Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM, Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn – SJC, Sở Xây Dựng, Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở An toàn thực phẩm, UBND TP Thủ Đức, UBND Quận 1, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, Trung tâm Báo chí Thành phố và gần 40 phóng viên, biên tập viên của gần 30 cơ quan báo, đài.
Đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường vàng
Theo bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC, đơn vị đã nhanh chóng tung ra thị trường số lượng vàng đã đấu thầu thành công, nhằm đảm bảo nguồn cung cho người dân và tránh thua lỗ về phía doanh nghiệp. Công ty cũng cho biết sẽ tham gia các phiên đấu thầu tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước.
“SJC đã được Thủ tướng và UBND TPHCM yêu cầu tiếp tục thực hiện công tác bình ổn thị trường, quản lý kinh doanh vàng. Do đó, bằng mọi giải pháp, đơn vị sẽ đảm bảo nguồn cung cho người dân”, bà Hằng khẳng định và khuyên mọi người nên lựa chọn thời điểm mua bán hợp lý, tránh rủi ro.
Về phía cơ quan chức năng, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM cho biết, giá vàng thế giới đang tăng nhanh với tốc độ 12–15%, điều này đã ảnh hưởng đến thị trường vàng trong nước. Để quản lý và bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Trung ương đưa ra 2 giải pháp.
Đối với giải pháp trung và dài hạn, cơ quan chức năng sẽ đánh giá đầy đủ, toàn diện thị trường vàng. Từ đó điều chỉnh, khắc phục những tồn tại, vướng mắc của các cơ chế, chính sách.
Ngân hàng Trung ương sẽ thực hiện 3 nhóm giải pháp trước mắt. Đó là, tổ chức đấu thầu vàng miếng; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra; thực hiện nghiêm việc xuất hóa đơn, chứng từ, đảm bảo các giao dịch vàng thực hiện công khai, minh bạch.
TPHCM hoàn tất các công tác đô thị khi bước vào mùa mưa
Nhằm đảm bảo an toàn cho đường phố, hạn chế sự cố cây xanh trong mùa mưa, Trưởng Phòng Công viên cây xanh, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (Sở Xây dựng) Lê Văn Tấn cho hay, Trung tâm đã triển khai và đang duy trì thực hiện xuyên suốt các kế hoạch chăm sóc, cắt tỉa, xử lý nhánh khô, hạ thấp chiều cao cây.
Đến nay, đơn vị cơ bản hoàn thành kế hoạch cắt tỉa đợt 1 (mỗi năm 2 đợt) năm 2024 của hệ thống cây xanh được giao quản lý. Trong đó, chú trọng rà soát xử lý, thay thế, loại bỏ các cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn trên đường phố. Đây là giải pháp quan trọng góp phần giảm thiểu tối đa sự cố ngã đổ cây xanh trước diễn biến cực đoan của thời tiết như giông, lốc, gió giật...
Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật thành phố thay thế khoảng gần 700 cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, đối với cây xanh đường phố thuộc quản lý của các đơn vị khác như UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, Sở Xây dựng cũng đã triển khai các yêu cầu, lưu ý khuyến cáo về công tác chăm sóc, cắt tỉa cây xanh đến các đơn vị, cũng như chỉ đạo Trung tâm Hạ tầng có sự phối hợp theo thẩm quyến, chức năng để đảm bảo công tác an toàn cây xanh.
Về phía Sở TM-MT, Phó phòng quản lý chất thải rắn Đỗ Thị Diễm Thúy thông tin, để chuẩn bị cho mùa mưa, các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn TPHCM được thực hiện khơi thông theo 03 nhóm phân loại đã được phân cấp từ năm 2019.
Cụ thể, các tuyến sông, kênh, rạch có chức năng thoát nước được phân cấp Sở Xây dựng, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý, khai thác. Các tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủ được phân cấp Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý, khai thác. Và các tuyến kênh, rạch có chức năng tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phát triển rừng và sản xuất muối thì phân cấp Sở NNPT-NN, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý, khai thác.
Hiện các sở, ngành, địa phương đều thực hiện đúng theo phân cấp, với sự hướng dẫn từ Sở TM-MT. Nhờ đó, giải quyết được dứt điểm một số điểm ô nhiễm môi trường, không xảy ra tình trạng tái ô nhiễm.
Đại diện Sở MN-MT cũng cho biết, ngoài các giải pháp của các cơ quan chức năng, rất cần sự chung tay của người dân qua cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường”.
Đường Võ Văn Ngân ngập do mưa vượt thiết kế dự án thoát nước
Trước phản ánh của báo chí về đường Võ Văn Ngân ngập dù hệ thống thoát nước mới vừa đi vào hoạt động, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức Mai Hữu Quyết chia sẻ, trận mưa chiều tối 15/5 làm nhiều tuyến đường xung quanh chợ Thủ Đức ngập từ 0,3-0,45m, có thời điểm có nơi ngập 0,6m.
Ông Quyết cho hay, khu vực này là vùng trũng, thấp hơn ngã tư Thủ Đức khoảng 20m và đường Phạm Văn Đồng khoảng 2-3m. Cùng với đó, các tuyến đường nối vào chợ rất dốc nên khi mưa lớn tạo dòng chảy xiết về, gây tình trạng ngập.
Khi đo lượng mưa trong chiều qua, cơ quan chức năng nhận thấy lượng mưa vượt công suất thiết kế của hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân. Nước chảy xiết, nắp cống bong ra nhưng không làm ảnh hưởng quá trình lưu thông. Bên cạnh đó, theo người dân sinh sống tại khu vực thì thời gian thoát nước trong trận mưa chiều qua nhanh hơn trước (hiện tại thời gian rút nước tầm 10-15 phút, trước đây 30 phút, thậm chí qua đêm).
Trước đó, TP Thủ Đức đề ra 5 công trình giải quyết ngập gồm hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Hồ Văn Tư và Kha Vạn Cân. Ngoài đường Võ Văn Ngân thì 4 tuyến đường còn lại ngập sâu do chưa có hệ thống thoát nước.
Quận 1 cho thuê vỉa hè: Dự kiến thu trên 431 triệu đồng
Trưởng phòng Quản lý đô thị Quận 1 Nguyễn Thành Phát cho biết, sau 1 tuần triển khai thí điểm ở 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa trên địa bàn, đã có 92 trường hợp đăng ký thuê vỉa hè. Trong đó, có 43 trường hợp đăng ký thuê 3 tháng, 16 trường hợp đăng ký thuê 6 tháng, 33 trường hợp đăng ký thuê trong 12 tháng. Tổng số phí dự kiến là 431.170.500 đồng; tổng diện tích vỉa hè đăng ký dự kiến là 747m2.
Hiện đã có 30 trường hợp thuê vỉa hè đã được UBND phường thông qua; có 17 trường hợp đã đóng phí với số tiền trên 84 triệu đồng. Ngoài ra, Quận 1 cũng triển khai, ứng dụng phần mềm trong việc đăng ký và quản lý sử dụng tạm thời một phần hè phố, các số liệu đã đánh giá được nhu cầu sử dụng của người dân.
Qua phân tích, đại diện UBND quận 1 nhận định, người dân ủng hộ việc đóng phí, mức phí theo quy định cũng như đồng thuận việc đăng ký sử dụng tạm một phần hè phố. Khi có quy định cho đóng phí sử dụng, người dân được chủ động hơn trong việc bố trí bàn ghế, mô hình, phương án kinh doanh trên hè phố để phục vụ kinh doanh, đặc biệt là nhu cầu sử dụng dịch vụ tại hè phố của khách du lịch trong và ngoài nước rất cao và thiết thực.
"Trên cơ sở triển khai, quận 1 sẽ đánh giá kết quả thí điểm để hoàn thiện ứng dụng, nhân rộng mô hình đối với các tuyến đường đủ điều kiện và hoàn thiện các chức năng của phần mềm trong quá trình thí điểm" - ông Phát chia sẻ.
TPHCM đầu tư 650 tỷ đồng lắp đặt điện mặt trời trên các trụ sở công
Thông tin liên quan đến giai đoạn 1 đề án lắp đặt điện mặt trời áp mái trên trụ sở công, Phó Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Nguyễn Minh Hùng cho hay, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Công Thương đã tiến hành rà soát, tiếp thu ý kiến của Thường trực Thành ủy và hoàn thiện dự thảo đề án trình UBND Thành phố với quy mô như sau.
Với tổng số các cơ quan, đơn vị là 440 trụ sở, tổng mức công suất lắp đặt khoảng 43,312 MWp, chi phí đầu tư khoảng 650 tỷ đồng (số lượng trụ sở, công suất lắp đặt và tổng mức đầu tư sẽ được chuẩn xác trong quá trình lập dự án đầu tư), bao gồm: 65 trụ sở các đơn vị quân đội với tổng công suất 5,4MWp; 72 trụ sở các đơn vị công an với tổng công suất 6,529MWp; 57 trụ sở bệnh viện trọng điểm với tổng công suất 9,588MWp và 246 trụ sở các Sở, ban, ngành, UBND các quận huyện và các đơn vị khác với công suất 21,795 MWp.
Thời gian thu hồi vốn hệ thống điện mặt trời mái nhà khoảng 5-7 năm, thông qua việc giảm chi phí chi thường xuyên để thanh toán tiền điện của các cơ quan, đơn vị. Đối chiếu với tuổi thọ hệ thống pin khoảng trên 20 năm thì việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi