Tham dự có đại diện các đơn vị: Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội (LĐ,TB&XH); Sở Giao thông Vận tải; Sở Xây dựng; Ban An toàn giao thông TP.HCM; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp; Công an Thành phố; Thanh tra Thành phố; UBND Quận 3; UBND Quận 8; UBND Bình Thạnh; UBND TP. Thủ Đức; Ban Tuyên giáo Thành ủy; Văn phòng UBND Thành phố; Trung tâm Báo chí Thành phố và gần 60 phóng viên, biên tập viên của gần 40 cơ quan báo, đài.
TP.HCM lên kế hoạch xóa 325 nhà tạm, nhà dột nát
Thông tin về việc xóa nhà tạm, nhà dột nát đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021-2025, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố (Sở LĐ,TB&XH) Nguyễn Thị Hồng Hà cho hay, Sở đã phối hợp với các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức thực hiện rà soát. Kết quả có 325 căn nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo (129 hộ nghèo và 196 hộ cận nghèo) cần xây dựng, sửa chữa tại 8 địa phương, với tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ 15 tỷ 876 triệu đồng.
Hiện Sở LĐ,TB&XH đang phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các quận, huyện huy động mọi nguồn lực và nguồn Quỹ “Vì người nghèo” để thực hiện. Dự kiến hoàn thành trong tháng 4 năm 2025.
Về kinh phí hỗ trợ, bà Hà cho biết sẽ thực hiện theo Hướng dẫn số 01/HD-BVĐ ngày 12 tháng 7 năm 2019 của Ban vận động quản lý và sử dụng quỹ “Vì người nghèo” Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, đối với xây dựng nhà tình thương, kinh phí hỗ trợ là 60 triệu đồng/căn; riêng huyện Cần Giờ, Nhà Bè: 70 triệu đồng/căn.
Đối với sửa chữa nhà, mức hỗ trợ sửa chữa nhà tùy theo mức độ hư hỏng, xuống cấp nhưng tối đa không quá 80% mức quy định xây dựng nhà nhà tình thương.
Bên cạnh đó, các địa phương đều tổ chức vận động trong nhân dân để hỗ trợ thêm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về kinh phí, về thiết bị, vật dụng sinh hoạt như món quà mừng hộ có căn nhà mới.
Ngoài ra, Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố có chính sách hỗ trợ vay vốn với mức vay tối đa là 100 triệu đồng/hộ, thời gian vay tối đa 120 tháng (10 năm), lãi suất ưu đãi 0,5%/tháng (6%/năm) để hộ đầu tư kinh phí cho việc xây dựng, sửa chữa nhà tốt hơn.
Ứng dụng AI để giảm ùn tắc giao thông
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình giao thông ùn tắc nghiêm trọng ở một số tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ thành phố như Nguyễn Tất Thành (Quận 4) và Xô Viết Nghệ Tĩnh (Quận Bình Thành), Phó trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải) Nguyễn Kiên Giang cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Bên cạnh sự quá tải của hạ tầng, thời tiết mưa to kết hợp triều cường ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình giao thông. Cùng với đó, tình trạng người dân trú mưa dưới các dạ cầu cũng góp phần làm giao thông trở nên nghiêm trọng hơn.
Với đường Nguyễn Tất Thành, ông Giang cho biết hiện nay tuyến đường này đã quá tải 140%. Chỉ cần một sự cố nhẹ đã có thể gây nên ùn tắc, kẹt xe. Vào giờ cao điểm, cơ quan chức năng đã đóng gần hết các giao lộ để giảm áp lực cho tuyến đường này. “Giải pháp sắp tới là chúng tôi sẽ cải tạo đường chui dưới dạ cầu Khánh Hội để có điểm quay đầu ra Bến Vân Đồn. Khi đó sẽ nghiên cứu đóng tuyến Hoàng Diệu để giao thông được thông suốt”, ông Giang cho hay.
Với khu vực Hàng Xanh, tình trạng kẹt xe nghiêm trọng đã lan đến cầu Sài Gòn. Thời gian qua, TPHCM đã ứng dụng AI điều khiển đèn tín hiệu giao thông theo thời gian thực ở tuyến Ung Văn Khiêm, Nguyễn Gia Trí. Ông Giang cho biết, sắp tới sẽ triển khai thêm ở Hàng Xanh và đài liệt sĩ. Về giải pháp lâu dài, Sở GTVT đã đề xuất mở rộng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và có đường trên cao ở khu vực này để giải quyết tình trạng kẹt xe.
Giải pháp chống ngập cho đường Nguyễn Văn Quá và Phan Huy Ích
Liên quan đến tình trạng ngập nước kéo dài tại 2 tuyến đường Nguyễn Văn Quá (Quận 12) và Phan Huy Ích (quận Tân Bình) dù đã được lắp cống chống ngập, ông Lý Thanh Long – Chánh văn phòng Sở Xây dựng cho biết, tại đường Nguyễn Văn Quá, dự án xây dựng hệ thống thoát nước đã được đưa vào sử dụng từ năm 2016. Tuy nhiên do vướng mặt bằng, vị trí cống Cây Liêm (từ Nguyễn Văn Quá thoát về kênh Tham Lương) thi công chưa đúng theo quy hoạch thoát nước chung của khu vực (không thi công đủ 2 cống hộp 2mx2m theo thiết kế). Chính điều này đã làm giảm khả năng thoát nước hạ nguồn.
Nguyên nhân nữa là thời gian gần đây, lưu lượng mưa tăng cao khiến kênh Đồng Tiến (rạch Cây Liêm) tiếp nhận lượng nước rất lớn từ các phường Trung Mỹ Tây, phường Đông Hưng Thuận. Khi tiếp giáp đường Nguyễn Văn Quá, lòng rạch thoát không kịp làm nước chảy tràn lên các tuyến hẻm, gây ngập trong khu vực. Bên cạnh đó, vị trí rạch Cầu Suối băng đường Nguyễn Văn Quá được xây dựng bằng tuyến cống D1000 cũng không đảm bảo thoát nước cho khu vực thượng nguồn.
Nhằm giải quyết tình trạng này, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Hạ tầng đô thị đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo rạch Cây Liêm, rạch Cầu Suối để mở rộng lòng rạch, lắp đặt hoàn thiện hệ thống cống hộp cho tuyến đường Nguyễn Văn Quá. Bên cạnh đó, tập trung duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả nhằm tăng cường khả năng thoát nước.
Đối với đường Phan Huy Ích (quận Tân Bình), ông Long lý giải, tuyến kênh Hy Vọng chính là nơi thoát nước chính của khu vực. Do kênh có tiết diện nhỏ, khi mưa lớn, lưu lượng nước từ thượng lưu (khu vực dân cư phường 15) đổ dồn về rất làm mực nước trong kênh dâng cao. Từ đó làm làm hạn chế dòng chảy, nước thoát chậm, gây ngập cục bộ cho đoạn đường này.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng đô thị đang đề xuất chủ trương đầu tư dự án Cải tạo kênh Hy Vọng. Sau khi được HĐND TP. HCM xem xét, thông qua và đi vào thực hiện, tình trạng thoát nước kém tại tuyến đường Phan Huy Ích cũng như khu vực này sẽ được giải quyết.
Công an TPHCM cảnh báo thủ đoạn tạo hình ảnh giả mạo hóa đơn
Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM cho biết, cơ quan công an đã ghi nhận phương thức, thủ đoạn của tội phạm liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng thường sử dụng.
Theo đó, các đối tượng tạo lập các trang web, ứng dụng, trang mạng xã hội mạo danh tổ chức ngân hàng và các tổ chức tài chính, đơn vị trung gian thanh toán. Sau đó, tiếp cận nạn nhân bằng nhiều hình thức (chạy quảng cáo, tán phát tin nhắn mạo danh Ngân hàng hoặc mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho nạn nhân…) và thực hiện kịch bản lừa đảo.
Một số kịch bản thường được đối tượng sử dụng là: mời nâng cấp thẻ tín dụng; vay tiền trực tuyến với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp; thông báo tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch đáng ngờ; hướng dẫn cập nhật sinh trắc học, thông tin tài khoản… Rồi các đối tượng thao túng và yêu cầu nạn nhân làm theo yêu cầu cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu và đặc biệt là mã OTP xác thực.
Đáng chú ý, hiện nay đối tượng dẫn dụ nạn nhân cài đặt ứng dụng giả mạo trên điện thoại thông minh; các ứng dụng này có chứa mã độc và chiếm quyền điều khiển điện thoại để đánh cắp thông tin và chuyển tiền trực tuyến.
Đối với thủ đoạn tạo hình ảnh giả mạo hóa đơn chuyển tiền (fake bill), đây là phương thức các đối tượng thường sử dụng kèm kịch bản mạo danh pháp nhân, cá nhân liên hệ doanh nghiệp, hộ kinh doanh để đặt mua hàng hóa; sau đó sử dụng hình ảnh giả mạo hóa đơn chuyển tiền thành công với số tiền lớn hơn số tiền mua hàng thực tế và đưa ra nhiều lý do để lý giải cho việc đã chuyển khoản nhưng nạn nhận chưa nhận được tiền vào tài khoản (nghẽn mạng, ngân hàng đang xử lý…). Sau đó, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân bằng việc chiếm đoạt số hàng đã mua, hoặc thông báo việc chuyển dư tiền để nhờ nạn nhân mua giúp các loại hàng hóa ở các doanh nghiệp khác, kèm số điện thoại liên hệ (nhưng thực chất là do các đối tượng đóng giả).
Tháng 7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC02), Công an TP đã phát hiện và bắt giữ 01 đối tượng lừa đảo có sử dụng hình ảnh giả mạo hóa đơn (bill) chuyển tiền (fake bill). Mở rộng điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ các đối tượng đã bán hình ảnh giả mạo hóa đơn (bill) chuyển tiền.
Phòng PC02 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các đối tượng liên quan về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra, truy xét tất cả các đối tượng có liên quan xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Công an Thành phố khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, chú ý bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trong quá trình tham gia các hoạt động trên môi trường mạng; tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn website không rõ nguồn gốc; chỉ cài đặt các ứng dụng trực tuyến từ các nguồn chính thức của hệ điều hành điện thoại (Appstore của IOS hay CH Play của Android).
Khi gặp những tình huống yêu cầu thực hiện các hoạt động liên quan các loại tài khoản hay cung cấp thông tin cá nhân và yêu cầu chuyển khoản thì phải hết sức cảnh giác, lưu ý, kiểm tra kỹ tất cả các thông tin liên quan trước khi thực hiện việc giao dịch.
Đảm bảo tái định cư cho người dân dự án rạch Xuyên Tâm
Thông tin liên quan công tác bố trí tái định cư khi thực hiện Dự án rạch Xuyên Tâm, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính Ban bồi thường và giải phóng mặt bằng (UBND Quận Bình Thạnh) Võ Minh Hoàng cho biết, ngày 6/10/2023, UBND TP. HCM đã ban hành Quyết định số 4584/QĐ-UBND phê duyệt dự án nạo vét, cải tạo môi trường rạch Xuyên Tâm.Q
Ngày 1/7/2024, UBND Quận Bình Thạnh đã ban hành kế hoạch về việc tiến hành điều tra xã hội học, qua đó nắm bắt dư luận để tiếp nhận các luồng thông tin của toàn thể hộ dân liên quan đến dự án để từ đó có hướng đề xuất, biện pháp theo Quyết định số 12/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi.
“Làm sao để hỗ trợ cho người dân về công việc, nguồn thu nhập, đảm bảo cuộc sống sau khi di dời, thực hiện dự án” - ông Võ Minh Hoàng chia sẻ.
Đối với việc tái định cư, những trường hợp đủ điều kiện bồi thường về đất, sẽ được thực hiện căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 111 Luật Đất đai 2024. Những trường hợp không đủ điều kiện nhưng không có nơi ở nào khác trên địa bàn quận Bình Thạnh sẽ được xem xét, giải quyết theo Khoản 5 Điều 111 Luật Đất đai năm 2024.
Trước đó, UBND TP. HCM đã ban hành một số văn bản quy định về việc phân bổ nguồn quỹ nhà, quỹ đất, căn hộ chung cư và nhà ở xã hội trên địa bàn Quận Bình Thạnh cũng như một số quận, huyện khác trên địa bàn thành phố đảm bảo làm sao để tất cả các hộ dân thuộc dự án này phải có nơi ở với tinh thần đảm bảo nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi cũ.
Đại diện UBND Quận Bình Thạnh nhận định, việc bố trí tái định cư với 1.230 hộ dân thuộc diện giải tỏa toàn phần trên tổng số 2.077 hộ là bài toán hết sức khó khăn. Mặc dù TP đã tạo điều kiện, công bố quỹ nhà nhưng vẫn chưa đủ. Hiện nay, Quận Bình Thạnh đang phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP để xúc tiến xây dựng quỹ nhà ở xã hội tại số 12 Phan Chu Trinh, sớm đảm bảo nơi ở tái định cư cho các hộ dân.
Khởi công dự án nhà ở xã hội tại quận Bình Thạnh vào 30/4 năm sau
Về tiến độ thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội tại phường 12, quận Bình Thạnh, Chánh văn phòng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Nguyễn Thị Anh Thơ cho hay, trong 9 tháng đầu năm, Ban đã tạo lập được dữ liệu nền nhằm phục vụ cho công tác phê duyệt dự án, cũng như làm tiền đề cho các bước tiếp theo.
Để đảm bảo cho công tác lập dự án đầu tư, có 15 thành phần hồ sơ cần đáp ứng, bao gồm khảo sát địa chất, địa hình; lập hồ sơ về môi trường, quy hoạch; thỏa thuận đấu nối điện, nước, giao thông; xin ý kiến các đơn vị liên quan về chiều cao công trình, phòng cháy chữa cháy,…
“Tháng 9 vừa qua, UBND quận Bình Thạnh đã phê duyệt quy hoạch 1:500. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp cũng như các Sở, ngành đang nỗ lực rút ngắn thời gian tối đa đối với công tác nội (đo đạc bản đồ; quản lý đất đai thực hiện ở ngoài trời) và ngoại nghiệp (đo đạc bản đồ, quản lý đất đai thực hiện trong nhà). Riêng các trình tự, thủ tục không thể lược bỏ nên cần thời gian nhất định để đảm bảo hồ sơ chặt chẽ”, bà Thơ chia sẻ.
Theo kế hoạch, trong tháng này, sau khi dự án đầu tư được phê duyệt, các đơn vị liên quan sẽ thực hiện công tác tiền khởi công, bao gồm lập hồ sơ, trình phê duyệt thiết kế, lựa chọn nhà thầu. Dự kiến công trình xây dựng nhà ở xã hội tại quận Bình Thạnh sẽ được khởi công vào ngày 30/4/2025, nhằm chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi