Thành phố Hồ Chí Minh kết nối tuyến, điểm du lịch liên vùng an toàn

11:46 26/10/2021

TP.HCM không chỉ xây dựng nguồn nhân lực, điểm đến và dịch vụ du lịch an toàn trên địa bàn, mà còn tăng cường kết nối nhiều tỉnh, thành để phát triển tuyến, điểm du lịch an toàn liên vùng.

Tuyến xe buýt vòng quanh Thành phố Hồ Chí Minh đạt 10/10 tiêu chí an toàn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Tuyến xe buýt vòng quanh Thành phố Hồ Chí Minh đạt 10/10 tiêu chí an toàn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ghi nhận từ đầu tháng 10/2021 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức đa dạng tour du lịch nội vùng theo tiêu chí an toàn thích ứng với COVID-19.

Song song đó, xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn phục hồi và phát triển ngành Du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ xây dựng nguồn nhân lực, điểm đến và dịch vụ du lịch an toàn trên địa bàn, mà còn tăng cường kết nối nhiều tỉnh, thành để phát triển tuyến, điểm du lịch an toàn liên vùng.

Nâng cao giá trị du lịch nội địa

Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc tiêm mũi 1 cho gần 100% dân số từ 18 tuổi trở lên và đã có gần 80% người đủ điều kiện được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19.

Thành phố đã nhanh chóng ban hành Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động du lịch, gồm tiêu chí cho hoạt động lưu trú, lữ hành và tại các khu, điểm du lịch...

Đặc biệt, thành phố công bố hệ thống dữ liệu tài nguyên du lịch, tạo thêm nguồn dữ liệu về tài nguyên du lịch phong phú hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành khai thác, kết nối và xây dựng sản phẩm phục vụ du khách đến thành phố.

Hệ thống này, có 366 điểm đến được đánh giá có khả năng khai thác và thu hút khách du lịch, tập trung chủ yếu ở 4 nhóm tài nguyên chính: tài nguyên du lịch tự nhiên; tài nguyên du lịch văn hóa vật thể; tài nguyên du lịch văn hóa phí vật thể; tài nguyên du lịch gắn với công trình nhân tạo hấp dẫn. Trong đó, du khách và những người đam mê du lịch có thể tự xây dựng những lịch trình du lịch khi đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Còn các tỉnh, thành khác có thể kết nối những chương trình du lịch liên tuyến, tạo ra sản phẩm đặc thù cho khách du lịch lựa chọn.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, từ nay đến hết năm 2021, ngành Du lịch thành phố sẽ đẩy mạnh du lịch nội vùng và kết nối du lịch liên tỉnh theo phương thức khách tự đi du lịch nội vùng hoặc đi theo đoàn, khách du lịch liên tỉnh đi theo đoàn. Hoạt động lưu trú cũng được đẩy mạnh, với công suất tối đa 70% và xem xét mở thêm một số dịch vụ (ăn uống tại chỗ, spa...); điểm tham quan hoạt động với công suất tối đa 70%.

Hoạt động phục hồi du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phải luôn đảm bảo nguyên tắc "An toàn tới đâu sẽ mở cửa tới đó và mở cửa phải an toàn" để tập trung xây dựng nguồn nhân lực, điểm đến và dịch vụ du lịch an toàn.

Hiện nay, Sở Du lịch Thành phố đang phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện rà soát, tổ chức lại mạng lưới điểm tham quan, tuyến phố, cơ sở dịch vụ lưu trú, mua sắm, ăn uống… theo hướng đảm bảo an toàn, chất lượng, lấy sự hài lòng của du khách làm tiêu chí hoàn thiện. Đồng thời, ngành Du lịch thành phố chủ động phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng, nâng cao giá trị cạnh tranh của du lịch nội địa, huy động được nhiều nguồn lực và ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả kích cầu du lịch trên địa bàn thành phố.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh thông tin quảng bá kế hoạch phục hồi và phát triển thị trường trong những tháng cuối năm 2021. Đại diện Công ty Vietravel cho hay với nỗ lực không ngừng kiên trì "phá băng" thị trường, Công ty Vietravel giới thiệu đến người dân và khách hàng bộ sản phẩm Cần Giờ, Củ Chi, Tây Ninh, Củ Chi-Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Châu.

Bên cạnh đó, Công ty dự kiến mở bán các hành trình miền Bắc đến với Sapa, Hạ Long, Sapa-Hạ Long, Đông Bắc, Tây Bắc; các hành trình Nam Trung Bộ đến với Quy Nhơn, Phú Yên-Quy Nhơn, Mũi Né, Ninh Chữ, Phan Thiết- Nha Trang, cùng hàng loạt gói dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng kết hợp phương tiện vận chuyển và dịch vụ phòng khách sạn nhằm phục vụ tối đa nhu cầu khách hàng trong giai đoạn bình thường mới.

Xác định thị trường chủ lực

Việc Chính phủ cho khai thác trở lại 19 đường bay chở khách, trong đó có chặng hai chiều giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trên cả nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kết nối du lịch giữa Thành phố với nhiều địa phương.

Máy bay của các hãng hàng không tại sân bay. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Máy bay của các hãng hàng không tại sân bay. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nắm bắt cơ hội phục hồi và phát triển du lịch ngay sau khi nhiều địa phương kiểm soát được dịch COVID-19, ngành Du lịch thành phố đã làm việc với các tỉnh như Tây Ninh, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định... Điều này không chỉ thể hiện sự chủ động, quyết tâm của Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và ngành Du lịch trong phục hồi, phát triển hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với nhiều địa phương, mà còn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch.

Theo bà Phan Thị Thắng, ngành Du lịch thành phố cùng các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định đã thống nhất chính thức mở lại chương trình du lịch kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và từng địa phương từ ngày 1/11/2021. Trong đó, ngành Du lịch thành phố và 3 địa phương trên sẽ nghiên cứu xây dựng, tổ chức đa dạng chương trình du lịch kết nối, tạo sản phẩm liên vùng.

Phú Yên là một điểm đến mới và là địa phương nằm trong vùng chuyển tiếp, kết nối về du lịch thuận lợi với hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Định để tạo nên sản phẩm du lịch liên tuyến. Phú Yên có sức hấp dẫn riêng khi trở thành điểm đến thu hút khách du lịch từ khu vực phía Nam, phù hợp với trường khách du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.

Với bối cảnh mới của ngành Du lịch, trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị các địa phương tiếp tục phát huy những nội dung liên kết như tập trung cho công tác phối hợp tổ chức phong phú hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch... nhằm giới thiệu đến du khách sản phẩm du lịch đặc sắc và an toàn của từng địa phương.

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã mở cửa đón đoàn khách thương mại đầu tiên tham gia chương trình tham quan đường sông tuyến Bạch Đằng-Cần Giờ. Theo đó, từ trên tàu cao tốc, du khách thưởng thức cảnh quan hai bên bờ sông dọc theo quận 1, quận 4, quận 7 về hướng huyện Cần Giờ thưởng lãm; trải nghiệm cảnh đẹp ở các điểm đến Thạnh An, Thiềng Liềng, Vàm Sát (huyện Cần Giờ) và những sản phẩm ẩm thực độc đáo riêng có của hệ sinh thái vùng ngập mặn.

Trong thời gian tới, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp với nhiều quận, huyện và doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục khai thác, xây dựng đa dạng chương trình tham quan bằng đường sông đi Cần Giờ 2 ngày 1 đêm, với lộ trình tham quan theo hướng Bạch Đằng-Củ Chi kết nối với Bình Dương, tuyến Bạch Đằng-quận 7-Cần Giờ… nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du khách.

Ngành Du lịch thành phố đã chính thức đưa xe buýt du lịch hai tầng phục vụ trở lại, hoạt động từ 9 giờ đến 23 giờ từ thứ Hai đến Chủ nhật. Các điểm đón, trả khách chính là Bưu điện trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh và phố đi bộ Nguyễn Huệ. Xe buýt du lịch có tần suất 30 phút/chuyến, hành trình đi qua 30 tuyến đường cùng gần 20 điểm tham quan di tích xưa và nay trên địa bàn./.

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục