Thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội TP. HCM từ ngày 22/11 đến 28/11

18:00 28/11/2024

(HMC) - Ngày 28/11, tại Trung tâm Báo chí TP. HCM, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM Nguyễn Ngọc Hồi chủ trì họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố tuần qua.

Tham dự có đại diện các đơn vị: Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Giao thông – Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố, Quỹ Phát triển Nhà ở TP. HCM; UBND quận Gò Vấp, UBND huyện Củ Chi; Trung tâm Báo chí TP. HCM và gần 50 phóng viên, biên tập viên của hơn 30 cơ quan báo, đài.   

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: LINH NHI 
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: LINH NHI 

TP. HCM: Tăng tốc hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý do Phó Trưởng Phòng Phong trào Ban Thi đua - Khen thưởng Sở Nội vụ Đỗ Hữu Bằng thông tin tại họp báo.

Đại diện Sở Nội vụ cung cấp thông tin. Ảnh: LINH NHI 
Đại diện Sở Nội vụ cung cấp thông tin. Ảnh: LINH NHI 

Theo đó, Thành phố đang tập trung hoàn thành 18 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội Thành phố năm 2024 theo Nghị quyết số 210/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2023 của HĐND Thành phố. Cùng với đó, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ 95 % theo kế hoạch đề ra.

Các đơn vị cũng tập trung thực hiện các giải pháp cải cách hành chính trên địa bàn Thành phố, quyết liệt cải thiện các chỉ số Par-Index, PCI, PAPI... Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu, trọng tâm 07 phong trào do Thủ tướng Chính phủ phát động; 11 phong trào do Chủ tịch UBND Thành phố phát động và Đề án Phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TP. HCM…

Đặc biệt, Thành phố đang đẩy mạnh phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); trong đó, có 61 chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu cấp Thành phố. Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2024 có từ 20% chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu hoàn thành đúng tiến độ, được gắn biển, công nhận cấp Thành phố.

Sở Nội vụ cũng lưu ý các cơ quan, đơn vị, địa phương gửi hồ sơ đề nghị khen thưởng, biểu dương về UBND Thành phố thông qua Sở Nội vụ (số 86B Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1) trước ngày 6/01/2025.

Tất cả GPLX còn thời hạn vẫn có giá trị sử dụng sau ngày 01/01/2025

Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM Bùi Hòa An cho biết, hàng năm, TP. HCM cần sử dụng khoảng từ 550.000 đến 600.000 phôi giấy phép lái xe (GPLX). Năm nay, ngành Giao thông vận tải TP đã đăng ký số lượng tăng 10% so với năm trước, tuy nhiên vẫn không đáp ứng được nhu cầu tăng đột biến của người dân.

Lãnh đạo Sở GTVT có mặt tại họp báo trả lời nhóm câu hỏi thuộc lĩnh vực phụ trách. Ảnh: LINH NHI 
Lãnh đạo Sở GTVT có mặt tại họp báo trả lời nhóm câu hỏi thuộc lĩnh vực phụ trách. Ảnh: LINH NHI 

Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP lý giải, sau khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua vào tháng 6 năm 2024 và chính thức có hiệu lực từ 01/01/2025, người dân có sự hiểu lầm rằng bằng lái cũ không sử dụng được.

Một số tỉnh, thành lân cận đã phải tạm dừng cấp, đổi giấy phép lái xe, thậm chí tạm dừng thi lấy GPLX do không còn phôi để cấp mới. Một lượng lớn người dân từ các tỉnh, thành khác đổ về TPHCM để cấp, đổi GPLX. Do đó, nhu cầu về phôi bằng lái xe trên địa bàn ngày càng gia tăng.

“Từ tháng 10 tới nay, Thành phố đang thiếu khoảng 250.000 phôi GPLX, dự kiến đến tháng 12, vấn đề này sẽ được giải quyết xong” - Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM khẳng định.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP nêu rõ, tất cả GPLX còn thời hạn, kể cả được cấp từ trước năm 1995 đều có giá trị sử dụng sau ngày 1/1/2025 đến thời điểm hết hạn.

Vừa qua, ngành giao thông đã phối hợp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cập nhật các loại giấy phép lái xe lên phần mềm VNeID trước khi người dân nhận bằng lái cứng, có giá trị tương đương.​

TP.HCM: Cán bộ, công chức Nhà nước được vay mua nhà lãi suất 3,2%/năm

Cán bộ, công chức, viên chức và các nhóm đối tượng ưu tiên khác được tiếp cận nhà ở với lãi suất ưu đãi, giảm từ 4,7% xuống còn 3,2%/năm. Đó là thông tin được Trưởng phòng thẩm định Quỹ Phát triển Nhà ở TP.HCM Phạm Hữu Vĩnh thông tin tại họp báo.

Đại diện Quỹ Phát triển Nhà ở TP.HCM thông tin chi tiết về việc cán bộ, công chức Nhà nước được vay mua nhà với lãi suất ưu đãi. Ảnh: LINH NHI 
Đại diện Quỹ Phát triển Nhà ở TP.HCM thông tin chi tiết về việc cán bộ, công chức Nhà nước được vay mua nhà với lãi suất ưu đãi. Ảnh: LINH NHI 

Cụ thể, theo chỉ đạo của UBND TP, chính sách này áp dụng cho nhiều nhóm đối tượng, bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức thuộc các sở, ban ngành, quận, huyện và các cơ quan hành chính sự nghiệp được hưởng lương từ ngân sách TP; lực lượng vũ trang nhân dân (Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ); cán bộ công đoàn chuyên trách, công chức, viên chức nhận lương từ nguồn tài chính công đoàn thuộc tổ chức Công đoàn TP và người lao động thuộc Cục Thuế TP.

Ngoài ra, nhóm đối tượng thuộc Tòa án nhân dân TP, Viện Kiểm sát nhân dân TP, Cục Thi hành án dân sự TP, Cục Hải quan TP, Kho bạc Nhà nước TP, Bảo hiểm xã hội TP, Cục Quản lý thị trường TP, NHNN chi nhánh TP. HCM, Cục Thống kê TP và Sở Ngoại vụ TP cũng vừa được bổ sung theo Quyết định số 4899 ngày 31/10/2024 của UBND TP. HCM. 

Về hạn mức, người vay có thể được vay tối đa 900 triệu đồng/hồ sơ (không vượt quá 70% giá trị căn nhà/căn hộ). Thời hạn vay tối đa là 20 năm. Để vay vốn, người vay và người đứng tên vay cùng vợ hoặc chồng không được đứng tên sở hữu nhà ở hoặc đất ở, đồng thời chưa từng được Nhà nước giải quyết các chế độ hỗ trợ về nhà ở hay đất ở.

Tuy nhiên, trường hợp đã mua nhà ở xã hội vẫn có thể được xem xét vay vốn theo chủ trương của UBND TP. HCM.

Hạn chế tình trạng bị lấy cắp thông tin để thành lập doanh nghiệp

Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Mai Trinh. Ảnh: LINH NHI 
Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Mai Trinh. Ảnh: LINH NHI 

Giải thích về việc trước khi được chấp thuận cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với đối với doanh nghiệp mới, tất cả thành viên góp vốn vào doanh nghiệp cần trình diện tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Mai Trinh - Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư - cho hay, đơn vị đang rà soát, làm sạch dữ liệu đăng ký doanh nghiệp trên Hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo Đề án 06, song song với xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; phối hợp các cơ quan có liên quan hậu kiểm doanh nghiệp sau thành lập.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc trình diện để đối chiếu CCCD nêu trên nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người thành lập doanh nghiệp. Qua đó, kịp thời phát hiện một số trường hợp bị lấy cắp thông tin, giả mạo chữ ký… Từ báo cáo của chính chủ, đơn vị đã có biện pháp ngăn chặn ngay các hồ sơ giả mạo này.

Nhằm tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp liên hệ sắp xếp lịch đối chiếu, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã bố trí nhiều nhân sự lẫn đường dây điện thoại. Đồng thời, kiến nghị Cục Quản ký đăng ký kinh doanh nâng cấp Cổng thông tin quốc gia, đề xuất quy trình đăng ký doanh nghiệp theo hướng bổ sung bước xác thực điện tử bằng ứng dụng VNEID đối với người thành lập doanh nghiệp khi nộp hồ sơ qua mạng.​

Khu vực trước chợ Bến Thành sẽ là nhà ga trung tâm của các tuyến metro

Liên quan đến kế hoạch cải tạo khu vực trước chợ Bến Thành (quận 1), Trưởng Phòng Quản lý Khu vực 1 Sở Quy hoạch Kiến trúc Trương Quang Thục Trinh thông tin, thời gian tới, nơi đây sẽ là nhà ga trung tâm của TP. HCM, điểm gặp nhau của tuyến metro số 1, 2, 3A và 4.

Trưởng Phòng Quản lý Khu vực 1 Sở Quy hoạch Kiến trúc Trương Quang Thục Trinh. Ảnh: LINH NHI 
Trưởng Phòng Quản lý Khu vực 1 Sở Quy hoạch Kiến trúc Trương Quang Thục Trinh. Ảnh: LINH NHI 

Phía dưới nhà ga, Thành phố sẽ xây dựng một Trung tâm thương mại dịch vụ kết nối với trục đường Lê Lợi, 3 tầng hầm còn lại là khu đón, chuyển tàu, bộ phận kỹ thuật của nhà ga.

Khu vực trước chợ Bến Thành được xác định sẽ là không gian kết nối với Công viên 23/9, nơi dự kiến quy hoạch thêm không gian ngầm 4 tầng với bãi đỗ xe và trung tâm thương mại.

“Về ý tưởng thiết kế tổng quan khu vực, TP. HCM đã tổ chức thi tuyển ý tưởng, đồng thời giao các Sở ngành liên quan thực hiện đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật”, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc chia sẻ.

Dự án “siêu công viên” Sài Gòn Safari: Bàn giao mặt bằng đạt gần 90%

Công tác bàn giao mặt bằng đạt tỷ lệ cao là thông tin đáng chú ý do đại diện huyện Củ Chi cung cấp tại họp báo. Ảnh: LINH NHI 
Công tác bàn giao mặt bằng đạt tỷ lệ cao là thông tin đáng chú ý do đại diện huyện Củ Chi cung cấp tại họp báo. Ảnh: LINH NHI 

Báo chí phản ánh, khu đất thực hiện Dự án Sài Gòn Safari với quy mô 456 ha bị bỏ hoang, thi công dang dở trong 20 năm qua, gây nên tình trạng lãng phí.

Có mặt tại họp báo để phản hồi vấn đề này, Phó Trưởng Ban Bồi thường - Giải phóng mặt bằng UBND Huyện Củ Chi Bùi Hồng Phúc cho biết, dự án được thực hiện theo quyết định của UBND thành phố về việc thu hồi tạm giao khu đất cho Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn để triển khai dự án. Trong đó, UBND huyện Củ Chi thực hiện công tác thu hồi bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

“Tính đến thời điểm hiện nay, UBND huyện Củ Chi đã thực hiện thu hồi đất, bàn giao mặt bằng đạt trên 89 %. Song song đó, thành phố cũng đã khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành có liên quan chủ trì, phối hợp với UBND huyện Củ Chi để kêu gọi các nhà đầu tư theo đúng quy định”, ông Phúc cho hay.

Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục