Thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội TP. HCM đến ngày 19/9

20:06 19/09/2024

(HMC) – Ngày 19/9, tại Trung tâm Báo chí TP. HCM, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Tăng Hữu Phong và Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hồi chủ trì họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố tuần qua.

Tham dự có đại diện các đơn vị: Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Văn hóa và Thể thao, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng đô thị, Công an Thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM, UBND Quận 1, UBND Quận 7, UBND Quận Bình Thạnh, UBND Huyện Nhà Bè, UBND TP. Thủ Đức, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Văn phòng UBND Thành phố, Trung tâm Báo chí Thành phố và 50 phóng viên, biên tập viên của hơn 30 cơ quan báo, đài.

Họp báo chiều 19/9 nhận được nhiều sự quan tâm của phóng viên qua các câu hỏi gửi về. Ảnh: THẾ ANH
Họp báo chiều 19/9 nhận được nhiều sự quan tâm của phóng viên qua các câu hỏi gửi về. Ảnh: THẾ ANH

TP. HCM: Sẵn sàng ứng phó mưa lớn kết hợp triều cường 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phương án ứng phó với thời tiết ở thời điểm hiện tại, Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hòa An cho biết, các đơn vị quản lý đường bộ đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, phối hợp với các cơ quan quản lý hạ tầng kỹ thuật, Công an thành phố để điều tiết giao thông, củng cố hạ tầng khi xảy ra mưa lớn kết hợp với triều cường.

Lãnh đạo Sở GTVT tại họp báo. Ảnh: THẾ ANH 
Lãnh đạo Sở GTVT tại họp báo. Ảnh: THẾ ANH 

Theo đó, các đơn vị tổ chức trực 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố để xác định cụ thể khả năng thời điểm xảy ra mưa lớn, triều trường để chuẩn bị vật tư, thiết bị, máy móc, nhân lực thực hiện hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả), đặc biệt ở các khu vực trũng thấp thường xuyên bị ngập do triều.

Thành phố đã thành lập các Tổ phản ứng nhanh gồm đại diện Sở GTVT, Sở Xây dựng, Công an Thành phố ở khu vực Tây Nam, sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực Cát Lái. Cùng với hệ thống 793 camera giám sát giao thông được lắp đặt trên toàn địa bàn thành phố và thông tin từ cán bộ trực điều tiết giao thông tại hiện trường, các thông tin về ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông do mưa lớn, triều cường sẽ được cập nhật thường xuyên, chuyển lên ứng dụng Viber. “Do đó, khi có sự cố xảy ra gây ùn tắc giao thông, các cơ quan chức năng có mặt kịp thời tại hiện trường để khắc phục sự cố, điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, thông suốt trong thời gian sớm nhất”, ông An nói.

Lãnh đạo Sở GTVT cũng cho biết, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị là đơn vị trực thuộc Sở sẽ đăng tải thông tin cảnh báo tình hình mưa lớn, triều cường, tình hình ùn tắc giao thông lên hệ thống 78 bảng quang báo giao thông. Đồng thời, cung cấp thông tin đến các Kênh VOV, VOH để người dân nắm thông tin, lựa chọn lộ trình lưu thông phù hợp, hạn chế lưu thông qua khu vực ngập, ùn tắc.

Thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội TP. HCM đến ngày 19/9 - Ảnh 1

Cũng về nội dung này, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP. HCM Nguyễn Đức Vũ cho biết, hiện thành phố có 312 đội xung kích, với khoảng 21.000 người. Nếu có sự cố vỡ đê bao, bờ bao khi thời tiết khắc nghiệt, các đội xung kích sẽ ứng phó xử lý ngay, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.

TP.HCM đang có 32 điểm sạt lở trên sông rạch. Trong đó, 24 điểm đã được gia cố, còn 8 điểm đang làm báo cáo UBND TP để xin chủ trương đầu tư.

Liên quan đến bức xúc của một số người dân sống gần Trạm BOT Phú Hữu (TP. Thủ Đức), lãnh đạo Sở GTVT cho biết đã kiểm tra và nhận thấy còn một số bất cập như: Tuyến đường Nguyễn Thị Tư (đoạn từ đường Nguyễn Duy Trinh đến đường Đặng Thanh Hiếu) có nhiều vị trí đọng nước, mặt đường tại một số vị trí bị hư hỏng, phần đường dành cho xe 02 bánh bị lấp bùn đất; hệ thống vạch sơn phân làn trên đường mờ, thiếu, không đảm bảo khả năng khai thác, mất mỹ quan đô thị và mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, tình trạng các loại xe ô tô tải, xe sơ-mi, rơ-moóc dừng đỗ chiếm dụng các mặt đường trên thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, lực lượng chức năng không xử lý triệt để.

Sở GTVT đã có công văn đề nghị Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (chủ đầu tư dự án) khẩn trương khắc phục. Đồng thời, đề nghị Công an TP. Thủ Đức xử lý nghiêm tình trạng dừng đỗ xe không đúng quy định trên tuyến đường Nguyễn Thị Tư, đường Đặng Thanh Hiếu.

Số ca sởi ở TP. HCM bắt đầu chững lại

Theo Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm, tình hình dịch sởi khu vực phía Nam vẫn có chiều hướng tăng. Tại TP.HCM trong tuần thứ 37 vừa qua (từ ngày 9 đến 15/9) ghi nhận 95 ca mắc sởi, tăng 12,5% so với trung bình 4 tuần trước. “Nếu so với tuần trước đó thì dịch sởi đã có dấu hiệu chững lại, đây là tín hiệu đáng mừng”, ông Tâm cho biết.

Tình hình dịch sởi trên địa bàn đã được kiểm soát là thông tin đáng chú ý do Giám đốc HCCD cung cấp. Ảnh: THẾ ANH 
Tình hình dịch sởi trên địa bàn đã được kiểm soát là thông tin đáng chú ý do Giám đốc HCCD cung cấp. Ảnh: THẾ ANH 

Cũng theo Giám đốc HCDC, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, TP. Thủ Đức, huyện Hóc Môn vẫn là địa phương có số ca sởi tăng cao. So với các tuần trước, bệnh nhân mắc sởi nhập viện có xu hướng giảm.

Trong tuần vừa qua cũng ghi nhận ca mắc sởi tại 9 trường học. Hiện chiến dịch tiêm phòng vắc xin sởi đang được TP. HCM triển khai 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 tiêm cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi và trẻ có nguy cơ cao do mắc bệnh lý nền, nhân viên y tế có nguy cơ do tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân mắc sởi,...Giai đoạn 2 tiêm cho trẻ từ 6 đến 10 tuổi. Hiện các quận, huyện đang tích cực thực hiện cùng lúc cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2.

Tính đến hết ngày 17/9, trong số 49.847 trẻ từ 1 đến 5 tuổi chưa tiêm đủ mũi sởi, TP đã tiêm được 31.075 mũi, đạt tỷ lệ 62,3%. Đối với nhóm trẻ từ 6 đến 10 tuổi hiện thống kê được 178.585 trẻ thiếu mũi và đã tiêm 39.745 mũi, đạt tỷ lệ 22,3%.

Thống kê đến hết ngày 18/9, TP đã tiêm được 89.096 mũi vắc xin sởi, trong đó có 31.902 trẻ từ 1 đến 5 tuổi, 50.294 trẻ từ 6 đến 10 tuổi. Riêng các đối tượng khác (những trẻ có nguy cơ và nhân viên y tế) tiêm được 6.900 mũi.

Đặc sản 45 tỉnh thành “đổ bộ” TP.HCM

Với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP. HCM và các tỉnh, thành năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26-29/9 tại Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ (quận 11). Tại đây, hơn 2.000 doanh nghiệp đến từ hơn 45 tỉnh, thành trên cả nước sẽ cùng tham gia hàng loạt hoạt động nhằm kết nối với các tập đoàn bán lẻ và sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam. Thông tin được ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Trưởng Phòng Quản lý thương mại - Sở Công thương cung cấp tại họp báo.

Đại diện Sở Công Thương. Ảnh: THẾ ANH 
Đại diện Sở Công Thương. Ảnh: THẾ ANH 

Gắn với chủ đề “Kết nối trách nhiệm – Hướng đến Chuỗi cung ứng xanh”, Hội nghị năm nay có nhiều chương trình đổi mới thiết thực, phong phú, thực tiễn. Nổi bật trong đó là hoạt động kết nối trực tiếp giữa 13 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam, 4 sàn thương mại điện tử, các chợ đầu mối với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất đến từ các tỉnh, thành trên cả nước.

Khách tham quan được trải nghiệm không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, ẩm thực đặc sắc của các vùng miền. Tại đây tập trung 700 gian hàng với nhiều không gian đặc sắc như: Không gian sản phẩm đặc sắc Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh duyên hải miền Trung; khu gian hàng các địa phương: Long An, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Tây Ninh, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Quảng Nam…

Từ 9 đến 23h ngày 26/9, chiến dịch “Siêu LIVE hàng Việt” trên nền tảng TikTok được tổ chức với 19 phiên live, quảng bá hơn 200 sản phẩm đến từ hơn 45 tỉnh thành.

Sở Công Thương kỳ vọng, hoạt động kết nối trực tuyến sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp khởi nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc sắc cũng như nâng cao nhận thức về tiềm năng, cơ hội phát triển kênh bán hàng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh, bán hàng thông qua mạng xã hội.

TP. HCM tính phương án đổi xe buýt nhỏ

TP. HCM đang đối mặt với tình trạng giao thông quá tải do số lượng phương tiện tăng nhanh hơn sơ với hạ tầng. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn vào giờ cao điểm và khi trời mưa. Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP, dù đã có nhiều giải pháp như đầu tư, mở rộng các tuyến đường và tăng cường lực lượng CSGT, tình trạng ùn tắc vẫn còn diễn ra. Vì vậy, vào các khung giờ cao điểm, TP đã hạn chế một số phương tiện lưu thông nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Thượng tá Lê Mạnh Hà trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: THẾ ANH 
Thượng tá Lê Mạnh Hà trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: THẾ ANH 

Riêng xe buýt được xếp vào loại phương tiện giao thông công cộng được hưởng một số ưu tiên, như được ngoại lệ tham gia 2 chiều ở những tuyến đường tổ chức 1 chiều ô tô. Xe buýt có kích thước lớn loại 50 chỗ ngồi và 30 chỗ đứng thích hợp cho việc vận chuyển hành khách số lượng lớn, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, do kích thước lớn nên việc di chuyển qua các giao lộ, vào bến, trạm dừng... còn khó khăn, nhất là vào khung giờ cao điểm. Nếu thay thế phương tiện có kích thước nhỏ hơn, thì với số lượng hành khách lớn, phải huy động nhiều phương tiện hơn, dẫn đến số lượng, tần suất phương tiện tăng lên, người điều khiển phương tiện cũng tăng lên. Vì vậy, cần có đánh giá, tổ chức thí điểm tính hiệu quả.

Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an Thành phố đã đề xuất với Sở Giao thông vận tải chọn xe buýt nhỏ loại 30 chỗ ngồi, 24 chỗ ngồi lưu thông các lộ trình có khổ đường nhỏ để thuận lợi và đảm bảo an toàn. Việc thay đổi cần thời gian và lộ trình để thay thế.

Công an Thành phố cho biết sẽ giao các đơn vị nghiệp vụ tập trung thực hiện nội dung này để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố.

Luật Quảng cáo sửa đổi: Siết chặt trách nhiệm của người nổi tiếng

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó có đề xuất người có tầm ảnh hưởng, người nổi tiếng đăng tải ý kiến, cảm nhận về sản phẩm phải là người đã trực tiếp sử dụng. Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM nêu quan điểm ủng hộ đề xuất này.

Thời gian qua, Sở VH-TT và Sở TT-TT đã phối hợp kiểm tra, xử lý một số hoạt động biểu diễn, quảng cáo của người nổi tiếng. 
Thời gian qua, Sở VH-TT và Sở TT-TT đã phối hợp kiểm tra, xử lý một số hoạt động biểu diễn, quảng cáo của người nổi tiếng. 

Theo Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thanh Vương, hiện nay, hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng ngày càng phổ biến, mọi công dân đều có thể thực hiện việc quảng cáo sản phẩm, không chỉ riêng đối với người nổi tiếng. Tuy nhiên, trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được phân công, Sở chỉ quản lý các nghệ sĩ là công chức, viên chức trực thuộc các đơn vị do Sở Văn hóa và Thể thao quản lý và cấp phép biểu diễn nghệ thuật.

Sở Văn hóa và Thể thao không có quyền hạn, trách nhiệm quản lý con người, hoạt động thường ngày, công việc của nghệ sỹ nói riêng và người nổi tiếng nói chung. Hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý.

Về vấn đề này, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai công tác kiểm tra, xử lý quảng cáo đối với người nổi tiếng (KOLs) tham gia quảng cáo các sản phẩm kém chất lượng, chưa được kiểm duyệt hoặc cấp phép theo quy định; ngăn chặn kênh, tài khoản mạng xã hội, trang thông tin điện tử vi phạm. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu và phân nhóm theo mảng nội dung để thực hiện các chính sách truyền thông chủ động cho ngành, lĩnh vực thông qua KOLs của Thành phố; triển khai các quy định, chiến lược và giải pháp của Thành phố để các KOLs, công ty truyền thông, mạng lưới quản lý đa kênh, người nổi tiếng chấp hành và cam kết phối hợp thực hiện.

Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục