Thông tin họp báo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và công tác phòng chống dịch COVID-19 của TPHCM năm 2022

19:59 02/06/2022

(HMC) - Chiều 2/6, UBND TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, nhiệm vụ giải pháp tháng 6 và công tác phòng chống dịch COVID-19 của Thành phố năm 2022. Chánh văn phòng UBND TPHCM Đặng Quốc Toàn; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Toàn cảnh họp báo
Toàn cảnh họp báo

Tham dự họp báo có Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hùng Tấn; Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh – Xã hội Nguyễn Văn Lâm; Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng; Phó Giám đốc Sở Tài Chính Trần Mai Phương; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Kim Ngọc…; lãnh đạo các Sở, ngành liên quan cùng phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Đảm bảo đầy đủ nguồn lực ứng phó với dịch sốt, xuất huyết

Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP cho biết, từ nhiều năm nay hệ thống điều trị của TP đã có kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết
Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP cho biết, từ nhiều năm nay hệ thống điều trị của TP đã có kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết

Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP cho biết, từ nhiều năm nay hệ thống điều trị của TP đã có kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết, đồng thời còn đóng vai trò hỗ trợ tuyến cho các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây nguyên - miền Đông và Tây Nam bộ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia tại các bệnh viện (BV) tuyến cuối của TP như BV Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Nhi đồng TP là những người đã tham gia xây dựng hướng dẫn quốc gia về sốt xuất huyết. Tại hướng dẫn này, việc phân tuyến điều trị bệnh nhân đã được quy định rất chi tiết, trong đó có chỉ định điều trị ngoại trú, chỉ định nhập viện điều trị.

Để chuẩn bị cho công tác điều trị sốt xuất huyết năm nay, Sở Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn lại cho các trạm y tế, trung tâm y tế, phòng khám, các bệnh viện quận huyện cũng như bệnh viện đa khoa. Sở cũng có các công văn chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền nhằm bảo đảm công tác điều trị bệnh.

Nên thực hiện mua sắm thuốc tập trung tại các trạm y tế

Liên quan đến vấn đề thuốc tại trạm y tế, theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, hiện tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, các trạm y tế đã trở lại nhiệm vụ khám bệnh ban đầu cho người bệnh bảo hiểm y tế. Trong giai đoạn chuyển tiếp, việc cung ứng thuốc tại trạm sẽ có hiện tượng thiếu một số thuốc nhất định.

Lý do, trạm y tế được cung ứng danh mục thuốc hạng 4 theo Thông tư 30 của Bộ y tế nên sẽ thiếu một số thuốc điều trị một số bệnh mạn tính. Trong khi đó, các trạm chưa thực hiện việc phê duyệt danh mục kỹ thuật và danh mục thuốc vượt hạng theo quy định.

Hiện nay, số người đến khám tại các trạm y tế chưa nhiều nên việc mua sắm thuốc tại các trạm y tế cũng đang gặp khó khăn do không có nhà thầu tham gia cung ứng thuốc.

Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc tại trạm y tế, ngày 31/5/2022, Sở Y tế đã tổ chức họp với các trung tâm y tế và trạm y tế. Cuộc họp nhằm thông tin về việc thực hiện lập danh thuốc vượt tuyến tại các trạm y tế, quy trình mua sắm thuốc,...

Tuy nhiên, theo đại diện Sở Y tế, về lâu dài, việc mua sắm thuốc tại các trạm y tế nên thực hiện theo hướng mua sắm tập trung nhằm đảm bảo lựa chọn nhà thầu tham gia cung ứng.

Xử lý các thông tin trái chiều về vụ bạo lực học đường tại trường quốc tế

Thông tin về kết quả xử lý vụ việc bạo lực học đường xảy ra tại Trường Quốc tế TPHCM American Academy (ISHCMC – AA) tại phường An Phú, TP Thủ Đức, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP (GD-ĐT), cho biết, ngày 30/5, Sở đã mời lãnh đạo Nhà trường, Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức đến làm việc. 

Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP cho biết, ngày 30/5, Sở đã mời lãnh đạo Nhà trường, Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức đến làm việc
Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP cho biết, ngày 30/5, Sở đã mời lãnh đạo Nhà trường, Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức đến làm việc

Tại đây, nhà trường nhìn nhận trách nhiệm chưa theo dõi sâu sát về tâm lý lứa tuổi của học sinh. Trường cũng rút kinh nghiệm nên xử lý tình huống nhanh chóng để tránh gây hiểu lầm cho phụ huynh, tạo thông tin trái chiều trên mạng xã hội. 

Về vấn đề này, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở GD-ĐT tiếp tục hướng dẫn nhà trường khẩn trương giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho học sinh, ổn định tâm lý phụ huynh và học sinh, tránh ảnh hưởng đến việc dạy và học tại trường. 

Công an TP cũng cần có biện pháp nắm bắt và xử lý thông tin chưa chính thống, thông tin trái chiều về vụ việc trên mạng xã hội khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng; kịp thời hỗ trợ nhà trường, cá nhân, tập thể sư phạm khi bị đe dọa, khủng bố tinh thần trong thời gian chờ thông tin chính thức từ cơ quan chuyên môn.

Sở Giao thông Vận tải thông tin về việc đóng đường dưới cầu Rạch Chiếc

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Phan Công Bằng thông tin về việc đóng đường dưới cầu Rạch Chiếc
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Phan Công Bằng thông tin về việc đóng đường dưới cầu Rạch Chiếc

Thông tin tại họp báo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Phan Công Bằng cho biết, theo Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP, đoạn đường tạm dưới dạ cầu Rạch Chiếc đi ra hai bên hông cầu Rạch Chiếc là đường công vụ, phục vụ cho thi công cầu Rạch Chiếc trước đây, không có trong quy hoạch giao thông. Sau khi thi công xong, khuôn viên đất của 2 đường tạm sẽ được trồng mảng xanh thuộc hành lang bảo vệ cầu và công viên (như các cầu khác trong thành phố).

Thời gian qua do chưa xây dựng mảng xanh, nên một số hộ dân trong khu vực đã sử dụng đường tạm để đi xe gắn máy (đi tắt) rẽ phải, lên cầu Rạch Chiếc vào trung tâm thành phố. Các phương tiện này đã gây xung đột giao thông với các phương tiện đi thẳng trên trục đường chính xa lộ Hà Nội đang tăng tốc để lên cầu. Thực tế cũng đã xảy ra một số tai nạn giao thông tại chân cầu Rạch Chiếc.

Tại buổi kiểm tra hiện trường về tình hình an toàn giao thông khu vực Rạch Chiếc, các đơn vị chức năng đã thống nhất: Sau khi tuyến đường song hành trái chính thức được nghiệm thu, thông qua phương án phân luồng giao thông, Công ty BOT xa lộ Hà Nội (doanh nghiệp dự án BOT trực thuộc Công ty CII) phải khẩn trương hoàn thành lề đường, bó vỉa và vỉa hè khu vực dạ cầu Rạch Chiếc, trả lại mặt bằng....

Do vậy, ngày 29/5, công ty đã tiến hành thi công hoàn thiện bó vỉa, lề đường của khu vực dạ cầu Rạch Chiếc. Việc thi công lề đường đã làm “mất" lối đi tắt mà các hộ dân đã đi trước đây, gây hiểu lầm là “CII đóng đường”.

Mặc dù đã có các pano thông báo trước đó 1 tuần nhưng khi công ty tiến hành thi công bỏ vỉa, sáng 30/5, một số chủ phương tiện theo thói quen, vẫn lưu thông theo hướng vào đường tạm, gặp bó vỉa, không có lối đi tiếp, buộc phải quay đầu, gây ùn tắc cục bộ tại khu vực này.

Để trả lời cho câu hỏi: “Đơn vị BOT có cố tình ngăn đường, tận thu không", đại diện công ty khẳng định, CII không cố tình ngăn đường để tận thu. Công ty chỉ hoàn thành thi công theo đúng thiết kế được duyệt, góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho tất cả phương tiện.

Ông Phan Công Bằng cũng khẳng định, đường chui và đường song hành do công ty BOT tổ chức thi công đúng với thiết kế được duyệt. Sau khi thi công xong, Sở Giao thông vận tải sẽ tổ chức lại phương án giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân. Khi tổ chức giao thông lại, một số trường hợp đi đường tạm không đi qua trạm thu phí thì sẽ phải đi qua trạm.

Ngoài ra, Sở đã tính toán và đề xuất một số đối tượng miễn giảm phí đi qua trạm.

4 nguyên nhân khiến các dự án “treo” nhiều năm

Trả lời báo chí, Trưởng phòng quản lý đất (Sở Tài nguyên – Môi trường) Võ Công Lực cho hay, đến năm 2021, TPHCM có trên 2.900 dự án đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất. Trong đó, số dự án đang thực hiện là 1.502; số dự án đã thực hiện là 872; dự án chưa thực hiện là 616.

Trưởng phòng quản lý đất (Sở Tài nguyên – Môi trường) Võ Công Lực phát biểu tại họp báo
Trưởng phòng quản lý đất (Sở Tài nguyên – Môi trường) Võ Công Lực phát biểu tại họp báo

Về nguyên nhân các dự án “treo” nhiều năm, ông Võ Công Lực nêu ra 4 nhóm nguyên nhân chính: công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt liên quan đến các dự án giao thông lớn; một số dự án liên quan đến nhiều quận huyện, đòi hỏi sự phối hợp giữa các địa phương; số khác liên quan đến kế hoạch sử dụng nhà đất, phải xin ý kiến nhiều khâu; một số dự án lớn có quy trình thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất kéo dài.

Trong thời gian tới, TP sẽ rà soát lại các dự án đăng ký đất 3 năm mà chưa thực hiện để báo cáo lại. Trên cơ sở đó, lãnh đạo đơn vị các ngành, các quận, huyện, hằng năm xây dựng kế hoạch sử dụng đất cần xác định nguồn vốn trong xây dựng quỹ đất. Đây là giải pháp quan trọng, là tiền đề để giải quyết các khó khăn tiếp theo.

Sở cũng đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp, tính toán để đẩy nhanh tiến độ  các dự án đang thực hiện. Với các khu đất “treo” lâu, sẽ thống kê thu hồi, bán đấu giá theo quy định pháp luật.

Sở cũng yêu cầu các đơn vị khi lên kế hoạch sử dụng đất, cần bảo đảm nhà tái định cư trước khi thu hồi đất, hạn chế tình trạng chậm trễ khi giải phóng mặt bằng.

Tăng cường xử lý hành vi đánh cắp thông tin cá nhân của người dân nhằm trục lợi

Qua phản ánh của người dân về việc thông tin cá nhân bị đánh cắp nhằm trục lợi dưới nhiều hình thức, Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP nhận định có 3 nguyên nhân, cụ thể:

Công tác đảm bảo an toàn thông tin của một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức do đó đối tượng có thể đăng nhập, phát tán và đánh cắp thông tin với số lượng lớn.

Tình trạng rao bán thông tin cá nhân trên mạng nhằm mục đích trục lợi.

Một bộ phận người dân còn thiếu cảnh giác trong bảo vệ thông tin cá nhân, không nắm chắc các quy định của ngân hàng về bảo mật thông tin, từ đó các đối tượng có thể lợi dụng làm giả giấy tờ, tài liệu và thực hiện hành vi lừa đảo.

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP phát biểu tại họp báo
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP phát biểu tại họp báo

Trước thực tế đó, Ban Giám đốc Công an TP đã có chỉ đạo Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (PA05) tăng cường nắm tình hình, các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh, xử lý.

Đồng thời, yêu cầu công an các quận, huyện, TP Thủ Đức và các phòng nghiệp vụ tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ thông tin cá nhân và các thủ đoạn của các loại tội phạm.

Cùng với đó, chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến tội phạm thương mại và các hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu, chiếm đoạt tài sản.

Cũng theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Công an TP đã báo cáo Bộ Công An, kiến nghị các Bộ, ngành chức năng chấn chỉnh các quy định, khắc phục lỗ hổng trong quản lý nhà nước về mở tài khoản ngân hàng và quản lý sim điện thoại.

Đại diện Công an TP đề nghị, người dân khi phát hiện các các hành vi nêu trên cần trực tiếp hoặc gián tiếp báo cáo cơ quan công an để tiếp nhận và xử lý vụ việc.

Nhiều phương án giảm thiểu cây ngã, đổ mùa mưa, bão

Trưởng phòng Hạ tầng kĩ thuật (Sở Xây dựng) Lê Quang Đạo cho hay, trong bối cảnh TP bước vào mùa mưa, ngành Xây dựng đã có kế hoạch giảm thiểu rủi ro cây ngã, đổ, làm ảnh hưởng đến đời sống, tài sản, sức khỏe của người dân.

Trưởng phòng Hạ tầng kĩ thuật Lê Quang Đạo cho hay, trong bối cảnh TP bước vào mùa mưa, ngành Xây dựng đã có kế hoạch giảm thiểu rủi ro cây ngã, đổ
Trưởng phòng Hạ tầng kĩ thuật Lê Quang Đạo cho hay, trong bối cảnh TP bước vào mùa mưa, ngành Xây dựng đã có kế hoạch giảm thiểu rủi ro cây ngã, đổ

Cụ thể, Sở Xây dựng chỉ đạo Trung tâm Quản lý Hạ tầng kĩ thuật tổ chức đốn, hạ, trồng thay thế những cây sâu, bệnh, già cỗi; cắt tỉa các cây có nguy cơ. Công tác trên tập trung vào một số khu vực, tuyến đường từng có nhiều cây ngã, đổ; đường đang có công trình thi công; đường có mật độ giao thông cao và đường có cây cổ thụ kích thước lớn.

Theo thống kê, trong năm 2022, TPHCM đã cắt tỉa 152.000 cây xanh, xử lý gần 1.000 cây hư hại, hạ thấp chiều cao của nhiều loại cây tại 95 tuyến đường.

Trước tình trạng gần đây, tại TPHCM có nhiều cây ngã, đổ, Sở Xây dựng đã đề ra giải pháp ứng phó khi xảy ra sự cố. Cụ thể, tổ chức xử lý ngay những cây gặp sự cố, phối hợp đơn vị điện lực để đảm bảo thông suốt tiện ích cho người dân.

Về phương án lâu dài, TP sẽ phối hợp với các tổ chức, đơn vị để nghiên cứu những chủng, loại cây phù hợp yếu tố thiên nhiên, khí hậu của địa phương; giảm thiểu các cây không phù hợp trồng trong đô thị; chẩn đoán các cây bị khiếm khuyết bên trong. Từ đó giảm thiểu nguy cơ cây xanh ngã, đổ vào mùa mưa, bão.

Huỳnh Nhung - Hương Thảo - Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục