Quốc hội cho ý kiến về xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng

14:30 15/08/2022

Các đại biểu cho rằng các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 15/8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Theo tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao; báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014, Luật Thủy sản số 18/2017/QH14, Luật số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính). 

Khoản 3, Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “Căn cứ quy định của luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.”

Như vậy, Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm vụ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Bên cạnh đó, thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng cho thấy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp.

Trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng.

Tại phiên họp, các đại biểu nêu ý kiến cho rằng các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Do vậy, việc ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là cần thiết.

Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh, Điều 1 và khoản 2 Điều 2 của dự thảo Pháp lệnh quy định phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh là xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của: Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, pháp luật về thủ tục bắt giữ tàu bay, tàu biển.

Uỷ ban Tư pháp tán thành với quy định nêu trên và nhận thấy, Cơ quan soạn thảo đã rà soát đầy đủ về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh.

Hiện nay, chỉ có ba luật tố tụng là Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính có Chương riêng và quy định cụ thể về các hành vi cản trở hoạt động tố tụng (trong đó, việc quyết định bắt giữ tàu bay, tàu biển thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng dân sự).

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngoài ra, các hoạt động khác của Tòa án nhân dân trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng là những hoạt động tố tụng của Tòa án.

Nhiều hành vi cản trở được quy định trong ba luật tố tụng đều đang xảy ra và gây cản trở, khó khăn cho Tòa án trong quá trình xem xét, quyết định các vụ việc nêu trên. Do đó, việc quy định phạm vi, đối tượng điều chỉnh như dự thảo Pháp lệnh là phù hợp…

Tại phiên họp, các ý kiến cơ bản đồng tình với dự thảo pháp lệnh; đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo (Tòa án nhân dân tối cao) và cơ quan chủ trì thẩm tra (Ủy ban Tư pháp) phối hợp cùng các cơ quan liên quan sớm hoàn chỉnh dự thảo pháp lệnh để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua và ban hành vào sáng 18/8/2022.

Trong quá trình hoàn chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan cân nhắc, làm rõ về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của pháp lệnh; tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, các yếu tố cấu thành các hành vi này, mức xử phạt bảo đảm phù hợp với tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, phù hợp với các luật, bộ luật liên quan, tham khảo thêm mức xử phạt trong một số nghị định của Chính phủ với một số hành vi có tính chất tương đồng trên nguyên tắc bảo đảm tính tôn nghiêm của hoạt động tư pháp trong khuôn khổ pháp luật quy định; rà soát đối tượng có hành vi cản trở hoạt động tố tụng để không bỏ sót đối tượng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất cơ bản với các quy định về xác định thẩm quyền và phân định thẩm quyền xử phạt và thống nhất bổ sung nội dung quy định giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng, có loại trừ một số trường hợp không thực hiện được.

Về mặt kỹ thuật lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp, Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật phối hợp rà soát kỹ, bảo đảm chặt chẽ về thuật ngữ, từ ngữ để nâng cao chất lượng văn bản./.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục