Tăng cường quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm

17:33 10/01/2020

(HMC) - Với mục tiêu tăng cường công tác truyền thông, hướng đến nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh, chế biến và người tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn Thành phố hiểu đúng và thực hành đúng về an toàn thực phẩm (ATTP); thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện các vấn đề liên quan đến ATTP; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và tập trung triển khai có hiệu quả các Chương trình, Đề án đảm bảo ATTP, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác quản lý Nhà nước về ATTP năm 2020.

Cán bộ Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra trái cây, hóa đơn mua bán tại Chợ nông sản Thủ Đức/TTXVN
Cán bộ Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra trái cây, hóa đơn mua bán tại Chợ nông sản Thủ Đức/TTXVN

Kế hoạch đề ra 06 mục tiêu cụ thể. Trong đó, hướng đến tăng cường công tác thông tin giáo dục, truyền thông về ATTP với 95% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 100% người quản lý, 80% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP, đáp ứng 95% thi xác nhận kiến thức về ATTP.

Tăng cường năng lực của hệ thống quản lý ATTP với việc hoàn thiện hệ thống quản lý ATTP; Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm đạt chuẩn ISO 17025, thực hiện phân tích một số chỉ tiêu có nguy cơ cao về ATTP.

Cải thiện tình trạng ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phấn đấu: 100% cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp, tập trung; 80% cơ sở chế biến thực phẩm nhỏ và vừa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 80% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 100% bếp ăn tập thể, 80% cơ sở kinh doanh thực phẩm khác được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, 85% chợ được quy hoạch và kiểm soát ATTP.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và giám sát mối nguy về ATTP. Trong đó, đảm bảo 100% các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, cơ sở có bếp ăn tập thể ít nhất được thanh, kiểm tra, hậu kiểm 01 lần/năm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; giám sát chặt chẽ các công đoạn trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, kinh doanh và cung cấp sản phẩm an toàn có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm thực phẩm; tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và phát hiện chất cấm, phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm. 

Ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính, phấn đấu giảm 35% số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người mắc trở lên được ghi nhận so với trung bình giai đoạn 2006 - 2010 và tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 7 người/100.000 dân.

Bên cạnh đó, triển khai các Đề án, Dự án đảm bảo ATTP. Tiếp tục phát triển "chuỗi thực phẩm an toàn", phấn đấu các sản phẩm thuộc chuỗi tăng 10% so với năm 2019 và phát triển chủng loại sản phẩm tham gia chuỗi; tăng cường thực hiện và phát triển Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm và Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP...

Kế hoạch cũng nêu rõ 06 nhóm giải pháp thực hiện. Đặc biệt là chú trọng đến việc nâng cao năng lực phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cũng như đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, lấy mẫu giám sát môi nguy ATTP. Tăng cường kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo điều kiện ATTP, ngăn chặn kịp thời các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo ATTP lưu thông trên thị trường.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục