Thành phố luôn tràn đầy hy vọng và tin tưởng cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại

23:19 16/08/2021

(HMC) – Chiều 16/8, TPHCM tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai, quán triệt Kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi chủ trì tại điểm cầu Thành ủy.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì tại điểm cầu UBND TP.

Tham dự có các Phó Chủ tịch UBND TP, các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP, đại diện các Sở - ngành, quận – huyện và TP Thủ Đức tại các điểm cầu trực tuyến.

Thực hiện “trong chặt, ngoài chặt” để thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, theo Kế hoạch số 2715/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 về triển khai thực hiện Nghị quyết 86, TPHCM phấn đấu kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn trước ngày 15/9/2021 với 03 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn từ ngày 15/8 – 22/8/2021, phấn đấu kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong do COVID-19; Không để xảy ra trường hợp người bệnh COVID-19 (F0) chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị; Xác định chiến lược chuyển đổi “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng”; mở rộng “vùng xanh” tại các quận, huyện, TP Thủ Đức.

Giai đoạn từ ngày 23/8 -31/8/2021: Mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn Thành phố; phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với các quận, huyện sau: Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Phú Nhuận, Quận 5, Quận 7, Quận 11.

Giai đoạn từ ngày 01/9 – 15/9/2021: Duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng; Số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày; số nhập viện dưới 2.000 người mỗi ngày (tương đương dưới 200 trường hợp/triệu dân); Đảm bảo hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1, 15% người dân được tiêm mũi 2.

Tại điểm cầu UBND TP
Tại điểm cầu UBND TP

Để đạt được mục tiêu này, về giãn cách, từ 0 giờ ngày 16/8 đến ngày 15/9/2021, TPHCM tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự quản bảo vệ “vùng xanh”, phát triển “vùng xanh”.

Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch TP yêu cầu tại các khu phong tỏa phải đảm bảo "ngoài chặt, trong chặt" và kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu cùng các cá nhân liên quan nếu buông lỏng quản lý, để lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa.

Về công tác xét nghiệm, đảm bảo tính khoa học, thiết thực, hiệu quả; có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát hiện kịp thời bệnh nhân COVID-19 để điều trị hiệu quả; thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng”, mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn. Đảm bảo hiệu quả, cân đối giữa nguồn nhân lực y tế dự phòng và điều trị, phù hợp với tổng công suất xét nghiệm hiện nay của Thành phố.

Về thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19, phấn đấu duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng; Số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày; số nhập viện dưới 2.000 người mỗi ngày (tương đương dưới 200 trường hợp/triệu dân). Tập trung thực hiện hiệu quả 02 trụ cột chính trong công tác chăm sóc và điều trị F0, bao gồm: chăm sóc F0 tại nhà và điều trị tại các cơ sở điều trị.

Về vắc xin, TP đặt chỉ tiêu tiêm vắc xin đến ngày 15/9/2021 có hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1, 15% người dân được tiêm mũi 2.

Hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 cho 15% số lượng công nhân còn lại ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và chuẩn bị cho đợt tiêm mũi 2, tiến đến tiêm toàn bộ cho công nhân của các doanh nghiệp trên địa bàn; hoàn thành tiêm mũi 1 cho các đối tượng người cao tuổi, có bệnh nền.

Về nguồn nhân lực, TP tiếp tục rà soát, sắp xếp lại và huy động nguồn nhân lực, cố gắng đảm bảo lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là lực lượng tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn quận, huyện và TP Thủ Đức.

Bên cạnh đó, TP cũng đặt mục tiêu đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân; tuyệt đối không để ai bị thiếu đói thông qua các gói hỗ trợ và thí điểm hoạt động các Trung tâm an sinh. Đồng thời, tăng cường kết nối các nguồn lực xã hội; thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP.

Cùng với công tác phòng chống dịch, về sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, TP cũng đặt mục tiêu duy trì, ổn định sản xuất an toàn theo các phương án phù hợp, không để chuỗi cung ứng, sản xuất lương thực thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế bị đứt gãy; nâng tỷ lệ khoảng 5% đến 10% doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch. Tập trung chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của Nhân dân từ nay đến hết tháng 9/2021; bảo đảm chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa thực phẩm cho hơn 10 triệu dân trên địa bàn với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý.

Trong công tác thông tin, tuyên truyền, TP xây dựng định hướng chiến lược truyền thông theo hướng chủ động, thực hiện chính sách truyền thông “an dân”, để tạo sự an tâm, đồng thuận, chia sẻ của các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng thực hiện hiệu quả các giải pháp chống chống dịch bệnh.

Đẩy mạnh ứng công nghệ thông tin góp phần cho công tác quản lý, điều hành chỉ đạo phòng, chống dịch được kịp thời, đồng bộ và hiệu quả.

Đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kiềm chế không để gia tăng vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông và cháy, nổ trên địa bàn Thành phố.

Công tác tham mưu phải nhanh và việc triển khai phải sớm

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thông tin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp điện thăm hỏi, chia sẻ, động viên và đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM suốt hơn 2 tháng qua với quyết tâm chống dịch cao nhất. Tuy kết quả chưa được như mong muốn nhưng đã có nhiều tấm gương, cá nhân, đơn vị sẵn sàng lao vào cuộc chiến để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân COVID-19 được cứu chữa, nhiều hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ kịp thời.

Diễn biến dịch bệnh vẫn vô cùng phức tạp, cần quyết sách mạnh mẽ hơn. Việc tiếp tục giãn cách xã hội toàn TP thêm 30 ngày là thử thách lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TPHCM. Nhưng quyết tâm khống chế dịch bệnh, đạt mục tiêu Chính phủ giao, TPHCM cần “đã cố gắng thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm thì quyết tâm hơn nữa, đoàn kết thì đoàn kết hơn nữa”.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải là những chiến sĩ vững vàng. Mọi hành vi tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu quyết tâm đều không xứng đáng với sự kỳ vọng của Nhân dân và nỗ lực chung của tập thể.

Hơn lúc nào hết, TPHCM cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp, không phân biệt nhà nước hay tư nhân; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện những nhân tố tích cực, năng động, sáng tạo để nhân rộng cũng như xử lý nghiêm những cán bộ yếu kém, tiêu cực. Tất cả để cùng vượt qua khó khăn, sớm đưa TP trở lại trạng thái bình thường mới.

Tiếp thu sâu sắc những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và lắng nghe những ý kiến tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: Bây giờ, ngay lúc này, đang có nhiều người phải cấp cứu vì COVID-19, có hàng trăm người đang phải hồi sức, hàng trăm nghìn người đang phải khó khăn vì dịch bệnh. Vì vậy, sứ mệnh, trọng trách, trách nhiệm của chúng ta vô cùng nặng nề.

Riêng việc nhiều người dân tự phát chạy xe về quê như hiện nay, đặt ra nỗi lo lớn cho TP, làm sao để ngăn chặn tình trạng này xảy ra? làm sao để người dân yên tâm ở lại TP và tránh những nguy cơ lây lan dịch bệnh cho các tỉnh, thành bạn ?...

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Việt Dũng
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Việt Dũng

Theo Bí thư Thành ủy, các ý kiến phát biểu của quận - huyện, TP Thủ Đức và các kế hoạch triển khai cho thấy, sự đồng tình, thống nhất của các địa phương. Nhất là có sự tự tin, quyết tâm mạnh mẽ trong chỉ đạo, hành động.

Sự tự tin này, Bí thư Thành ủy phân tích, xuất phát từ kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch của các cấp, ngành, địa phương đã trưởng thành hơn; xử lý các nhiệm vụ nhuần nhuyễn, nhanh gọn hơn. Bên cạnh đó, hiện nay đã có thuốc điều trị COVID-19 với hướng dẫn điều trị cụ thể; mức độ bao phủ vắc xin ngày càng tăng; các hệ thống điều trị được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ hơn; phương tiện và lực lượng được bổ sung, tăng cường; sự ủng hộ của toàn xã hội….

Ngoài ra, công tác chỉ đạo, điều hành ngày càng thông suốt hơn; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn…

Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, phải tranh thủ từng giờ, từng ngày thời gian giãn cách xã hội để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đây là thử thách và trọng trách rất lớn đối với mỗi cá nhân, mỗi người dân TP.

Tuy nhiên, trên thực tế một số nơi thực hiện giãn cách chưa triệt để. Chúng ta cần phát huy hơn nữa phong trào quần chúng tự quản cũng như vai trò của các tổ dân cư, khu phố trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục thực hiện nghiêm quy định 5K và các chỉ đạo của Thành phố.

Các cấp, các ngành tuyệt đối không chủ quan, lơ là, phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra.

Công tác xét nghiệm thực hiện chiến lược mới phù hợp với tình hình hiện nay, trong quá trình xét nghiệm nếu phát hiện F0 cần bình tĩnh xử lý theo 5 cấp độ đã được hướng dẫn. Thí điểm, tiến tới nhân rộng mô hình chăm sóc F0 tại nhà. Hệ thống y tế cũng cần phải rà soát, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng điều trị; Sở Y tế rà soát các cơ sở khám chữa bệnh có khả năng điều trị, chăm sóc F0 thì khẩn trương tham gia để chia lửa với các cơ sở điều trị.

Về vắc xin, hiện không có nhiều lựa chọn, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu, các loại vắc xin về Việt Nam đều đã được cấp phép theo quy định; cố gắng tiêm cho người dân càng sớm càng tốt.

Tăng cường phối hợp tích cực với các tỉnh thành để tổ chức đưa bà con về quê an toàn cũng như đảm bảo an sinh cho người dân yên tâm ở lại TP.

Công tác truyền thông phòng chống dịch phải kịp thời, định hướng. Phân công nhiệm vụ cần phải “văn bản hóa” cụ thể để chủ động triển khai; quá trình thực hiện phải có sự theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; công tác tham mưu phải nhanh và việc triển khai thực hiện phải sớm.

“Cuộc chiến vẫn còn nhiều khó khăn, gian nan nhưng chúng ta chỉ có 1 con đường để chọn lựa, đó là tập trung hết sức lực, tiếp tục quyết tâm, quyết liệt để khống chế dịch bệnh.” – Bí thư Thành ủy khẳng định.

Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là tổ chức thực hiện đồng bộ, xuyên suốt và liên tục, đảm bảo hiệu quả nhất

Thay mặt lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trân trọng biểu dương và ghi nhận những nỗ lực, cống hiến quên mình của lượng tuyến đầu, các mạnh thường quân, doanh nghiệp, các đội hình tình nguyện,…các cơ quan, đơn vị và nhân dân Thành phố đã đồng lòng, kề vai sát cánh, chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân trước mắt, chấp nhận những bất tiện tạm thời để cùng Thành phố chống dịch; Đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ của Tổ Công tác đặc biệt, Bộ phận Thường trực Bộ Y tế, các Bộ ngành Trung ương và địa phương.

Tính đến nay là ngày thứ 38, TPHCM thực hiện giãn cách theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là khoảng thời gian rất khó khăn và gian nan mà Thành phố đã và đang phải trải qua; cả hệ thống chính trị cùng toàn thể người dân Thành phố đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh.

Chủ tịch UBND TP thông tin, Thành phố đã không xuất hiện thêm chuỗi lây nhiễm mới và số ca nhiễm đang đi ngang, có xu hướng giảm. Bình quân trong 14 ngày gần đây (từ 2/8 đến 15/8) ghi nhận 3.800 ca nhiễm/ngày, nếu so với 14 ngày liền kề (19/7-1/8 là 4.500 ca nhiễm/ngày), số ca nhiễm đã giảm khoảng 17%. Đã kết hợp hài hòa giữ Đông y và Tây y để nâng cao hiệu quả điều trị, bình quân mỗi ngày có 2.500 ca được xuất viện và lũy kế đến nay TP đã có 75.589 bệnh nhân xuất viện.

Chỉ trong thời gian ngắn, Thành phố đã thực hiện thần tốc, hình thành được các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, các trung tâm hồi sức, bồn oxy với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là oxy cũng đã được tập trung triển khai thực hiện tùy theo tình hình diễn biến của dịch bệnh.

Cùng với đó, TP đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo trong phòng, chống dịch như: ATM oxy, biệt đội taxi cấp cứu F0, mô hình Tổ y tế lưu động,... Đặc biệt, mô hình tự quản “vùng xanh” của nhân dân ngày càng được nhân rộng, với 10.248 “vùng xanh” trên toàn TP.

Công tác chăm lo cho người nghèo, lao động tự do, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, mức độ bao phủ đã tốt hơn; đã hoàn thành gói hỗ trợ thứ nhất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với kinh phí hơn 700 tỷ đồng. Các địa phương đã tổ chức hỗ trợ từ nguồn vận động với kinh phí hơn 500 tỷ đồng. Thành phố đang triển khai gói hỗ trợ thứ hai cho người nghèo, cận nghèo, lao động tự do với kinh phí hơn 900 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đặt ra 07 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đặt ra 07 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện

“Mặc dù tình hình dịch bệnh đang đi ngang và có xu hướng giảm, tuy nhiên kết quả này chưa bền vững, vẫn còn một số hạn chế trong tổ chức thực hiện. Chúng ta hạ quyết tâm là phải chiến thắng dịch bệnh. Những giải pháp đã được cơ quan chuyên môn, các chuyên gia đầu ngành tư vấn, góp ý và Ban chỉ đạo các cấp từ thực tiễn điều chỉnh, hoàn thiện. Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta bây giờ là khâu tổ chức thực hiện cho đồng bộ, xuyên suốt và liên tục, đảm bảo hiệu quả nhất.” – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh và bảy tỏ mong muốn Nhân dân TP thông cảm, bình tĩnh và cùng cố gắng với TP.

07 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện để sớm khống chế dịch bệnh

Theo đó, để đạt mục tiêu đặt ra theo Kế hoạch số 2715/KH-UBND ngày 15/8/2021 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP đề nghị:

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất, chuyên sâu, quyết liệt, mạnh mẽ và dứt khoát, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện phải đồng bộ, nhịp nhàng, phân công rõ người, rõ việc và thời gian hoàn thành. Chiến thắng được dịch bệnh hay không phụ thuộc vào lòng dân, sự tham gia của người dân có tính chất quyết định, người dân là chủ thể, là trung tâm của công tác phòng chống dịch.

Thứ hai, các quận - huyện, TP Thủ Đức phải thực hiện nghiêm, thực chất, đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”; “chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10”. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”; phải bảo vệ được các “vùng xanh”; chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”.

Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả xử lý hình sự theo quy định của pháp luật đối với mọi hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối việc thực hiện các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền.

Giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông vận tải đo lường mức độ di chuyển của người dân, phân theo quận, huyện, TP Thủ Đức, định kỳ hằng ngày báo cáo UBND TP và gửi các địa phương để chấn chỉnh công tác kiểm tra, giám sát.

Thứ ba, trọng tâm của Thành phố hiện nay là cấp cứu kịp thời và giảm tử vong; không để xảy ra trường hợp chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị. Theo đó, các quận – huyện, TP Thủ Đức cung cấp cho F0, gia đình F0 danh sách số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh và danh sách các bác sĩ tư vấn trực tuyến; phân công Tổ phản ứng nhanh theo từng hộ gia đình; đảm bảo “thời gian vàng” trong cấp cứu và mọi cuộc gọi của F0 đều được tiếp nhận để ứng phó kịp thời; Thực hiện thật tốt gói “Home base care” trong theo dõi và điều trị tại nhà đối với các trường hợp nhiễm có nguy cơ thấp.

Sở Y tế khẩn trương phối hợp Tổ chuyên gia tư vấn điều trị, Trung tâm điều phối cơ sở vật chất rà soát lại các cơ sở thu dung điều trị trên địa bàn, đảm bảo 4 nguyên tắc cốt lõi của điều trị là: không để quá tải, đầy đủ thuốc men, trang thiết bị và nhân lực; mỗi bộ phận phải có người theo dõi, kiểm tra, giám sát và quy trình để tổ chức thực hiện. Ngoài ra, nhanh chóng chuyển đổi các bệnh viện công lập và huy động thêm các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị theo mô hình bệnh viện tách đôi hoặc chuyển toàn bộ sang điều trị; trường hợp bệnh viện tư nhân không tiếp nhận ca nhiễm, lập biên bản và kiến nghị Bộ Y tế thu hồi giấy phép.

Thứ tư, chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh vẫn là vắc xin, việc bảo đảm tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin có ý nghĩa quyết định chiến lược trong phòng chống dịch từ bị động sang chủ động.

Thành phố đã và đang sử dụng mọi nguồn lực, mối quan hệ để tìm kiếm, đàm phán việc mua vắc xin nhưng hiện nay vẫn rất khó khăn về nguồn cung. Các quận, huyện, TP Thủ Đức phải tăng cường thông tin truyền thông, quán triệt đến người dân tinh thần vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất, khắc phục ngay tình trạng kén chọn, chờ đợi vắc xin trong tình hình khan hiếm và dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh, làm nhiều người tử vong.

Thứ năm, tổ chức giãn cách xã hội nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh nhưng hết sức linh hoạt để duy trì các hoạt động sản xuất và dịch vụ xã hội thiết yếu. Thành phố không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng phải tập trung ưu tiên giữ vững một số nhóm ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo then chốt.

Trên cơ sở 4 phương án sản xuất an toàn đã ban hành, Sở Công Thương nhanh chóng hướng dẫn quy trình để các doanh nghiệp tổ chức thực hiện gắn với ký cam kết, nhanh chóng hình thành những “vùng xanh” trong doanh nghiệp; đồng thời nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ các khoản tăng thêm mà doanh nghiệp phải chi trả khi thực hiện 4 phương án sản xuất an toàn này.

Thứ sáu, các địa phương phải chăm lo hỗ trợ người nghèo, đảm bảo điện, nước, an ninh trật tự, chủ động cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm; đảm bảo không để ai phải thiếu ăn, không ai bị bỏ lại phía sau do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ngoài ra, trong thời gian giãn cách xã hội phải bảo đảm thông suốt nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu; chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân, duy trì đường truyền Internet tốc độ cao; có các chương trình văn nghệ giải trí phù hợp với tâm lý, tình cảm của người dân.

Thứ bảy, công tác thông tin, truyền thông phải bảo đảm kịp thời, công khai, khách quan để người dân nhận thức đầy đủ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh; tăng cường các thông tin tích cực, cổ vũ, động viên các lực lượng, các địa phương và nhân dân phòng, chống dịch; hệ thống thông tin chính thống phải dẫn dắt, định hướng thông tin của mạng xã hội, tránh các thông tin xấu, bịa đặt, thông tin giả mạo, xuyên tạc, chống đối; tăng cường thông tin về các kiến thức phòng chống dịch.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì cùng các cơ quan liên quan thúc đẩy chuyển đổi số; hoàn thành các nền tảng công nghệ trên cơ sở dữ liệu dùng chung, cung cấp các công cụ để các địa phương sử dụng.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng chia sẻ: “Mặc dù còn nhiều khó khăn phía trước nhưng TP luôn tràn đầy hy vọng và tin tưởng cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại. Thành phố mong Nhân dân vững tin, đoàn kết, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định chống dịch, để không phụ sự vất vả của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đồng thời phát huy mạnh mẽ tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục