Thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội TP. HCM từ ngày 4 đến 10/10

18:50 10/10/2024

(HMC) - Ngày 10/10, tại Trung tâm Báo chí TP. HCM, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Tăng Hữu Phong chủ trì họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố tuần qua.

Tham dự có đại diện các đơn vị: Sở Tài chính; Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội; Sở Giáo dục và Đào tạo; Công an Thành phố; Bảo hiểm xã hội Thành phố; Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng); Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Thành phố; Ban Tuyên giáo Thành ủy; Ban Tôn giáo; Trung tâm Báo chí Thành phố và gần 50 phóng viên, biên tập viên của hơn 30 cơ quan báo, đài.   

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: LINH NHI
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: LINH NHI

Nguyên nhân nhiều tuyến đường tại TP. HCM ngập nặng

Thông tin về tình hình ngập nước trên địa bàn, ông Đỗ Tấn Long - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng cho biết, cơn mưa lớn chiều 8/10 vừa qua đã khiến 10 tuyến đường không nằm trong danh sách bị ngập do mưa và triều vẫn ngập nước.

Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều tuyến đường ngập nặng. Ảnh: LINH NHI
Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều tuyến đường ngập nặng. Ảnh: LINH NHI

Trong đó có 5 tuyến ngập tức thời là đường Trường Sơn (quận Tân Bình), Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), Bình Quới (quận Bình Thạnh); 5 tuyến ngập theo tiêu chí, có thời gian rút nước hơn 30 phút, là đường D5, Ung Văn Khiêm, Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Gia Trí (Bình Thạnh).

Các tuyến đường ngập theo tiêu chí hướng dẫn tại văn bản số 338 ngày 10/3/2023 của Bộ Xây dựng.
Các tuyến đường ngập theo tiêu chí hướng dẫn tại văn bản số 338 ngày 10/3/2023 của Bộ Xây dựng.

Tại họp báo, ông Đỗ Tấn Long cũng đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều tuyến đường ngập nặng, cụ thể là do cường độ mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn, hệ thống cống cũ, được đầu tư từ lâu, không đồng bộ; lượng rác thải trôi che lấp bít miệng thu, hạn chế khả năng thu nước vào hệ thống cống nên nước chảy tràn lên mặt đường; cao trình mặt đường bị trũng thấp cục bộ so với địa hình các tuyến đường lân cận, lượng nước chảy tràn mặt đường tập trung về vị trí trũng gây ngập cục bộ; cửa xả tuyến cống đường D5 thoát ra rạch cầu Sơn bị hẹp dòng chảy, nhà dân xây dựng bên trên rạch; bồi lắng nhiều;…

Nhằm giải quyết tình trạng nêu trên, TP. HCM đã thực hiện nhiều dự án cải tạo hệ thống thoát nước. Riêng tại Gò Vấp, dự kiến năm 2025, sẽ khởi công dự án Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ, Quang Trung và Nguyễn Văn Khối.

Cây xanh bật gốc do nhiều yếu tố

Về tình trạng cây xanh bật gốc ngày càng nhiều ở TP. HCM gần đây, có mặt tại họp báo, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP. HCM Vũ Ngọc Kỷ Văn lý giải là do diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu; triều cường gây ngập úng gia tăng; tình trạng khô hạn, nắng nóng kéo dài; hay các thay đổi khác về môi trường như suy giảm mực nước ngầm, gia tăng ô nhiễm... Cùng với mật độ xây dựng đô thị, nhất là những tòa nhà cao tầng được xây dựng ngày càng nhiều, đã làm thay đổi hướng gió, gây nên hiệu ứng đường hầm.

Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM Vũ Ngọc Kỷ Văn thông tin về tình trạng cây xanh bật gốc ngày càng nhiều ở TP. HCM . Ảnh: LINH NHI
Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM Vũ Ngọc Kỷ Văn thông tin về tình trạng cây xanh bật gốc ngày càng nhiều ở TP. HCM . Ảnh: LINH NHI

Ngoài ra, các hành vi xâm hại đến hệ thống rễ cây xanh như: đào đường, thi công các công trình ngầm,... cũng đã tác động rất lớn đến khả năng sinh trưởng, phát triển và sức chống chịu của cây xanh. Đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gãy nhánh, ngã đổ cây xanh ngày càng phổ biến trong thời gian qua.

Đại diện đơn vị khuyến cáo người dân khi trời có mưa to, giông gió lớn nên hạn chế lưu thông ngoài đường khi không cần thiết để đảm bảo an toàn.

Vụ việc cây xanh ngã đỗ gây tai nạn vào chiều tối ngày 7/10 trên đường Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao, Quận 1), đơn vị xác định, đây là cây Sao đen mã số 108. Qua kiểm tra, cây xanh trên sinh trưởng và phát triển bình thường, không biểu hiện khiếm khuyết. Thời điểm xảy ra sự cố có mưa to, giông gió lớn cục bộ.

Sở GD-ĐT sẽ thanh kiểm tra các khoản thu đầu năm ở trường học

Trả lời các câu hỏi về việc thu chi đầu năm của các trường trên địa bàn thành phố, Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Bạch Lan cung cấp cụ thể các văn bản của Sở, trong đó có căn cứ quy định, hướng dẫn thực hiện.

Theo đó, tất cả các khoản thu phải được các đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh, sinh viên; tài vụ của nhà trường thu tiền, phát hành biên lai, hóa đơn thu tiền cho từng học sinh, sinh viên; không giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền. Yêu cầu tất cả khoản thu phải đảm bảo thanh toán không dùng tiền mặt.

Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Bạch Lan khẳng định tất cả các khoản thu đầu năm học phải được các đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh, sinh viên. Ảnh: LINH NHI
Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Bạch Lan khẳng định tất cả các khoản thu đầu năm học phải được các đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh, sinh viên. Ảnh: LINH NHI

Căn cứ các công văn hướng dẫn thu chi đầu năm học và hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh của các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, các Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND các quận/huyện chỉ đạo các phòng ban có liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát, thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp; kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định.

Trong trường hợp các cơ sở giáo dục vi phạm về các quy định thu chi đầu năm học, sẽ xử lý nghiêm tùy mức độ sai phạm theo phân cấp.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng thành lập đoàn thanh kiểm tra các hoạt động thu chi đầu năm học nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định, bao gồm tất cả các nội dung quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh và thu vận động tài trợ đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố.

Đảm bảo công khai, minh bạch tiền công đức

Về vấn đề quản lý tiền công đức tại các cơ sở tôn giáo, bà Lâm Mỹ Tiên - Phó Trưởng Phòng Hành chính sự nghiệp - Sở Tài chính cho hay, công tác tiếp nhận được các đơn vị thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng, nếu nhận tiền mặt phải có sổ ghi chép đầy đủ, kiểm đếm hàng tuần.

Căn cứ kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công trên địa bàn, Sở Tài chính cho biết, có tồn tại một số vấn đề chưa đảm bảo nội dung theo hướng dẫn trong Thông tư 04/2023/TT-BTC về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội của Bộ Tài chính. Sở đã tổng hợp báo cáo UBND TP và có kiến nghị với Bộ Tài chính để tháo gỡ các vướng mắc, giúp khoản tiền công đức của người dân được tiếp nhận và sử dụng công khai, minh bạch.

Phó Trưởng Phòng Hành chính sự nghiệp - Sở Tài chính thông tin về vấn đề quản lý tiền công đức tại các cơ sở tôn giáo. Ảnh: LINH NHI
Phó Trưởng Phòng Hành chính sự nghiệp - Sở Tài chính thông tin về vấn đề quản lý tiền công đức tại các cơ sở tôn giáo. Ảnh: LINH NHI

Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ thông tin thêm, các khoản thu tại các cơ sở tôn giáo trên địa bàn xuất phát từ các nguồn chủ yếu như từ hỗ trợ các cấp giáo hội (phục vụ hoạt động chung của giáo hội); từ kinh doanh, sản xuất (thực hiện theo Luật kinh doanh); từ tiền công đức của phật tử, bá tánh, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Đối với cơ sở tín ngưỡng thì nguồn thu có được từ đóng góp của cộng đồng dân cư, cá nhân, tổ chức.

Tiền công đức có 2 dạng. Một là, tiền công đức đóng góp cho công tác tổ chức lễ hội, tiền công đức tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Việc thu chi tiền công đức này được điều chỉnh bởi Thông tư 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Hai là, tiền công đức cho sinh hoạt hằng ngày của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo. Tiền công đức này không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 04/2023/TT-BTC, nên sẽ do Ban Quản lý cơ sở tín ngưỡng tự quản lý, chịu trách nhiệm và báo cáo công khai việc thu chi với cộng đồng dân cư. Các cơ sở tôn giáo cũng tự quản lý, chịu trách nhiệm và báo cáo với tổ chức giáo hội.

Cảnh báo thủ đoạn giả xe ôm công nghệ khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất

Thông tin về tình trạng giả danh xe ôm công nghệ tại sân bay Tân Sơn Nhất do báo Tuổi Trẻ phản ánh, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP. HCM cho biết, Công an quận Tân Bình xác định người đàn ông tự xưng tên “Dũng” là V.N.T (sinh năm: 1972; thường trú tỉnh Bình Phước; hiện cư ngụ tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức); người xưng tên “Cường” là N.V.Đ (sinh năm: 1988, thường trú tại tỉnh Vĩnh Long; hiện cư ngụ tại phường Tân Thới Nhất, Quận 12). Các đối tượng này đều hành nghề chạy xe ôm truyền thống tại khu vực Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp Đội Cảnh sát hình sự - Công an quận Tân Bình mời làm việc với V.N.T và N.V.Đ. Tại cơ quan Công an, T. và Đ. đều xác nhận bản thân là người bị phản ánh trong bài báo; đồng thời thừa nhận hành vi giả làm xe ôm công nghệ tại khu vực xung quanh Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sử dụng một số thủ đoạn gian dối tiền cước vận chuyển của khách hàng.

V.N.T và N.V.Đ nhiều lần bị Đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất xử phạt về các hành vi dừng, đỗ xe mô tô tại khu vực có biển cấm dừng, đỗ quá 3 phút; chèo kéo khách gây mất trật tự ở nơi công cộng.

Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP. HCM cho biết khu vực Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất còn khoảng 8 người có dấu hiệu mạo danh xe ôm công nghệ. Ảnh: LINH NHI
Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP. HCM cho biết khu vực Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất còn khoảng 8 người có dấu hiệu mạo danh xe ôm công nghệ. Ảnh: LINH NHI

Thượng tá Nguyễn Thăng Long cũng thông tin, ngoài T. và Đ., khu vực Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất còn khoảng 8 người hành nghề xe ôm tại khu vực bãi đệm dành cho phương tiện xe mô tô đón khách thuộc ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất. Tất cả đều có dấu hiệu mạo danh xe ôm công nghệ (mặc áo khoác của các hãng xe ôm công nghệ).

Đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thường xuyên phối hợp với lực lượng An ninh hàng không, Cảnh sát cơ động kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt vi phạm về các hành vi dừng đỗ xe mô tô tại khu vực có biển cấm dừng, gây mất trật tự nơi công cộng với hơn 40 lượt. Bên cạnh đó, lực lượng chức chức năng thường xuyên tổ chức chốt chặn và áp dụng các biện pháp khác như gọi hỏi, răn đe, hoặc nếu thấy các đối tượng này xuất hiện tại khu vực quản lý thì tiến hành mời về Đồn Công an làm việc.

Ngoài ra, Đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư TCP, Cảng hàng không bố trí lực lượng có mặt 24/24 tại khu vực bãi đệm để hướng dẫn hành khách và đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực đón trả khách bằng xe mô tô.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, trong thời gian tới, Công an quận sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường tổ chức thông tin tuyên truyền cho hành khách bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, phát loa, lập các bảng cảnh báo tại các khu vực bãi đệm về phương thức, thủ đoạn lừa dối của số xe ôm truyền thống giả xe ôm công nghệ. Đồng thời, đề nghị hành khách chủ động đặt xe công nghệ thông qua ứng dụng.

Sẽ tiến hành xác minh khiếu nại, tố cáo xảy ra tại công ty DSS

Phản hồi thông tin liên quan hoạt động tư vấn, môi giới đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài xảy ra tại Công ty TNHH Du học định cư DSS, Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội TP. HCM (LĐ-TB&XH TP) Lương Thị Hà cho biết, sau khi hết thời hạn giấy phép hoạt động vào tháng 9/2024, Sở LĐ-TB&XH TP không cấp phép dịch vụ việc làm; hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho Công ty này.

Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội TP. HCM Lương Thị Hà khẳng định, Sở không cấp phép dịch vụ việc làm; hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho Công ty TNHH Du học định cư DSS. Ảnh: LINH NHI
Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội TP. HCM Lương Thị Hà khẳng định, Sở không cấp phép dịch vụ việc làm; hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho Công ty TNHH Du học định cư DSS. Ảnh: LINH NHI

Qua xem xét các hồ sơ do Báo cung cấp, đối chiếu các quy định của pháp luật, Sở nhận thấy các hồ sơ chưa thể hiện được việc Công ty có dấu hiệu sai phạm liên quan đến hoạt động nêu trên.

Bên cạnh đó, căn cứ quy định của Luật Thanh tra năm 2022, Thanh tra Sở không có cơ sở tham mưu đề xuất thanh tra đột xuất đối với công ty TNHH Du học định cư DSS về chấp hành các quy định pháp luật về dịch vụ việc làm, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đơn vị sẽ có văn bản chuyển Sở Giáo dục và đào tạo TP xử lý theo đúng chức năng.

Với các đơn khiếu nại, tố cáo liên quan về tiền lương, BHXH do người khiếu nại, tố cáo cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng cứ, đơn vị đã ban hành quyết định, thông báo thụ lý và thành lập 2 tổ công tác để tiến hành xác minh.

Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH thông tin thêm, từ năm 2020 đến nay, tổng số đơn liên quan Công ty TNHH Du học định cư DSS là 12 đơn (5 đơn khiếu nại, 3 đơn tố cáo, 4 phản ánh kiến nghị), trong đó 9 đơn về nội dung tiền lương, bảo hiểm xã hội và hợp đồng lao động; 3 đơn liên quan vấn đề lừa đảo. Hầu hết đơn phát sinh vào cuối năm 2023 và trong năm 2024.

Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục