Thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội TP. HCM từ ngày 11 đến 17/10

18:13 17/10/2024

(HMC) - Ngày 17/10, tại Trung tâm Báo chí TP. HCM, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Tăng Hữu Phong và Chánh Văn phòng UBND Thành phố Đặng Quốc Toàn chủ trì họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố tuần qua.

Tham dự có đại diện các đơn vị: Sở Nội vụ; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội; Sở Giao thông Vận tải; Sở Y tế; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng đô thị; Ban Quản lý Khu công nghệ cao; Ban Tuyên giáo Thành ủy; UBND Quận 1; UBND Huyện Nhà Bè; Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC); Trung tâm Báo chí Thành phố và gần 50 phóng viên, biên tập viên của hơn 30 cơ quan báo, đài.   

Toàn cảnh họp báo chiều 17/10. Ảnh: THẾ ANH
Toàn cảnh họp báo chiều 17/10. Ảnh: THẾ ANH

Dự kiến khởi công 7 dự án khoa học - công nghệ trong năm 2024

Liên quan đến tiến độ thúc đẩy triển khai 19 dự án được giao tại Chỉ thị 12 của UBND TP về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP. HCM đến năm 2025, bà Trần Thị Ngọc Chung - Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư - Ban Quản lý Khu công nghệ cao cho biết, dự kiến 7 dự án sẽ được khởi công trong năm nay, 12 dự án còn lại khởi công năm 2025.

Khu Công nghệ cao đã cấp 5 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thuộc các lĩnh vực ưu tiên từ đầu năm đến nay. Ảnh: THẾ ANH
Khu Công nghệ cao đã cấp 5 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thuộc các lĩnh vực ưu tiên từ đầu năm đến nay. Ảnh: THẾ ANH

Năm 2024, Ban Quản lý Khu công nghệ cao được giao kế hoạch đầu tư công với nguồn ngân sách TP là 473 tỷ đồng. Tỉ lệ giải ngân trong 9 tháng đầu năm nay ước đạt 39,80%, tương đương 188,240 tỷ đồng.

Về thu hút vốn đầu tư, cũng trong 9 tháng đầu năm, Khu Công nghệ cao đã cấp 5 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án nước ngoài (vốn 1,950 triệu USD) và 1 dự án trong nước (vốn 573,492 tỷ đồng). Các dự án tuy có quy mô đầu tư nhỏ nhưng thuộc lĩnh vực ưu tiên thu hút, có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng.

TP.HCM: Thực hiện đúng quy định phân công nhân sự khi vắng người đứng đầu đơn vị

Về vấn đề nhân sự tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng đô thị và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố, tại họp báo, Trưởng Phòng Tổ chức biên chế và tổ chức phi chính phủ Sở Nội vụ Nguyễn Hoàng Chương cho biết, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành và quy chế làm việc của đơn vị, trường hợp người đứng đầu vắng mặt thì cấp phó sẽ thay thế điều hành quản lý để đảm bảo hoạt động được xuyên suốt, tránh ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao.

Đại diện Sở Nội vụ trả lời vấn đề được phóng viên quan tâm. Ảnh: LINH NHI
Đại diện Sở Nội vụ trả lời vấn đề được phóng viên quan tâm. Ảnh: LINH NHI

“Do đó, việc UBND Thành phố ban hành quyết định giao cấp phó của người đứng đầu đơn vị phụ trách lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động kể từ ngày 1/10/2024 là phù hợp với quy định của pháp luật”, ông Chương cho hay.

Cũng liên quan đến vấn đề nêu trên, đại diện Sở Nội vụ thông tin, việc ông Bùi Thanh Tân – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng đô thị bị khởi tố thuộc thẩm quyền của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an. Hiện cơ quan này đang trong quá trình xem xét, xử lý vụ việc.

TP. HCM đạt tỉ lệ tiêm chủng vaccine DPT trong 3 năm gần đây

Lãnh đạo HCDC thông tin về tình hình vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn TP trong 3 năm qua. Ảnh: LINH NHI
Lãnh đạo HCDC thông tin về tình hình vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn TP trong 3 năm qua. Ảnh: LINH NHI

Trước lo ngại về tình hình thiếu vắc – xin DPT từ cuối tháng 9 đến nay, bà Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) cho biết, đây là vaccine nằm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia với đối tượng là trẻ em. Vaccine này có thể ngừa được các bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà ở trẻ.

Theo lãnh đạo HCDC, trong 3 năm trở lại đây, tỉ lệ tiêm vaccine DPT cho trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên tại TP. HCM luôn đạt chỉ tiêu mà Bộ Y tế đặt ra cho từng năm. Cụ thể, TP đạt tỉ lệ tiêm chủng 85% năm 2021, 87% năm 2022 và 86% năm 2023.

Tiến độ dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1

Thông tin về tiến độ dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, Phó Phòng Khai thác quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải Hoàng Phúc Dũng cho biết, hiện trong phạm vi Xa lộ Hà Nội có 4 dự án đang được thực hiện. 

Sở GTVT thông tin về tiến độ dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội. Ảnh: LINH NHI
Sở GTVT thông tin về tiến độ dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội. Ảnh: LINH NHI

Trong đó, Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ Ngã ba Trạm hai cũ đến nút giao Tân Vạn” do Công ty Cổ phần đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài của tuyến là 15,7km (từ cầu Sài Gòn, TP Thủ Đức đến phạm vi tiếp giáp nút giao Tân Vạn thuộc thành phố Dĩ An, Bình Dương).

Về quy mô thực hiện của dự án là nâng cấp, mở rộng đường chính và hai đường song hành mới hai bên. Đến thời điểm hiện nay, khối lượng đoạn trên địa bàn thành phố cơ bản đã được thực hiện. Tuy nhiên, hiện còn vướng khoảng 400m do vướng giải phóng mặt bằng khoảng 29 hộ dân ở khu vực đường song hành (phải) thuộc phạm vi của phường Tân Phú, gần khu vực Suối Tiên và khu vực gần cầu Rạch Chiếc, phường Phước Long A.

Đối với phân đoạn quốc lộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương từ Bến xe Miền Đông mới cho đến nút giao Tân Vạn với tổng chiều hơn 2km. Hiện đã thi công hoàn chỉnh phần mặt đường chính hiện hữu từ năm 2018 tới nay. Khu vực đường song hành phải trước Bến xe Miền Đông, phần mặt đường chính mở rộng và đường song hành hai bên (trừ phạm vi 500m của Bến xe Miền Đông mới đến nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng).

Các dự án còn lại do Ban Quản Lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông TP làm chủ đầu tư. Trong đó, đáng chú ý, dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng xa lộ Hà Nội đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương để tạo quỹ đất mở rộng cho xa lộ Hà Nội hiện đã chi trả và bàn giao được 152/298 trường hợp.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, lưu lượng xe qua trạm BOT Xa lộ Hà Nội trong tháng 9 là trên 930.000 phương tiện.

Theo đại diện Sở Giao thông vận tải, hiện nhà đầu tư Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 đang thực hiện điều chỉnh dự án và sẽ cân đối nguồn vốn để tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Về chi phí bồi thường, do quá trình bồi thường kéo dài nên chi phí bồi thường là nguyên nhân chính dẫn đến cái chênh lệch giá bồi thường giữa khu vực Bình Dương và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

Huyện Nhà Bè: Đầu tư 19 tỷ đồng nâng cấp đường Nguyễn Thị Hương

Trước phản ánh của người dân và báo chí về tuyến đường Nguyễn Thị Hương, khu phố 7, thị Trấn Nhà Bè xuống cấp, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị UBND Huyện Nhà Bè Trần Công Luận cho biết, hiện nay, Dự án đầu tư, nâng cấp, sửa chữa tuyến đường này đã được HĐND Huyện thông qua chủ trương đầu tư với tổng số tiền 19 tỷ đồng, nguồn vốn thực hiện từ Ngân sách Thành phố.

Đại diện huyện Nhà Bè có mặt tại họp báo để trả lời câu hỏi phóng viên gửi về. Ảnh: LINH NHI
Đại diện huyện Nhà Bè có mặt tại họp báo để trả lời câu hỏi phóng viên gửi về. Ảnh: LINH NHI

Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Nhà Bè đang thực hiện các bước tiếp theo của thủ tục đầu tư, dự kiến khởi công xây dựng vào cuối tháng 12 sắp tới và thi công hoàn thành vào đầu quý III/2025.

Tuyến đường có chiều dài khoảng 362m, bề rộng mặt đường trung bình 10m. Đầu tuyến giáp đường Huỳnh Tấn Phát; cuối tuyến giáp Tổng kho xăng dầu Nhà Bè. Theo ông Luận, tuyến đường này có lưu lượng xe tải trọng lớn, chủ yếu phục vụ cho Tổng công ty Xăng dầu Nhà Bè. Thời gian qua kết hợp mưa lớn và triều cường nên đường xuống cấp rất nặng, mặc dù huyện đã nhiều lần vận động các doanh nghiệp đóng trên tuyến đường nầy tự đóng góp kinh phí để thực hiện duy tu.

Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục