Tham dự có đại diện các đơn vị: Sở LĐ,TB&XH; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Xây dựng; Ban Tuyên giáo Thành ủy; Ban Dân tộc; Công an Thành phố; UBND Quận 8; UBND TP Thủ Đức; Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM; Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM; Trung tâm Báo chí TP.HCM và gần 50 phóng viên, biên tập viên của hơn 30 cơ quan báo, đài.
TP Thủ Đức: Nỗ lực giải ngân 7.500 tỷ đồng dự án Vành đai 2 trong tháng 12/2024
Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của dự án Đường Vành đai 2, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức Võ Trí Dũng thông tin, TP Thủ Đức quyết tâm đến giữa tháng 12 sẽ tiến hành chi tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân, với tổng số tiền khoảng 7.500 tỷ đồng.
“Ngày 28/11 chúng tôi sẽ tiến hành công bố chính thức đến người dân. Chủ đầu tư là Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ cố gắng chi cho bà con trong tháng 12”, ông Dũng cho biết.
Trước phản ánh của một số người dân về giá bồi thường thấp, ông Dũng lý giải, các trường hợp này chủ yếu do vị trí giải tỏa. Chẳng hạn như khu vực vị trí 4 là những hẻm sâu xe ô tô không thể vào được. Cùng với đó, các tuyến đường có nơi rộng, nơi hẹp, các đơn vị thực hiện phải đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định.
“Chúng tôi cùng với đơn vị tư vấn và Ủy ban nhân dân 6 phường của quận sẽ xác minh lại những vị trí này, ghi nhận để có điều chỉnh phù hợp, có thể điều chỉnh tăng lên một chút“, ông Dũng thông tin.
TP. HCM tăng cường quản lý hóa chất nguy hiểm, độc hại
Thông tin tại họp báo, Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công An Thành phố cho biết, trong nhiều năm qua, Công an TP đã tổ chức cho 388 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh hóa chất ký “Bản cam kết chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh hóa chất lĩnh vực công nghiệp”.
Thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng xyanua, gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe con người. Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các tội phạm liên quan đến lĩnh vực này, Công an Thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch “Tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn TP. HCM”. Trong đó, phối hợp các ngành chức năng kiểm tra 177 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh hóa chất; phát hiện, xử lý hành chính 14 trường hợp kinh doanh hoá chất (không liên quan đến kinh doanh, mua bán xyanua); khởi tố 6 vụ án/31 bị can về tội mua bán trái phép chất độc, thu giữ hơn 9.700kg xyanua...
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Minh Tâm - Trưởng phòng Kỹ thuật An toàn - Môi trường, Sở Công thương cho biết, xyanua và các hợp chất của chất độc này nằm trong danh mục hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh. Để được kinh doanh, các đơn vị phải được Bộ Công Thương cấp giấy phép. Sau đó, Sở Công Thương sẽ tuyên truyền, tập huấn, làm việc với các cơ sở kinh doanh.
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, hiện trên địa bàn TP. HCM có 35 đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế. Sau đợt kiểm tra của Công an TP vừa qua, Sở này cũng phát hiện các đơn vị kinh doanh vàng có sử dụng hợp chất xyanua, đặc biệt là chất kali vàng xyanua, với một lọ rất nhỏ nhưng có giá trị lớn. Việc bảo quản chưa đáp ứng điều kiện an toàn, do đó, Sở Công Thương sẽ tập huấn, tuyên truyền nội dung này trong thời gian tới.
99,5% phản ánh qua Tổng đài 1022 được xử lý đúng hạn
Về tình hình hoạt động của Cổng thông tin tiếp nhận, xử lý và phản hồi người dân, doanh nghiệp của TP.HCM 1022, ông Trần Minh Tuấn - Phó Trưởng Phòng Bưu chính viễn thông - Sở Thông tin và Truyền Thông cho biết, từ ngày 1/1 - 21/11, Cổng đã tiếp nhận 63.998 phản ánh, kiến nghị, câu hỏi của người dân, doanh nghiệp và tổ chức.
Trong đó, nhóm lĩnh vực về hạ tầng giao thông, chiếu sáng, điện lực, viễn thông chiếm 31%; tiếng ồn đô thị chiếm 18%; trật tự đô thị là 11%; tra cứu thông tin xe buýt chiếm 10%; thủ tục hành chính, cổng dịch vụ công thành phố là 30 % . Đến nay, tỉ lệ xử lý đúng hạn các phản ánh nhận được đạt 99,5%.
Riêng về phản ánh hạ tầng giao thông, tiếng ồn đô thị, tính đến hiện tại, Cổng 1022 nhận được 11.300 cuộc gọi, giảm so với năm 2022 (16.957 cuộc) và năm 2023 (13.847 cuộc).
Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông đã có buổi làm việc với UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức cùng các bên liên quan, trong đó yêu cầu các đơn vị quan tâm đến chất lượng xử lý phản ánh kiến nghị, tăng cường kiểm tra, lập kế hoạch giám sát đột xuất liên quan đến trường hợp vi phạm tiếng ồn đô thị.
Về lĩnh vực hạ tầng, giao thông đô thị, Phó Trưởng Phòng Bưu chính viễn thông cho hay, các cuộc gọi nhận về cũng được kéo giảm còn 1.453 cuộc so với năm 2023 (2.000 cuộc) và năm 2022 (2.100 cuộc). Các phản ánh này hầu hết đề được tiếp nhận và xử lý trong thời hạn 5 ngày. Đối với các sự cố hạ tầng phức tạp, cần sự phối hợp của nhiều đơn vị, cơ quan chức năng sẽ lên kế hoạch xử lý và thông báo lý do đến người dân.
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP. HCM năm 2024 diễn ra từ ngày 5-6/12
Theo Phó trưởng Ban Dân tộc TP Đặng Thị Tuyết Mai, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP. HCM năm lần IV năm 2024 gồm 2 phiên, được tổ chức ngày 5 và 6/12. Đại hội năm nay có 330 đại biểu tham dự, thuộc cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Độ tuổi trung bình của đại biểu là 47,7 tuổi; cao nhất 84, thấp nhất 18 tuổi.
Với chủ đề “Đồng bào các dân tộc thành phố bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP. HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, đại hội sẽ trình bày và thông qua báo cáo chính trị với 8 nhiệm vụ chủ yếu là: củng cố tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về công tác dân tộc; phát triển kinh tế; phát triển giáo dục - đào tạo, ưu tiên giải quyết các vấn đề về y tế và dân số; bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh; đối ngoại, hợp tác quốc tế về công tác dân tộc; củng cố hệ thống chính trị cơ sở.
Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi