Ngày 8/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long có công điện đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19, tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn cho người được tiêm; tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên; ưu tiên cho các địa bàn, khu vực đang có dịch và tiêm ngay cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi...
Các địa phương cần huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng, tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động phù hợp, tránh để người dân phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng, tuyệt đối không để xảy ra lãng phí trong tiêm chủng vaccine, không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng.
Việc tiêm chủng thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, khu vực nào xong khu vực đó để tạo ra “vùng xanh” an toàn trong khu vực đang bùng phát dịch.
Theo Bộ Y tế, đến ngày 8/8, cả nước có hơn 8,8 triệu người được tiêm vaccine Covid-19, trong đó khoảng 8 triệu người đã tiêm mũi 1. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hầu hết vaccine Covid-19 đều phải tiêm 2 liều, khoảng cách giữa 2 liều tùy thuộc vào từng loại vaccine và hướng dẫn của nhà sản xuất, như: vaccine AstraZeneca mũi 1 cách mũi 2 khoảng 8-12 tuần; vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNtech mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần; vaccine Moderna mũi 1 cách mũi 2 khoảng 4 tuần.
* Không lo mất tác dụng vaccine khi quá thời hạn tiêm mũi 2
Về việc có nhiều người đã được tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca đến nay đã quá thời hạn tiêm mũi thứ 2, theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, người tiêm không phải tiêm lại từ đầu. Qua một số nghiên cứu, với vaccine AstraZeneca, mũi thứ 2 tiêm sau 12 tuần, “đôi khi” miễn dịch còn tốt hơn là tiêm trước.
Đến nay, chưa có quy định thời gian tối đa của việc chậm tiêm mũi 2 là bao nhiêu. Trong trường hợp bị tiêm chậm mũi 2, các cá nhân, đơn vị cần khẩn trương làm công văn đề nghị tiêm mũi 2 gửi đến các đơn vị đã thực hiện tiêm mũi 1 trước đó để nhanh chóng thực hiện tiêm mũi 2.