Cùng tham dự có đại diện các đơn vị: Sở Nội vụ, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Sở An toàn thực phẩm, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, Công an Thành phố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP. HCM, UBND quận Tân Bình, UBND huyện Củ Chi, Liên hiệp HTX Sài Gòn TP. HCM (Saigon Co.op), Trung tâm Báo chí Thành phố và hơn 40 phóng viên, biên tập viên của gần 30 cơ quan báo, đài.
HCDC: Thông tin TP. HCM vừa xuất hiện ca bạch hầu là không chính xác
Thông tin về bệnh bạch hầu, ông Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) cho biết, đây là bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc, lây lan nhanh, gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Các triệu chứng điển hình của bệnh là sốt, đau họng, chán ăn, mệt mỏi,… nguy hiểm hơn là các biến chứng suy tim, suy đa cơ quan, nhiễm độc thần kinh…
“Tuy nhiên, khác với các dịch bệnh trước, bệnh bạch hầu có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Đây cũng là bệnh nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em. Vì vậy, người dân cần hiểu đúng về bệnh để phòng chống nhưng không nên quá hoang mang, tiếp nhận những tin đồn sai lệch”, lãnh đạo HCDC khuyến cáo.
Ông Tâm cũng khẳng định, thông tin “TP. HCM vừa xuất hiện ca bệnh bạch hầu” đang lan truyền trên mạng xã hội là không chính xác. Ca mắc gần nhất ghi nhận tại TP là từ năm 2020, trường hợp này từ tỉnh khác đến TP. HCM.
Bình ổn giá trước thông tin tăng lương
Trước đây, mỗi lần tăng lương, dịp Lễ, Tết… rất dễ xảy ra hiện tượng đầu cơ, tích trữ, té nước theo mưa, tăng giá bất hợp lý. Lý giải vấn đề này, Phó Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng nhận định, chủ yếu do hệ thống phân phối còn mỏng, nguồn hàng không ổn định.
Từ ngày 1/7, việc tăng lương tạo tâm lý nâng giá bán của nhà bán lẻ dễ dẫn đến tác động dây chuyền nên cần động thái chuẩn bị và hạn chế tác động tiêu cực. Do đó, cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đều đã có phương án dự phòng từ sớm. Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đều có chỉ thị đảm bảo cung cầu; Thành phố cũng chỉ đạo quyết liệt; các quận huyện đang bám sát thị trường, doanh nghiệp bình ổn thị trường luôn trong trạng thái sẵn sàng bổ sung thiếu hụt cục bộ, không để mất cân đối cung cầu, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa… trong mọi tình huống.
“Chúng tôi đang tập trung theo dõi sát thông tin, nắm bắt diễn biến giá cả một số mặt hàng thiết yếu có tác động lớn và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định” - ông Hùng chia sẻ.
Qua ghi nhận thực tế, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Sài Gòn Co.op) Nguyễn Ngọc Thắng thông tin, tính đến thời điểm hiện tại thì giá cả hàng hóa các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra vẫn ổn định, không biến động đáng kể so với trước thời điểm ngày 1/7.
Ông Thắng cũng cho biết, Saigon Co.op nỗ lực giữ giá cả bình ổn bằng các hình thức như chủ động giảm lợi nhuận để tăng các chương trình khuyến mãi tại 800 điểm bán; đa dạng hóa các chương trình kích cầu tại điểm bán: không chỉ khuyến mãi mà còn là hình thức mua sản phẩm tặng sản phẩm; tổ chức các phiên chợ đồng giá, tham gia các chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, chương trình khuyến mãi tập trung Shopping Season...
Đầu tư mở rộng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh
Sở GTVT TP. HCM vừa đề xuất nâng cấp, mở rộng 2 tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng. Trả lời về vấn đề này, Phó Trưởng Phòng Quản lý giao thông Đường thủy Sở GTVT Nguyễn Ngọc Hải cho hay, đây là các tuyến đường chính đô thị, trục cửa ngõ, kết nối vùng (đường vành đai, quốc lộ, cao tốc). Tuy nhiên, hiện chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch và thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Để đồng bộ, hoàn chỉnh trục giao thông cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố, kết nối vùng, góp phần khai thác hiệu quả dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 theo Nghị quyết 98, Sở GTVT đề xuất UBND Thành phố đưa 02 tuyến đường này vào Kế hoạch đầu tư phát triển các dự án, công trình GTVT trọng điểm ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2024-2030, để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Dự kiến, Thành phố nâng cấp, mở rộng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ nút giao Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu 1) với chiều dài 2 km, cùng với đó xây dựng nút giao Đài Liệt sỹ theo phương án đảo xoay vòng kết hợp hầm chui.
Đường Đinh Bộ Lĩnh (đoạn đường Điện Biên Phủ đến cầu Bình Triệu) được nâng cấp, mở rộng chiều dài 2 km. Đồng thời, xây dựng mới cầu Bình Triệu 6 làn xe, gồm 2 đơn nguyên mỗi đơn nguyên rộng 1 l,5m, dài 560m.
Thời gian thực hiện từ 2024-2030, trong đó giai năm 2024-2025 thực hiện chuẩn bị đầu tư.
Tổng dư nợ tín dụng tăng hơn 11% so với cùng kỳ
Thông tin liên quan đến tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. HCM Nguyễn Đức Lệnh cho hay, đến ngày 30/6, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP đạt 3.683 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm và tăng 11,06% so với cùng kỳ.
6 tháng đầu năm, GRDP tăng trưởng ấn tượng trong 5 năm trở lại đây, với mức tăng 6,46%. Trong đó, lãi suất thấp, cùng với các chương trình tín dụng tập trung và các gói tín dụng ưu đãi, chính sách cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, đã trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, các chương trình, chính sách ưu đãi của Chính phủ, NHNN và Thành phố đã mang lại hiệu quả thiết thực, trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo đối tượng của các gói tín dụng ưu đãi như gói 30 nghìn tỷ đồng; gói 120 nghìn tỷ đồng...
Đến nay, gói tín dụng ưu đãi do 17 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn đăng ký tham gia từ đầu năm, với quy mô 509.864 tỷ đồng, đã giải ngân đạt trên 273.786 tỷ đồng, tức khoảng 53,7%.
TP. HCM: Dôi dự khoảng 450 người sau khi sắp xếp đơn vị hành chính
Đây là thông tin do Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên Sở Nội vụ Nguyễn Hoàng Hưng cung cấp tại họp báo.
Theo đó, giai đoạn 2023-2030, Thành phố thực hiện sắp xếp 80 phường để thành lập 38 phường mới. Dự kiến số lượng cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp khoảng hơn 450 người.
So với công tác đã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021, lần này Thành phố việc thực hiện khối lượng công việc rất lớn. “Đặc biệt là việc sắp xếp đối với đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư là câu chuyện khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. Tuy nhiên, việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương chung, mang nhiều ý nghĩa nên TP. HCM sẽ nỗ lực sắp xếp phù hợp, đúng quy định và chia sẻ với tâm tư, lo lắng của đội ngũ cán bộ, công chức”, đại diện Sở Nội vụ chia sẻ.
Trên cơ sở thực hiện các quy định theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và Nghị quyết của Chính phủ, Sở Nội vụ đang phối hợp với 10 quận tiến hành tổng hợp, rà soát cụ thể số lượng cán bộ, công chức sẽ dôi dư sau sắp xếp để hoàn thiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính.
Trong nội dung đề án, Sở sẽ hướng dẫn các đơn vị xây dựng phương án sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo tính khoa học, có lộ trình. Đồng thời, đề xuất cụ thể các phương thức thực hiện như: sắp xếp tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, xã; điều động, bố trí số lượng cán bộ, công chức theo các quy đinh pháp luật về tiêu chí, tiêu chuẩn làm việc tại phường; đề xuất lộ trình về thời gian, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp đảm bảo đúng quy định…
UBND huyện Củ Chi: Không phê duyệt 2 dự án của Lan Phương Real
Trả lời câu hỏi phóng viên quan tâm, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị UBND Huyện Củ Chi Nguyễn Quốc Huy thông tin, từ trước đến nay, chính quyền địa phương không chấp thuận dự án nào mang tên khu dân cư Golden City Tân Quy và dự án River Củ Chi do Công ty Lan Phương Real thực hiện đầu tư.
Đối với Văn bản số 12312/UBND-QLĐT ngày 25/12/2020 của UBND huyện Củ Chi về chủ trương điều chỉnh tổng thể các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, nội dung của văn bản này mục đích giao nhiệm vụ cho các phòng, ban của huyện để thực hiện nhiệm vụ theo chức năng của từng đơn vị, không liên quan đến việc thi công các dự án nêu trên. Việc Công ty Lan Phương Real có ý kiến tạm dừng thi công khu dân cư Golden City để chờ hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền (thực hiện theo Văn bản số 12312) là không đúng nội dung văn bản này.
Nguyên nhân Dự án mở rộng đường Phạm Văn Bạch chậm tiến độ
Tại họp báo, bà Lê Thị Thu Sương Phó chủ tịch UBND Quận Tân Bình đã thông tin về tiến độ dự án Nâng cấp, mở rộng đường Phạm Văn Bạch trên địa bàn. Theo đó, dự án đã bàn giao mặt bằng 623/701 trường hợp, gồm 2 nhánh.
Nhánh 1 là tuyến đường Tân Sơn có 121 trường hợp. Toàn bộ hộ dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng. Chủ đầu tư đã thi công xong phần dự án này và đưa vào sử dụng.
Nhánh 2 có 580 trường hợp đã hoàn chỉnh phương án và được UBND quận ban hành Quyết định bồi thường, hỗ trợ. Đến nay, có 502/580 trường hợp đồng ý nhận tiền bồi thường.
Địa phương nhận định, các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án gồm: một số trường hợp sử dụng đất lấn, chiếm, chưa được cấp Giấy chứng nhận, như yêu cầu được bồi thường theo đơn giá đất ở; một số trường hợp không đồng ý với chính sách Nhà nước và nhân dân cùng làm thông qua người dân hiến 50% giá trị bồi thường hỗ trợ về đất để thực hiện dự án; số khác yêu cầu bồi thường theo giá thị trường thời điểm hiện tại.
Do đó, quận sẽ tiếp tục vận động để người dân đồng thuận chủ trương thực hiện dự án và bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư trong thời gian sớm nhất.
Phát hiện lưới chắn rác bị mất cắp, phản ánh ngay qua đường dây nóng
Trước thông tin cống thoát nước tại nhiều tuyến đường bị kẻ gian lấy mất các lưới chắn rác bằng kim loại, ông Phạm Công Đô, Phó phòng Quản lý hạ tầng thoát nước - Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng cho biết, mặc dù thời gian qua, đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này nhưng sự việc vẫn tiếp diễn.
Bên cạnh tăng cường kiểm tra, giám sát, Trung tâm đề nghị người dân cùng chung tay ngăn chặn vấn nạn, bằng cách phản ánh qua đường dây nóng (Tổng đài 1022, số điện thoại 02838.181.985) khi có sự việc mất cắp cấu kiện thoát nước xảy ra. Ngay khi tiếp nhận, Trung tâm sẽ rà soát và lắp đặt lại lưới chắn rác bị mất nhằm đảm bảo an toàn giao thông khu vực.
Đơn vị cũng đề nghị UBND các quận, huyện và Công an địa phương hỗ trợ tuyên truyền, cảnh báo với các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn không tiếp tay, thu mua các sản phẩm cấu kiện hạ tầng kỹ thuật (bao gồm các cấu kiện thuộc hệ thống thoát nước) do các đối tượng trộm cắp tiêu thụ. Tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở thu mua để xác định nguồn gốc các cấu kiện hạ tầng kỹ thuật (bao gồm các cấu kiện thuộc hệ thống thoát nước) và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp thu mua các cầu kiện hạ tầng kỹ thuật không rõ nguồn gốc.
Ngăn chặn người có ý định nhảy cầu
Thông tin tại họp báo, Phó trưởng Phòng tham mưu, Công an TP. HCM - Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP đã xảy ra 31 vụ nhảy cầu, lực lượng chức năng đã kịp thời cứu được 01 người.
Về nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng này, đại diện Công an TP lý giải, chủ yếu là các trường hợp buồn chuyện gia đình, tình cảm, mâu thuẫn trong cuộc sống, rối loạn tâm thần, trầm cảm, áp lực học hành, kinh doanh...
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường tư vấn sức khỏe tâm thần cho người dân cũng như quan tâm, hỗ trợ việc làm cho người lao động, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… Bên cạnh đó, khảo sát, lắp đặt rào chắn tại các cầu, thành lập đội tình nguyện trên sông để kịp thời phát hiện và ứng cứu các trường hợp nhảy cầu.
Phát huy tinh thần nghĩa tình của TP. HCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà đề nghị người dân quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những người có ý định nhảy cầu.
Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi