Liên quan đến việc bố trí các vùng đệm, điểm tập kết hàng hóa thay thế cho 3 chợ đầu mối tạm ngưng kinh doanh, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, qua thực tế kiểm tra và khảo sát thì nhu cầu nhập hàng của các thương lái để phân phối cho bạn hàng rất lớn.
Chợ đầu mối Hóc Môn, dù đã tạm ngưng hoạt động nhưng tiểu thương lớn vẫn đưa hàng rau củ quả về kinh doanh qua hình thức giao hàng trực tiếp cho các thương lái, mối quen, hàng không vào chợ, tập trung chủ yếu dọc theo hai bên tuyến đường Nguyễn Thị Sóc, quốc lộ 22 hướng từ ngã ba Chợ đầu mối về Bến xe An Sương và ngược lại (phương tiện vận chuyển từ các tỉnh giao trực tiếp cho các mối). Tại chợ đầu mối Thủ Đức, tiểu thương lớn vẫn đưa hàng về kinh doanh bán hàng trực tiếp trên các tuyến đường xung quanh như Ngô Chí Quốc, xa lộ Hà Nội.
Tương tự, tại chợ Bình Điền, các thương lái lớn chuyển hình thức kinh doanh sang giao hàng trực tiếp, và một số thương lái tập kết hàng dọc đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) để giao, nhận hàng, sản lượng rau củ quả, thủy hải sản.
Trước tình hình này, sở đã làm việc với TP Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục cho phép tiểu thương duy trì hoạt động, với điều kiện phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về an toàn phòng chống dịch, bạn hàng phải đặt hàng trước, rồi đến lấy hàng là đi ngay…
Mặt khác, các bên cũng đang tiến hành chọn các địa điểm phù hợp để tổ chức vùng đệm giao dịch hàng hóa có quy mô lớn nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy. Dự kiến trong ngày 9-7, TPHCM sẽ chọn xong địa điểm trung chuyển hàng hóa (chứ không phải điểm giao nhận) để đưa vào sử dụng ngay.
Ghi nhận chung về tình hình thị trường trước thời điểm TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, lượng hàng hóa về các kho bãi, các điểm tập kết hàng hóa xung quanh 3 chợ đầu mối đạt khoảng 900 tấn/ngày đêm. Theo đó, lượng hàng các thương lái lớn bán hàng qua kênh điện thoại, Zalo, giao hàng trực tiếp không về điểm tập kết ước khoảng 1.200 tấn/ngày đêm.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thú y, số lượng heo tiêu thụ trung bình khoảng 4.000 con/đêm, tương đương 300 tấn thịt, trong đó lò giết mổ Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) cung ứng hàng ra thị trường khoảng 1.916 con/đêm, tương đương 143,7 tấn thịt.
Về sức mua, theo ghi nhận của PV Báo SGGP, ngày 8-7, người dân tiếp tục đi mua sắm tại các siêu thị rất đông, khiến cho việc cung ứng một số mặt hàng như rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm các loại tại một vài thời điểm trong ngày bị gián đoạn.
Trước tình hình này, các siêu thị đã liên tục phát loa thông tin, siêu thị sẽ mở cửa bán hàng liên tục trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, đồng thời cam kết cung ứng đầy đủ nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, do vậy khách hàng không cần mua quá nhiều hàng hóa trong cùng một lúc, làm ảnh hưởng đến khả năng đưa hàng lên kệ của siêu thị.
Tính đến 15 giờ ngày 8-7, sức mua tại nhiều hệ thống tăng bình quân 30%-50% và tăng gấp 2 lần so với ngày thường. Các mặt hàng có mãi lực tăng cao chủ yếu tập trung vào ngành hàng tươi sống là rau củ quả, thịt cá, trái cây.
Liên quan vấn đề cung ứng hàng hóa, căn cứ Văn bản 5389 của Bộ Y tế về việc tiếp nhận đối với người từ TPHCM về địa phương quy định “tất cả người về từ TPHCM phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong vòng 7 ngày kể từ ngày về địa phương”, đã gây khó khăn cho một số đơn vị có kho nằm ở tỉnh lân cận, Sở Công thương TPHCM kiến nghị cần hướng dẫn rõ ràng là hàng hóa của địa phương nào thì có hướng dẫn, phân bổ địa điểm xét nghiệm cụ thể trên địa bàn của từng tỉnh, thành đó.
Tốt nhất nên tổ chức xét nghiệm tại các trạm kiểm soát để chủ động xử lý các trường hợp phát sinh đột xuất. Thống nhất chỉ cần yêu cầu xét nghiệm nhanh (thời gian hiệu lực 3 ngày) và có hiệu lực lưu hành 3 ngày.