Tham dự có lãnh đạo các các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành trong cả nước. Tại điểm cầu TPHCM có Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức và đại diện các Sở - ngành, đơn vị, các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Dù đã có vắc xin và trên thế giới cơ bản có giảm số ca mắc mới và người tử vong (giảm 4%) nhưng diễn biến của dịch Covid-19 trở nên phức tạp hơn. Trong nước đang xuất hiện 04 ổ dịch (Hà Nam, Yên Bái, Hà Nội, Đà Nẵng).
Đợt dịch này có nhiều yếu tố phức tạp hơn, có dấu hiệu đã có mầm bệnh trong cộng đồng, trong khi tiếp tục đón người nhập cảnh và không ngoại trừ nhập cảnh trái phép từ các nước đang có dịch. Bên cạnh đó, xuất hiện biến chủng virus mới lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và nặng hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, khi xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng tại Hà Nam, toàn bộ hệ thống, đặc biệt các lực lượng phòng chống dịch tại nhiều địa phương đã tập trung truy vết, cách ly, khoanh vùng, vì vậy, mặc dù tình hình còn rất phức tạp, những ngày tới có thể thêm một số chùm ca bệnh, nhưng cơ bản đến nay vẫn đang được kiểm soát. Chúng ta cần phải quyết tâm cao hơn, đặc biệt không để dịch bệnh thẩm thấu từ người nhập cảnh trái phép, không để dịch bệnh tấn công chúng ta từ cả 2 mũi.
Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị khởi động lại toàn bộ hệ thống phản ứng nhanh, nhất là mô hình Tổ Covid-19 cộng đồng. Trong đó, nguyên tắc quan trọng là “phát hiện – cách ly – dập dịch – điều trị” và tiếp tục duy trì trạng thái “bình thường mới”. Đồng thời, đẩy mạnh, tuyên truyền, vận động người dân khai báo kịp thời khi có người nhập cảnh trái phép; kiểm soát chặt chẽ việc quản lý người nhập cảnh và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, các đối tượng tổ chức đường dây nhập cảnh trái phép…
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu kiện toàn và tái kích hoạt tổ thông tin đáp ứng nhanh của BCĐ quốc gia, làm nhiệm vụ giúp Ban chỉ đạo, Bộ Y tế phân tích thông tin, dữ liệu, ý kiến chuyên gia; thiết lập cơ chế giám sát các đối tượng nhập cảnh, đối tượng cách ly trong suốt quá trình từ khi nhập cảnh đến hết giai đoạn cách ly, theo dõi y tế sau cách ly, đồng thời xác minh những thông tin khó mà bằng phương pháp truy vết thông thường không giải quyết được.
Các Bộ - ngành, địa phương tập trung rà soát, sẵn sàng phương án, kịch bản đối phó trong trường hợp có 30.000 người nhiễm để chủ động chuẩn bị các điều kiện cách ly, xét nghiệm, điều trị, nhất thiết không để bị động và quan trọng phải chủ động phòng, chống dịch không để tình huống, kịch bản đó xảy ra.
Chỉ ra một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, không chỉ nguy cơ từ nhập cảnh trái phép, hiện nay xuất hiện nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ các khu cách ly tập trung. Điều này đòi hỏi phải tăng cường công tác giám sát và phải “giám sát người giám sát”. Nếu khu cách ly nào để xảy ra trường hợp lây nhiễm, người đang cách ly vi phạm quy định thì xem xét xử lý nghiêm cả người quản lý và người đang cách ly.
“Những ca mắc bệnh mới vừa qua có lý do khách quan và cả chủ quan. Đây không phải lúc nói về trách nhiệm, nhưng cần làm rõ và thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác phòng dịch, môi trường cách ly, quản lý cách ly chưa nghiêm” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định lại, để duy trì được trạng thái bình thường mới, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, ngành Y tế, chính quyền địa phương thì mỗi người dân cần phải tự giác, ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình thông qua việc thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, nhất là đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Mỗi đơn vị, cơ sở tự đánh giá và rà soát các tiêu chí an toàn để chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
TPHCM đảm bảo công suất xét nghiệm đến 40.000 mẫu đơn trong 24 giờ
Tính đến nay, có 264 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM, bao gồm 69 trường hợp nhiễm trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 26,2%), 191 trường hợp nhập cảnh (chiếm tỷ lệ 72,3%), 04 trường hợp lây trong khu cách ly VNA (1,5%). Trong ngày 06/5, có 03 trường hợp nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2 đều là người nhập cảnh đã được cách ly tập trung. 240 trường hợp điều trị khỏi, chiếm tỷ lệ 90,9%.
Trước tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, UBND TP đã khẩn trương chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm chủ động ngăn chặn, kiểm soát không để nguồn bệnh xâm nhập và lây lan, đồng thời sẵn sàng năng lực ứng phó khi phát sinh dịch bệnh.
Trong đó, khẩn trương điều tra, truy vết, khoanh vùng xử lý triệt để khi phát hiện ca bệnh tại TP và những trường hợp liên quan tới các ca bệnh của địa phương khác đang có mặt tại TPHCM. Triển khai các yêu cầu nghiêm ngặt trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh như tạm dừng hoạt động các cơ sở dịch vụ không thiết yếu, các hoạt động diễn ra trong không gian kín hoặc tập trung đông người; thực hiện nghiêm 5K, xử phạt nghiêm hành vi không đeo khẩu trang…
Tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất việc thực hiện và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại cơ sở lao động, sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chợ, trung tâm thương mại, bến xe, cơ sở giáo dục, cơ sở cách ly tập trung… để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những vấn đề thiếu sót, sai phạm.
Đối với giai đoạn sau nghỉ lễ khi người dân từ các nơi trở về, TPHCM đã triển khai ngay các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa nguồn bệnh xâm nhập vào TP, song song với tiếp tục tổ chức giám sát thường xuyên nhằm phát hiện sớm nguồn bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng.
Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo năng lực ứng phó cho tình huống dịch lan rộng như: triển khai thêm 04 khu cách ly tập trung của TP, nâng tổng công suất toàn TP lên trên 10.000 giường; dự trữ đầy đủ sinh phẩm, test kit xét nghiệm (40.000 test sẵn có và 50.000 test chuẩn bị mua thêm); phối hợp giữa cơ sở y tế của TP và Trung ương trên địa bàn TPHCM đảm bảo công suất xét nghiệm (15.000 mẫu đơn trong 24 giờ, khi cần thiết có thể huy động lên đến 30.000 – 40.000 mẫu đơn); sẵn sàng triển khai ngay phương án tổ chức điều trị cho 50 - 100 người bệnh Covid-19, dự trù sẵn kế hoạch đảm bảo điều trị cho 100 - 200 người bệnh và nhiều hơn.
Về tiêm vắc-xin phòng Covid-19, đã có 59.260 người thuộc đối tượng ưu tiên (nhân viên y tế, nhân viên thực hiện cách ly tập trung, nhân viên sân bay) được tiêm, đảm bảo chất lượng, an toàn và đúng tiến độ quy định, hoàn tất tiêm vét mũi 1 trước ngày 15/5, đạt tỷ lệ tiêm 98%.
Rà soát, hoàn thiện kế hoạch đáp ứng với các cấp độ dịch Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều địa phương đã có ca bệnh trong cộng đồng như Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Bình..., một số bệnh viện cả tuyến Trung ương và địa phương đã có tình trạng lây chéo trong người bệnh và nhân viên y tế; sự biến chủng của SARS-CoV-2..., Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; nâng cao năng lực xét nghiệm đáp ứng nhu cầu cho mọi tình huống xảy ra.
Đặc biệt, các Bệnh viện trực thuộc Bộ, Bệnh viện trực thuộc trường Đại học, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Y tế các ngành chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khẩn trương triển khai thực hiện 8 biện pháp theo yêu cầu tại công văn số 3775/BYT-KCB của Bộ Y tế.
Trong đó, Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch của Bệnh viện, Sở Y tế để đáp ứng với các cấp độ dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 phương châm 4 tại chỗ, trong đó có phương án mở rộng cơ sở điều trị, huy động nguồn lực để kịp thời ứng phó: nhân lực, phương tiện phòng hộ cá nhân, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu để đáp ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên đánh giá bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống Covid-19; Kiên quyết đóng cửa, tạm dừng hoạt động cũng cơ sở không đạt tiêu chuẩn; xem xét xử lý kỷ luật các cơ sở không chấp hành quy định.
Tổ chức nghiêm công tác sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh ngay từ khi đến cổng/cửa tiếp đón của cơ sở khám chữa bệnh
Hạn chế tối đa người nhà, người thân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hạn chế nhập viện nội trú khi không thực sự cần thiết. Rà soát bố trí khoa, phòng; quy trình khám, chữa bệnh hợp lý...
Các Bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh tiếp tục rà soát, củng cố năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để đáp ứng với các tình huống dịch. Định kỳ tổ chức xét nghiệm Covid-19 ngẫu nhiên cho nhân viên y tế và người bệnh
Với người bệnh mắc bệnh mạn tính, đã điều trị ổn định, thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú từ 1 đến 3 tháng, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh theo kê đơn thuốc cho đến lịch tái khám dự kiến tiếp theo.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạn chế chuyển tuyến, chỉ chuyển bệnh nhân tới bệnh viện tuyến cuối khi có diễn biến nặng vượt quá năng lực kỹ thuật của bệnh viện.
Giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo toàn bộ nhân viên nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh Covid-19: thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, các biện pháp phòng hộ cá nhân…