Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Sở Xây Dựng, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT), Sở An toàn thực phẩm (ATTP), Hội Nông dân Thành phố, UBND TP Thủ Đức, UBND Gò Vấp, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Trung tâm Báo chí Thành phố… và hơn 40 phóng viên, biên tập viên của hơn 30 cơ quan báo, đài.
TPHCM lần đầu tiên có Hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu
Thông tin tại họp báo, Phó chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho biết, Hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP lần 1 năm 2024 (gọi tắt là Hội chợ) sẽ khai mạc lúc 8g30 ngày 16/5 tại Nhà thiếu nhi thành phố Thủ Đức (số 281 đường Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu).
Hội chợ diễn ra trong 05 ngày, từ 16-20/5 với quy mô gần 200 gian hàng, chia làm 03 khu vực: Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP của TPHCM và các tỉnh, thành phố; Không gian triển lãm sản phẩm OCOP; hàng tiêu dùng, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ.
Theo bà Hạnh, chương trình nhằm hỗ trợ nông dân có thêm điều kiện tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại. Đồng thời, kết nối cung cầu, hợp tác liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, là cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, tiếp cận thông tin, công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hội chợ thu hút sự tham gia của Hội viên nông dân là những người trực tiếp sản xuất, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tiêu biểu của Thành phố; hợp tác xã nông nghiệp, chi hội ngành nghề sản phẩm tiểu thủ nông nghiệp, tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất sản phẩm làng nghề truyền thống; các doanh nghiệp nông nghiệp, các tổ chức Hội ngành nghề, các đơn vị sản xuất sản phẩm phục vụ nông nghiệp của TPHCM và các Tỉnh miền Bắc, Trung, miền Tây, miền Đông Nam Bộ.
Đến nay, đã có 180 gian hàng của 95 đơn vị, cá nhân đăng ký tham gia, đạt 100% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, TPHCM có 127 gian hàng của 75 đơn vị, cá nhân tham gia, chiếm 70,5% cùng 53 gian hàng của 17 tỉnh, thành khác.
TPHCM còn 18 tuyến đường ngập do mưa và triều cường
Thông tin về công tác xóa, giảm ngập trên địa bàn, ông Lý Thanh Long - Chánh văn phòng Sở Xây dựng cho hay, tính đến hết năm 2023, TPHCM còn 13 tuyến đường trục chính ngập do mưa và 5 tuyến đường trục chính ngập do triều cường.
Các tuyến trục chính ngập do mưa gồm: Phan Anh, Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm), Hồ Học Lãm, Quốc Lộ 1A, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Bạch Đằng, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng.
Các tuyến trục chính ngập do triều gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (Quận 7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè) và Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh).
Hiện TPHCM đang triển khai 3 dự án xóa, giảm ngập là dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ; Cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ Cầu); Cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ (từ Phạm Văn Chiêu- đến Cầu Cụt).
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, sau khi các dự án nêu trên hoàn thành sẽ giải quyết được 4/13 tuyến đường trục chính ngập trên địa bàn.
Tăng cường quản lý an toàn lao động
Trước tình hình tai nạn lao động nghiêm trọng tại một số địa phương, Phó Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động Sở LĐ,TB&XH Đoàn Văn Khoa cho hay, Sở đã tham mưu UBND Thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường quản lý, tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Ngày 8/5, UBND TPHCM đã tổ chức lễ phát động Tháng hành động An toàn lao động. Trong đó có nhiều hoạt động gắn với chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.
Về lâu dài, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động đến người sử dụng lao động, người lao động. Trong đó chú trọng các nội dung: Kiểm định, khai báo thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; huấn luyện an toàn lao động; khám sức khoẻ định kỳ; phân loại lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại; quan trắc môi trường lao động; trang bị phương tiên bảo vệ cá nhân; đánh giá rủi ro về nguy cơ mất an toàn lao động, bồi dưỡng cho người lao động khi thực hiện công việc có tính chất nặng nhọc độc hại...
Thành phố cũng sẽ kiểm soát và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, chú trọng huấn luyện thực hành, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Sở An toàn thực phẩm thông tin vụ việc ngộ độc tại Ký túc xá ĐHQG TPHCM
Trả lời câu hỏi phóng viên về vụ ngộ độc tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM khiến 19 sinh viên nhập viện, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông Sở ATTP Bùi Thị Hồng Vân cho biết, trách nhiệm quản lý vụ việc này thuộc về TP Thủ Đức.
Vụ việc xảy ra vào lúc 2 giờ sáng 9/5. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin báo cáo, Sở ATTP đã có công văn khẩn gửi UBND TP Thủ Đức đề nghị địa phương nhanh chóng tiến hành xác minh nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm.
Trong trường hợp cần thiết, Sở đề nghị UBND TP Thủ Đức phối hợp với Đội Quản lý an toàn thực phẩm số 2 – đơn vị quản lý địa bàn trực thuộc Thanh tra Sở, để phối hợp cùng xử lý vụ việc.
Trả lời về có việc có hay không đùn đẩy trách nhiệm quản lý vấn đề ATTP, bà Vân cho hay, việc phân cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương đã được quy định rõ nên không có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Bên cạnh đó, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức hội, đoàn thể cũng chủ động tham gia công tác tuyên truyền, giám sát về các vấn đề này. Chế tài quản lý ATTP cũng đã tiến bộ hơn trước rất nhiều. Trong đó, đã bỏ hình thức cảnh cáo, mà phạt tiền là chủ yếu và thậm chí truy tố trách nhiệm hình sự nếu vụ việc xảy ra nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe con người.
Đối với thức ăn đường phố, nghị định mới cũng quy định rõ phạt 500.000 đồng – 1 triệu đồng đối với các hành vi: không có bàn tủ, kệ, thiết bị bày bán theo quy định; thức ăn không được che đậy, có môi trường dễ bị xâm nhập; không sử dụng găng tay khi chế biến thực phẩm ăn ngay… Phạt 1-3 triệu đồng với các hành vi cụ thể cao hơn.
Sẽ mời chuyên gia thẩm định trang phục của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng
Phản hồi thông tin liên quan đến sự việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sử dụng trang phục biểu diễn có gắn các phụ kiện nhạy cảm trong đêm nhạc “Dam Vinh Hung Live Concert 2024 với chủ đề Ngày em thắp sao trời" diễn ra tối 4/5, Chánh Văn phòng Sở VH&TT Lâm Ngô Hoàng Anh cho biết, Sở đã tiến hành mời các tổ chức, cá nhân, đơn vị để làm việc về nội dung phản ánh, thu thập hiện vật liên quan.
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty TNHH Tiếng Hát Việt - đơn vị tổ chức chương trình đã có báo cáo cụ thể về quá trình chuẩn bị cũng như công tác tổ chức.
“Theo nội dung tường trình của nhà thiết kế và ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bộ trang phục và các phụ kiện chỉ mang tính chất trang trí, tạo hiệu ứng về mỹ thuật, không nhằm mục đích gì khác” - ông Hoàng Anh thông tin.
Đại diện Công TNHH Tiếng Hát Việt, ông Huỳnh Minh Hưng và nhà thiết kế đã tiếp thu ý kiến phản ánh của báo chí, ý kiến của đại diện các cơ quan có liên quan trong cuộc họp và sẽ rút kinh nghiệm trong các show diễn tiếp theo.
Ông Hoàng Anh thông tin thêm, Sở VH&TT đã có biên bản ghi nhận và nhắc nhở, đề nghị các đơn vị tổ chức sự kiện, các cá nhân tham gia biểu diễn nghệ thuật cần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm, nhận thức, chú ý đến vấn đề trang phục, hình thức trình bày tránh gây phản cảm và có tác động tiêu cực đến dư luận xã hội.
Để có căn cứ cho việc đề ra giải pháp xử lý phù hợp, Sở sẽ mời một số chuyên gia về các lĩnh vực có liên quan để cho ý kiến thẩm định đối với trang phục và phụ kiện mà ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sử dụng. Sau khi có kết luận, sẽ tiến hành các bước tiếp theo.
Ô nhiễm nước sinh hoạt tại chung cư An Hội 3: UBND quận Gò Vấp tiếp tục làm việc với chủ đầu tư
Liên quan đến phản ánh hàng trăm hộ dân sống ở chung cư An Hội 3, phường 14, quận Gò Vấp đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nhiều năm qua, ông Nguyễn Hữu Huy - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị - UBND Quận Gò Vấp thông tin, từ năm 2023, Sở Xây dựng, UBND quận Gò Vấp đã làm việc, có văn bản kiến nghị Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (chủ đầu tư) khắc phục vấn đề này.
“Theo thông tin mới nhất chúng tôi nắm được, hệ thống xử lý nước thải của chung cư đã được khắc phục xong. Văn bản mới nhất (ngày 1/4/2024) của Ban quản trị chung cư không thấy kiến nghị đến nội dung nguồn nước bị ô nhiễm. Trước phản ánh của phóng viên, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Ban quản trị chung cư, người dân và chủ đầu tư nhằm khắc phục vấn đề người dân đang gặp phải”, ông Huy cho biết.
Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi