Cùng tham dự họp báo có lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, gồm: Cục trưởng Cục báo chí Nguyễn Thanh Lâm; Phó vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban tuyên giáo Trung ương Tống Văn Thanh; Phó cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình Lê Quang Tự Do; các lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông, Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội, Công an TP, đại diện Ủy ban MTTQ VN TPHCM cùng phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí.
1. Thông tin về xét nghiệm:
Tại cuộc họp, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, từ 18 giờ 00 ngày 22/8 đến 18 giờ 00 ngày 23/08, TP đã lấy 15.026 mẫu xét nghiệm RT-PCR, trong đó có 11.543 mẫu đơn và 3.483 mẫu gộp, với 41.981 người được lấy mẫu tại các khu cách ly, khu dân cư, khu sản xuất tập trung.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết thêm, để bóc tách toàn bộ F0 trong cộng đồng thì TP phải hoàn thành lấy 2 triệu mẫu đến hết ngày 25/8. Ngày 23/8, TP đã lấy được khoảng 170.000 mẫu test nhanh, trong đó có 6.000 mẫu cho kết quả dương tính, tỷ lệ này thấp hơn 5% theo hướng dẫn WHO.
“Dương tính khoảng 6.000/170.000 mẫu, tỷ lệ dương tính trong cộng đồng như vậy là ở mức cho phép. Phải làm sao người dân ở "vùng đỏ, vùng cam" được xét nghiệm hết. Từ đó, đánh giá tình hình dịch bệnh và tham mưu cho thành phố các giải pháp chống dịch sắp tới”, ông Hưng nói.
Cũng theo Phó giám đốc sở Y tế, để triển khai được với khối lượng lớn, ngành y tế yêu cầu người dân tự test nhanh với sự hướng dẫn của ngành y tế hoặc lực lượng địa phương được tập huấn. Đồng thời đẩy mạnh việc truyền thông, hướng dẫn cho người dân hiểu về kỹ thuật lấy mẫu dưới nhiều hình thức như phát video hướng dẫn trên đài truyền hình, web điện tử của quận, huyện và hướng dẫn của nhà sản xuất.
Dự kiến, từ hôm nay trở đi, số lượng mẫu cần lấy sẽ đáp ứng đủ yêu cầu.
2. Thông tin về điều trị F0:
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, với chiến lược xét nghiệm tầm soát trên diện rộng như hiện nay, dự báo số ca F0 trong thời gian tới sẽ tăng lên, do đó nhu cầu điều trị F0 sẽ tăng.
Hiện nay, bên cạnh phương án mở rộng tầng 2 và tầng 3 trong tháp 3 tầng điều trị, TP đang tiến hành đẩy mạnh mở rộng tầng 1, đây là tầng quan trọng để giảm thiểu người bệnh chuyển nặng. Khi mở rộng tầng này sẽ làm giảm áp lực y tế lên tầng 2,3, từ đó giảm tỷ lệ tử vong.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo việc chăm sóc trường hợp F0 đang được theo dõi tại nhà và đảm bảo người dân mắc bệnh khác tại cộng đồng vẫn được chăm sóc điều trị tốt, Sở Y tế đã phối hợp các quận huyện để thành lập Trạm y tế lưu động. Mỗi phường thành lập từ 2-3 trạm y tế lưu động tùy số lượng F0 trên địa bàn.
Trong kế hoạch thành lập 400 Trạm y tế lưu động thì đến ngày 23/8, đã có tổng số 274 trạm y tế lưu động được thành lập trên toàn TP, sẽ tăng tốc để hoàn thành 400 trạm trong thời gian sớm nhất.
“Với tình hình số lượng F0 dự báo sẽ tăng cho thời gian tới, người dân cần hết sức bình tĩnh vì điều này nằm trong kịch bản của ngành y tế. Để ứng phó với vấn đề này, TP đã triển khai đồng loạt các phương án như chuẩn bị 100.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà, thành lập Trạm y tế lưu động để chăm sóc điều trị bệnh nhân”, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết thêm.
3. Thông tin về tiêm chủng vắc xin:
Về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, đến ngày 23/8, TP đã tiêm tổng số 5.501.732 mũi, trong đó có 5.291.196 mũi 1, đạt tỷ lệ 78,9% người dân (trên 18 tuổi) và 210.536 mũi 2, đạt 3,1% người dân (trên 18 tuổi).
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng thông tin thêm về năng lực tổ chức tiêm vắc xin của TP, có ngày đạt trên 300.000 mũi, cho thấy hệ thống có thể tiêm số lượng lớn.
Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở y tế lưu ý: “Có một thông tin cần thiết là vắc xin tốt nhất là vắc xin có sớm, người dân không nên lựa chọn vắc xin, chờ đợi vắc xin khác. Người dân phải hiểu, tiêm sớm phòng sớm, nếu không may nhiễm bệnh thì vô cùng đáng đáng tiếc”.
4. Về công tác an sinh:
Trong ngày 23/8, TP đã tiếp nhận nhiều loại mặt hàng như nhu yếu phẩm, rau củ, gạo, dầu ăn, đường, nước tương… của các doanh nghiệp và các mạnh thường quân với tổng trị giá hơn 594.774.000 đồng.
TP đã phân phối 100 phần quà, trong đó thông qua phản ánh Tổng đài là 55 phần quà; qua Tổng đài Mặt trận 45 phần.
Về việc triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ 2 triệu túi an sinh (300.000 đồng/phần) cho người dân khó khăn trên địa bàn Thành phố bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, đến ngày 23/8/2021, Trung tâm an sinh đã phối hợp các đơn chuyển về quận, huyện để phân bổ 347.000 phần quà đến hộ khó khăn.
Hơn 20.000 chủ nhà trọ đã miễn, giảm giá thuê cho 273.728 phòng trọ với số tiền 158.099.971.000 đồng.
Tính đến nay, TP đã có 178 các mô hình, giải pháp hay đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn gồm 109 bếp ăn từ thiện, 59 gian hàng 0 đồng, 7 ATM gạo, 2 chuyến xe gạo nghĩa tình, 1 tủ lạnh cộng đồng.
Lũy kế từ ngày 15/8/2021 đến 23/8, TP đã tiếp nhận và phân phối số tiền 53 tỷ 212 triệu đồng. Trong đó, đã tiếp nhận hàng hóa nhu yếu phẩm và các thiết bị y tế bảo hộ… trị giá hơn 15.138.697.000 đồng và phân phối đến các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, 22 quận huyện và thành phố Thủ Đức, các bếp ăn từ thiện, lực lượng công an thành phố trị giá 8.218.512.000 đồng.
Liên quan đến việc phân bổ 71.000 tần gạo mà Chính phủ phân bổ cho TPHCM theo Quyết định số 1415/QĐ-TTg, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 3037 giao cho UBND TP Thủ đức và 21 quận, huyện phối hợp chặt chẽ với Cục Dự trữ nhà nước khu vực TPHCM để triển khai tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia
Cụ thể, Đợt 1 đã tiếp nhận 14.549 tấn, thời gian thực hiện giao nhận đảm bảo trước 6/9 tại trụ sở UBND các TP, quận huyện.
5. Thông tin về việc quản lý người ăn xin, lang thang trên địa bàn TP:
Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, ngày 23/8, UBND TPHCM đã có văn chỉ đạo các sở ngành, chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận huyện khẩn trương tập trung quản lý người ăn xin, người sinh sống lang thang trên địa bàn TP. Mục đích là thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách về phòng chống dịch, đồng thời tập trung quản lý, chăm sóc y tế, nuôi dưỡng người lang thang, ăn xin không có nơi cư trú ổn định.
Về phương thức thực hiện, UBND TP giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan tổ chức cao điểm tuần tra, kiểm tra lập hồ sơ, tập trung người ăn xin, lang thang nơi công cộng trên địa bàn, nhất là ở công viên, trước hiên nhà và cầu bộ hành và các tuyến giao lộ lớn trên địa bàn giáp ranh.
Tại cuộc họp, đại diện Sở LĐ-TB&XH cho biết, sẽ thực hiện khai báo y tế, xác định tình trạng sức khỏe của người ăn xin, lang thang và tổ chức test nhanh trước khi tập trung và chuyển cho các cơ sở bảo trợ xã hội. Trường hợp âm tính thì tiếp nhận vào 2 Trung tâm hỗ trợ xã hội ở quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức. Trường hợp họ dương tính thì tiếp nhận vào khu cách ly, điều trị của các quận, huyện.
Đối với trường hợp người lang thang có sử dụng ma túy có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì chuyển vào Trung tâm cách ly tập trung F0 Bình Triệu (quận Bình Thạnh). Đối tượng nặng thì chuyển vào Bệnh viện dã chiến Củ Chi để được chăm sóc, điều trị.
Trong ngày 24/8, TP tiếp nhận 100 trường hợp người ăn xin, người sinh sống lang thang, lũy kế từ 11/7 đến nay là 205 người.
6. Thông tin về việc thay đổi mẫu giấy đi đường:
Liên quan đến việc thay đổi mẫu giấy đi đường, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP cho biết, căn cứ theo Công văn số 2850 ngày 23/8 của UBND TP, UBND TP giao cho Công an TP là đầu mối in và quản lý cấp giấy đi đường cho 17 nhóm đối tượng được cấp phép.
Thượng tá Lê Mạnh Hà lưu ý, Công an TP chỉ tiếp nhận danh sách và cấp giấy đi đường về các đơn vị đầu mối theo văn bản của UBND TP về quy định 17 nhóm đối tượng thẩm quyền được cấp. Đơn vị đó vẫn là đơn vị đầu mối tập hợp và báo về Công an TP danh sách, số lượng, và Công an TP sẽ cấp in và cấp ngược lại cho đơn vị chủ quản và các đơn vị chủ quản có trách nhiệm cấp cho cán bộ, công nhân viên và doanh nghiệp, các đơn vị quản lý.
Phó Ban Chỉ đạo Phan Nguyễn Như Khuê cho biết thêm, việc Công an TP quản lý giấy đi đường để thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách và công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, ông Khuê đề nghị Công an TP xử lý nhanh việc cấp giấy và xem xét tạo điều kiện cho các đơn vị đang thực thi nhiệm vụ trên địa bàn TP.
7. Thông tin về công tác truyền thông:
Tại họp báo, Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm đề nghị các cơ quan báo chí nhìn nhận vấn đề, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch theo đúng tinh thần 1102 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là tham gia tháo gỡ, nhìn nhận những giải pháp quyết liệt và những khó khăn, vướng mắc của TP bằng cách xây dựng tích cực, nêu vấn đề một cách chắc chắn, có kiểm chứng kèm theo giải pháp. Không đưa những tin tức không kiểm chứng, những vấn đề xuất hiện trên mạng xã hội, giật tít theo dạng nghi vấn, lửng lơ, gây suy diễn. Thông tin đưa ra phải kiểm chứng qua việc kèm theo ý kiến của cơ quan chức năng, có giải pháp cụ thể.
Khi người dân thực hiện giãn cách, sản phẩm báo chí sẽ là một trong những nguồn động viên tinh thần. Do vậy, các cơ quan báo chí cần có những bài viết hay, thông điệp cảm động, chương trình đặc sắc. Qua đó, nêu được sức mạnh, tâm hồn, trí tuệ Việt Nam.
Còn theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình, trong cuộc chiến chống dịch như chống giặc, lực lượng báo chí, phóng viên, biên tập viên là những người lính trên chiến trường, xông pha những nơi nguy hiểm nhất để mang hình ảnh chân thực đến toàn dân. Các cơ quan báo chí là kênh truyền tải những gì gần nhất của cuộc sống đến với nhân dân. Do đó, mỗi câu chữ, dòng tít viết ra phải làm sao để nhân dân đọc được thấy an lòng, cảm nhận rõ được hơi thở thực tế. Từ đó, người dân biết được nên làm gì để hỗ trợ cùng toàn Đảng, lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến.
Trong thời gian qua, báo chí đã phản ánh rất tốt công cuộc chống dịch của các lực lượng tuyến đầu. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong rằng, sắp tới báo chí sẽ có những tuyến bài thể hiện tình yêu thương, tri ân của nhân dân TPHCM đối với những chiến sĩ, quân nhân, lực lượng y tế. Từ đó, thể hiện được bản chất vốn có của người dân TPHCM.
8. Thông tin về tình hình dịch bệnh của Việt Nam so với thế giới:
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho biết, tại thời điểm họp báo, số người mắc COVID-19 trên thế giới là 213.395.913 người, số tử vong là 4.455.000 trường hợp và sẽ còn tăng lên hàng ngày.
Điều mà dịch COVID-19 gây ra đối với các quốc gia trên thế giới hiện nay là một bài toán thử thách không chỉ về kinh tế, sinh mạng mà còn đối với tính bền vững của thể chế xã hội, sự dẻo dai và tiềm năng của nền kinh tế cùng văn hoá của dân tộc. Có những nơi, đại dịch lan tới, người dân đã cùng đoàn kết để vượt qua. Tuy nhiên, tại một số điểm, người dân lại quay ra xâu xé lẫn nhau.
Ông Lê Hải Bình cho rằng đây là cuộc chiến lâu dài, từ khi đại dịch khởi đầu từ năm 2020, thế giới đã trải qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn lại phù hợp với những cách làm khác nhau. Tại một số nước, tuy tiêm chủng với tỉ lệ cao, hệ thống y tế tiến bộ nhưng vẫn phải phong toả lần nữa vì COVID-19.
Trong bức tranh lớn của thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ về số ca mắc. Tuy nhiên, nếu tính trên dân số 1 triệu người, Việt Nam đứng thứ 166. Tương tự, dù số tử vong đứng thứ 53/222 quốc gia nhưng nếu tính trên tỷ lệ dân số 1 triệu người thì Việt Nam đứng 150/222 quốc gia.
“Ngay từ đầu, Đảng đã đặt ra mục tiêu tính mạng của nhân dân lên trên hết, điều này cũng được nhấn mạnh trong công điện gần đây của Thủ tướng. Nước ta đã làm mọi biện pháp để giảm thiểu số ca mắc, số ca tử vong cũng như bảo đảm an sinh xã hội.
Trong suốt một cuộc chiến lâu dài, đây là giai đoạn rất cam go, chúng ta cần cùng nhau chống lại đại dịch COVID-19. Cách chống dịch cũng phải biến đổi theo sự biến thể của vi rút. Chúng ta cần lan toả niềm tin mọi chiến lược, mọi biện pháp, chỉ huy để vì nhân dân. Từ đó, khắc phục được những hạn chế và lúng túng", Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngoài những lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào tại nước ngoài trong công cuộc chống đại dịch cũng rất quan tâm đến TPHCM và các tỉnh phía Nam. Ông đã gọi điện, thăm hỏi, biểu dương, hoan nghênh, động viên và đánh giá cao bước đường của Đảng bộ chính quyền nhân dân TPHCM. “Đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết rồi thì đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm thì quyết tâm hơn nữa. Đảng bộ, chính quyền nhân dân phải siết chặt tay để vượt qua thử thách này”, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình nhắc lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng