng hơn 400 công nhân thi công.
“Dự án đang được tích cực thi công song cũng phải đưa ra nhiều biện pháp đảm bảo phòng chống dịch”, kỹ sư này cho hay.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR), các hạng mục liên quan như kết cấu, kiến trúc của nhà ga trung tâm, ga Bến Thành, đã hoàn thiện. Nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ đắp trả mặt bằng phía trên nhà ga và đoạn đào hở Lê Lợi. Đoạn đào hở hiện nay đang chờ bàn giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc để thực hiện chỉnh trang.
Hiện tại, các gói thầu khác cũng đang tập trung hoàn thiện những hạng mục cuối. Riêng gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe) đang tập trung lắp cửa chắn ke ga PSD và lắp cấp điện trên cao cho đoàn tàu.
Nhiều điểm mới trong thi và xét điểm thi năng lực Đại học Quốc gia TPHCM
Thông tin trên báo Thanh Niên, Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM đã chính thức công bố thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022.
Theo đó, năm nay kỳ thi này được tổ chức 2 đợt vào ngày 27/3 và 22/5. Riêng đợt 2 được tổ chức sớm hơn các năm trước đó, trước một tháng diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong trường hợp thí sinh (TS) thi cả 2 đợt, điểm thi của đợt cao hơn sẽ được ĐH Quốc gia TPHCM sử dụng để xét tuyển.

Không chỉ điều chỉnh lịch thi, địa điểm thi cũng được mở rộng ra nhiều địa phương khác nhau. Đặc biệt ở đợt 1, kỳ thi dự định được tổ chức tại 17 địa phương gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ.
Đợt 2 tổ chức tại 4 địa phương: Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM, An Giang. So với năm ngoái, số lượng địa điểm tổ chức kỳ thi này tăng hơn gấp đôi.
Năm nay TS sẽ đăng ký xét tuyển cùng lúc với đăng ký dự thi, thay vì thực hiện 2 lần như các năm trước. Cụ thể, TS sẽ đăng ký dự thi đợt 1 và xét tuyển từ ngày 28/1 – 28/2, đợt 2 từ ngày 6/4 – 25/4.
Được biết, năm nay có khoảng 80 trường đại học và cao đẳng sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực do ĐHQG TPHCM tổ chức.
Công nhân, lao động TPHCM hào hứng đón "Tết sum vầy"
Báo Người Lao động đưa tin, sáng 23/1, chương trình "Tết sum vầy- Xuân bình an" do Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức đã diễn ra tại Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân). Tại đây, ngoài các hoạt động múa lân, ca nhạc, cắt bánh tét khai xuân, 500 gia đình công nhân - lao động có hoàn cảnh khó khăn còn được lãnh đạo UBND TP chúc Tết và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP tặng quà (mỗi phần gồm quà và tiền mặt trị giá 1 triệu đồng/suất).

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, cho biết, hiện tại, dịch bệnh tại TP đã được kiểm soát, song dịp tết năm nay vẫn còn nhiều công nhân, lao động có hoàn cảnh vô cùng khó khăn do bị mất việc hay các lý do khác nên không có điều kiện về quê sum họp cùng gia đình. Đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn đó, với phương châm "Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết", Tết này LĐLĐ TP sẽ tổ chức Chương trình "Tết Sum vầy" tại 53 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Đồng thời, chọn 6 đơn vị tổ chức chương trình cấp TP với số lượng người tham gia tăng hơn từ 4.000 hộ (năm 2021) lên 10.000 hộ gia đình công nhân.
Thông qua chương trình "Tết sum vầy", LĐLĐ TP mong muốn góp sức một phần cùng công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, đặc biệt có thêm điều kiện đón Xuân trong dịp Tết Nguyên đán. Qua đó, động viên người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Cũng trong sáng sáng 23/1, Công đoàn Cao su Việt Nam đã tổ chức chương trình "Tết sum vầy – Xuân bình an" năm 2022. Trong chương trình, lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) và Công đoàn Cao su đã trao 301 suất quà cho người lao động khó khăn của các đơn vị trực thuộc VRG tại TPHCM, Bình Dương và Bình Phước. Mỗi suất quà trị giá 1,3 triệu đồng.
Còn tại Nhà văn hóa Lao động huyện Bình Chánh, LĐLĐ huyện cũng đã tổ chức Chương trình "Tết sum vầy – Xuân bình an" cho 350 gia đình công nhân, lao động khó khăn, không về quê đón tết. Tại chương trình, 300 gia đình được LĐLĐ TP tặng 1 phần quà trị giá 1 triệu đồng và 50 gia đình được nhận phần quà trị giá 700.000 đồng từ LĐLĐ huyện.
Đưa hơn 1.000 sinh viên khó khăn về quê đón Tết
Vietnamplus cho biết, ngày 23/1, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP đã diễn ra Lễ tiễn sinh viên khó khăn về quê đón Tết trong chương trình “Chuyến xe mùa Xuân-Tết sum vầy” Xuân Nhâm Dần năm 2022 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP, Thành đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam TP phối hợp tổ chức thực hiện.

Điểm mới của chương trình “Chuyến xe mùa Xuân-Tết sum vầy” năm nay là được tổ chức theo hai hành trình. Theo đó, hành trình đưa sinh viên về quê đón Tết hỗ trợ miễn phí cho hơn 1.000 sinh viên khó khăn.
Các xe sẽ đưa sinh viên từ TPHCM về các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Hành trình đón sinh viên trở lại TP sau kỳ nghỉ Tết để nhập học, dự kiến hỗ trợ 1.000-1.500 sinh viên.
“Chuyến xe mùa Xuân” là chương trình được Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố khởi xướng và thực hiện thường niên từ năm 2002. Đến nay, đã có 56.925 sinh viên khó khăn được hỗ trợ về quê đón Tết.
Bến xe lớn nhất TPHCM đã có không khí Tết
Sau khi nắm được thông tin các địa phương bỏ quy định cách ly, nhiều người dân đã tới các bến xe ở TPHCM để mua vé về quê đón Tết sớm. Nhờ thế, bến xe Miền Đông, nơi được xem là bến xe lớn nhất TP, cũng bắt đầu nhộn nhịp không khí Tết. Nội dung trên báo Tiền phong.
Theo ghi nhận của PV, chiều tối 23/1 (tức 21 tháng Chạp), tại bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), khá đông người dân đến để mua vé về quê, các quầy bán vé luôn có khách đến hỏi.

So với những ngày trước đây, khu vực nhà ga chờ ra xe cũng đông hơn hẳn. Nhiều hành khách lỉnh kỉnh đồ đạc đến bến xe từ đầu giờ trưa để mua vé, nhưng sau 18h xe mới xuất bến nên họ phải ngồi chờ nhiều tiếng đồng hồ.
Lãnh đạo bến xe Miền Đông cho biết, lượng hành khách đến bến xe để mua vé về quê tăng nhanh trong hai ngày qua. Dự kiến lượng khách tăng cao nhất trong khoảng thời gian từ 23-27 tháng Chạp.
Bến xe đã chuẩn bị nhiều phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và đảm bảo phương tiện để phục vụ hành khách. Khi số lượng hành khách tăng đột biến, bến xe sẽ điều động phương tiện từ các tuyến ít khách để phục vụ cho các tuyến có nhu cầu cao, xe buýt cũng được tăng cường khi cần thiết.
Chợ lá dong lớn nhất TPHCM bắt đầu nhộn nhịp không khí Tết
Cứ khoảng 15 đến 29 tháng Chạp, khu chợ lá dong nằm tại ngã ba Ông Tạ, (trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình) lại tấp nập bày bán những bó lá xanh mướt và lạt gói bánh chưng. Những năm trước, số lượng lá dong bán ở chợ này có thể lên tới hàng chục vạn bó. Tuy nhiên năm nay do tình hình dịch bệnh nên nhiều tiểu thương dự đoán sức mua sẽ giảm so với mọi năm. Ghi nhận trên báo Tiền Phong.

Bà Nguyễn Thị Điệp (60 tuổi, trú tại huyện Đức Huệ, Long An) cho biết, sạp lá dong của mình đã tồn tại khoảng 30 năm. Năm nay do dịch bệnh nên hiện tại thời điểm này bà chỉ nhập khoảng 4.000 lá để bán trước; nếu sức mua của người dân tăng lên thì bà sẽ nhập thêm.
Trong khi đó, theo bà Hoàng Thị Thu (ngụ quận Tân Bình) - người có thâm niên buôn bán lá dong tại chợ Ông Tạ hơn 20 năm, lá dong thường được bó thành từng bó 50 lá và được chia thành 3 loại với mức giá khác nhau. Lá đại có giá 80.000 - 90.000 đồng/bó; lá nhất có giá 40.000 - 45.000 đồng/bó, lá nhỏ có giá 25.000 - 30.000/bó. Tuy nhiên, mức giá trên có thể thay đổi tùy vào sức mua của người dân trong vài ngày tới.
Cảnh sát kinh tế bắt lô thuốc trị COVID-19 chưa được cấp phép
Một thông tin khác trên Báo Pháp Luật TP, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03), Công an TP vừa phối hợp với các đơn vị liên quan phá đường dây mua bán 23.000 viên tân dược điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc.

Trước đó, Đội 7 - Phòng PC03 cùng nhiều lực lượng khác ập vào căn nhà trên đường Huỳnh Tấn Phát (thị trấn Nhà Bè) tạm giữ 22.800 viên thuốc tân dược điều trị COVID-19 các loại (gồm 1.000 viên thuốc Molnupiravir Capsules MOLNATRIS 200mg Mylan, 2.700 viên thuốc Molnupiravir 800mg Tablest MOLUZEN 800, 2.200 viên Molnupiravir 400mg Capsules MOLUZEN 400, 15.880 viên Molnupiravir Capsules 200mg Molaz, Azista, 1.000 viên Favipiravir Tablets 400mg, feravir-400, XENON).
Căn nhà nói trên do Trần Thanh Thảo (38 tuổi, quê Bến Tre) làm chủ.
Cơ quan chức năng nghi vấn một số thuốc bị phát hiện là hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và chưa được cấp phép lưu hành.
Số hàng có xuất xứ Ấn Độ này có giá trị khoảng 2 tỉ đồng. Vụ việc đang được điều tra làm rõ.