Thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội TP. HCM từ ngày 27/9 đến 3/10

18:43 03/10/2024

(HMC) - Ngày 3/10, tại Trung tâm Báo chí TP. HCM, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Tăng Hữu Phong và Chánh Văn phòng UBND TP. HCM Đặng Quốc Toàn chủ trì họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố tuần qua.

Tham dự có đại diện các đơn vị: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Sở Giao thông Vận tải (GTVT); Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Y tế; Sở Xây dựng; Công An Thành phố; UBND Thành phố Thủ Đức; UBND Quận Bình Thạnh; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố; Hội Nông dân TP.HCM; Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM; Trung tâm Báo chí Thành phố và hơn 50 phóng viên, biên tập viên của gần 40 cơ quan báo, đài.   

Họp báo chiều 3/10 thu hút hơn 50 phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí. Ảnh: THẾ ANH 
Họp báo chiều 3/10 thu hút hơn 50 phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí. Ảnh: THẾ ANH 

TP. HCM giữ mục tiêu giải ngân 95% trong năm 2024

Trả lời các câu hỏi về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của TP trong bối cảnh hiện nay, ông Phạm Tuấn Anh - Trưởng Phòng Tổng hợp quy hoạch - Sở Kế hoạch đầu tư, TP. HCM đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau để thúc đẩy công tác này. Cụ thể, lập kế hoạch chi tiết cho từng đơn vị, dự án, chương trình, tổ chức thường xuyên các cuộc giao ban để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của từng dự án.

Giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề được các sở, ngành đề cập sâu trong họp báo chiều 3/10. Ảnh: THẾ ANH 
Giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề được các sở, ngành đề cập sâu trong họp báo chiều 3/10. Ảnh: THẾ ANH 

Lãnh đạo UBND TP cũng thành lập các tổ chuyên trách trực tiếp để theo dõi, rà soát báo cáo gần như hàng ngày đối với từng dự án. Ngoài ra, tăng cường việc khen thưởng, phê bình, kỉ luật đối với các đơn vị giải ngân tốt hoặc chậm trễ.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Sở Kế hoạch Đầu tư cũng tham mưu UBND TP điều chỉnh linh hoạt kế hoạch đầu tư công nhằm đảm bảo đủ, điều tiết vốn hợp lý cho các dự án. Đối với dự án chưa thể giải ngân, TP sẽ điều chỉnh vốn cho các công trình có khả năng thực hiện.

“TP. HCM kiên định với mục tiêu giải ngân 95% trong năm nay”, ông cho biết.

Bên cạnh vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng, đấu thầu, sự phối hợp giữa các đơn vị, thiếu vật liệu sản xuất,… Sở Kế hoạch Đầu tư cũng nhắc đến lý do trong quá trình triển khai thực hiện, một số dự án phải dừng lại để điều chỉnh quy hoạch chung của TP. HCM. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của 4,6 nghìn tỷ, chiếm 6% tổng số vốn.

Nút giao thông An Phú là một dự án đầu tư công lớn được TP. Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ. 
Nút giao thông An Phú là một dự án đầu tư công lớn được TP. Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ. 

Để tháo gỡ vấn đề này, cũng tại họp báo, Phó Phòng Quy hoạch Khu vực 2- Sở Quy hoạch và Kiến trúc - Trương Anh Tuấn cho biết, trên cơ sở thống nhất của UBND TP, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ tiến hành lập, trình thẩm định và phê duyệt dự án theo quy định. Theo quy định, tổng các bước này mất thời gian là 6 tháng, nhưng các đơn vị sẽ cố gắng đẩy nhanh từ 3-5 tháng.

Quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không sử dụng thuốc tê dạng tiêm

Liên quan đến việc hiện nay xuất hiện rất nhiều clip quảng cáo của các cơ sở làm chân mày phong thủy trên mạng xã hội. Các cơ sở thuê nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu, Kols… để quảng cáo về các dịch vụ chân mày, môi phong thủy…, với nhiều dấu hiệu của việc tuyên truyền mê tín dị đoan, tại họp báo, một số phóng viên đặt câu hỏi việc các cơ sở này đã được Sở Y tế cấp giấy phép quảng cáo trong lĩnh vực thẩm mỹ hay chưa?

Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như cho biết Sở đang xử lý nội dung đơn thư của người dân phản ánh mà báo chí đề cập đến. Ảnh: THẾ ANH 
Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như cho biết Sở đang xử lý nội dung đơn thư của người dân phản ánh mà báo chí đề cập đến. Ảnh: THẾ ANH 

Trả lời vấn đề này, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, cơ sở thẩm mỹ chỉ là cách gọi chung, theo quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Nghị định số 109/2016/NĐ-CP và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP từ trước ngày 01/01/2024, cơ sở thẩm mỹ thuộc quản lý của Sở Y tế bao gồm cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (chỉ thực hiện phun, xăm, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm) và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho chuyên khoa thẩm mỹ.

Từ ngày 01/01/2024, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2023 về quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh chính thức có hiệu lực, thay thế Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Nghị định số 109/2016/NĐ-CP và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP thì cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (chỉ thực hiện phun, xăm, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm) chuyển về địa phương quản lý. Sở Y tế chỉ quản lý các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa thẩm mỹ.

Chánh Văn phòng Sở Y tế TP thông tin thêm, Thanh tra Sở Y tế vừa tiếp nhận đơn của người dân phản ánh cơ sở chân mày phong thủy Viên Viên tại địa chỉ 284 Đường 3/2, Phường 12, Quận 10, TP. HCM. Thanh tra Sở đang xác minh nội dung đơn thư, tổng hợp các nội dung để phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra và tham mưu xử lý vi phạm theo quy định pháp luật (nếu có).

Nội dung thông tin xử phạt vi phạm hành chính được công bố công khai trên Trang thông tin điện tử Thanh tra Sở Y tế tại địa chỉ http://thanhtra.medinet.gov.vn.

TP. HCM: Rà soát các điểm giao đường sắt thường xuyên xảy ra ùn ứ

VOV Giao thông phản ánh, đường sắt Bắc – Nam đoạn qua địa bàn TP. HCM thường xuyên xảy ra tình trạng giao thông ùn ứ, hỗn loạn ở hàng chục điểm giao cắt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra, tình hình chưa được cải thiện đáng kể.

Đại diện Sở GTVT trả lời nội dung phóng viên quan tâm. Ảnh: THẾ ANH 
Đại diện Sở GTVT trả lời nội dung phóng viên quan tâm. Ảnh: THẾ ANH 

Về vấn đề này, Phó Phòng Khai thác quản lý hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT Hoàng Phúc Dũng thông tin, đường sắt Hà Nội – TP. HCM từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn (Hòa Hưng), đoạn tuyến địa bàn Thành phố có chiều dài khoảng 14 km, đi qua thành phố Thủ Đức và các quận: 3, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận; có 24 vị trí đường bộ giao cắt đồng mức với đường sắt; không có đường ngang dân sinh giao cắt trực tiếp với đường sắt.

Đại diện Sở GTVT cho rằng, do các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt là giao cắt đồng mức, vì vậy khi tàu lưu thông qua các vị trí giao cắt này (đường ngang Tô Ngọc Vân, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Văn Trỗi, Đỗ Thị Lời...), thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm, thời điểm Lễ Tết.

Tính đến tháng 9/2024, Thành phố đang quản lý 9.425.596 phương tiện; trong đó, có 989.505 xe ô tô và 8.436.091 xe mô tô. So với cùng kỳ năm 2023, tổng số phương tiện đang quản lý tăng 4,77%.

Trong thời gian qua, Sở GTVT cũng đã phối hợp với ngành đường sắt và các đơn vị liên quan để thực hiện nhiều giải pháp. Tuy nhiên, do số lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng. Trong khi hệ thống hạ tầng giao thông vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng; chưa có loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như metro và chưa triển khai giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân, là nguyên nhân làm gia tăng áp lực cho hệ thống hạ tầng giao thông thành phố.

Thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục phối hợp ngành đường sắt để kiểm tra, rà soát thời gian đóng tàu cho phù hợp với quy định, đồng thời tiếp tục bố trí lực lượng điều tiết giao thông trong giờ cao điểm và các dịp Lễ, Tết. Sở cũng lưu ý ngành đường sắt trước khi triển khai thi công sửa chữa, duy tu tại các vị trí giao nhau với đường bộ trên địa bàn Thành phố phải gửi Thông báo cho Sở, Công an Thành phố, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện liên quan kế hoạch tổ chức, để các đơn vị chức năng phối hợp, điều tiết tốt tình hình. Thời gian thông báo trước thời điểm thi công ít nhất 10 ngày.

Tìm giải pháp duy trì hoạt động Bến phà Bình Quới

Thông tin tại họp báo, Phó phòng Quản lý đô thị, UBND Quận Bình Thạnh Nguyễn Ngọc Minh cho biết, phà Bình Quới dừng hoạt động bởi còn các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc công bố hoạt động Bến khách ngang sông Bình Quới.

Cụ thể, Công ty TNHH TMDV Vận tải Bến đò Bình Quới (chủ bến) gặp khó khăn khi chưa thực hiện được các thủ tục hồ sơ pháp lý liên quan về phạm vi vùng đất sử dụng tại vị trí 02 đầu bến hoạt động bến khách ngang sông. Đây là giấy tờ pháp lý về đất đai quan trọng trong hồ sơ công bố hoạt động, gia hạn hoạt động bến thủy nội địa, nhưng từ tháng 12/2021 đến nay chủ bến vẫn chưa hoàn tất.

Bên cạnh đó, chủ bến phải đồng thời lập thủ tục công bố hoạt động tại UBND quận Bình Thạnh và UBND TP Thủ Đức để đảm bảo việc tiếp tục hoạt động ở hai đầu bến. Việc công bố hoạt động của 2 đầu bến đón trả khách phải đồng nhất, tránh tình trạng khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý giữa 2 địa bàn, dẫn đến việc bến không hoạt động đúng quy định. Tuy nhiên, hiện nay vị trí đầu bến phường Linh Đông lại không có nhà chờ và chưa có hồ sơ pháp lý liên quan đến việc sử dụng đất hoạt động bến.

Về vị trí đất khu vực Bến khách ngang sông Bình Quới nằm trong ranh giải tỏa của dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 3 (Bình Quới - Cây Bàng - Rạch Chùa), thuộc phường 28 (quận Bình Thạnh) đã bồi thường và bàn giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.

Đại diện UBND Quận Bình Thạnh tại họp báo. Ảnh: THẾ ANH 
Đại diện UBND Quận Bình Thạnh tại họp báo. Ảnh: THẾ ANH 

Hiện tại, khu đất trên do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM quản lý, sử dụng và Công ty TNHH Thương mại Bến đò Bình Quới không còn là chủ sử dụng đất. Việc gia hạn bến đò cần thực hiện như dự án đầu tư để được giao, thuê đất theo quy định.

Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, đến nay, UBND quận Bình Thạnh chỉ nhận được phản hồi của Sở GTVT tải liên quan quy định quản lý hoạt động đường thủy nội địa, chưa nhận được hướng dẫn, phản hồi của Sở Tài nguyên và Môi trường. Quận có văn bản đề nghị chủ bến chủ động liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn thủ tục liên quan đến việc thuê đất và mặt nước theo thẩm quyền quy định. Chủ bến cần khẩn trương hoàn thiện các pháp lý nộp UBND quận Bình Thạnh để được công bố hoạt động theo quy định của pháp luật.

Qua đánh giá và nắm bắt tình hình thực tế, UBND quận Bình Thạnh nhận thấy nhu cầu sử dụng Bến khách ngang sông Bình Quới là cần thiết, nhằm rút ngắn quãng đường di chuyển của người dân trên địa bàn. Từ đó, đơn vị chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn nghiên cứu các quy định liên quan để tham mưu đề xuất trong tháng 10/2024.

Theo số liệu thống kê do Công ty TNHH TMDV Vận tải Bến Đò Bình Quới - chủ bến cung cấp cho địa phưong, ước tính một ngày có khoảng 800-1000 lượt xe máy, khoảng 1000-1500 lượt người sử dụng phà mỗi ngày, chưa tính đối tượng học sinh, sinh viên.

Vân Anh - Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục