Thông tin tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, TP Thủ Đức được thành lập theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (hiệu lực từ ngày 1/1/2021) trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức. Sau 60 ngày, TP mới phải hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy, không làm ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.
Triển khai Nghị quyết 1111, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 4764 ngày 29/12/2020. Theo Điều 2 của Quyết định này, TP Thủ Đức và các đơn vị hành chính sau sắp xếp sẽ chính thức hoạt động kể từ ngày 1/3/2021.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội; số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội. Trong khi đó, ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ được diễn ra vào ngày 23/5/2021.
Vì vậy, vừa qua, UBND TP đã có quyết định sửa đổi Điều 2 của Quyết định số 4764 và xác định thời điểm TP Thủ Đức (thuộc TPHCM), các phường thuộc TP Thủ Đức chính thức hoạt động kể từ ngày 22/1/2021.
Nhấn mạnh đây là thời điểm rất quan trọng đối với TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng, chúng ta đang chạy đua với thời gian để đưa các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể của TP Thủ Đức đi vào hoạt động theo đúng quy định pháp luật. Quá trình chuyển tiếp có gặp khó khăn nhưng dứt khoát không để công việc người dân, doanh nghiệp chậm trễ. Trong đó, đối với công việc của người dân thì vẫn phải xử lý bình thường, không từ chối bất cứ yêu cầu, nhu cầu của người dân khi đòi hỏi cơ quan chính quyền phải phục vụ.
Về tổ chức bộ máy, theo Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, các Phòng của UBND TP Thủ Đức là tổng hợp 3 phòng của 3 quận trước đây. Các Phòng có 1 Trưởng Phòng, vẫn giữ nguyên tổ chức bộ máy như cũ, vẫn sử dụng trụ sở như cũ và thực hiện các công việc như cũ.
UBND TP đề nghị các Trưởng Phòng phân công uỷ quyền cho các Phó Phòng (tạm gọi) phụ trách khu vực quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức trực tiếp sử dụng cán bộ công chức, cơ sở vật chất và chịu trách nhiệm thực hiện. Đối với cách bố trí này không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động của người dân và doanh nghiệp.
Tương tự, UBND TPThủ Đức sẽ có 1 Chủ tịch và một số Phó Chủ tịch, cấp phó có thể nhiều hơn theo quy định của Chính phủ. Chính quyền TP Thủ Đức sẽ giao các Phó Chủ tịch phải chịu trách nhiệm lĩnh vực mình phụ trách, kết hợp phụ trách khu vực được phân công trừ trường hợp thuộc thẩm quyền chung của UBND TP Thủ Đức và Chủ tịch UBND TP Thủ Đức.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan khẳng định, mục tiêu cuối cùng là có một bộ máy thống nhất, vận hành tốt theo quy định pháp luật. UBND TP Thủ Đức phải ban hành quy chế hoạt động và có sự phân công, phân cấp cụ thể để hoạt động trơn tru hơn trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh việc vận hành cơ chế mới, bộ máy mới thì vấn đề sử dụng con dấu ra sao để nhanh chóng, kịp thời trong công việc là bài toán đang đặt ra. Phó Chủ tịch UBND TP thông tin thêm, trong ngày hôm nay, HĐND TP Thủ Đức, UBND TP Thủ Đức, các phường sẽ có con dấu hoạt động. Riêng các Phòng thuộc UBND TP Thủ Đức thì vẫn chưa có con dấu do chưa bổ nhiệm lãnh đạo các Phòng.
Do đó TP Thủ Đức sẽ song song vừa sử dụng con dấu mới, vừa sử dụng con dấu cũ để đảm bảo xử lý công việc cho người dân và doanh nghiệp. Con dấu cũ được sử dụng nhưng có kiểm soát để tránh trường hợp bị lạm dụng, lợi dụng sử dụng những việc không đúng quy định pháp luật.
Ngày mai (23/1/2021), TP Thủ Đức sẽ tiến hành bổ nhiệm lãnh đạo các Phòng, nên con dấu cũ được cho phép sử dụng chỉ trong 2 ngày (hôm nay và ngày mai).
Hôm nay (22/1) đã diễn ra kỳ họp thứ nhất của HĐND TP Thủ Đức để bầu các chức danh của HĐND, UBND theo quy định. Kể từ kỳ họp thứ nhất của HĐND TP Thủ Đức, chính quyền địa phương của TP Thủ Đức chính thức hoạt động. Chính quyền quận 2, 9 và Thủ Đức sẽ kết thúc nhiệm vụ, quyền hạn và chuyển tiếp cho chính quyền TP Thủ Đức thực hiện.