Tham dự có đại diện các đơn vị: Ban Tuyên giáo Thành ủy, Văn phòng UBND TP.HCM, Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND Quận 12, UBND Huyện Nhà Bè, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC), Trung tâm Báo chí Thành phố và 60 phóng viên, biên tập viên của 35 cơ quan báo, đài.
Xác định 5 bảo mẫu bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng
Thông tin về vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12), bà Võ Thị Chính - Phó chủ tịch UBND Quận 12 cho biết, thời gian qua, địa phương có nhiều chỉ đạo về tăng cường giám sát, phòng ngừa vấn đề phát sinh trong cơ sở bảo trợ xã hội. Quận đã nhiều lần kiểm tra, giám sát cơ sở Mái ấm Hoa Hồng nhưng không phát hiện hành vi chăm sóc quá số trẻ so với quy định, kể cả việc bạo hành.
“Quan điểm của quận là kiên quyết, xử lý mạnh để răn đe, phòng ngừa. UBND quận 12 sẽ tiếp tục thông tin kết quả xử lý vụ việc này đến cơ quan báo chí”, bà Võ Thị Chính khẳng định.
Qua dữ liệu, chứng cứ thu thập được, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 12 xác định 5 nhân viên (bảo mẫu) có hành vi hành hạ trẻ em. Tuy nhiên khi kiểm tra, chỉ có 2 trường hợp có mặt tại cơ sở là Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (sinh năm 1978, ngụ tỉnh Đồng Nai) và T.M.N. (sinh năm 1953, ngụ tỉnh Cà Mau).
Làm việc với cơ quan công an, bà Cẩm thừa nhận, trong quá trình chăm sóc các trẻ tại mái ấm Hoa Hồng, đối tượng này nhiều lần dùng tay đánh vào cơ thể của trẻ để làm các cháu sợ, không quấy phá. Căn cứ các tài liệu điều tra thu thập được, lực lượng chức năng tiến hành tạm giữ đối tượng trên về hành vi “Hành hạ người khác”.
Đối với 3 bảo mẫu không có mặt là N.T.Q. (sinh năm 1983, ngụ Tiền Giang), Đ.T.K.L. (sinh năm 1978, ngụ TP. HCM), D.N.T. (sinh năm 1977, tỉnh Sóc Trăng), Công an Quận 12 và Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp Công an các tỉnh, đưa 3 đối tượng này về trụ sở để làm việc.
Cũng tại họp báo, ông Nguyễn Tăng Minh - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. HCM thông tin, đến 19 giờ ngày 4/9/2024, 3 Trung tâm thuộc Sở này đã hoàn thành việc tiếp nhận 84 trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng. Các em được khám sức khỏe, chỉ định lượng thức ăn, sữa phù hợp với độ tuổi và tiêm ngừa theo quy định.
Bắt đầu khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương
Thông tin về Kế hoạch khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI) TPHCM năm 2024, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) Hồ Thị Quyên cho biết, công tác khảo sát, đánh giá sẽ được triển khai thực hiện từ tháng 9-11/2024. Từ tháng 11 đến ngày 5/12 sẽ tổng hợp kết quả, phân tích số liệu, xây dựng các báo cáo và tham vấn các chuyên gia để gửi Hội đồng đánh giá DDCI. Kết quả sẽ được phê duyệt và công bố trong tháng 12.
Đối tượng khảo sát là doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh; nhà đầu tư đang triển khai dự án; các hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn TP. Trong đó, sở, ban, ngành có 28 đơn vị và địa phương có 22 đơn vị được khảo sát.
Năm 2024, đối với các sở, ban, ngành, DDCI có 9 chỉ số thành phần, bao gồm: Tiếp cận minh bạch thông tin và Chuyển đổi số; Chi phí không chính thức; Chi phí thời gian; Cạnh tranh bình đẳng; Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý; Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị; Chỉ số Xanh; Chỉ số Sức khỏe và Môi trường sống.
Đối với các địa phương, DDCI có 10 chỉ số thành phần, bao gồm: Tiếp cận minh bạch thông tin và Chuyển đổi số; Chi phí không chính thức; Chi phí thời gian; Cạnh tranh bình đẳng; Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị; Chỉ số Xanh; Chỉ số Sức khỏe và Môi trường sống; Khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.
Theo đại diện ITPC, việc khảo sát sẽ kết hợp sử dụng nhiều phương pháp phù hợp. Trong đó, khảo sát chính bằng hình thức khảo sát trên các nền tảng (platform) trực tuyến và Phỏng vấn trực tiếp tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhà đầu tư chiến lược.
Huyện Nhà Bè: Lên kế hoạch xây dựng 2 trạm ép rác kín
Về việc tại khu dân cư ở Khu phố 6, Thị trấn Nhà Bè đang tồn tại khu rác hở với quy mô lớn và ngày càng mở rộng, Phó Chủ tịch UBND Nhà Bè, Võ Phan Lê Nguyễn cho biết, đây là một trong 19 điểm tập kết rác của huyện. Hiện nay Nhà Bè chưa có trạm ép xử lý rác chính quy nên buộc phải sử dụng các khu đất nhà nước quản lý để sử dụng tạm làm nơi trung chuyển rác từ các nguồn rác chuyển về Bình Chánh. Điểm tập kết có diện tích khoảng 1.100m2, trong đó diện tích sử dụng cho việc trung chuyển rác là 400m2. Và khu đất này được xử lý bằng cách làm nền móng có chỗ thu gom nước thải và có hàng rào chắn.
“UBND huyện cũng chỉ đạo Phòng TM-MT giám sát liên tục 24/24 khi rác về phải trung chuyển ngay chứ không được tập kết tại đó. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng khi rác về có mùi hôi nên người dân phản ảnh”, ông Nguyễn nói.
Để đảm bảo vấn đề môi trường, UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo đơn vị công ích liên tiếp dọn dẹp vệ sinh khi rác về, xử lý khi có mùi. Đồng thời, đang tìm kiếm khu đất khác để tập kết rác.
Về giải pháp lâu dài, huyện Nhà Bè đề xuất làm 2 trạm rác ép kín đúng chuẩn và đưa vào chương trình nông thôn mới và được các sở, ngành ủng hộ. Vấn đề vướng mắc hiện nay nằm ở quy hoạch nên Nhà Bè đang kiến nghị đưa vào quy hoạch chung để được ghi vốn thực hiện. Và khi được thực hiện thì sẽ di dời không chỉ một mà toàn bộ các điểm tập kết rác tạm để đảm bảo môi trường cho người dân.
Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi