Cùng tham dự có đại diện các đơn vị: Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tại TP.HCM, Liên đoàn Lao động Thành phố, Cục thuế TP. HCM, Công an Thành phố, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, UBND quận 1, UBND quận Bình Thạnh, Trung tâm Báo chí Thành phố và hơn 50 phóng viên, biên tập viên của hơn 30 cơ quan báo, đài.
TP. HCM sẽ thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở
Thông tin về kết quả thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng và tương đương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Duy Tân cho biết, năm 2022, lần đầu tiên TP. HCM tổ chức thí điểm tại 7 đơn vị đối với 13 chức danh.
“Hội thi được lãnh đạo TP. HCM quan tâm và tiếp tục chỉ đạo thực hiện trong năm 2024. Do đó, Sở Nội vụ đang hoàn chỉnh các kế hoạch tham mưu, dự kiến hoàn thành vào ngày 15/8”, ông Tân thông tin.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nếu trước kia chỉ thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp phòng thì trong năm nay, đối tượng được mở rộng ở lãnh đạo cấp Sở. Trong đó, dự kiến thi tuyển Phó Giám đốc các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở An toàn Thực phẩm,…
Nhận hồ sơ dự thi cải cách hành chính đến hết ngày 15/8
Thông tin với báo chí, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phan Kiều Thanh Hương cho hay, TP. HCM sắp tổ chức Hội thi cải cách hành chính gắn với chủ đề của năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”. Sản phẩm dự thi là mô hình, sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các nội dung cải cách hành chính Nhà nước của các tập thể, cá nhân.
Hội thi dành cho 2 nhóm đối tượng. Một là, tập thể (nhóm tác giả từ 2 người trở lên) đến từ các sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức, các ngành (các cơ quan ngành dọc); UBND phường, xã - thị trấn; tổng công ty, công ty thuộc Thành phố và các đơn vị báo, đài trên địa bàn TP; tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM. Hai là, cá nhân gồm cán bộ, công chức, viên chức; người lao động, người dân, doanh nhân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn TP.
Nội dung thi gồm: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; Hoạt động của bộ phận một cửa các cấp; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; vận dụng Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những “điểm nghẽn” của các ngành, lĩnh vực trong thực tiễn, nhất là huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực; đề ra các giải pháp tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển trên địa bàn TP.
Hội thi gồm 3 vòng: Vòng sơ tuyển; Vòng thẩm định sản phẩm dự thi; Vòng chung kết. Các cơ quan, đơn vị triển khai kế hoạch, tổ chức sơ loại để xét chọn các sản phẩm dự thi gửi trực tiếp về Sở Nội vụ trước ngày 15/8. Vòng thẩm định sản phẩm dự thi hoàn thành trước ngày 30/9. Vòng chung kết hoàn thành từ ngày 1/10 đến ngày 15/10/2024.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phan Kiều Thanh Hương cũng thông tin, dự kiến ngày 18/11, TP. HCM sẽ tổ chức chương trình tuyên dương các tấm gương “thầm lặng mà cao cả”. Đây là những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho cộng đồng bằng nhiều việc làm tốt đẹp.
Sở TT-TT: Tổ chức họp báo không xin phép là vi phạm pháp luật
Tại họp báo, Trưởng phòng Báo chí Sở TT-TT Phạm Đắc Mỵ Trân nhấn mạnh, trường hợp tổ chức họp báo mà không có giấy phép là hành vi vi phạm Luật Báo chí và các nghị định liên quan.
Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, đại diện Sở TT-TT kêu gọi các cơ quan báo chí và các địa điểm tổ chức sự kiện cùng vào cuộc phối hợp để ngăn chặn tình trạng này. Các cơ quan báo chí cần truyền thông rộng rãi để các đơn vị, tổ chức nắm rõ quy định pháp luật; trong trường hợp phát hiện các chương trình tổ chức sai quy định, cần thông báo nhanh cho Sở TT-TT để xử lý.
Đối với các đơn vị kinh doanh cho thuê tổ chức sự kiện cũng cần nắm rõ quy định và yêu cầu có giấy phép. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân cần chủ động nắm bắt thông tin để tổ chức đúng quy định pháp luật.
Khi phát hiện có sai phạm, cơ quan chức năng có quyền dừng việc tổ chức chương trình và xử phạt hành chính trong thẩm quyền.
Hơn 4.000 trường hợp đăng ký nơi cư trú qua Vneid
Từ ngày 1/7, VNeID là tài khoản duy nhất được sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử. Nhận xét về hơn 1 tháng triển khai trên địa bàn TP, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công An Thành phố Thượng tá Nguyễn Thăng Long ghi nhận được sự phản hồi tích cực của người dân. Ứng dụng được cho là dễ dàng thực hiện thao tác, giao diện dễ nhìn và quan trọng là đảm bảo an toàn, an ninh cao.
Về thí điểm quản lý nơi cư trú qua tài khoản Vneid, từ ngày 1/7 đến nay, công an phường, xã của TP. HCM đã tiếp nhận 4.343 trường hợp đăng ký thực hiện. Đa phần các trường hợp đều thực hiện đúng quy định và có phản hồi tích cực.
Lý do TP. HCM đề xuất phòng trọ tối thiểu 5m2/người
Liên quan đến công tác quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ cho thuê trọ trên địa bàn, bà Lê Thị Loan - Phó Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ - Sở Xây dựng thông tin, đề xuất phòng trọ tối thiểu 5m2/người mới chỉ là đề cương Sở trình UBND TP xem xét. Tất cả nhằm đảm bảo an toàn cho người thuê trọ, đặc biệt về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Đơn vị vẫn đang tiếp tục phối hợp với địa phương để thu thập thông tin chính xác về số lượng nhà trọ trên địa bàn.
“Diện tích sàn tối thiểu được đưa ra nhằm hạn chế số người trong một phòng, số phòng trong một căn nhà ở riêng lẻ, tránh tập trung đông người với mục đích cao nhất là sự an toàn của người dân. 5m2/người chỉ là đề xuất ban đầu, khi đề cương hoàn chỉnh sẽ có quy định cụ thể”, bà Loan cho hay.
Riêng yêu cầu nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ phải có chiều rộng tối thiểu 3-4m, theo đại diện Sở Xây dựng, việc này nhằm đảm bảo xe cứu hỏa có thể tiếp cận nếu xảy ra hỏa hoạn. Đối với trường hợp hẻm không đủ rộng cho xe cứu hỏa tiếp cận, nhà phải cách mặt đường chính không quá 100m để đường ống nước chữa cháy của xe cứu hỏa vào được đến nơi có sự cố.
TP. HCM hỗ trợ tiểu thương chuyển đổi số
Phó Trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công thương Nguyễn Minh Hùng cho hay, trong thời gian quan, Sở đã có nhiều hoạt động tập huấn, hướng dẫn cho tiểu thương các chợ về kỹ năng bán hàng qua các kênh online.
Bên cạnh đó, Sở đang phối hợp Đại học Kinh tế - Luật xây dựng Đề phát phát triển chợ trên địa bàn TPHCM thích ứng chuyển đổi số nền kinh tế. Đây là đề án lớn mà các nhà quản lý và chuyên gia tập trung để tìm ra hướng phát triển cho trợ truyền thống trong bối cảnh hiện tại.
Đại diện Sở Công Thương nhận thấy chợ truyền thống có những điểm mạnh, những nét hay mà khi kết hợp với tiếp thị, truyền thông số thì có thể phát huy hơn các giá trị vốn có.
Cùng với đó, ngày 5/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ, trong đó có nhiều thay đổi về các khái niệm và các quy định mới. TP.HCM hiện đang tập trung phổ biến nghị định này đến Ban quản lý các chợ và tiểu thương để cùng giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn, phát triển chợ theo xu thế hiện đại.
TP. HCM đang hoàn thiện bảng giá đất
Về vấn đề điều chỉnh bảng giá đất, theo ông Đào Quang Dương - Phó Phòng Kinh tế đất - Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, giá đất được đưa ra phù hợp với tình hình thực tế tại TP.HCM, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư theo luật đất đai. Hiện Sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện bảng giá trước khi trình các cấp có thẩm quyền.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, tình hình thực hiện các thủ tục tại văn phòng đăng ký đất đai các địa phương đều diễn ra bình thường, không có biến động nhiều.