Quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định với Nam bộ kháng chiến

14:04 21/11/2020

Ngày 21/11, Hội thảo khoa học “Nam bộ kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử” nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (23-9-2020) do Bộ Quốc phòng phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức tại TPHCM.

Nam bộ kháng chiến là trang sử oanh liệt tiêu biểu cho tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí quyết tâm, giữ vững nền độc lập của dân tộc ta. Những kinh nghiệm và bài học quý báu từ Nam bộ kháng chiến được tiếp nối, phát huy cao độ trong suốt những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước sau này. Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu bài tham luận của Thường trực Thành ủy TPHCM: “QUÂN VÀ DÂN SÀI GÒN - CHỢ LỚN - GIA ĐỊNH VỚI NAM BỘ KHÁNG CHIẾN”, tại hội thảo.

Chợ Bến Thành, Sài Gòn ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (23-9-1945). Ảnh: TƯ LIỆU
Chợ Bến Thành, Sài Gòn ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (23-9-1945). Ảnh: TƯ LIỆU

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta lần thứ hai. Với tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, đồng bào Nam bộ, nòng cốt là quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã đứng lên chiến đấu, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

1. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước nhà được độc lập, tự do; cuộc đấu tranh 15 năm đầy hy sinh, gian khổ của Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện, tổ chức đã thắng lợi, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam như bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Thế nhưng, chưa hưởng độc lập được bao lâu, đế quốc Pháp với tham vọng chiếm lại Việt Nam và Đông Dương đã có nhiều hành động khiêu khích ngang ngược và ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta lần thứ hai. Với tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, đồng bào Nam bộ, nòng cốt là quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã đứng lên chiến đấu, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

Ngày 2-9-1945, tại Sài Gòn, hơn 1 triệu người mít tinh với rừng cờ đỏ sao vàng và khẩu hiệu “Độc lập hay là chết” - câu khẩu hiệu được viết bằng 4 thứ tiếng. Thực dân Pháp dưới sự che chở của phái bộ Anh đã bắn vào phía quần chúng nhân dân đang chào mừng ngày lễ độc lập, làm nhiều người chết và bị thương. Đồng bào hết sức căm phẫn nhưng vẫn giữ được sự bình tĩnh, ai có nhiệm vụ biểu tình cứ tiếp tục, phận sự trấn áp địch đã có các chiến sĩ vũ trang và bán vũ trang, bọn khiêu khích bị đè bẹp nhanh chóng, ta bắt giam nhiều tên, nhưng sau đó, để giữ hòa khí với Pháp và Anh, ta đã thả hết bọn bị bắt ngay trong đêm cùng ngày. 

Tuy nhiên, quân Anh và Pháp tiếp tục vào Sài Gòn ngày càng đông, quân Pháp vừa khiêu khích, kích động, vừa gây rối, để tạo điều kiện cho phái bộ Anh vu cáo chính quyền cách mạng không giữ được trị an, đồng thời ra lệnh cho lính Nhật tước vũ khí, đòi chính quyền cách mạng giải tán các đơn vị tự vệ, đòi quân cách mạng phải rút hết ra khỏi thành phố, trao lại các bốt cảnh sát, rời khỏi trụ sở UBND Nam bộ để trao lại cho quân Pháp…

2. Ngay sau vụ khiêu khích của thực dân Pháp, Xứ ủy và Ủy ban lâm thời Nam bộ đã nhận định: Âm mưu tái xâm lược nước ta của thực dân Pháp đã rõ ràng. Không thể để “đầu rơi, máu chảy” và cũng không để bất kỳ một thế lực nào có thể ngăn cản được sức mạnh và khát vọng giữ vững “lời thề độc lập”, mọi biện pháp đối phó trước mắt, chuẩn bị kháng chiến đều đã được gấp rút triển khai. 

Sáng 3-9-1945, Ủy ban Hành chánh Nam bộ ra thông cáo vạch tội thực dân Pháp gây ra vụ khiêu khích, biểu dương thái độ của chính quyền, nhân dân “đã đối phó rất kiên quyết và anh dũng”, đồng thời cũng tỏ ra khoan hồng, “chứng tỏ cho Đồng minh ý chí hòa bình của chúng ta” và kêu gọi “đồng bào hãy giữ trật tự, yên tĩnh...”. Ngay trong đêm 4-9, công nhân thành phố đã kéo đến Tổng Công đoàn Nam bộ ở số 171, đường Kitchner (nay là đường Nguyễn Thái Học, quận 1) biểu dương lực lượng và tuyên thệ: “Là chiến sĩ Xung phong Công đoàn, xin thề trước bàn thờ Tổ quốc: Quyết cùng anh em lao động không nản chí trước khó khăn, không lùi bước trước nguy hiểm để cùng đồng bào bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn non sông”.

Để tỏ rõ thiện chí hòa bình đồng thời tranh thủ thời gian chuẩn bị, UBND Nam bộ đã có những hành động nhân nhượng đối với Phái bộ Đồng minh Anh trên nguyên tắc giữ vững chủ quyền độc lập của Việt Nam. Nhưng thực dân Pháp ngày càng có thêm những hành động khiêu khích và không giấu giếm ý đồ sẽ bạo loạn tại thành phố. Vào đêm 22, rạng 23-9-1945, quân Pháp đánh chiếm trụ sở của UBND Nam bộ, sau đó là trụ sở Quốc gia Tự vệ cuộc, đài phát thanh, bưu điện, các bốt cảnh sát ở trung tâm. Nơi nào quân Pháp nổ súng đánh chiếm cũng đều bị quân ta nhất loạt đứng lên chống trả quyết liệt, dù chỉ bằng vũ khí thô sơ…

Sáng 23-9-1945, một hội nghị được triệu tập khẩn cấp tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi). Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Sau đó, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ chỉ đạo thành lập Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn do đồng chí Nguyễn Văn Tư làm Chủ tịch, đồng chí Huỳnh Đình Hai và đồng chí Từ Văn Ri làm ủy viên. Trong sáng 23-9, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ - đồng chí Trần Văn Giàu phát lời kêu gọi: “Ngày 2-9 đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc: “Độc lập hay là chết”! Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già trẻ, trai gái hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược”. Lời kêu gọi được phát đi khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và cả Nam bộ, hàng vạn công nhân, thanh niên, viên chức… thay nhau phát tán lời kêu gọi kháng chiến đanh thép ấy. 

Đáp lời Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định lập tức tổng bãi công, bãi khóa, bãi thị, tản cư ra khỏi thành phố, triệt phá các đường tiếp tế lương thực của địch. Bên trong thành phố, các đội tự vệ bám sát các vị trí chiến đấu. Bên ngoài thì lực lượng vũ trang cách mạng siết chặt vòng vây, những trận chiến đấu anh dũng của quân và dân ta ở trụ sở UBND Nam bộ, ở đường Verdun, ở Ga xe lửa, cầu Ông Lãnh, chợ Bến Thành; cầu Marc Mahon (nay là cầu Nguyễn Văn  Trỗi)… gây cho địch nhiều thiệt hại. Đặc biệt là trận chiến đấu của một tiểu đội vũ trang bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ đã nêu cao tấm gương hy sinh chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Đến chiều 23-9, được sự hỗ trợ của quân Anh, thực dân Pháp chiếm một số mục tiêu quan trọng trong thành phố nhưng cũng chỉ là kiểm soát được từng khu vực, ban đêm lực lượng Cách mạng vẫn làm chủ thành phố. Tối 23-9, quân Anh và Pháp định vượt cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Thị Nghè ra khỏi Sài Gòn, đều bị quân ta chặn lại. Trong đêm, quân và dân Khánh Hội đã tiến công diệt bót thương khẩu, bót số 6 trên đường Jean Eudel (nay là đường Nguyễn Tất Thành), bắt tù binh, giải thoát được nhiều thanh niên bị Pháp bắt giam giữ ở đây. Đây cũng là trận đánh lớn nhất của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn trong ngày mở đầu cuộc kháng chiến ở Nam bộ.

Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ đã chỉ đạo các đơn vị vũ trang kìm chân địch không cho chúng lấn ra khỏi thành phố, tạo điều kiện cho các cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể và quần chúng sơ tán về nông thôn. Nhân dân thành phố thực hiện bất hợp tác với giặc: tất cả các công sở, nhà máy, hiệu buôn, chợ búa đều đóng cửa. Các nhà máy điện, nước đều bị phá. Các đơn vị tự vệ, công đoàn xung phong, có sự hỗ trợ của học sinh, sinh viên... đắp ụ chiến đấu chặn địch trên các ngả đường.

3. Cuộc chiến đấu của Đảng bộ, Nhân dân thành phố được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tán thành, kêu gọi cả nước hỗ trợ. Đáp lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 23-9-1945, cả nước dấy lên phong trào ủng hộ kháng chiến Nam bộ. Khắp các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ đều có “Phòng Nam bộ” để ghi tên những người tình nguyện vào Nam giết giặc. Những cán bộ và chiến sĩ ưu tú, vũ khí và đồ trang bị tốt lúc bấy giờ đều được dành cho “bộ đội Nam tiến”… Các đơn vị Nam tiến đầu tiên vào đến Sài Gòn kịp lúc ở đây đã hình thành các mặt trận tiền tuyến, góp thêm sức mạnh về tinh thần và bổ sung cán bộ, chiến sĩ cho cuộc chiến đấu của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn. Trong lúc tình hình miền Bắc hết sức căng thẳng, nạn đói chưa hoàn toàn dứt điểm và còn đe dọa, chính quyền cách mạng non trẻ bị uy hiếp nghiêm trọng bởi sự có mặt của 200.000 quân Tưởng, sự chống phá của bọn Việt quốc, Việt cách, tay sai của Tưởng thì việc quyên góp cho Nam bộ kháng chiến, những Thanh niên tình nguyện cho Nam bộ kháng chiến… là những sự kiện và hình ảnh hết sức cảm động, có sức cổ vũ, động viên rất lớn đối với Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn lúc bấy giờ.

Đảng bộ các tỉnh phụ cận cũng khẩn trương tổ chức lực lượng chi viện cho Mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhiều đoàn quân cách mạng từ các vùng nông thôn tiếp giáp tiến về Sài Gòn “chân đi không” với lời thề “giết hết quân xâm lăng”. Những cây tầm vông vạt nhọn xuất hiện khắp các ngả đường, xóm làng, phố chợ. Đó là thứ vũ khí phổ biến của quân dân Nam bộ trong những ngày đầu kháng chiến. “Ngọn tầm vông”, “chiếc nóp” đã đi vào lịch sử như một biểu tượng về tinh thần quyết chiến của Nhân dân Nam bộ trước họa mất nước.

Một tuần sau ngày, 23-9-1945, lực lượng của ta tổ chức lại thành 4 phòng tuyến chặn địch: Mặt trận tiền tuyến Miền Đông kéo dài từ cầu Thị Nghè qua cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Marc Mahon, chỉ huy sở đóng ở Gò Vấp do đồng chí Nguyễn Đình Thâu làm Chỉ huy trưởng. Mặt trận Bắc - Tây Bắc Sài Gòn chặn địch về hướng cầu Tham Lương, Hóc Môn do đồng chí Nguyễn Văn Tư chỉ huy. Mặt trận tiền tuyến Miền Tây chặn địch ra hướng Cầu Tre, Phú Lâm, Bình Điền do đồng chí Trần Văn Giàu, sau đó là đồng chí Nguyễn Lưu chỉ huy. Mặt trận phía Nam từ Bình Đăng kéo dài tới Thủ Thiêm do đồng chí Nguyễn Văn Trân, sau đó là đồng chí Dương Văn Dương chỉ huy.

Cuộc chiến đấu của quân và dân ta vào những ngày cuối tháng 9 thường diễn ra trên các trục lộ giao thông ven sông, chặn các cuộc hành quân của địch đánh lấn ra ngoài thành phố. Chỉ từ ngày 23 đến 29-9 ta đã phá hủy hàng trăm nhà kho, hàng trăm xí nghiệp, tàu xuồng, xe hơi, đầu máy xe lửa, triệt để thực hiện bao vây, vườn không nhà trống, triệt mọi phương tiện sinh hoạt, mọi nguồn lương thực, thực phẩm, triệt để bất hợp tác với kẻ thù xâm lược…

Cuối tháng 9-1945, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ họp tại Chợ Đệm, do đồng chí Trần Văn Giàu chủ trì, quyết định thành lập thêm 3 “mặt trận tiền tuyến vòng ngoài”: Mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Gia Định; Mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn; Mặt trận tiền tuyến phía Tây, Phú Lâm, Chợ Đệm. Ngoài ra ở Tây Bắc Sài Gòn còn có một trận tuyến từ cầu Tham Lương án ngữ cửa ngõ ra quốc lộ 1 lên Tây Ninh, thông sang Campuchia. Khi Sài Gòn lập ra các mặt trận tiền tuyến thì đơn vị Nam tiến đầu tiên đã đến được phía Bắc Sài Gòn và cùng tham gia chiến đấu... 

Được sự cổ vũ, động viên, giúp sức của cả nước, sau hơn một tháng chiến đấu anh dũng, chỉ bằng vũ khí thô sơ, quân và dân Nam bộ, nòng cốt là thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ “đi trước”, tiêu hao sinh lực, giam chân địch, làm thất bại bước đầu âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, thể hiện quyết tâm chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước của Nhân dân ta, tạo khoảng thời gian quý báu cho Trung ương Đảng và Nhân dân chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến toàn quốc. Đồng thời, cung cấp cơ sở thực tiễn cho Đảng ta xây dựng đường lối lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi cuối cùng. Những kinh nghiệm và bài học quý báu ấy được tiếp nối, phát huy cao độ trong suốt những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước sau này.

Theo SGGP

Tin cùng chuyên mục