Tham dự có đại diện các đơn vị: Ban Tuyên giáo Thành ủy; Sở Nội vụ; Sở Giao thông vận tải (GTVT); Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ban An toàn giao thông Thành phố; Ban quản lý đường sắt đô thị; Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1; Trung tâm Quản lý giao thông công cộng; Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng; Công An Thành phố; Trung tâm Báo chí Thành phố và gần 50 phóng viên, biên tập viên của gần 30 cơ quan báo, đài.
TP. HCM: Ba nhóm đối tượng được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng từ chính sách đặc thù
Thông tin về chính sách đặc thù hỗ trợ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của TP. HCM, ông Nguyễn Duy Tân - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Tại Kỳ họp thứ 20, khóa X từ ngày 9 - 11/12/2024 vừa qua, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã thông qua Nghị quyết số 24/2024/NQ-HDND.
Nghị quyết này là cơ sở pháp lý để bố trí ngân sách thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, hướng tới xây dựng đội ngũ nhân lực trình độ cao, năng lực tốt, có khả năng thích ứng cao trong môi trường hội nhập sâu rộng; vừa thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, vừa có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt.
Theo đó, Nghị quyết 24 quy định các đối tượng, nội dung được hỗ trợ, bao gồm:
(1) Hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách Thành phố đối với các đối tượng được cấp có thẩm quyền của Thành phố cử tham gia các lớp đào tạo theo các đề án do Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, UBND TP.HCM ban hành hoặc phê duyệt.
Cụ thể, Đề án số 01-ĐA/TU ngày 5/2/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TP.HCM giai đoạn 2020 - 2035 và Đề án số 04-ĐA/TU ngày 21/5/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về dân tộc - tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị Thành phố.
(2) Ngoài những đối tượng thuộc diện được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính, hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị từ ngân sách Thành phố đối với các đối tượng được cơ quan có thẩm quyền của Thành phố cử đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo quy định của Đảng.
(3) Ngoài những đối tượng thuộc diện được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước theo quy định của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính; hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng từ ngân sách Thành phố đối với các đối tượng được cơ quan có thẩm quyền của Thành phố cử tham dự các lớp, chương trình bồi dưỡng theo các đề án, kế hoạch do Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, UBND TP.HCM ban hành hoặc phê duyệt.
Cụ thể: Cán bộ theo quy định của pháp luật đang làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội cấp Thành phố và cấp huyện; Cán bộ đang làm việc tại phường, xã, thị trấn; Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và trong đơn vị sự nghiệp công do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thuộc phạm vi quản lý của TP.HCM.
“Một số cơ quan, đơn vị vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng liên quan sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách. Cho nên, Nghị quyết số 24 được ban hành với những cơ chế, chính sách hết sức đặc thù đã giúp thành phố giải quyết được những bài toán khó khăn này. Đồng thời, giúp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng được toàn diện, rộng rãi và khách quan hơn, công bằng hơn” – Ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ nhận định.
Những lưu ý khi đi metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên
Chỉ còn ít ngày nữa, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ chính thức vận hành thương mại. Thông tin về công tác triển khai, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Phạm Vương Bảo cho biết, có 17 tuyến buýt gom kết nối đến các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị. Các tuyến buýt này chạy từ 5h sáng đến 22h đêm, tần suất từ 8 đến 15 phút, với các nhà chờ, điểm dừng được thiết kế phù hợp với lộ trình metro số 1.
Trong 30 ngày đầu metro số 1 đi vào khai thác thương mại, hành khách sử dụng các tuyến buýt này miễn phí. Sau đó, TP áp dụng giá vé thống nhất với các tuyến xe buýt khác trên địa bàn thành phố.
Hành khách lưu thông trên tuyến metro số 1 sử dụng phương tiện cá nhân có thể gửi tại các bãi trông giữ xe gần các nhà ga tuyến đường sắt đô thị số 1 như: Công viên Văn Thánh, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Bến xe Suối Tiên,… hoặc sử dụng các cầu đi bộ tại các ga: Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công Nghệ Cao và Đại học Quốc Gia.
Cũng liên quan vấn đề vận hành tuyến metro số 1, ông Nguyễn Thành Lợi - Phó trưởng ban chuyên trách - Ban An toàn giao thông TP. HCM đề cập một số lưu ý đối với hành khách sử dụng tuyến metro.
Theo đó, không được mang các chất gây cháy nổ, không ăn, uống, hút thuốc (bao gồm thuốc lá điện tử) trong buồng thang máy hoặc tại các khu vực đã soát vé, ke ga và trên tàu.
Người dân không được sử dụng ván trượt patin tại các khu vực trong nhà ga, không nói chuyện lớn tiếng hoặc sử dụng các thiết bị di động với âm lượng lớn gây khó chịu, làm phiền đến các hành khách xung quanh.
Không mang các thực phẩm, đồ vật nặng mùi lên tàu.Trường hợp có mang thực phẩm, thức ăn đi kèm, hành khách bắt buộc phải sử dụng túi ni - lông cột kín để tránh gây mùi hoặc vương vãi trên tàu và khu vực nhà ga.
Người dân không được dắt theo vật nuôi, thú cưng lên tàu, trừ vật nuôi nhỏ có thể bỏ trong lồng, túi kín; không mang bóng bay vào khu vực nhà ga và sảnh chờ trên tàu.
Công an TP. HCM khuyến cáo mua bán và sử dụng pháo hoa dịp Tết
Thông tin liên quan công tác quản lý mua bán, sử dụng pháo hoa dịp Tết, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP. HCM - Thượng tá Nguyễn Thăng Long cho biết, Công an Thành phố đang tăng cường phối hợp các lực lượng kiểm tra việc mua bán pháo hoa của các cơ sở kinh doanh đã được cấp phép để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi kinh doanh pháo hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng gian, hàng giả; tiến hành triệt phá các đường dây, sản xuất, kinh doanh pháo hoa nhập lậu, pháo hoa nhái/giả sản phẩm pháo hoa của Bộ Quốc phòng.
Thượng tá Nguyễn Thăng Long cho hay, khi mua sản phẩm pháo hoa của Bộ Quốc phòng và sản phẩm giả trên thị trường, người dân có thể sử dụng pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, có dán mã tem QR code chống hàng giả. Khi mua sản phẩm có thể kiểm tra trực tiếp bằng cách quét mã QR trên sản phẩm pháo hoa.
Đại diện Công an TP khuyến cáo, người dân nên mua pháo hoa với số lượng vừa đủ dùng, không nên mua số lượng lớn để dự trữ. Cần lưu ý việc bảo quản pháo hoa như: đặt pháo ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt; không để vật nặng tì đè lên, không để gần nguồn lửa, nguồn nhiệt hay các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt và để xa tầm tay của trẻ em. Quá trình vận chuyển cần phải nhẹ nhàng, không để pháo va đập mạnh và tránh vận chuyển gần các nguồn sinh nhiệt và lửa, tránh ảnh hưởng của điều kiện thời tiết và môi trường.
Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về sử dụng pháo hoa, quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân tuyệt đối không được mua bán, sử dụng pháo không do Bộ Quốc phòng sản xuất và cung cấp; chỉ mua các sản phẩm do Bộ Quốc phòng sản xuất và được bán tại hệ thống các cửa hàng, đại lý ủy quyền với giấy phép đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Khi sử dụng pháo hoa phải tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất; không sử dụng pháo hoa gần nơi chứa các chất, vật liệu đặc biệt dễ cháy nổ; không sử dụng ở trong nhà hoặc những không gian có mái che, trên cao phải thông thoáng, không có vật cản, đường dây điện... Bên cạnh đó, khi pháo cháy hết cần phải để nguội trong khoảng thời gian tối thiểu 15 phút hoặc có thể tưới ướt pháo để không còn tàn lửa rồi mới cho vào thùng rác.
Trong trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố cháy nổ, phải nhanh chóng tiến hành các biện pháp chữa cháy ban đầu; đồng thời báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp theo số điện thoại 114 hoặc qua App “Báo cháy 114”.
TP.HCM: Sẵn sàng kiểm định khí thải xe ô tô, gắn máy từ ngày 01/01/2025
Thông tư số 47/2024 của Bộ GTVT có hiệu lực từ 01/01/2025 quy định, đối với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sản xuất trên 5 năm đến 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 24 tháng; thời gian sản xuất trên 12 năm, chu kỳ kiểm định định kỳ là 12 tháng. Với số lượng phương tiện lớn, TP.HCM đã sớm chuẩn bị kế hoạch thực hiện nội dung này.
Theo Phó trưởng Phòng Quản lý Kỹ thuật phương tiện giao thông và ứng dụng khoa học công nghệ Sở GTVT TP. HCM Trần Võ Anh Minh, hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đang tổ chức phổ biến, hướng dẫn thông tư mới đến các Sở GTVT, các cơ sở đăng kiểm để thống nhất thực hiện trên phạm vi cả nước.
Về phía TP.HCM, Sở GTVT thành phố đã bắt đầu thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, quy định về việc thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, gắn máy đến người dân. Đồng thời, làm việc với 19 cơ sở đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn thành phố để đề nghị rà soát, đầu tư bổ sung trang thiết bị kiểm định khí thải cũng như nhân sự thực hiện công việc này.
Sở GTVT thành phố cũng làm việc với Hiệp hội các nhà sản xuất xe gắn máy Việt Nam, các hãng sản xuất lớn đề nghị đưa hệ thống bảo dưỡng, sửa chữa xe máy của các đại lý phân phối xe vào thực hiện kiểm định. Sở sẽ hỗ trợ hướng dẫn thủ tục để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động của cơ sở kiểm định khí thải theo Thông tư số 46/2024/TT-BGTVT; phối hợp với Cục Đăng kiểm tổ chức tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên và cấp chứng chỉ cho nhân viên đáp ứng yêu cầu, để cơ sở kiểm định khí thải theo đúng quy định hiện hành. Sở GTVT sẽ công khai danh sách các cơ sở đăng kiểm và cơ sở kiểm định khí thải được cấp phép để người dân thuận tiện tra cứu và lựa chọn địa điểm thực hiện.
“Việc huy động mạng lưới các cơ sở bảo dưỡng tham gia sẽ là nguồn lực chính đảm bảo nhu cầu kiểm định khí thải của người dân trong thời gian tới”, ông Minh thông tin.
Tính đến tháng 9/2024, TP.HCM quản lý hơn 9,5 triệu phương tiện, trong đó có gần 8,5 triệu xe máy.