Tham dự có Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Lê Văn Minh; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Hồng Sơn; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phan Công Bằng; Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Nguyễn Thị Huỳnh Mai; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm; đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP; Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; Đại diện Công an TP; Đại diện Lãnh đạo Bộ Tư lệnh TP cùng lãnh đạo, phóng viên đến từ 29 cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.
176.953 bệnh nhân đã xuất viện
Thông tin tại Họp báo, Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ 00 ngày 21/9/2021, có 348.758 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, bao gồm 348.279 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 479 trường hợp nhập cảnh.
Hiện ngành y tế TP đang điều trị 40.970 bệnh nhân, trong đó: có 3.731 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.174 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 21/9: có 3.435 bệnh nhân nhập viện, có 2.726 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 176.953), 181 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 13.807).
Đánh giá về khả năng đáp ứng của ngành Y tế TP hiện nay, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện nay, TP có 3.286 giường hồi sức (tầng 3) có gắn thiết bị hiện đại phục vụ cho việc cấp cứu cho bệnh nhân. Song với đó, các bệnh viện, cơ sở điều trị ở các tầng đang thực hiện tốt việc và nhịp nhàng việc điều chuyển bệnh nhân giữa các tầng (sau khi bệnh nhân khỏi bênh, xuất viện hoặc diễn biến tích cực hơn sẽ được chuyển sang tầng 2 hoặc 1), cứu sống kịp thời nhiều bệnh nhân có diễn biến nặng. Theo đó, ngành Y tế TP “đủ sức” cấp cứu và cứu chữa kịp thời cho những bệnh nhân nặng.
Về việc chuyển đổi công năng của Bệnh viện điều trị COVID-19 tại Cần Giờ, Chánh Văn phòng Sở Y tế cho biết, Bệnh viện này thuộc “vùng xanh” và số ca F0 đang giảm dần, cùng với đó, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế là đảm bảo sức khỏe của người dân, không chỉ riêng bệnh nhân COVID-19. Do vậy, Sở Y tế đang có lộ trình để điều trị và cho xuất viện bệnh nhân đủ điều kiện. Khi quyết định chuyển đổi, Sở sẽ có phương án chắc chắn và đảm bảo sức khỏe của người bệnh đang điều trị tại bệnh viện này.
Thông tin về việc tiêm vắc xin cho thai phụ, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP cũng cho hay, phụ nữ mang thai là nhóm cần được quan sát và thận trọng trong việc chích ngừa. Đến nay, Bộ Y tế có văn bản mới hướng dẫn chích ngừa, trong đó hướng dẫn tiêm ngừa cho phụ nữ có thai từ 13 tuần trở lên. Theo đó, Sở Y tế đã phân bổ hơn 100.000 liều theo nhu cầu của các bệnh viện có khoa Sản để phục vụ tiêm cho nhóm đối tượng này.
Tính đến ngày 21/9/2021, tổng số mũi vắc xin đã triển khai là 8.927.763 (tăng 51.300 mũi vắc xin so với ngày 20/09/2021) trong đó tổng số mũi 1 là 6.781.748, mũi 2 là 2.146.015, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.041.621
TPHCM triển khai Tổng đài tiếp nhận tin nhắn đăng ký tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19
Người dân từ 18 tuổi trở lên, chưa tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 và đang ở tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể đăng ký tiêm vắc xin phòng COVID-19 bằng cách nhắn tin SMS đến Tổng đài số 8066 với cú pháp: MUI1 HoTen NamSinh QuanHuyen
Trong đó:
- HoTen là Họ tên của người đăng ký tiêm
- NamSinh là Năm sinh của người đăng ký tiêm
- QuanHuyen là quận/huyện người đăng ký tiêm đang sinh sống
Ví dụ: MUI1 NguyenVanA 1960 BinhChanh
Tổng đài sẽ chuyển danh sách đăng ký tiêm vắcxin phòng COVID-19 đến UBND TP Thủ Đức và UBND các quận, huyện với tần suất 01 giờ/lần để tổng hợp và tổ chức tiêm chủng cho người dân.
63.000 bộ kit xét nghiệm sẽ được phân bổ tới doanh nghiệp giao hàng công nghệ
Tổng nhu cầu đăng ký trong ngày là 49.381 hộ, giảm 2,35% (tương đương giảm 1.186 hộ) so với ngày hôm trước. Qua đó, đã có 50.177 hộ được cung ứng hàng hóa, tỷ lệ đạt 101,6% số hộ đăng ký.
Số lượng hộ đăng ký “Đi chợ hộ” đang có xu hướng giảm cho thấy Thành phố đang dần mở cửa hoạt động trở lại hệ thống cung ứng hàng hóa thiết yếu, với việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (theo Quyết định số 3328/QĐ-BCĐ ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố), qua đó tạo điều kiện cho người dân, tùy theo tình hình dịch bệnh trên từng địa bàn cụ thể, có nhiều lựa chọn để mua hàng hóa thiết yếu.
Liên quan đến công tác tập huấn cho shipper thực hiện test nhanh kháng nguyên, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Nguyên Phương thông tin, ngày 21/9 Sở đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức hướng dẫn, tập huấn xét nghiệm cho 34 doanh nghiệp giao hàng có ứng dụng công nghệ thông tin do các bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP trực tiếp hướng dẫn. Đồng thời phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông TP và FPT tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp này cách thức nhập dữ liệu xét nghiệm lên ứng dụng Y tế HCM.
Phó giám đốc Sở Công thương TP cũng cho biết, Sở này đã nhận 63.000 kit test nhanh kháng nguyên từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Trong 02 ngày (23/9 và ngày 26/9), số kit này sẽ được phân bổ tới các doanh nghiệp để tổ chức xét nghiệm cho shipper. Để doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm là cách làm nhanh chóng, thuận lợi và đảm bảo an toàn cho shipper cũng như chủ động cho doanh nghiệp, ông Phương đánh giá.
Hầu hết lao động gặp khó khăn đã được chi hỗ trợ
Trung tâm an sinh TP đã tiếp nhận mặt hàng mì gói do Hội LHPN Thành phố hỗ trợ trị giá 731.050.000 đồng.
Từ ngày 15/8/2021 đến 22/09/2021: Tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, thành phố Thủ Đức là 1.930.160 túi (tăng 7.000 túi so với ngày 21/9/2021).
Trong ngày, Sở Lao động Thương Binh và Xã hội đã tiếp nhận 02 đối tượng cơ nhỡ, lang thang xin ăn sinh sống nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội (lũy kế từ 23/8/2021 đến 22/9/2021 là 1.081 đối tượng); 08 đối tượng vào Cơ sở cai nghiện ma túy (lũy kế từ ngày 23/8/2021 đến 22/9/2021: 266 người).
Thông tin về chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố theo công văn số 2209/UBND-KT ngày 01/7/2021 của UBND Thành phố và Nghị quyết số 68/NQ-CP cùng Quyết định số 23/QĐ-TTg, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động tiền lương, Sở Lao động - Thương binh Và Xã hội TP cho biết, Sở đã giải quyết, hỗ trợ cho 81.749/81.749 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, tổng kinh phí hỗ trợ là 165.324.610.000 đồng; 196/196 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, tổng kinh phí hỗ trợ là 400.800.000 đồng; 1.030.149/1.039.593 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm, tổng kinh phí hỗ trợ là 1.843.276.000.000 đồng.
Đồng thời, hỗ trợ 9.927/9.927 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động với tổng kinh phí 19.854.000.000; hỗ trợ 21.294/21.513, tổng kinh phí hỗ trợ là 31.520.430.000 đồng thương nhân tại các chợ truyền thống (đạt tỷ lệ 98,98%).
Bên cạnh đó, Sở đã hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 101.356/101.356 đơn vị với 2.322.562/2.322.562 người lao động, kinh phí hỗ trợ 1.060.492.875.247 đồng; hỗ trợ 219/219 đơn vị với 42.342 người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với tổng kinh phí hỗ trợ 339.881.620.593 đồng.
Đối với viên chức hoạt động nghệ thuật, 139/139 người được hộ trợ (đạt tỷ lệ 100%), tổng kinh phí hỗ trợ là 515.690.000 đồng; 653/6.124 người lao động là hướng dẫn viên du lịch nhận được hỗ trợ, tổng kinh phí hỗ trợ 2.422.630.000 đồng (đạt tỷ lệ 10,66%).
Hỗ trợ hộ lao động khó khăn đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong toả: 1.248.440/1.252.039 hộ (đạt tỷ lệ 99,6%), tổng kinh phí hỗ trợ là 1.873.497.100.000 đồng.
Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo: 53.884/53.901 hộ được UBND TP Thủ Đức, quận huyện thống nhất (đạt tỷ lệ 99,97%), tổng kinh phí hỗ trợ là 58.806.500.000 đồng; hỗ trợ gạo cho người dân gặp khó khăn (đợt1), đã hỗ trợ 969.953/969.953 người, số lượng gạo đã nhận và phân phối cho phường, xã, thị trấn là 14.549.290/14.549.290kg (đạt tỷ lệ 100%).
Về tỷ lệ hỗ trợ cho người lao động là hướng dẫn viên du lịch còn thấp (10,66%), đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP lý giải, Sở giải quyết hỗ trợ cho đối tượng này dựa trên danh sách tổng hợp do Sở Du lịch TP gửi về. Tuy nhiên, hiện TP đang trong thời gian giãn cách xã hội, khách quan ảnh hưởng đến việc hoàn tất hồ sơ, thủ tục nhận hỗ trợ. Do đó, tỷ lệ giải quyết gặp khó khăn và còn ở mức thấp.
Sau khi nghe ý kiến của đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải đề nghị Sở này phối hợp cùng Sở Du lịch TP rà soát và nhanh chóng hỗ trợ cho đối tượng trên.
Tuyên truyền, vận động người dân hạn chế ra đường khi không cần thiết
Thông tin tại họp báo, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến cho biết, Công an TP đã chỉ đạo Công an các quận, huyện, TP Thủ Đức chủ động bố trí các chốt, trạm nhằm kiểm soát lưu lượng tham gia giao thông trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị tổ chức các tổ tuần tra lưu động để kiểm soát và xử lý vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Công an TP đề nghị các cấp cơ sở tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, hạn chế ra đường khi không cần thiết.