Tham dự có đại diện các đơn vị: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Xây dựng; Cảng vụ Hàng không Miền Nam, Tổng Công ty Cơ Khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO); UBND Quận 1, Quận 8, TP. Thủ Đức, huyện Củ Chi; Trung tâm Báo chí Thành phố và gần 40 phóng viên, biên tập viên của gần 30 cơ quan báo, đài.
TP. HCM dự chi gần 976 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
Tết Nguyên đán 2025, TP. HCM dự chi gần 976 tỷ đồng cho hoạt động chăm lo Tết. Trong đó, ngân sách Trung ương khoảng 16,5 tỷ đồng; ngân sách Thành phố hơn 908 tỷ đồng và vận động hơn 50,6 tỷ đồng. Thông tin trên được Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội TP. HCM Lượng Thị Tới chia sẻ tại buổi họp báo chiều nay.
Bà Lượng Thị Tới cho biết, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 8481 về tổ chức các hoạt động chăm lo Tết. Theo Kế hoạch này, Thành phố dành hơn 908 tỷ đồng từ ngân sách TP (tăng hơn 47 tỷ đồng so với năm 2024) để chăm lo Tết Ất Tỵ 2025.
“Phần kinh phí tăng thêm dự kiến để chăm lo cho người có công, cán bộ hưu trí, đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, người cao tuổi và tăng số lượng khu phố, ấp do các quận, huyện tổ chức sắp xếp lại”, bà Lượng Thị Tới nói.
Tết năm nay, Thành phố sẽ tổ chức 43 đoàn để đi thăm, tặng quà các tổ chức, cá nhân tiêu biểu. Trong đó, đối với diện chính sách có công, TP tổ chức thăm 325.448 suất với kinh phí hơn 423,7 tỷ đồng; tăng 15.420 đối tượng, tăng hơn 20 tỷ đồng.
Đối với diện người nghèo, có 8.575 suất, kinh phí hơn 10,7 tỷ đồng; giảm 12.413 hộ nghèo, giảm khoảng 15,5 tỷ đồng.
Diện trợ cấp xã hội thường xuyên có 148.215 suất, kinh phí hơn 170,4 tỷ đồng; tăng 9.174 đối tượng, tăng hơn 10,5 tỷ đồng.
Diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng, có 4.931 suất, kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng; tăng 2.343 người, tăng gần 2,7 tỷ đồng.
Diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thật sự khó khăn có 7.542 suất, kinh phí hơn 8,6 tỷ đồng; tăng 568 trẻ, tăng hơn 653 triệu đồng.
Thành phố cũng tặng quà cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác trong khu vực hành chính, sự nghiệp với 130.952 suất; kinh phí hơn 235,7 tỷ đồng; tăng 5.483 người, tăng hơn 9,8 tỷ đồng. Tặng quà cho 4.829 khu phố, ấp, kinh phí hơn 24,1 tỷ đồng; tăng 2.827 khu phố, ấp, tăng hơn 14,1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng tặng quà cho 115 đồng chí là cựu tù chính trị và tù binh chưa được hưởng chế độ chính sách do chưa đủ hồ sơ theo quy định, có hoàn cảnh khó khăn với mức từ quà là 1.200.000 đồng/suất; Tặng quà cho 30 đồng chí là hội viên, cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn với mức quà là 1.500.000 đồng/suất; tặng quà cho 32 hộ giữ rừng ở Cần Giờ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn với mức quà là 1.500.000 đồng/suất; Tặng quà cho 85 khu, đội quản lý học viên tại các cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, Bệnh viện Nhân Ái với mức chi tiền mặt là 5.000.000 đồng/khu vực, đội.
Cùng với ngân sách của Thành phố, các quận, huyện và TP. Thủ Đức cũng tổ chức vận động các nguồn kinh phí ở địa phương để thăm, chăm lo thêm cho 89.901 người với số tiền hơn 50,6 tỷ đồng. Chủ tịch nước cũng có quà tặng cho 54.336 người có công với tổng số tiền khoảng 16,5 tỷ đồng.
Đảm bảo đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường dịp Tết
Liên quan đến các hoạt động bình ổn thị trường, theo ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Trưởng Phòng Quản lý thương mại - Sở Công thương TP. HCM, trong 11 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã triển khai hàng loạt chương trình bình ổn thị trường, kích cầu tiêu dùng đến người dân và nhận được sự đồng thuận, đồng hành từ nhiều doanh nghiệp.
Kết quả, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng đầu năm 2024 của Thành phố chỉ tăng 3,19% so với cùng kỳ; thấp hơn bình quân cả nước (cả nước tăng 3,69%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa 11 tháng đầu năm của Thành phố đạt 514.478 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ, cao hơn bình quân cả nước (cả nước tăng 8,1%).
Về công tác chuẩn bị hàng hóa dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ, ông Nguyễn Minh Hùng cho biết, việc chuẩn bị nguồn hàng của các doanh nghiệp cơ bản đã đáp ứng kế hoạch đề ra, đủ để cung cấp cho thị trường. Cụ thể, các doanh nghiệp đầu mối tham gia Chương trình Bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết.
Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25% đến 43% thị phần; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả, 200 tấn thuỷ hải sản…
“Trong một tháng trước và sau Tết, giá cả những mặt hàng thuộc chương trình bình ổn thị trường, lương thực thực phẩm thiết yếu sẽ được giữ cố định, không thay đổi. Trong Tết, các hệ thống phân phối chỉ nghỉ thời gian ngắn, hầu hết mở cửa vào ngày mùng 2. Do đó, người dân không cần mua lượng lớn hàng hóa để dự trữ trong dịp này”, đại diện Sở Công Thương cho biết.
Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến phục vụ 130.000 hành khách/ngày dịp Tết Nguyên đán
Liên quan đến công tác phục vụ Tết tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Trưởng Phòng Giám sát Chất lượng dịch vụ Hàng không, Cảng vụ Hàng không Miền Nam Trần Văn Hoạch cho biết, hiện nay, tại sân bay Tân Sơn Nhất có 51 hãng hàng không quốc tế và 06 hãng hàng không nội địa đang khai thác, trung bình hơn 600 chuyến bay/ngày và phục vụ hơn 110.000 khách/ngày. Trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ, từ ngày 14/01 đến ngày 12/02 năm 2025 (tức từ ngày 15 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ), dự kiến lượng khách và chuyến bay sẽ tăng mạnh, Cảng vụ Hàng không Miền Nam dự đoán, trung bình sẽ khai thác khoảng 820 lượt chuyến bay và phục vụ khoảng 130.000 hành khách/ngày.
Để triển khai đảm bảo an ninh trong lĩnh vực khai thác hàng không dân dụng, trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có Quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát an ninh, tăng cường dịp Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Cảng vụ hàng không miền Nam đã phối hợp các cơ quan, đơn vị nhằm chuẩn bị tốt nhất cho công tác phục vụ cao điểm Tết. Trong đó, tăng cường nhân sự, trang thiết bị và phương tiện để nhằm bảo đảm tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách. Đồng thời, kiến nghị các lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm những cái tình trạng vi phạm tại khu vực cảng; tiếp tục thực hiện điều phối cái giao thông từ sớm, từ xa tại các tuyến đường cửa ngõ dẫn vào sân bay nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại cho người dân.
Theo đại diện Cảng vụ Hàng không Miền Nam, dự kiến sản lượng vận chuyển của năm 2024 ước đạt khoảng 39,8 triệu khách (giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, dự kiến lượng khách quốc tế đạt 16,2 triệu khách (tăng 14%); khách quốc nội đạt 23,6 triệu khách (giảm 11,1%).
Chỉ có 19 sự kiện tiêu biểu được tổ chức trên tuyến đường trung tâm
Đây là thông tin do Trưởng phòng Tổ chức lễ sự kiện Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Bùi Xuân Đức cung cấp tại họp báo. Nội dung này liên quan đến câu hỏi của báo chí về các sự kiện lớn hầu như tập trung tại đường Lê Lợi, dẫn đến sự quá tải về số lượng người tập trung và vấn đề giao thông.
Trưởng phòng Tổ chức lễ sự kiện Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Bùi Xuân Đức nhấn mạnh, theo nghị quyết của HĐND Thành phố gần đây nhất, chỉ có 19 sự kiện tiêu biểu của TP. HCM được tổ chức trên tuyến đường Lê Lợi. Ảnh: LINH NHI
Theo đại diện Sở VH-TT, tuyến đường Lê Lợi có ba đoạn: đoạn đầu từ Nguyễn Huệ - Pastuer; đoạn 2 từ Pastuer - Nam Kỳ Khởi và đoạn còn lại từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến chợ Bến Thành. Trong tháng 12, có 5 sự kiện tiêu biểu của thành phố tổ chức trên tuyến đường này, gồm: Giải vô địch Tellball thế giới năm 2024 và kỷ niệm 10 năm thành lập; Liên hoan quốc tế âm nhạc Hò Zoo; Chương trình kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; Liên hoan võ thuật quốc tế TP. HCM: Tự hào võ Việt hội nhập quốc tế; Liên hoan nhạc kèn múa rối TP. HCM.
“Tất cả các lễ hội trên đều đảm bảo đúng quy định pháp luật, do đã được UBND TP ban hành kế hoạch thực hiện”, ông Đức cho hay.
Ông Đức nhấn mạnh, theo nghị quyết của HĐND Thành phố gần đây nhất, chỉ có 19 sự kiện tiêu biểu của TP. HCM được tổ chức trên tuyến đường này. Những hoạt động khác Sở VH-TT đều đề xuất đưa về các khu vực phù hợp liên quan.
Ông Đức cũng thông tin thêm, TP. HCM hiện có 166 địa điểm tổ chức lễ, sự kiện, triển lãm. Trong đó, tập trung ở Quận 1 nhiều nhất: 43 điểm; TP. Thủ Đức: 22 điểm; Cần Giờ ít nhất: 1 điểm. Sở Công Thương đã có văn bản ban hành danh mục địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại. Các đơn vị có nhu cầu tổ chức có thể tìm hiểu ở đơn vị này.