Tin tức

Nhiều giải pháp hỗ trợ cán bộ sau sắp xếp bộ máy

NGÔ BÌNH/Báo SGGP 08/07/2025 09:07

TPHCM đang triển khai nhiều giải pháp kết nối, hỗ trợ việc làm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách không tiếp tục công tác sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính.

Sắp xếp, bố trí linh hoạt

Cuối tháng 6, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh (47 tuổi), hoạt động không chuyên trách tại phường An Phú Đông, TPHCM vui mừng khi hay tin Trung ương quyết định tạm thời cho kéo dài việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đến trước ngày 31-5-2026.

H3a.jpg
Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Xuân Hòa (TPHCM) giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân trên cổng dịch vụ công

Có trình độ đại học chuyên ngành Công tác xã hội, gần 14 năm làm việc trong lĩnh vực giảm nghèo, lao động thương binh - xã hội, bà Trinh thuộc lòng các chính sách, quy định liên quan, quen thuộc với từng đầu việc. Có thời gian dài công tác, gắn bó với từng hộ gia đình, cá nhân hưởng chế độ chính sách trên địa bàn nên khi biết sẽ được kéo dài thời gian làm việc, bà khẳng định dốc hết tâm sức phục người dân và sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới nếu được bố trí tiếp tục công việc.

Cùng với việc kéo dài việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách, cuối tháng 6-2025 Chính phủ đã ban hành Nghị định 170 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Theo đó, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được tiếp nhận làm công chức khi đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn. Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện chung, người hoạt động không chuyên trách cấp xã phải có thêm điều kiện đủ 5 năm công tác trở lên, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, làm công việc có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận…

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch UBND phường Trung Mỹ Tây (TPHCM) cho biết, phường đã bố trí lực lượng không chuyên trách ở các phường cũ vào các vị trí đúng với chuyên môn, nghiệp vụ. Phường Trung Mỹ Tây có số dân hơn 126.000 người, theo quy định phường được bố trí tối đa 70 biên chế cán bộ, công chức. Theo ông Hoàng, người hoạt động không chuyên trách đa số có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và gắn bó với địa bàn. Do đó, Nghị định 170 quy định nhiều nhóm đối tượng thuộc diện tiếp nhận vào làm công chức, trong đó có người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Việc này nhằm tạo điều kiện để phường tiếp nhận nguồn nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm phục vụ người dân.

Phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao

Cùng với lực lượng hoạt động không chuyên trách dự kiến kết thúc nhiệm vụ, TPHCM tinh giản 20% biên chế hưởng lương từ ngân sách trong 5 năm tới. Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Bắc Nam cho biết, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp kết nối, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách sau sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính.

Trong đó, Sở Nội vụ đề nghị các đơn vị khẩn trương khảo sát năng lực, nhu cầu, định hướng nghề nghiệp; bổ sung đào tạo kiến thức, kỹ năng mềm và định hướng nghề nghiệp cho cán bộ; xác lập cơ chế thông tin hai chiều, tạo điều kiện để cung - cầu nhân lực gặp nhau hiệu quả. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức kinh tế thuộc phạm vi thành phố quản lý phối hợp tuyển dụng, kết nối hỗ trợ việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách và người lao động không tiếp tục nhiệm vụ do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính.

UBND TPHCM cũng đã phê duyệt Đề án hỗ trợ đào tạo nghề chuyển đổi nghề nghiệp; giới thiệu việc làm; mua, thuê mua nhà ở xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn. Theo đó, thành phố phát huy hiệu quả hệ thống hoạt động dịch vụ việc làm tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho các trường hợp thuộc diện sắp xếp rời khu vực công; hỗ trợ nhà tuyển dụng tiếp cận trực tiếp với các trường hợp thuộc diện sắp xếp để phỏng vấn, đánh giá năng lực và tiếp nhận vào các vị trí việc làm trống phù hợp. TPHCM còn có chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo nghề mới mức bình quân khoảng 5,6 triệu đồng/người, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại…

Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm với mức vay tối đa 300 triệu đồng/người, thời hạn vay tối đa 120 tháng và ngân sách thành phố hỗ trợ 100% lãi suất trong 5 năm đầu. UBND TPHCM nhận định chính sách này giúp giảm bớt tâm lý lo lắng của người lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc gắn kết với các hoạt động đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và phát triển kỹ năng. Ngoài ra, TPHCM có chính sách hỗ trợ mua, thuê mua nhà ở xã hội để góp phần ổn định tâm lý, đời sống và khuyến khích cán bộ trở lại vào thị trường lao động sau khi sắp xếp.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hiền, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, bên cạnh việc sắp xếp, bố trí công việc mới, TPHCM cũng tập trung giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách không tiếp tục công việc sau sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính.

Tính đến ngày 30-6, TPHCM đã giải quyết nghỉ hưu, nghỉ thôi việc theo Nghị định 178/2024 và Nghị định 67/2025 cho 2.081 người với số tiền 773,5 tỷ đồng. Thời gian tới Sở Nội vụ tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM ban hành nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động thôi việc sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa thành phố.

NGÔ BÌNH/Báo SGGP