Thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội TP. HCM đến ngày 23/5

20:04 23/05/2024

(HMC) - Chiều 23/5, tại Trung tâm Báo chí Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM và Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn tuần qua. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Đức Hải và Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hồi chủ trì cuộc họp.

Cùng tham dự có lãnh đạo các đơn vị: Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT), Công an Thành phố, Thành Đoàn, UBND TP Thủ Đức, UBND Quận Bình Thạnh, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Trung tâm Báo chí Thành phố và hơn 40 phóng viên, biên tập viên của hơn 30 cơ quan báo, đài.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: THẾ ANH
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: THẾ ANH

Rà soát lại các khu nhà, đất dôi dư để bố trí trụ sở khu phố, ấp

Thông tin liên quan công tác rà soát các nhà đất dôi dư để làm trụ sở khu phố, ấp mới, Trưởng phòng Quản lý Công sản Sở Tài chính Ngô Quang Vinh cho biết, theo Quyết định số 3009/QĐ-UBND ngày 24/7/2023 của UBND thành phố về việc ban hành Kế hoạch sắp xếp khu phố, ấp theo quy định của cấp trung ương, các địa phương sử dụng chung luân phiên với trụ sở đã có hoặc bố trí địa điểm phù hợp sau khi sắp xếp lại khu phố, ấp mới; vận dụng linh hoạt theo đặc điểm của khu phố, ấp.

Trưởng phòng Quản lý Công sản Sở Tài chính Ngô Quang Vinh. Ảnh: THẾ ANH
Trưởng phòng Quản lý Công sản Sở Tài chính Ngô Quang Vinh. Ảnh: THẾ ANH

Hiện nay, các quận, huyện và TP Thủ Đức đang tập trung rà soát lại các khu nhà, đất dôi dư, đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bố trí trụ sở khu phố, ấp.

Sở Tài chính cũng tích cực đồng hành cùng các địa phương đạo giải quyết khó khăn liên quan đến trụ sở sinh hoạt khu phố, ấp, đảm bảo tính khả thi, tạo điều kiện cho khu phố, ấp mới thành lập hoạt động thuận lợi, hiệu quả, chất lượng và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế địa bàn dân cư sau khi sắp xếp khu phố, ấp. 

Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 14 của HĐND Thành phố, tổ chức vào ngày 14/3/2024, HĐND Thành phố đã xem xét, biểu quyết thông qua Nghị quyết số 11/NQ-HĐND về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp, cụ thể:

- Tổng số khu phố, ấp mới: 4.861 (3.654 Khu phố và 1.207 ấp);

- Tổng số khu phố, ấp đạt chuẩn quy mô số hộ gia đình: 4.823/4.861 khu phố, ấp đạt tỷ lệ 99,69% (trong đó 3.618 Khu phố có từ đủ 500 hộ và 1.205 ấp có từ đủ 350 hộ);

- Tổng số khu phố, ấp không đạt chuẩn: 38 (trong đó, 36 khu phố và 02 ấp).

Sở GTVT sẽ trình UBND TP. HCM chấp thuận chủ trương xây dựng đề án thu phí ô tô vào nội đô trong tháng 6/2024

Đại diện Sở GTVT cho biết, đề án nhằm kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, góp phần giảm ùn tắc, tái đầu tư hạ tầng giao thông. Ảnh: THẾ ANH
Đại diện Sở GTVT cho biết, đề án nhằm kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, góp phần giảm ùn tắc, tái đầu tư hạ tầng giao thông. Ảnh: THẾ ANH

Thông tin về đề án thu phí ô tô lưu thông vào nội đô, Phó Trưởng Phòng Quản lý giao thông Đường thủy, Sở GTVT TP. HCM Phạm Quốc Huy cho biết, việc thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm là một trong các giải pháp thuộc đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP. HCM”, phê duyệt vào tháng 10/2020. Đề án nhằm kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, góp phần giảm ùn tắc, tái đầu tư hạ tầng giao thông.

Sở GTVT đã giao Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị nghiên cứu, đánh giá tình hình giao thông trên địa bàn thành phố nói chung và khu vực trung tâm thành phố nói riêng. Nội dung đánh giá gồm: hiện trạng quy hoạch hạ tầng giao thông, vận tốc lưu thông, dự báo khả năng tăng trưởng phương tiện cá nhân, tỷ lệ đáp ứng của hệ thống giao thông công cộng...

Theo đại diện Sở GTVT, việc thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP là nội dung phức tạp, cần phải có đơn vị tư vấn có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm và uy tín để thực hiện. Hiện Sở đang hoàn chỉnh báo cáo trình UBND TP chấp thuận chủ trương cho phép xây dựng đề án "Thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP. HCM" trong tháng 6 tới đây.

Xem xét xử lý các trường hợp vi phạm trang phục biểu diễn

Liên quan đến trang phục biểu diễn gây phản ứng dư luận trong thời gian qua, Phó Trưởng Phòng Nghệ thuật Sở VH-TT Trang Thanh Phương thông tin, Sở đã mời các bên liên quan gồm ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Công ty TNHH Tiếng Hát Việt, nhà thiết kế đến trao đổi và nhắc nhở.

Sở VH-TT đang phối hợp các đơn vị liên quan xử lý các tiết mục, chương trình có trang phục biểu diễn phản cảm. Ảnh: THẾ ANH  
Sở VH-TT đang phối hợp các đơn vị liên quan xử lý các tiết mục, chương trình có trang phục biểu diễn phản cảm. Ảnh: THẾ ANH  

Đồng thời, Sở tổ chức họp lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn về vấn đề trên. Đại diện các cơ quan, đơn vị đã nhận định, việc sử dụng trang phục cách điệu của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng không phù hợp nội dung các tiết mục và tổng thể chương trình cũng như giá trị văn hoá Việt Nam, dễ liên tưởng đến các vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính trị, gây phản cảm và tạo nên dư luận xấu, nhất là trong dịp cả nước chuẩn bị kỷ niệm các sự kiện chính trị trọng đại.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá và nắm bắt thông tin, đối chiếu Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các quy định pháp luật, Sở VH-TT sẽ có biện pháp đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, xử lý phù hợp.

Về hiện tượng một số ca sĩ biểu diễn nhạc bolero trong trang phục nhạy cảm (đồ lính chế độ cũ), ông Phương cho biết đơn vị đã nắm sự việc. Qua rà soát, các sản phẩm này vẫn được đăng tải trên một số fanpage, mạng xã hội Facebook, TikTok… Lĩnh vực này thuộc quản lý ngành Thông tin và Truyền thông. Sở VH-TT sẽ trao đổi với các cơ quan liên quan nhằm xác định việc sử dụng trang phục, cấp phép biểu diễn… để từ đó có các bước xử lý tiếp theo.

Không xảy ra quá tải tại Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2

Chánh văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như nêu các giải pháp giải quyết tình trạng quá tải tại Bệnh viện Ung Bướu 2. Ảnh: THẾ ANH
Chánh văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như nêu các giải pháp giải quyết tình trạng quá tải tại Bệnh viện Ung Bướu 2. Ảnh: THẾ ANH

Theo Chánh văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như, mỗi ngày bệnh viện Ung Bướu TPHCM đang tiếp nhận từ 4.700-4.800 bệnh nhân đến khám. Với số bệnh nhân ngoại trú tăng 8-10% so với trước đây, bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp để giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh.

Cụ thể, tổ chức triển khai tiếp nhận và khám bệnh sớm từ 5 giờ sáng; tăng số ca xạ bắt đầu từ 05 giờ sáng và kết thúc khoảng 22 giờ; tổ chức mổ ngoài giờ hành chính.

“Do vậy, thời gian chờ mổ giảm còn từ 1 đến 3 tuần, thời gian chờ xạ giảm trung bình khoảng 1 - 2 tuần so với trước đây, theo từng loại bệnh lý. Đối với bệnh nhân có bệnh lý ác tính, thời gian chờ mổ ngắn hơn bệnh nhân có bệnh lý lành tính”, bà Như cho biết.

Đối với 1.000-1.100 bệnh nhân ngoại trú điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị trong ngày, 800-900 bệnh nhân nội trú, Chánh văn phòng Sở Y tế khẳng định, không xảy ra tình trạng quá tải đối với bệnh nhân nội trú. Bệnh viện đảm bảo giường nội trú cho những bệnh nhân diễn tiến nặng có chỉ định nhập viện, không để xuất hiện trường hợp nằm ghép giường.

Đã gửi hơn 13.400 thông báo “phạt nguội” tới chủ xe máy

Thông tin về công tác triển khai xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh (phạt nguội) đối với xe máy trên địa bàn, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng tham mưu, Công an TP cho biết, theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (PC08), trong 04 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT đã phát hiện và gửi 42.281 thông báo vi phạm cho chủ phương tiện; trong đó, xe máy là 13.458 trường hợp (chiếm tỷ lệ 31,8%).

Đến nay, có 6.147 trường hợp đã thực hiện quyết định xử phạt, với số tiền hơn: 10,2 tỷ đồng (10.208.634.000 đồng); trong đó, mô tô, xe máy là 325 trường hợp, xử phạt trên 236,2 triệu đồng (236.250.000 đồng).

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, các hành vi vi phạm được ghi nhận xử lý tập trung vào các hành vi vi phạm chủ yếu như: điều khiển xe quá tốc độ quy định, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, lưu thông ngược chiều, lưu thông vào đường cấm, khu vực cấm, dừng, đỗ xe không đúng quy định…

“Đối với xe máy khi phát hiện vi phạm mà CSGT không dừng được phương tiện xử lý ngay tại hiện trường thì CSGT sẽ chuyển sang phạt nguội” - ông Hà thông tin.

Bên cạnh công tác xử lý vi phạm, đại diện Công an TP cũng chia sẻ, việc phạt nguội với xe máy hiện nay gặp một số khó khăn. Trong đó, các phương tiện mua, bán không sang tên nên khi cơ quan chức năng gửi thông báo vi phạm giao thông về địa chỉ đăng ký xe thì chủ phương tiện hiện tại không nhận được thông báo. Mô tô, xe máy không phải đăng kiểm, nên chủ xe vi phạm thường không tự nguyện lên cơ quan chức năng phối hợp giải quyết vụ việc.

Để khắc phục những khó khăn nêu trên, thời gian tới, CSGT sẽ kết hợp giữa phạt nguội và tuần tra kiểm tra phát hiện xử lý vi phạm. Khi kiểm tra, phát hiện vi phạm trực tiếp sẽ tra cứu vi phạm về phạt nguội để xử lý.

Lực lượng tiếp tục tăng cường lực lượng thực hiện đề án 06 của Chính phủ, cập nhật thông tin đăng ký xe mô tô, xe máy vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh chủ xe mô tô, xe máy phục vụ khai thác, xử lý phạt nguội. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán xe không sang tên theo quy định; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đảm bảo ANTT và phát hiện, xử lý vi phạm giao thông.

Theo thống kê của Phòng PC08, trong 04 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT Thành phố đã phát hiện xử lý 60.499 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, trong đó có 16 trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức công tác trong cơ quan nhà nước vi phạm về nồng độ cồn bị phát hiện xử lý và thông báo vi phạm theo quy định. So với liền kề giảm 06 trường hợp, bằng 27,27% (04 tháng cuối năm 2023 số cán bộ, công chức, viên chức vi phạm về nồng độ cồn là 22 trường hợp).

TP Thủ Đức: Buộc tháo dỡ phần xây dựng trái phép tại công trình hơn 1.000m2

Trả lời câu hỏi phóng viên quan tâm về vụ việc công trình xây dựng sai phép tại nhà 41-49 đường An Phú, phường An Phú (TP Thủ Đức), Phó Chánh Thanh tra Xây dựng TP Thủ Đức Cao Đoàn Việt Hùng cho biết, sau khi phát hiện sai phạm, đơn vị đã lập biên bản và yêu cầu tháo dỡ phần diện tích vi phạm.

TP Thủ Đức áp dụng biện pháp mạnh đối với công trình vi phạm xây dựng. Ảnh: THẾ ANH
TP Thủ Đức áp dụng biện pháp mạnh đối với công trình vi phạm xây dựng. Ảnh: THẾ ANH

UBND TP Thủ Đức đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư về việc xây dựng sai giấy phép. Giấy phép xây dựng của chủ đầu tư bị tước kể từ ngày 22/5.

Sau khi UBND phường An Phú làm việc, chủ đầu tư đã nhận thấy sai phạm và cam kết tháo gỡ phần diện tích xây sai phép trong vòng 30 ngày.

Thanh tra TP Thủ Đức thông tin thêm, UBND phường An Phú đã thành lập 1 tổ công tác gồm lãnh đạo UBND phường, cán bộ địa chính, thanh tra xây dựng… túc trực công trình để không thi công tiếp, chỉ cho phép công nhân vào tháo dỡ.

Về việc xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức để công trình sai phép xảy ra trên địa bàn, Phó chánh Thanh tra TP Thủ Đức cho biết sẽ báo cáo UBND TP Thủ Đức và sẽ thông báo khi có thông tin chính thức.

Gỡ bỏ các rào cản trong phát triển kinh tế đêm

Thông tin về định hướng phát triển kinh tế đêm, Phó Trưởng Phòng Công nghệ - Thông tin du lịch - Sở Du lịch Đinh Tố Hoa cho biết, du lịch giải trí - ẩm thực - dịch vụ về đêm là một trong 3 nhóm sản phẩm du lịch được TP. HCM tập trung phát triển. Để “thắp sáng” kinh tế ban đêm, TP cần có cơ chế, chính sách khác biệt, phù hợp,… từ đó đưa ra phương hướng phòng ngừa, quản lý đồng bộ, toàn diện.

TP. HCM hiện đang đẩy mạnh việc phát triển các hoạt động kinh doanh đêm. Ảnh: NLĐO
TP. HCM hiện đang đẩy mạnh việc phát triển các hoạt động kinh doanh đêm. Ảnh: NLĐO

Trước mắt, phải gỡ vướng rào cản là sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, đơn vị kinh doanh và người dân. Trong đó, tập trung vào các quy định về khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tham gia kinh tế ban đêm

Mỗi quận huyện cũng cần nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn ở địa bàn. Thu hút và lựa chọn các doanh nghiệp uy tín, giàu kinh nghiệm trong việc tham gia phát triển hoạt động kinh tế ban đêm lành mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, khuyến khích khách du lịch trải nghiệm nhiều hơn.

Phát triển du lịch gắn với kinh tế ban đêm cần đảm bảo môi trường về tiếng ồn. Đồng thời, chú trọng đảm bảo an ninh trật tự, kinh doanh lành mạnh, không để phát sinh tình trạng chặt chém, ép giá, đe dọa, giữ gìn vệ sinh môi trường, duy trì an toàn giao thông, an ninh - trật tự xã hội…

Các doanh nghiệp du lịch đầu tư thiết kế thêm các dịch vụ mới lạ như tổ chức các tour khám phá Sài Gòn đêm với vespa, với xe máy, hay xích lô, các chương trình nghệ thuật (show diễn thực cảnh),…

Sở Du lịch cũng đề cập đến lợi thế rất lớn của TP là sông Sài Gòn, nơi sẽ là điểm nhấn của hoạt động du lịch đêm với các dịch vụ ăn tối trên sông, trên các du thuyền hoặc loại hình tàu ngủ đêm trên sông. Tuy nhiên, một số vấn đề về cầu tàu, bến bãi, khu vực neo đậu, chi phí vận hành… vẫn luôn là vấn đề nan giải cho việc khuyến khích đầu tư và phát triển loại hình dịch vụ này.

Phản ánh vi phạm xây dựng thông qua ứng dụng SXD247

Ứng dụng SXD247 là một trong các hoạt động chuyển đổi số của Sở Xây dựng trong thời gian qua. Ảnh: THẾ ANH
Ứng dụng SXD247 là một trong các hoạt động chuyển đổi số của Sở Xây dựng trong thời gian qua. Ảnh: THẾ ANH

Chánh văn phòng Sở Xây dựng Lý Thanh Long cho biết, thông qua ứng dụng SXD247, người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể gửi phản ánh đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, sự cố hạ tầng kỹ thuật, công trình xây dựng, ngập nước, chiếu sáng. Hệ thống sẽ thông báo ngay lập tức đến phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Xây dựng thông qua ứng dụng và kèm tin nhắn văn bản (SMS).

Thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội TP. HCM đến ngày 23/5 - Ảnh 1

Với ứng dụng trên, người dân, tổ chức, doanh nghiệp chỉ mất vài giây để tra cứu thông tin về dự án nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố, tình trạng giải quyết hồ sơ, giấy phép xây dựng, chứng chỉ hành nghê và các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng.

Ứng dụng SXD247 có 11 phân hệ: Dự án nhà ở thương mại; Tra cứu quy hoạch; Phản ánh góp ý; Trưng cầu đánh giá; Tra cứu hồ sơ; Thủ tục hành chính; Tra cứu chứng chỉ; Giấy phép xây dựng; Hướng dẫn sử dụng; Nhà ở xã hội; Phòng chống dịch COVID-19.

Sớm mở rộng, nâng cấp đường Chu Văn An (Quận Bình Thạnh)

Phó phòng Quản lý đô thị UBND Quận Bình Thạnh Nguyễn Ngọc Minh. Ảnh: THẾ ANH
Phó phòng Quản lý đô thị UBND Quận Bình Thạnh Nguyễn Ngọc Minh. Ảnh: THẾ ANH

Về phản ánh khu vực hẻm 366 Chu Văn An (Quận Bình Thạnh) ngập nước ảnh hưởng cuộc sống người dân, Phó phòng Quản lý đô thị UBND Quận Bình Thạnh Nguyễn Ngọc Minh thông tin, đoạn từ nhà số 346/60 Chu Văn An đến đường Phan Chu Trinh là khu vực trũng thấp của Phường 12, quận Bình Thạnh. Cao độ của đoạn hẻm so với ngã 5 Bình Hòa chênh cao khá lớn (khoảng 4–5m); so với các đường Chu Văn An tiếp giáp và các hẻm liền kề khoảng từ 1–1,5m; so với đường Phan Chu Trinh khoảng 1m, rất dốc. Do đó, khi xảy ra mưa lớn thì tạo dòng chảy siết kèm theo rác ở các khu vực lân cận ùa về, chặn các miệng thu nước, dẫn đến ngập cục bộ. Qua kiểm tra thực tế và ghi nhận ý kiến, các trưởng khu phố cho biết mưa dứt khoảng 30 phút thì nước thoát hết.

Ông Minh cũng thông tin thêm, hiện dự án Mở rộng, nâng cấp đường Chu Văn An đang ở bước trình duyệt lựa chọn nhà thầu. Dự kiến thời gian phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đến ngày 24/6/2024.

Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục