Tăng hiệu quả các dự án công - tư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

09:30 04/07/2020

Sáng 3/7, Đoàn giám sát HĐND TPHCM do đồng chí Phan Thị Thắng, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP dẫn đầu đã có buổi giám sát về chấp hành pháp luật trong công tác quản lý đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư trên địa bàn TP. Cùng dự buổi giám sát có đồng chí Võ Văn Hoan, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cùng một số sở ngành TP.

Tăng hiệu quả các dự án công - tư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trả lời các câu hỏi tại buổi giám sát. Ảnh: CAO THĂNG

Tập trung dự án trọng điểm

Theo báo cáo của Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Trần Anh Tuấn, hiện TP quản lý 22 dự án đã ký kết hợp đồng và đang triển khai với tổng mức đầu tư hơn 64.200 tỷ đồng; 166 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến 324.770 tỷ đồng; 293 dự án đang kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 910.400 tỷ đồng. Đánh giá ban đầu, hình thức hợp tác công - tư đã thu hút được vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Cụ thể, riêng hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) trong giai đoạn 2015 - 2017, TP đã huy động được hơn 20.300 tỷ đồng từ tư nhân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Nhiều công trình hạ tầng giao thông đầu mối quan trọng đã hoàn thành như cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2, mở rộng Xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng, Nhà máy xử lý nước thải kênh Tham Lương - Bến Cát...

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, trong điều kiện ngân sách TP còn hạn chế, mô hình hợp tác công - tư đã mang lại nguồn vốn lớn cho thành phố, huy động được nguồn lực bên ngoài góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân như giảm kẹt xe, ngập nước, xây dựng các cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục… phục vụ cho sự phát triển của TP.

Thế nhưng, thời gian tới, khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành (đầu năm 2021), TP sẽ gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư vì luật không còn quy định về đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT kể từ 15-8-2020. Như vậy, các dự án không có nguồn thu như chống ngập, cống kiểm soát triều, đê kè, di dời các hộ dân ven kênh rạch, trụ sở cơ quan nhà nước, công viên, nghĩa trang… sẽ không thu hút được nhà đầu tư tham gia nữa.

Trước những khó khăn trong thu hút hợp tác công tư trong thời gian tới, một số đại biểu cho rằng cần cải tiến thủ tục để thu hút và tăng hiệu quả đầu tư. Chẳng hạn, thay vì thủ tục thực hiện dự án PPP tiến hành qua 5 bước mất 2 năm thì nên phấn đấu rút gọn còn 6 tháng. Các dự án tràn lan nay cần phải dứt điểm, chỉ tập trung 5 lĩnh vực đột phá, tập trung trọng điểm về vốn, công nghệ, thủ tục hành chính. Dồn hết sức, đánh trọng tâm để mang lại hiệu quả cao.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: CAO THĂNG
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: CAO THĂNG

Công khai danh sách dự án đầu tư

Phó Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM Cao Thanh Bình cho rằng, tiến độ thực hiện các dự án PPP còn chậm do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhiều chính sách thay đổi, tạm dừng, rà soát về pháp lý… Cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện dự án còn chậm dẫn đến các thủ tục chậm, dự án kéo dài, phát sinh thêm chi phí. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng thừa nhận, dự án kéo dài thì chi phí quản lý, chi phí trượt giá tăng lên và phần thanh toán lại cho nhà đầu tư tăng cao dẫn đến đội vốn, trong khi vốn đầu tư thực tế cũng là nhà nước chịu bởi hợp tác công tư là tư nhân bỏ vốn ra trước rồi thu hồi vốn sau. “Thậm chí, có dự án PT (thanh toán bằng đất) chủ dự án chỉ bỏ ra 20% giá trị, 80% giá trị còn lại là vốn vay ngân hàng từ thế chấp dự án”, đồng chí Võ Văn Hoan nói. Do vậy, đồng chí Võ Văn Hoan cho biết, để hạn chế thất thoát, TP xác định dự án nào đang thực hiện thì sẽ thanh toán bằng đất thông qua đấu giá, TP chỉ làm danh mục thanh toán cho các dự án cũ. Thời gian tới, để hoạt động hợp tác công tư hiệu quả, đồng chí Võ Văn Hoan cho biết, TP sẽ chủ động đề xuất danh mục dự án, đấu thầu công khai, có cơ chế phối hợp các bộ ngành để dự án được thực hiện đúng tiến độ, tránh “đội” thêm chi phí do chậm tiến độ.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng cho rằng, vì TPHCM đi đầu trong các hoạt động kêu gọi đầu tư theo hình thức công tư nên có nhiều vấn đề phát sinh cần giải quyết. Trước mắt, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, những dự án BOT nào hoàn thành thì cho đưa vào thu phí, chỗ nào có quỹ đất thì phải bàn giao cho doanh nghiệp. UBND TP cần có báo cáo tổng kết các dự án PPP thời gian qua và lập danh sách những dự án kêu gọi, huy động vốn thời gian tới; chú ý chất lượng, công nghệ trong dự án. Đảm bảo công khai, minh bạch trong kêu gọi đầu tư, tạo cạnh tranh, công bằng để tất cả các doanh nghiệp có cơ hội tham gia đóng góp cho sự phát triển của thành phố.

HÀN NI/ báo SGGP

Tin cùng chuyên mục