Cùng tham dự có đại diện các đơn vị: Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT), Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội, Thanh tra Thành phố, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, Ban Quản lý Khu Nam, Viện nghiên cứu phát triển TP. HCM, UBND TP Thủ Đức, UBND Quận 8, Công An Thành phố Thủ Đức, Công an Quận 1, Trung tâm Báo chí Thành phố và gần 60 phóng viên, biên tập viên của gần 40 cơ quan báo, đài.
Phát triển TP. HCM thành trung tâm công nghiệp văn hóa cả nước và khu vực
Thông tin về Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP. HCM (CNVH) đến năm 2030, Phó Giám đốc Sở VH-TT Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, mục tiêu của đề án là từ nay đến năm 2025, phấn đấu phát triển, đưa TP. HCM trở thành trung tâm CNVH của cả nước và khu vực.
Để làm được điều này, TP chú trọng đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào GRDP trên địa bàn (gồm quảng cáo, thời trang, triển lãm, điện ảnh, du lịch văn hóa). Cùng với đó, định hướng và từng bước phát triển các ngành nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của TP.
Tới giai đoạn 2026-2030, đề án đề cập đến việc phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành CNVH trên địa bàn TP một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến. Các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của TP. HCM sẽ có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa của khu vực và thế giới.
Từ đó, xây dựng TP. HCM trở thành trung tâm CNVH của khu vực Đông Nam Á, phấn đấu gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh.
Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng: TP. HCM đề nghị Chính phủ gỡ vướng
Thông tin tại họp báo, ông Quách Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng. Tuy nhiên, công tác thi công đang gặp khó khăn về nguồn vốn thanh toán, phải tạm dừng.
Trước tình hình trên, ngày 31/1/2023, UBND TP ký kết Phụ lục Hợp đồng BT và Biên bản thỏa thuận với Nhà đầu tư để tiếp tục triển khai thực hiện nhưng gặp vướng mắc mới trong quá trình triển khai Nghị quyết số 40/NQ-CP (cơ chế thanh toán Hợp đồng BT, nguồn vốn để thi công hoàn thành công trình). TP đã có Tờ trình báo cáo Tổ Công tác Chính phủ và đề xuất giải pháp ban hành Nghị quyết mới nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến cơ chế thanh toán cho dự án, giải pháp huy động nguồn vốn, điều chỉnh tổng mức đầu tư theo kết luận Kiểm toán Nhà nước,…
Theo ông Quách Ngọc Tuấn, nếu các khó khăn trên được Tổ Công tác Chính phủ tháo gỡ, Nhà đầu tư cam kết sẽ hoàn thành công trình trong vòng 6-8 tháng kể từ ngày được giải ngân.
UBND TP. HCM làm rõ kết luận thanh tra về khu Nam Thành phố
Thông tin liên quan những vấn đề của Ban quản lý đầu tư và xây dựng Khu đô thị mới Nam TP và Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng được Thanh tra TP. HCM kết luận, Chánh Văn phòng UBND TP Đặng Quốc Toàn cho biết, vừa qua, Chủ tịch TP. HCM đã chủ trì làm việc với ban quản lý và các cơ quan chức năng về kết luận thanh tra nêu trên.
Ban quản lý đầu tư và xây dựng Khu đô thị mới Nam TP là mô hình đặc thù, được thành lập, phân cấp thủ tục hành chính theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, một số thủ tục trước đây được thực hiện theo quy trình riêng.
Theo ông Đặng Quốc Toàn, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đã bàn giao 53/110 ha đất công tại khu A của dự án, riêng 57 ha còn lại chưa bàn giao nhưng vẫn đang được dùng để phục vụ mục đích công cộng. Doanh nghiệp sẽ bàn giao nốt phần còn lại và không sử dụng cho mục đích khác.
Liên quan sai phạm tại Trường quốc tế Nam Sài Gòn, ông Toàn thông tin, do trường mong muốn kịp thời đưa vào sử dụng kịp thời cho năm học 2023-2024 nên tiến hành song song việc xây dựng và làm thủ tục. Tại thời điểm thanh tra, đơn vị chưa hoàn thành thủ tục pháp lý nên phải dừng và chịu phạt. “Ngay sau đó, công ty đã hoàn thành thủ tục và xây dựng xong, hiện đã thực hiện đúng quy định”, ông Toàn nói.
Đối với tuyến đường Nguyễn Văn Linh, đại diện UBND TP cho biết, Phú Mỹ Hưng đã thực hiện đủ, chỉ còn 2 làn nối vào các khu B, C, D, E do các khu này chưa triển khai. Sắp tới công ty sẽ triển khai 2 làn này, đồng thời có kế hoạch duy tu, chỉnh trang tuyến đường này.
Với việc triển khai tiếp các khu mới, Người phát ngôn UBND TP thông tin, do vướng pháp nhân thu hồi đất nên chưa thể bồi thường giải phóng mặt bằng cũng như xác định trách nhiệm bồi thường. "Sắp tới sẽ báo cáo Thủ tướng và triển khai", ông Đặng Quốc Toàn chia sẻ.
TP. HCM: Phối hợp xử lý tận gốc xe dù, bến cóc
Về tình trạng xe hợp đồng trá hình vẫn diễn ra ở thành phố, Phó trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT Nguyễn Kiên Giang thông tin, theo thống kê mới nhất, Sở GTVT ghi nhận có 87 vị trí có hoạt động đón, trả khách không đúng nơi quy định trên địa bàn thành phố (tăng 17 điểm so với tháng 10/2023).
Ngày 16/4, Sở GTVT đã có văn bản thông tin danh sách các vị trí đến Công an TP, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện kiểm tra, xử lý và thông tin kết quả về Sở để tổng hợp báo cáo UBND TP.
Ngày 27/6, Sở này tiếp tục có công văn yêu cầu Thanh tra Sở rà soát và có báo cáo trước ngày 15/7 để tiếp tục thông tin đến Công an TP, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện kiểm tra, xử lý vi phạm.
Tiếp nối vấn đề, Phó Trưởng Công An Thành phố Thủ Đức Thượng Tá Tân Xuân Tiên cho hay, riêng địa bàn Thủ Đức đang có 25 điểm đón trả khách không đúng quy định. Trong đó, không có điểm nào được Sở GTVT cấp phép thành lập bến xe, mà hầu hết là giấy phép kinh doanh của Sở KH-ĐT. “Qua điều tra cơ bản, chúng tôi nhận thấy một loạt các bãi ở đường Võ Chí Công có mục đích sử dụng đất sai quy hoạch, chủ yếu là đất nông nghiệp, xây dựng…Đối với các điểm khác thì có giấy phép đất ở đô thị nhưng cũng là giấy phép của Sở KH-ĐT”, Thượng Tá Tân Xuân Tiên nhấn mạnh.
Công an TP Thủ Đức cho biết đã phối hợp các đơn vị chức năng tuyên truyền đến cả doanh nghiệp, đơn vị vận tải và người dân. Sắp tới, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ có kế hoạch phối hợp kiểm tra đột xuất, xử lý.
Cũng liên quan vấn đề này, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị UBND Quận 1 Nguyễn Đức Thắng chia sẻ, địa phương đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, tuần tra xử lý. Trong quá trình kiểm tra thời gian qua, các đoàn đã xử lý 12 vụ xe khách vi phạm, 4 vụ đón trả khách không đúng nơi quy định, 1 vụ vi phạm nồng độ cồn, 8 vụ vi phạm dừng đỗ trái quy định của các hãng xe như Hoa Mai, Toàn Thắng, Huy Hoàng, Nam Sài Gòn, Mộng Thương, Gia Hưng… Các vi phạm xe khách chủ yếu diễn ra ở thời điểm 22h đến 5h sáng ở các đơn vị vận tải xe hợp đồng, xe trung chuyển.
Cũng tại cuộc họp, đại diện Quận 1 kiến nghị cho phép lắp camera phạt nguội trên các tuyến đường như Nguyễn Thái Bình, Phạm Ngũ Lão…
Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi