Thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội TP. HCM đến ngày 18/7

19:07 18/07/2024

(HMC) - Chiều 18/7, tại Trung tâm Báo chí Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Đức Hải và Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hồi chủ trì cuộc họp.

Cùng tham dự có đại diện các cơ quan, đơn vị: Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Ngoại vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Du lịch, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng), Công an Thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại và Hội nghị Quốc tế (FSC), Trung tâm Báo chí Thành phố và gần 60 phóng viên, biên tập viên của 40 cơ quan báo, đài.

Họp báo thu hút sự tham gia của đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí. Ảnh: LINH NHI 
Họp báo thu hút sự tham gia của đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí. Ảnh: LINH NHI 

TP. HCM tổ chức hai sự kiện lớn vào tháng 9/2024

Tại họp báo, Giám đốc Sở Ngoại vụ Trần Phước Anh thông tin, Đối thoại Hữu nghị TP. HCM lần thứ 2 năm 2024 (Ho Chi Minh City Friendship Dialogue – FD) sẽ diễn ra từ ngày 23-24/9 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển”. Sự kiện nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Thành phố các địa phương kết nghĩa trên thế giới; đồng thời là dịp quảng bá về đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Giám đốc Sở Ngoại vụ Trần Phước Anh tại họp báo. Ảnh: THẾ ANH
Giám đốc Sở Ngoại vụ Trần Phước Anh tại họp báo. Ảnh: THẾ ANH

Trong bối cảnh Thành phố đã thiết lập quan hệ kết nghĩa với 58 địa phương nước ngoài, việc tổ chức Đối thoại Hữu nghị TP. HCM không chỉ củng cố mối quan hệ hữu nghị, mà còn là cơ hội để các bên thảo luận về kinh nghiệm, phương hướng, giải pháp thúc đẩy hợp tác, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, nâng tầm công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Thành phố.

Sự kiện là nền tảng quan trọng trong việc triển khai hiệu quả “Chiến lược nâng tầm công tác đối ngoại của TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2045” và đề án “Thúc đẩy quan hệ với các địa phương trọng điểm thuộc các nước là đối tác chiến lược của Việt Nam phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của TP. HCM giai đoạn 2020-2025”. Trong đó, nâng tầm quốc tế của Thành phố trong việc chủ động thiết lập và tập hợp lãnh đạo các địa phương nước ngoài, chuyên gia, nhà nghiên cứu thảo luận và định hướng các khuôn khổ hợp tác quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển chung, cùng có lợi cho các bên.

Nổi bật trong chuỗi hoạt động là Phiên Hội nghị Thị trưởng, với sự tham dự của Lãnh đạo Trung ương, Bộ ngành, Thành phố cùng đại diện 58 địa phương quốc tế có quan hệ hữu nghị hợp tác với Thành phố như: Đức, Hoa Kỳ, Thái Lan, Campuchia, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Phần Lan…

Dịp này, Thành phố cũng tổ chức Lễ khởi công Biểu tượng hữu nghị quốc tế TP. HCM tại công viên bến Bạch Đằng (quận 1). Ngoài ra, để chào đón các đại biểu tham dự, Thành phố cũng xây dựng chuỗi hoạt động ngoại giao công chúng như đi bộ ngắm cảnh, thưởng thức cà phê trứng, ngắm khinh khí cầu, đi du thuyền trên sông Sài Gòn... 

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa. Ảnh: LINH NHI 
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa. Ảnh: LINH NHI 

Cũng trong tháng 9, TP. HCM tổ chức diễn đàn Kinh tế TP. HCM (HEF) lần thứ 5 năm 2024. Thông tin về chương trình này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa - phó trưởng Ban tổ chức - cho biết, diễn đàn năm nay sẽ diễn ra từ ngày 24-27/9 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. HCM".

Theo Chủ tịch HUBA, thời gian tới, TP. HCM xác định tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu. Trong đó, chuyển đổi công nghiệp là động lực mới cho sự tăng trưởng và phát triển của TP, bên cạnh các động lực truyền thống đã có từ trước như đầu mối, là trung tâm, là đầu tàu kinh tế. Chính động lực mới này sẽ phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững của địa phương.

“Chủ đề năm nay kế thừa nội dung Diễn đàn Kinh tế TP. HCM năm 2023 là ‘Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không’. Đây là quá trình chuyển đổi đồng bộ và chuyển đổi kép”, ông Hòa thông tin.

Đặc biệt, trong khuôn khổ HEF 2024, TP. HCM sẽ khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) với trụ sở đặt tại Khu công nghệ cao. Đây là trung tâm thứ hai được thành lập ở Đông Nam Á, sau C4IR Malaysia và là trung tâm thứ 19 trên toàn thế giới. Từ đây, TP. HCM chính thức trở thành thành viên trong hệ sinh thái của Diễn đàn Kinh tế toàn cầu.

16 cơ sở lưu trú miễn giảm giá phòng cho du khách khi bay đêm đến TP. HCM

Đây là thông tin do Trưởng Phòng Quản lý cơ sở lưu trú du lịch Sở Du lịch Võ Ngọc Điệp cho biết tại họp báo. Tính đến ngày 8/7, có 16 cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Thành phố đăng ký tham gia giảm từ 20-100% giá phòng cho đêm đầu tiên theo giá niêm yết. Từ đêm thứ 2 áp dụng theo giá niêm yết hoặc giảm 60% theo giá niêm yết.

Đại diện Sở Du lịch đánh giá, các combo kết hợp giữa hàng không và lưu trú góp phần hình thành các gói sản phẩm kích cầu du lịch đa dạng, phong phú. Ảnh: LINH NHI
Đại diện Sở Du lịch đánh giá, các combo kết hợp giữa hàng không và lưu trú góp phần hình thành các gói sản phẩm kích cầu du lịch đa dạng, phong phú. Ảnh: LINH NHI

Để sử dụng dịch vụ trên, người dân và du khách phải sử dụng chuyến bay đêm của Vietnam Airlines theo khung giờ trước 06 giờ sáng và sau 21 giờ, danh sách các cơ sở lưu trú tham gia sẽ được đăng trên Website của Sở Du lịch, Vietnam Airlines.

Căn cứ theo như cầu, du khách liên hệ và đặt phòng trực tiếp tại các cơ sở lưu trú. Mỗi cơ sở có chính sách ưu đãi và điều kiện áp dụng khác nhau. Tuy nhiên sẽ có một số điều kiện bắt buộc như du khách phải lưu trú tại khách sạn từ 2 đêm trở lên…

Đại diện Sở Du lịch cho rằng, việc xây dựng các combo kết hợp giữa hàng không và lưu trú góp phần hình thành các gói sản phẩm kích cầu du lịch đa dạng, phong phú, tăng thêm giá trị trải nghiệm cho du khách khi đến tham quan, lưu trú tại Thành phố. Tuy nhiên, chính sách này phù hợp với các đối tượng khách lẻ, khách du lịch tự túc (gia đình, nhóm nhỏ) hay nhu cầu đi lại thông thường. Doanh nghiệp lữ hành rất khó để tổ chức khách đoàn nội địa trong khung giờ đêm. Các chương trình nội địa thường khởi hành sáng và về tới sân bay vào buổi chiều hoặc tối, nếu bay đêm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và trải nghiệm của du khách.

Quản lý KOLs để quảng bá hình ảnh TP. HCM một cách hiệu quả

“Khi nhắc đến KOLs, nhiều người sẽ nghĩ đến việc xử phạt ai đó, tuy nhiên, KOLs cũng chính là những người có thể giúp lan tỏa nhiều sự kiện lớn của thành phố”, đó là thông tin được Trưởng Phòng Thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông TP Nguyễn Thanh Hòa chia sẻ tại họp báo.

Thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội TP. HCM đến ngày 18/7 - Ảnh 1

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, KOLs có thể là cá nhân và cũng có thể là các tổ chức có sức ảnh hưởng lớn cũng là KOLs. Một sự kiện có sự tham gia của những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội sẽ giúp lan tỏa hơn nữa hình ảnh của sự kiện đó.

Hiện TP. HCM đang có danh sách của 720 KOLs - là những cá nhân đã từng ủng hộ những sự kiện lớn của thành phố. Những KOLs này giúp ích một cách hiệu quả cho thành phố trong tuyên truyền, quảng bá các sự kiện văn hóa, du lịch và tuyên truyền về chính sách. Thành phố chia thành từng nhóm KOLs, trong đó mỗi nhóm phù hợp với từng lĩnh vực nhất định như công nghệ, văn hóa, lịch sử, du lịch...

“Bên cạnh đó, việc phân chia KOLs theo từng nhóm ngành nghề để quản lý còn giúp thành phố chủ động nguồn dữ liệu thông tin, xử lý kịp thời khi có khủng hoảng truyền thông” - đại diện Sở Thông tin và Truyền thông nói.

Hơn 30 ngày cao điểm: Phát hiện và xử lý hơn 2.300 trường hợp vi phạm về PCCC

Thông tin kết quả sau hơn 30 ngày triển khai cao điểm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo an toàn về PCCC và CNCH đối với cơ sở tập trung đông người, nguy cơ cháy nổ cao, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP - Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, các cơ quan chức năng đã triển khai, hoàn thành việc tổ chức rà soát, kiểm tra, phân loại các cơ sơ và hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc thực hiện 04 nhóm giải pháp về bố trí công năng; ngăn cháy lan; lối thoát nạn và trang bị phương tiện PCCC.

Công an Thành phố đang nỗ lực thực hiện các biện pháp tăng cường công tác PCCC và CNCH. Ảnh: LINH NHI 
Công an Thành phố đang nỗ lực thực hiện các biện pháp tăng cường công tác PCCC và CNCH. Ảnh: LINH NHI 

Phần lớn các cơ sở nhà nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ đã bố trí, thiết kế lối ra khẩn cấp qua ban công hoặc lô gia các tầng, lối lên sân thượng hoặc mái dẫn đến khu vực lánh nạn khác. Tại các lối ra khẩn cấp đã được trang bị các thiết bị hỗ trợ thoát nạn khẩn cấp: thang kim loại, thang dây, ống tụt, hoặc dây thả chậm... phù hợp với đặc điểm của nhà.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, đợt cao điểm đã xử phạt, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ phát sinh cháy, nổ có khả năng cao gây thiệt hại về người tại các cơ sở. Cụ thể, qua tổ chức kiểm tra 63.269/63.471 lượt cơ sở tập trung đông người, nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn Thành phố, ghi nhận 202 cơ sở ngừng hoạt động, giải thể. Đồng thời, phát hiện và xử lý 2.322 hành vi vi phạm về PCCC, với tổng số tiền phạt hơn 3,76 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 35 cơ sở; tạm đình chỉ hoạt động 13 cơ sở.

Đại diện Công an TP cũng cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật và kỹ năng về PCCC luôn được đẩy mạnh, đặc biệt là qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok, Help 114…) đã lan tỏa, chuẩn bị những kiến thức cơ bản về PCCC cho người dân Thành phố.

Công an Thành phố đã và đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để tăng cường công tác PCCC và CNCH, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, cần có sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân và tập thể. Do vậy, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP kêu gọi mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về PCCC, tham gia tập huấn về PCCC và trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng ngừa và xử lý cháy nổ.

Phản ánh cuộc gọi rác qua tổng đài 156.5656

Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền Thông trả lời nhóm câu hỏi thuộc lĩnh vực phụ trách. Ảnh: LINH NHI
Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền Thông trả lời nhóm câu hỏi thuộc lĩnh vực phụ trách. Ảnh: LINH NHI

Liên quan đến phản ánh của báo chí về vấn đề tin nhắn rác, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Trịnh Đình Hòa cho biết, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai hàng loạt các giải pháp như tuyên truyền; phối hợp với lực lượng chức năng xử lý, triệt phá các đường dây lừa đảo trực tuyến; định danh các cuộc gọi của cơ quan nhà nước; tăng cường xử lý sim rác, sim không chính chủ.

Người dân có thể phản ánh tin nhắn, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo thông qua tổng đài 156.5656, hoặc liên hệ website https://thongbaorac.ais.gov.vn.

Sở Y tế nêu nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu

Theo Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như, trong năm nay, có 10 dự án đầu tư công do Sở Y tế làm chủ đầu tư, với tổng số tiền hơn 253 tỷ đồng. Tính đến hết quý 2, các dự án giải ngân gần 68 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27%. Tỷ lệ này chưa đạt theo nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân Thành phố.

Chánh Văn phòng Sở Y tế nói về giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm. Ảnh: LINH NHI
Chánh Văn phòng Sở Y tế nói về giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm. Ảnh: LINH NHI

Nguyên nhân nằm ở 03 dự án xây dựng Khối 2, 4A và 5B do Bệnh viện Nhi đồng 1 làm chủ đầu tư được cấp vốn năm 2024 là 94 tỷ đồng, khối lượng giải ngân tính đến hết tháng 6 là 5,957 tỷ đồng, chỉ đạt tỷ lệ 6%.

03 dự án đến nay đã hoàn thành, chỉ còn công tác lắp đặt hệ thống khí sạch của Khối 4A và Khối 5B với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 20 tỷ đồng. Trong khi đó, Tổng thầu thi công đang thực hiện hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu để Chủ đầu tư trình Sở Xây dựng xem xét, thẩm định, trình phê duyệt giá trị phát sinh của dự án làm cơ sở cho Chủ đầu tư thực hiện giải ngân vốn cấp còn lại.

Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục tổ chức các cuộc họp giám sát, đôn đốc công trình. Đồng chủ trì với Sở Xây dựng trong các cuộc họp nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các nhà thầu thi công cũng như các bên liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Sở Y tế đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, trình Ủy ban nhân dân Thành phố và đã được chấp thuận chủ trương điều hòa vốn nội bộ cho 03 dự án xây dựng Khối 2, 4A và 5B của Bệnh viện Nhi đồng 1 về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024. Trên cơ sở đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Chủ đầu tư) tiếp tục thực hiện các bước còn lại để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

Tiến độ các dự án nhà máy đốt rác thành điện tại TP. HCM

Tại họp báo, ông Tống Viết Thành - Phó phòng quản lý chất thải rắn - Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin về tiến độ xây dựng các dự án nhà máy đốt rác thành điện tại TP. HCM.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời câu hỏi phóng viên. Ảnh: LINH NHI
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời câu hỏi phóng viên. Ảnh: LINH NHI

Theo đó, công ty Cổ phần Vietstar đang hoàn thiện các thủ tục liên quan (thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy đối với thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật) để thực hiện hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xây dựng dự án nhà máy đốt phát điện. Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa vừa được Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng số 31/GPXD cho giai đoạn 1 của dự án nhà máy đốt rác phát điện. Dự án này sẽ khởi công xây dựng vào ngày 20/7/2024.

Công ty Cổ phần Tasco đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét và làm việc với các Sở ngành liên quan để trình UBND TP cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.

Riêng 2 công ty chưa nộp hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư cho Sở Kế hoạch và Đầu tư gồm Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP. Hai đơn vị này đang thực hiện hồ sơ dự án đầu tư để gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét.

Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục