Thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội TP. HCM từ ngày 1 đến 7/11

18:40 07/11/2024

(HMC) - Ngày 7/11, tại Trung tâm Báo chí TP. HCM, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Tăng Hữu Phong và Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hồi chủ trì họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố tuần qua.

Tham dự có đại diện các đơn vị: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Giao thông Vận tải; Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường; Công an Thành phố; Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC); Công ty cổ phần vận tải đường sắt; UBND Quận Bình Tân; UBND Huyện Bình Chánh; Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC); Trung tâm Báo chí Thành phố và gần 60 phóng viên, biên tập viên của gần 40 cơ quan báo, đài.   

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: THẾ ANH
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: THẾ ANH

Đẩy nhanh tiến độ ngầm hóa lưới điện tại các tuyến đường

Thông tin liên quan việc ngầm hóa hệ thống điện trên địa bàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. HCM (EVNHCMC) Bùi Trung Kiên cho biết, Dự án tái bố trí ngầm hoá lưới điện đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ đường Bình Long đến Mã Lò), quận Bình Tân, lề trái từ Bình Long đến Mã Lò đã hoàn tất thi công, đóng điện vận hành lưới điện ngầm, hoàn tất thu hồi lưới trung, hạ thế nổi và trụ điện; lề phải từ Bình Long đến Mã Lò (đoạn từ Bình Long đến Kênh Nước Đen) đã hoàn tất thu hồi trụ, đoạn từ Kênh Nước Đen đến Mã Lò dự kiến hoàn tất thu hồi trụ ngày 15/11 sắp tới.

Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC Bùi Trung Kiên có mặt tại họp báo để trả lời câu hỏi phóng viên gửi về thông qua Trung tâm Báo chí Thành phố. Ảnh: THẾ ANH
Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC Bùi Trung Kiên có mặt tại họp báo để trả lời câu hỏi phóng viên gửi về thông qua Trung tâm Báo chí Thành phố. Ảnh: THẾ ANH

Ông Kiên chia sẻ, trước đây, do chưa nhận được sự đồng thuận của người dân nên một số vị trí chưa giải tỏa, Ban Quản lý dự án lưới điện phân phối (Ban ALĐPP) thuộc Tổng công ty Điện lực TP chưa thể triển khai kéo cáp ngầm cho đoạn từ Kênh Nước Đen đến Mã Lò. Việc ngầm hóa lưới điện, thu hồi lưới điện nổi không thể thực hiện ngay khi Ban Giao thông hoàn thiện việc mở rộng đường.

Tại Dự án di dời, tái bố trí lưới điện đồng bộ dự án Xây dựng cầu Bà Hom, quận Bình Tân, Ban ALĐPP đang tổ chức thi công đồng bộ với Ban Giao thông. Ban đã thi công hạ ngầm, đóng điện và thu hồi lưới điện trung thế, hạ thế hoàn tất vào ngày 25/10 vừa qua.

Đối với Dự án di dời, tái bố trí lưới điện tại đường Dương Quảng Hàm (đoạn từ trường Nguyễn Viết Xuân đến Công viên Văn hóa), hiện dự án này Ban ALĐPP đang tổ chức thi công đồng bộ với Ban Giao thông. Trong đó, đoạn từ Công viên văn hoá đến trường TH Nguyễn Viết Xuân triển khai kéo cáp ngầm trung thế, hạ thế dưới lòng đường, lắp đặt móng thiết bị điện song song với tiến trình làm đường của Ban Giao thông, dự kiến hoàn tất trong tháng 12. Từ tháng 01/2025 sẽ triển khai thi công, lắp đặt tủ thiết bị điện trung, hạ thế trên vỉa hè, kéo cáp mắc điện vào nhà dân và hoàn tất vào tháng 03/2025.

Còn tại Cung đoạn từ trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân đến Lương Ngọc Quyến (do Công ty Điện lực Gò Vấp thi công) tiếp nhận mặt bằng từ Ban Giao thông vào 7/10 vừa qua. Dự kiến 25/11 bàn giao phần lòng đường, 15/12 bàn giao phần lề đường và thu hồi trụ cũ cho Ban Giao thông.

Ngành đường sắt sẽ tăng chuyến, nối toa nếu nhu cầu đi lại Tết tăng cao

Phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, ngành đường sắt đã tổ chức bán vé kể từ ngày 01/10/2024. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vận tải đường sắt Thái Văn Truyền, sau hơn một tháng mở bán vé, đã có khoảng 100.000 vé được bán ra.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vận tải đường sắt Thái Văn Truyền thông tin tình hình đảm bảo ANTT đường sắt dịp Tết. Ảnh: THẾ ANH
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vận tải đường sắt Thái Văn Truyền thông tin tình hình đảm bảo ANTT đường sắt dịp Tết. Ảnh: THẾ ANH

Hiện vé trước Tết còn ở tất cả các ngày, trong đó: từ ngày 22/01 trở về trước và từ ngày 26/01 đến 28/01/2025 (nhằm ngày 23 tháng Chạp trở về trước và từ ngày 27 đến 29 tháng Chạp) còn khoảng 16.000 vé tại các ga đi từ Sài Gòn, Dĩ An, Biên Hòa đến các ga từ Nha Trang đến Hà Nội.

Các ngày từ 23/01 đến 25/01/2025 (nhằm ngày 24 đến 26 tháng Chạp) còn nhiều vé đến ga Phan Thiết, Nha Trang.

Giai đoạn sau Tết từ ngày 29/01 đến ngày 16/2/205 (mồng 1 đến 19 tháng Giêng) còn nhiều vé đi tất cả các ngày và các ga.

“Chúng tôi cũng đang cân đối tính toán, khi nhu cầu hành khách tăng thêm thì sẽ nối thêm các cái toa dự phòng cũng như có thể tăng thêm các đoàn tàu để phục vụ hành khách”, ông Truyền cho hay.

Để đảm bảo quyền lợi của hành khách đi tàu trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, ngành đường sắt lưu ý người dân nên mua vé qua website chính thức: www.dsvn.vn; www.vetau.com.vn; www.vetauonline.vn; đến trực tiếp nhà ga, các cửa vé, các đại lý bán vé hoặc mua qua các ứng dụng ví điện tử và các tổng đài bán vé tại các nhà ga.

Về giải pháp đảm bảo quyền lợi cho hành khách, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vận tải đường sắt Thái Văn Truyền thông tin, tại Ga Sài Gòn, đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và công an quận tăng cường công tác phối hợp ngăn chặn, xử lý nạn cò mồi, phe vé, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho hành khách đến ga mua vé cũng như đi tàu trong dịp Tết này.

Công an TP. HCM xử lý hơn 17.700 xe tự chế, cồng kềnh

Thông tin về công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm xe cơ giới không đảm bảo an toàn kỹ thuật, xe 3 - 4 bánh tự chế, xe quá khổ, xe cồng kềnh, Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP. HCM cho biết, sau hơn 3 tháng triển khai cao điểm, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP đã phát hiện hơn 17.700 phương tiện vi phạm, trong đó có 1.716 xe ba bánh, 37 xe thí điểm, 159 xe chở rác dân lập, còn lại là xe mô tô vi phạm.

Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP. HCM. Ảnh: THẾ ANH
Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP. HCM. Ảnh: THẾ ANH

Trong các lỗi vi phạm, có hơn 6000 trường hợp vi phạm chở hàng cồng kềnh, 5000 trường hợp vi phạm kéo theo vật khác, 2500 trường hợp không đảm bảo an toàn kỹ thuật (không có thắng, còi, đèn, gương chiếu hậu…). Liên quan các loại phương tiện này, thời gian qua xảy ra 02 vụ tai nạn giao thông (giảm 02 vụ so với cùng kỳ năm 2023).

Đại diện công an Thành phố nhận định, quá trình xử lý vi phạm gặp khó khăn khi tỉ lệ chấp hành quyết định xử phạt của số phương tiện này khá thấp, do chủ phương tiện bỏ lại phương tiện tự chế, không thực hiện quyết định xử phạt, đồng thời gây khó khăn, áp lực đối với kho bãi tạm giữ.

Thời gian tới, Công an Thành phố tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành quy định pháp luật nói chung và quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông nói riêng, đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm, trong đó tập trung xử lý xe cơ giới không đảm bảo an toàn kỹ thuật.

Theo Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Công an Công an Thành phố tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan, nhất là Sở Lao động Thương binh và Xã hội tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, không sử dụng phương tiện xe cơ giới không đảm bảo an toàn kỹ thuật làm phương tiện sinh kế.

Số ca mắc sởi tăng, TP. HCM bổ sung đối tượng tiêm chủng

Trước thắc mắc của phóng viên về việc TP. HCM có tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng số ca mắc sởi trên địa bàn chưa có dấu hiệu giảm mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC) Lê Hồng Nga cho biết, sởi là bệnh mà ai cũng có khả năng mắc phải nếu có miễn dịch yếu và chưa tiêm chủng đầy đủ, không kể người lớn lẫn trẻ em.

Lãnh đạo HCDC khuyến cáo người dân cho trẻ tiêm vắc-xin đúng lịch. Ảnh: THẾ ANH
Lãnh đạo HCDC khuyến cáo người dân cho trẻ tiêm vắc-xin đúng lịch. Ảnh: THẾ ANH

“Do đó, trong đợt dịch này, chúng ta bắt gặp nhiều đối tượng bệnh nhân ở các lứa tuổi khác nhau. Bởi bệnh sởi có đặc trưng khác với các dịch khác như tay, chân, miệng, chỉ xuất hiện hầu hết ở nhóm trẻ”, lãnh đạo HCDC lý giải.

Nhằm tăng cường biện pháp phòng dịch trong giai đoạn cao điểm hiện tại, mới đây, Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt kiến nghị của TP. HCM về việc triển khai vắc-xin sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trên địa bàn TP. Mũi vắc-xin này được xem như là mũi "Sởi 0" và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi vắc-xin sởi theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.

Song song đó, theo bà Lê Hồng Nga, TP. HCM vẫn tiếp tục rà soát và triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sởi cho trẻ 1-10 tuổi. Bởi theo giám sát dịch tễ, nhóm đối tượng này chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số bệnh nhân. Đồng thời, UBND TP cũng ban hành văn bản về việc bổ sung 2 đối tượng tiêm vắc-xin phòng chống dịch sởi trên địa bàn, gồm: Người trong lớp học có ca mắc sởi tại trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; Người chăm sóc người suy giảm miễn dịch bao gồm trẻ em và người lớn tại các cơ sở trợ giúp xã hội hoặc các trại cai nghiện thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chương trình chuyển đổi số giáo dục quy mô lớn diễn ra tại TP. HCM cuối tháng 11

Đại diện Sở GD-ĐT tại họp báo. Ảnh: THẾ ANH
Đại diện Sở GD-ĐT tại họp báo. Ảnh: THẾ ANH

Về nội dung chuyển đổi số ở lĩnh vực giáo dục, tại họp báo, Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Bạch Lan thông tin, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành giáo dục – đào tạo TP. HCM đã ban hành Kế hoạch số 6770/KH-SGDĐT ngày 21/10/2024 về tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Dữ liệu lớn và Trí tuệ nhân tạo trong giáo dục: từ thách thức đến đột phá”.

Dự kiến, chương trình được tổ chức vào ngày 22/11 sắp tới tại Hội trường Thành phố, với sự tham dự của Lãnh đạo Bộ GD-ĐT, UBND TP. HCM, đoàn đại biểu của các Sở GD-ĐT 5 tỉnh miền Đông Nam bộ, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Cần Thơ, cùng đại diện của nhiều tập đoàn công nghệ châu Á Thái Bình Dương và Bộ Giáo dục Singapore.

Đại diện Sở GD-ĐT TP. HCM cho biết, hội nghị sẽ tổng kết những kết quả của công tác chuyển đổi số trong thời gian qua của các tỉnh miền Đông Nam bộ, chú trọng đến những nội dung hợp tác như xây dựng cơ sở dữ liệu, liên thông học bạ số, xây dựng giải pháp định danh học liệu số và định hướng giải pháp trọng tâm trong thời gian tiếp theo.

Gỡ vướng các dự án ách tắc trong xác định giá đất

Về các dự án bị ách tắc trong quá trình thẩm định giá đất, Phó Phòng Kinh tế đất Sở Tài Nguyên và Môi Trường Đào Quang Dương cho biết, những hồ sơ ách tắc rơi vào các trường hợp có quyết định giao đất, cho thuê đất và cho phép kiểu tính sử dụng đất theo Luật đất đai 1993 và 2003. Đây là những trường hợp đặc thù, như xác định giá đất đối với các bệnh viện, trường đại học, những khu công viên, thậm chí là sở thú.

Việc ách tắc trong xác định giá đất không ảnh hưởng đến các dự án đầu tư và phát triển hạ tầng trên địa thành phố, đại diện Sở TN-MT cho hay. Ảnh: THẾ ANH
Việc ách tắc trong xác định giá đất không ảnh hưởng đến các dự án đầu tư và phát triển hạ tầng trên địa thành phố, đại diện Sở TN-MT cho hay. Ảnh: THẾ ANH

“Xác định giá đất đối với những trường hợp như vậy, việc thu thập thông tin rất khó khăn, thậm chí là không thể nào thu thập được thông tin để xác định giá đất”, ông Dương lý giải.

Sở TM-MT đã có nhiều văn bản kiến nghị với những cơ quan Trung ương để đề ra biện pháp tháo gỡ. Với những giải pháp thành phố đề ra thời gian qua, đã giải phóng được trên 150 hồ sơ. Với các trường hợp còn lại, đại diện Sở TN-MT cho hay, Nghị định 71 quy định rất rõ về các phương pháp xác định giá đất cũng như cách thức thu thập thông tin và quan trọng là đã quy định để lượng hóa những chỉ tiêu xác định giá đất. Hiện Sở đang đẩy nhanh công tác này để trình Hội đồng thành phố. Dự kiến đến cuối năm sẽ điều chỉnh khoảng 20 hồ sơ xác định giá đất.

Đại diện Sở TN-MT cũng khẳng định, việc ách tắc trong xác định giá đất không ảnh hưởng đến các dự án đầu tư và phát triển hạ tầng trên địa thành phố.

Tích cực vận động người dân bàn giao mặt bằng cho dự án Vành đai 3

Đại diện huyện Bình Chánh trả lời nội dung bàn giao mặt bằng thực hiện Dự án Đường Vành đai 3. Ảnh: THẾ ANH
Đại diện huyện Bình Chánh trả lời nội dung bàn giao mặt bằng thực hiện Dự án Đường Vành đai 3. Ảnh: THẾ ANH

Trước phản ánh vẫn còn một số hộ dân nhận khoán đất của Công ty TNHH MTV Cây trồng TP. HCM vẫn chưa bàn giao mặt bằng để thi công tuyến đường Vành Đai 3 đi qua huyện Bình Chánh, ông Trần Ngọc Vũ, Phó Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện này thông tin, địa phương đã 3 lần bàn giao mặt bằng cho dự án, đạt tỉ lệ 100% mỗi đợt. Trong số tổng 393 hộ dân có dự án đi qua, 391 hộ đã bàn giao mặt bằng.

Đối với các hộ còn lại, huyện Bình Chánh đang tích cực vận động, nhờ sự hỗ trợ từ nhiều ban, ngành, đoàn thể để đạt “mặt bằng sạch”, bàn giao cho dự án trong thời gian sớm nhất. Ông Trần Ngọc Vũ cũng hy vọng, người dân trên địa bàn sẽ tích cực hỗ sợ để dự án Vành đai 3 sớm hoàn thành.

Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục