Thị trường vật liệu xây dựng khởi sắc

09:43 11/11/2020

Sau thời gian suy giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ giữa quý 3, thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) tại TPHCM bắt đầu khởi sắc trở lại, do bước vào mùa cao điểm xây dựng cuối năm, một số thị trường xuất khẩu thuận lợi.

Giao thép đến một công trình xây dựng trên đường Trần Văn Đang, quận 3, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Giao thép đến một công trình xây dựng trên đường Trần Văn Đang, quận 3, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Nguồn cung dồi dào, nhiều khuyến mãi

Ghi nhận quanh thị trường cho thấy, nhiều doanh nghiệp và cửa hàng VLXD đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu cho mùa cao điểm xây dựng của năm. Hầu hết các mặt hàng như sắt thép, gạch ốp, gạch ngói, thiết bị vệ sinh... đều bán chạy. Đáng chú ý, VLXD trong nước được người tiêu dùng ưa chuộng, nhờ giá thành hợp lý, chất lượng, mẫu mã được cải tiến, màu sắc đa dạng, hợp với xu hướng xây dựng hiện nay. 

Tuy nhiên, theo các chủ cửa hàng chuyên kinh doanh VLXD trên đường Tô Hiến Thành (quận 10), tính đến thời điểm này, giá bán hầu hết các mặt hàng không tăng, thậm chí một số còn giảm nhằm tăng mãi lực. Hiện gạch lát nền của các nhà sản xuất trong nước có giá dao động từ 80.000 - 250.000 đồng/m2, tùy thương hiệu; gạch lát nền nhập khẩu từ Malaysia, Italy, Tây Ban Nha... dao động từ 400.000 - 1.300.000 đồng/m2. Các doanh nghiệp sản xuất sơn thì đưa ra mức chiết khấu hấp dẫn từ 15 - 25% cho đại lý, đồng thời mạnh tay khuyến mãi đến người tiêu dùng; các loại đèn chiếu sáng, trang trí có mức giá giảm dao động 30 - 40% cho mỗi sản phẩm.

Đáng chú ý, mặt hàng chủ lực trong xây dựng như xi măng cũng đang giảm sâu, từ 70.000 - 100.000 đồng/tấn. Hiện giá bán xi măng trên thị trường dao động 1.100.000 - 1.270.000 đồng/tấn, tùy thương hiệu. Nguyên nhân khiến mặt hàng xi măng giảm giá dù nhu cầu tiêu thụ có chiều hướng tăng trở lại là do lượng hàng tồn còn khá lớn, dẫn đến cung vượt cầu. Dự báo, từ nay đến cuối năm, giá sắt thép sẽ giữ ở mức ổn định, ít biến động. So với những năm trước, thị trường VLXD năm nay tương đối ổn định hoặc giảm giá. Những năm trước, giá sắt thép, xi măng thời điểm này thường tăng nhưng nay khá ổn định. 

Các chuyên gia nhận định, hoạt động sản xuất và tiêu thụ VLXD khởi sắc, sôi động trở lại là nhờ các công trình xây dựng dân dụng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Đặc biệt, các bộ ngành, địa phương đang khẩn trương đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công nhằm giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mới đây. 

Cơ hội gia tăng xuất khẩu

Bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều ngành sản xuất từ đầu năm đến nay, ngành sản xuất thép trong nước sau 10 tháng vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng dương và xuất khẩu đạt con số ấn tượng. Tính đến hết tháng 9, ngành sắt thép đã xuất khẩu gần 7 triệu tấn sắt thép, thu về trên 3,65 tỷ USD, tăng 44,4% về lượng, tăng 16% kim ngạch (dù giảm 19,7% về giá so với 9 tháng đầu năm 2019). 

Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ “hot” nhất các loại sắt thép của Việt Nam, chiếm 36,2% trong tổng lượng và chiếm 28,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 2,53 triệu tấn, tương đương 1,04 tỷ USD. Tiếp đến là thị trường Campuchia chiếm 17%, Thái Lan chiếm 8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch. 

Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Công thương cho thấy, 9 tháng năm 2020, ngành xi măng đã xuất khẩu trên 28 triệu tấn sản phẩm, thu về 1,034 tỷ USD, trong khi cùng kỳ, sản lượng xuất khẩu chỉ 23,240 triệu tấn, trị giá 973 triệu USD. “So với cùng kỳ 2019, sản lượng xi măng, ckinker xuất khẩu đã tăng gần 21% và tăng 6,2% về trị giá. Nhưng mức tăng trưởng về trị giá ở đây, chủ yếu mạnh về sản lượng xuất khẩu chứ không phải do giá bán tăng”, đại diện Bộ Công thương phân tích. Dự báo với công suất lẫn nguồn cung đang dư thừa hiện nay, trong thời gian tới, ngành xi măng sẽ có cơ hội gia tăng xuất khẩu, khi nhiều nước đẩy mạnh nhập khẩu, mở cửa bình thường trở lại.

Trên thực tế, lâu nay Việt Nam chủ yếu nhập phôi thép từ Trung Quốc để phục vụ cho các nhà máy cán thép trong nước, song hiện nay, do công suất dư thừa, các doanh nghiệp phải tăng cường xuất khẩu ra bên ngoài. Đặc biệt, việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục thuận lợi, do chính sách thắt chặt của nước này nhằm đóng cửa các nhà sản xuất thép công nghệ thấp. Chưa kể, việc thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ngành thép được kỳ vọng có thêm điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới. Đây cũng sẽ là các yếu tố tích cực, giúp nâng kỳ vọng tăng trưởng của ngành thép trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia cảnh báo, hiện nay ngành thép vẫn phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt là ngành thép phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu, khiến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ thông tin về tình hình xuất khẩu, cũng như sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng trong các vụ việc điều tra. Doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước. Đồng thời, nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất, để loại trừ dần nguyên liệu có xuất xứ từ các nước khác, nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế thời gian gần đây.

LẠC PHONG/SGGP

Tin cùng chuyên mục