Tham dự có Ủy viên BTV Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh; Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm; Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hồng Quân; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng; Phó Giám dốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hoài Nam; Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Nguyễn Thanh Thúy; đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP; Công an TP; Bộ Tư lệnh TP và đại diện 30 cơ quan báo chí tham dự tại các phòng họp trực tuyến của Trung tâm Báo chí.
991.872 người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19
Báo cáo về hoạt động phòng chống dịch trong ngày 13/7, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết: có 16.346 trường hợp mắc COVID-19 phát hiện tại TPHCM đã được Bộ Y tế công bố. Hiện đang điều trị 15.647 bệnh nhân dương tính mới, trong đó có 224 bệnh nhân nặng đang thở máy (08 trường hợp cần can thiệp ECMO).
Về công tác xét nghiệm, từ 26/5 đến hết ngày 12/7/2021 đã lấy 1.873.731 mẫu xét nghiệm RT-PCR (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao,...) và 978.805 mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Công tác giám sát, sàng lọc người có triệu chứng hô hấp đến cơ sở khám chữa bệnh; giám sát các nhóm nguy cơ và tầm soát các nhóm nguy cơ cao được tiếp tục tăng cường triển khai.
Về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, qua 04 đợt tiêm, tổng số lượt người đã được tiêm là 991.872 người, trong đó có 943.215 mũi 1 và 48.657 mũi 2. Trong thời gian tới, TP sẽ tổ chức đợt tiêm chủng với hơn 1,1 triệu liều vừa được Bộ Y tế phân bổ.
Cung cấp thông tin nhanh về truy vết các ca dương tính với SARS-CoV-2 mới phát hiện, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm cho hay, từ 06 giờ ngày 12/7 đến 6 giờ ngày 13/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) ghi nhận 1.602 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, phần lớn là khu vực cách ly và khu vực phong tỏa, có 08 trường hợp phơi nhiễm nghề nghiệp, 03 trường hợp phát hiện khi tầm soát cộng đồng, 138 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện và 96 trường hợp đang điều tra bổ sung thông tin.
TPHCM hiện có 14 khu cách ly tập trung, 19 bệnh viện dã chiến đang hoạt động, 5 bệnh viện đang được thiết lập, đưa tổng quy mô giường bệnh hiện có lên khoảng 50.000 giường.
Các giải pháp hiện nay chưa có tiền lệ, được cân nhắc và lựa chọn theo tình hình thực tế
Liên quan đến kế hoạch triển khai cách ly F1, F0 tại nhà, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, các giải pháp hiện nay đều chưa có tiền lệ, việc cân nhắc và lựa chọn giải pháp để triển khai là tùy thuộc vào tình hình thực tế. Việc triển khai cách ly F1, F0 tại nhà cần tuân thủ nghiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân. Ngoài những tiêu chí, yêu cầu của Bộ Y tế, tùy diễn biến dịch bệnh trên địa bàn TPHCM, Sở Y tế sẽ tham mưu và đề xuất cụ thể với UBND TP để có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp.
Hiện nay, ngành Y tế TP đang tập trung công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 bởi số lượng bệnh nhân COVID-19 tăng cao mỗi ngày. Tuy nhiên, công tác chăm sóc, khám và điều trị cho các bệnh khác cũng vẫn được quan tâm. Tại TPHCM có 40 - 60% bệnh nhân ngoại tỉnh đến TP điều trị nội trú và ngoại trú, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã làm giảm số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Trong điều kiện diễn biến dịch bệnh phức tạp, ngành Y tế triển khai các tổ, đội cấp cứu đến tại nhà để đảm bảo dịch vụ y tế kịp thời cho người dân.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng, việc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là điều kiện cần để tạo môi trường thuận lợi nhằm tăng cường và siết chặt các giải pháp khác, nhất là việc truy vết và tìm ra các F0 tiềm ẩn trong cộng đồng. Cùng với đó, ngành Y tế thực hiện đẩy mạnh chiến dịch xét nghiệm mở rộng và tầm soát trong cộng đồng có trọng tâm, trọng điểm.
Triển khai cung cấp số điện thoại đầu mối tại các siêu thị, cửa hàng để tiếp nhận phản hồi kịp thời về đơn hàng online
Trả lời câu hỏi của các PV về hoạt động cung ứng hàng hóa trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, lượng lương thực thực phẩm chuyển về TP trong ngày hôm nay đạt khoảng 1.900 tấn, tăng 100 tấn so với ngày 12/7, trong đó chủ yếu là thực phẩm tươi sống.
TP Thủ Đức đã triển khai xong điểm tập kết trung chuyển hàng hóa tại 2 bãi container của chợ đầu mối Thủ Đức để đưa hàng hóa về cho các chợ truyền thống. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, điểm tập kết chỉ là nơi trung chuyển hàng hóa, các thương nhân liên lạc thông tin qua điện thoại và không phát sinh giao dịch tại bãi tập kết. Đồng thời, tất cả những người có liên quan đến hoạt động tại điểm tập kết như lái xe, người bốc xếp…đều được xét nghiệm và kết quả âm tính với COVID-19, được kiểm soát chặt chẽ trước khi ra/vào.
Theo Sở Công Thương, trong ngày 12/7, có 68/234 chợ truyền thống còn hoạt động và 4 siêu thị tạm ngừng hoạt động; riêng hôm nay (13/7) còn 59 chợ truyền thống hoạt động và 6 siêu thị tạm ngừng hoạt động. Những ngày qua, hệ thống phân phối hiện đại phải tăng 1,5 - 5 lần so với trước đây.
Để khắc phục khó khăn về kênh phân phối, Sở đã vận động nguồn lực hỗ trợ từ doanh nghiệp. Trong đó, Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Việt Nam Post) đã hỗ trợ bằng cách đưa các bưu cực ở địa phương trở thành điểm bán hàng lưu động. Cụ thể, Viettel Post hỗ trợ 34 điểm bán, Việt Nam Post dự kiến đăng ký 200 điểm bán. Sở Công thương phụ trách đưa hàng hóa tới điểm bán để phục vụ người dân.
Ngoài ra, Sở phối hợp với các doanh nghiệp logistic tổ chức bán hàng lưu động. Trong ngày hôm nay đã tổ chức 24 điểm bán với 30 lượt xe, chủ yếu cung cấp hàng hóa thiết yếu cho các địa bàn gặp khó khăn về hệ thống phân phối.
Giải đáp về tình trạng nhu cầu mua hàng online rất cao nhưng đáp ứng lại rất hạn chế, một số siêu thị sau nhiều ngày mới giao hàng hoặc báo hủy đơn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho hay, phần mềm đặt hàng online tại các siêu thị vẫn hoạt động bình thường, vấn đề ở đây chính là sự thiếu hụt lực lượng nhân viên phụ trách các đơn hàng online do một số siêu thị có liên quan đến ca COVID-19 phải tạm ngừng hoạt động và các địa phương đang siết chặt giãn cách nên việc nhân công đi lại khó khăn…
Để khắc phục tạm thời tình trạng này, Sở đã triển khai cung cấp số điện thoại đầu mối tại các siêu thị, cửa hàng về các địa phương để tiếp nhận phản hồi kịp thời. Đồng thời, triển khai bán các mặt hàng thiết yếu theo hình thức Combo giúp thuận lợi hơn cho việc mua hàng và giao hàng.
Riêng phương án mở cửa lại các chợ truyền thống để giảm tải nhu cầu hàng hóa tại các siêu thị, theo ngành Công Thương, chợ truyền thống có lượng hàng hóa và số người giao dịch rất lớn, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, khó kiểm soát. Vì vậy, căn cứ theo tình hình thực tế tại địa phương, các quận - huyện sẽ chủ động quyết định tạm dừng hoặc mở cửa trở lại các chợ truyền thống theo hướng đảm bảo các tiêu chí về an toàn phòng chống dịch bệnh.
Ngành Công Thương đề nghị các địa phương xem xét tận dụng cơ sở vật chất tại các chợ truyền thống đang ngừng hoạt động để bố trí cho 2-10 tiểu thương buôn bán giãn cách. Các tiểu thương này phải có kinh nghiệm, năng lực kinh doanh thực phẩm tươi sống và có xét nghiệm âm tính với COVID-19. Người dân sẽ được phát phiếu mua hàng theo giờ, không tiếp xúc trực tiếp với tiểu thương để đảm bảo phòng chống dịch.
Các chốt kiểm soát không phải là phong tỏa
Liên quan đến việc gỡ các chốt kiểm soát nội thành, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết, sau 5 ngày áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, lượng phương tiện tham gia giao thông giảm hơn 70%. Sở đã phối hợp tạo luồng xanh với 19 tỉnh Nam bộ và Tây Nam bộ, cấp nhận diện cho khoảng 19.000 phương tiện ra vào TP.
Sở cũng ghi nhận lượng hàng hoá ra vào các cảng biển khoảng 45.000 tấn/ngày, 228.000 tấn/ngày đối với hàng hoá đường thuỷ. Nhìn chung, lượng hàng hoá không giảm so với trước đây, cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu của TP đảm bảo thực hiện được “mục tiêu kép”.
Hiện nay, TP vẫn triển khai 12 chốt kiểm soát nghiêm ngặt tại các cửa ngõ ra/vào TP. Các chốt nội thành giao cho các quận - huyện linh hoạt bố trí và có phương pháp kiểm tra phù hợp, áp dụng thêm tuần tra đột xuất.
Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm nhấn mạnh, các chốt kiểm soát không phải là phong tỏa, mà là để kiểm tra và hạn chế việc người dân ra khỏi nhà khi không cần thiết.
Trao đổi thông tin với báo chí giúp các Sở-ngành, địa phương hoàn thiện, linh hoạt các giải pháp
Phát biểu tại cuộc họp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng công tác chống dịch lần này của TP chưa có tiền lệ, các giải pháp đều xuất phát từ thực tiễn. TP cần lắng nghe dư luận để hoàn thiện và bổ sung các giải pháp, cùng nhau hợp lực hợp sức để sớm kiểm soát được dịch bệnh.
“Vì chưa có tiền lệ nên đôi lúc chúng ta lúng túng, chưa mạch lạc, phối hợp chưa tốt. Tuy nhiên, trên tinh thần cầu thị, thông qua các nội dung phản ánh từ báo chí, các cơ quan đơn vị đã rút kinh nghiệm và triển khai khắc phục kịp thời”, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê bày tỏ.
Trong giai đoạn này, việc trao đổi với báo chí là cần thiết để các Sở - ban - ngành và địa phương có thêm sự linh hoạt, công tác chuẩn bị hoàn thiện hơn và đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn.
Nhấn mạnh đến các tuyến bài cổ vũ, ca ngợi các nghĩa cử, hành vi, việc làm tốt từ các tổ chức, doanh nghiệp đến các thành phần trong xã hội, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng, với sự hưởng ứng, đồng hành của truyền thông báo chí đã góp phần tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích để người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, chia sẻ với chính quyền và Đảng bộ TP trong việc tự giác, hợp tác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Đồng thời mong muốn: “Còn 10 ngày tiếp theo của khoảng “thời gian vàng”, báo chí truyền thông tiếp tục đồng hành cùng TP, đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa, nâng cao hơn nữa nhận thức của mọi công dân nhằm phát huy hiệu quả công tác chống dịch, để TP sớm trở lại bình yên, tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, khôi phục và phát triển kinh tế”.
"Ưu tiên phòng chống dịch lên hàng đầu, sức khoẻ, tính mạng của người dân được đặt lên trên hết"
Phát biểu kết luận tại họp báo, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi trân trọng cảm ơn các nhà báo, phóng viên trong suốt thời gian qua đã kịp thời đưa tin để người dân Thành phố và cả nước hiểu hơn về tình hình dịch bệnh, cùng những nỗ lực của TPHCM. Thông qua họp báo, các phóng viên đã có những góp ý xác thực, ý nghĩa, giúp lãnh đạo TP kịp thời điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phòng, chống dịch.
Cùng với đó, sau 5 ngày triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn TP, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP đánh giá cao và trân trọng cảm ơn nhân dân TP đã đồng tình, ủng hộ và chấp hành nghiêm các quy định.
Thay mặt lãnh đạo TP, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi cũng trân trọng cảm ơn các tỉnh thành và đồng bào cả nước đã quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần cho TPHCM trong nhiều ngày qua. TP vô cùng trân quý, ghi nhận và biết ơn nghĩa tình, sự nhân văn đó.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, từ khi thực hiện Chỉ thị 16, TP đã tập hợp các dữ liệu một cách có hệ thống. Trên nền dữ liệu này, TP tiến hành phân tích số ca dương, diễn biến của dịch bệnh. Đây chính là cơ sở để Ban chỉ đạo đề ra các biện pháp phòng, chống dịch. Hiện tại, TP đang tập trung tầm soát F0 có trọng tâm trọng điểm, tách F0 khỏi cộng đồng nhanh nhất có thể. Đồng thời, tập trung cho công tác tiêm vắc xin; tiến hành cách ly, thu dung điều trị F0 và tập trung các nguồn lực điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng hoặc diễn biến nặng.
Về những tình huống có thể xảy ra sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cho biết, TP dự đoán sẽ có 3 tình huống.
Thứ nhất, dịch bệnh được kiểm soát, TP thực hiện điều chỉnh giải pháp phòng, chống dịch theo thực tế.
Thứ hai, dịch bệnh chưa được kiểm soát, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường ở một số địa bàn.
Thứ ba, dịch gia tăng mạnh, TP đã tính đến tình huống phải siết chặt phong tỏa và đề xuất với Trung ương để quyết định giải pháp phù hợp.
Dù tình huống nào xảy ra, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ nhấn mạnh, chúng ta vẫn phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và triệt để yêu cầu 5K, nhất là khoảng “thời gian vàng” này. Các cơ quan chức năng, lực lượng công tác trực tiếp tham gia phòng chống dịch phải thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ để đạt hiệu qủa cao nhất. Nhằm đạt được kết quả cao nhất, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ mong rằng, người dân TP, các cấp, các ngành, tổ chức tiếp tục chung sức, đồng lòng thực hiện tốt các quy định trong 10 ngày còn lại.
Trong thời gian tới, TP sẽ rà soát các kế hoạch, phương án nhằm đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá, cơ sở vật chất, trang thiết bị điều trị, hỗ trợ cho những người đang khó khăn,…
TP luôn đặt ưu tiên phòng chống dịch lên hàng đầu, sức khoẻ, tính mạng của người dân được đặt lên trên hết. Do đó, việc duy trì sản xuất trong điều kiện phòng chống dịch phải đảm bảo nguyên tắc “nơi nào an toàn mới tổ chức sản xuất”.