Trung tâm Báo chí TP.HCM và hành trình về nguồn đầy ý nghĩa
(HMC) - Thực hiện chỉ đạo của Chi ủy, Ban Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM và chương trình công tác đoàn năm 2025, ngày 21/3, Đoàn Thanh niên Trung tâm đã tổ chức chương trình về nguồn với chủ đề "Tuổi trẻ Trung tâm Báo chí TP.HCM tự hào, vững tin theo Đảng".

Chương trình là một trong các hoạt động hướng về kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025) và chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Hành trình về nguồn đầy ý nghĩa
Tại Công viên tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" (TP Tân An, tỉnh Long An), Đoàn cán bộ Trung tâm Báo chí TP. HCM do Bí thư Chi bộ, Giám đốc Nguyễn Đình Như Hương làm trưởng đoàn, cùng sự tham gia của toàn thể đảng viên, đoàn viên thanh niên đã dâng hoa, dâng hương, tưởng nhớ các Mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Ngay sau lễ dâng hoa, dâng hương, đoàn đã có buổi tham quan Công viên tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" tại TP. Tân An. Qua đó, tìm hiểu về lịch sử và ý nghĩa của tượng đài, nơi khắc ghi tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân Long An trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Công viên tượng đài được khánh thành năm 2010, với nhóm tượng người mẹ và chiến sĩ, cùng quần thể tượng "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" được điêu khắc công phu, thể hiện khí thế hào hùng của dân tộc.

Tượng đài mang hình dáng rồng thiêng vươn mình bay lên sau chiến thắng, biểu tượng cho tinh thần hướng về tương lai tươi sáng trên nền tảng quá khứ oai hùng.
Hình ảnh người chiến sĩ giải phóng và người mẹ Việt Nam khắc trên thân rồng thể hiện sự gắn bó giữa quân và dân. Bệ rồng tượng trưng cho con thuyền cách mạng do Đảng dẫn dắt, đưa nhân dân đến bến bờ thắng lợi.
Tái hiện lịch sử hào hùng qua các không gian trưng bày
Ngoài quần thể tượng mang giá trị nghệ thuật cao, Công viên tượng đài còn có khu nhà trưng bày với hai phòng: Phòng trưng bày hiện vật chiến tranh và không gian trưng bày 8 chuyên đề "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc". Phòng trưng bày hiện vật chiến tranh giới thiệu nhiều tài liệu, hình ảnh, hiện vật minh họa các giai đoạn chiến đấu của quân và dân Long An, từ phong trào Đồng Khởi, phá ấp chiến lược đến tổng tiến công Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.

Không gian trưng bày 8 chuyên đề tái hiện sinh động hoàn cảnh chiến đấu của cán bộ, nhân dân Long An bằng hệ thống hộp hình kết hợp đèn màu và âm thanh. Đây là lát cắt lịch sử quan trọng giúp Long An được tuyên dương tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ hai (1967), cùng với Củ Chi và Quảng Nam - Đà Nẵng.
Trong chuyến tham quan, đoàn viên, thanh niên Trung tâm xúc động trước những câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa. Đặc biệt, hình ảnh "cầu người" - khi các chiến sĩ lấy thân mình làm cầu vận chuyển thương binh - để lại ấn tượng sâu sắc về tinh thần đoàn kết và lòng hy sinh của quân và dân Long An. Đây là bài học quý giá về lòng yêu nước, giúp thế hệ trẻ hôm nay thêm tự hào và ý thức trách nhiệm trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.

Hành trình về nguồn tại Công viên tượng đài Long An không chỉ là dịp tri ân những thế hệ cha anh đi trước mà còn khơi dậy tinh thần, trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc trong mỗi cán bộ, đoàn viên thanh niên tiếp tục phát huy truyền thống, cống hiến cho sự nghiệp phát triển của thành phố và đất nước.