Thông tin một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TPHCM ngày 21/7/2021

23:37 21/07/2021

(HMC) - Chiều 21/7, tại Trung tâm Báo chí đã diễn ra buổi họp báo trực tuyến cung cấp thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TPHCM. Chủ trì tại điểm cầu Thành ủy có Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Pham Văn Mãi; chủ trì tại điểm cầu Trung tâm Báo chí TP có Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Từ Lương.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Huyền Mai
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Huyền Mai

Tham dự họp báo có Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP (TN-MT) Nguyễn Toàn Thắng; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Minh Tấn; Phó Giám đốc Sở y tế TP Nguyễn Hữu Hưng; Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Nguyên Phương; Phó Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TP (HEPZA) Phạm Thanh Trực; Phó Tổng giám đốc Công ty điện lực TP Luân Quốc Hưng; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm; Thượng tá Huỳnh Quang Tiến, Phó trưởng Phòng Tham mưu (PV01) Công an TP. Trung tâm Báo chí TP cung cấp thông tin về một số vấn đề được quan tâm tại buổi họp báo.

1. Thông tin về việc một số bệnh nhân ở Cơ sở cai nghiện ma tuý Bố Lá dương tính với SAR-CoV-2.

Thông tin một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TPHCM ngày 21/7/2021 - Ảnh 1

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Minh Tấn phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Minh Tấn cho biết, TPHCM hiện quản lý 12 cơ sở cai nghiện ma túy với 14.000 học viên đang được chăm sóc, chữa trị.

Vào 21 giờ 30 phút ngày 17/7, tại cơ sở Cai nghiện ma túy Bố Lá (ấp Bố Lá, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), 2 viên chức thuộc phòng Y tế của cơ sở có triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu và được test nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2.

Sau khi có kết quả 2 viên chức này dương tích với COVID-19, đơn vị đã khẩn trương test nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 cho toàn bộ 607 đối tượng cai nghiện và 82 cán bộ tại cơ sở trên. Theo kết quả xét nghiệm, tính đến chiều ngày 20/7, 450/607 học viên cai nghiệm ma túy và 56/82 cán bộ dương tính với COVID-19.

Đoàn công tác của Sở Y tế TPHCM đã đề nghị ngành Y tế tỉnh Bình Dương hỗ trợ trong công tác xét nghiệm PCR, hướng dẫn phòng, chống dịch cho viên chức, người lao động và học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá. Bên cạnh đó, chỉ đạo Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá phân loại rõ khu cách ly dành cho học viên nghi nhiễm, khu dành cho học viên có triệu chứng nhẹ (sốt, ho) và khu dành cho học viên âm tính.

Cùng với đó, Sở đề xuất UBND TPHCM làm việc với UBND tỉnh Bình Dương về việc hỗ trợ việc chuyển đối tượng có chuyển biến nặng sang điều trị tại các bệnh viện và bố trí cán bộ quản lý các đối tượng này trong thời gian điều trị.

Trong đêm nay (21/7) hoặc sáng mai (22/7), Sở LĐ-TB&XH sẽ cử lực lượng cán bộ y tế đến điều trị tại chỗ cho các trường hợp nghi nhiễm tại Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá. Sở sẽ nỗ lực cùng ngành Y tế chăm sóc, điều trị tốt nhất cho các cán bộ, học viên mắc COVID-19 tại cơ sở cai nghiện Bố Lá.

2. Thông tin về công tác thu gom, xử lý rác thải tại các khu phong toả, khu cách ly, bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị COVID-19

Thông tin một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TPHCM ngày 21/7/2021 - Ảnh 2

Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai

Theo Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng, hiện nay, tổng khối lượng chất thải y tế, chất thải nguy hại phát sinh từ các khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 là trên 69 tấn/ngày. Sở TN-MT đã điều phối 4 đơn vị tham gia xử lý gồm Công ty Môi trường Đô thị TP, Công ty Việt Úc, Công ty Mộc An Châu và Công ty Sài Gòn Xanh.

Tổng số phương tiện được huy động trên các đơn vị là trên 95 xe các loại, với 417 công nhân tham gia. Thời gian thu gom căn cứ vào khối lượng phát sinh ở các đại điểm, bình quân 1-6 lần/ngày.

Để thực hiện tốt công tác thông tin, trao đổi, điều phối, Sở đã lập 2 nhóm thông tin nhanh, ứng dụng công nghệ để tiếp nhận phản ánh, điều phối các đơn vị xử lý cho kịp thời. Sở cũng ban hành trên 15 văn bản hướng dẫn để các đơn vị tổ chức thực hiện

3. Tình hình các doanh nghiệp vừa cách ly, vừa sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”

Phó Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất (HEPZA) Phạm Thanh Trực phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai
Phó Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất (HEPZA) Phạm Thanh Trực phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai

Phó Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất (HEPZA) Phạm Thanh Trực thông tin, tính đến thời điểm diện tại, HEPZA đã nhận được 618 hồ sơ đăng ký vừa cách ly, vừa sản xuất với phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 điểm đến” từ các doanh nghiệp.

Sau khi nhận hồ sơ đăng kí, HEPZA đã phối hợp với ngành Y tế, Công an TP thực hiện kiểm tra 479 doanh nghiệp. Từ đó, xác định 411 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động theo hai phương án trên với tổng số 44.145 người lao động. Với số doanh nghiệp còn lại, HEPZA sẽ tổ chức thẩm định trong thời gian tới.

Về một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, theo ông Phạm Thanh Trực, hầu hết các doanh nghiệp đều đáp ứng được các yêu cầu theo quy định. Tuy nhiên, khi tổ chức vừa sản xuất vừa cách ly, một số lao động ban đầu đồng thuận nhưng sau đó lại không muốn tham gia. HEPZA đã phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn những lao động này về nhà sao cho đảm bảo an toàn COVID-19 cho nơi cư trú. Nếu doanh nghiệp muốn bổ sung lao động khác vào thay thế thì những người này cũng phải đáp ứng được các điều kiện y tế về phòng dịch.

Ngoài ra, có tình trạng một số trường hợp chủ doanh nghiệp không thực hiện cùng ăn, cùng ở với công nhân mà vẫn đi về hàng ngày. Theo HEPZA, điều này được xác định là mối nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do đó, đơn vị đã yêu cầu các chủ doanh nghiệp phải thực hiện quy định “3 tại chỗ” cùng với người lao động.

Ông Phạm Thanh Trực thông tin thêm, trong quá trình triển khai, HEPZA đã phối hợp với HCDC lấy mẫu tầm soát định kì cho người lao động. Khi phát hiện một số trường hợp nghi dương tính với SARS-CoV-2, HEPZA đã phối hợp với các ngành liên quan xử lý dịch tễ theo quy định, đảm bảo không để dịch lây lan diện rộng.

4. Thông tin về việc đảm bảo cung ứng điện cho TPHCM và các khu cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19

Phó Giám đốc Công ty điện lực TP Luân Quốc Hưng phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai
Phó Giám đốc Công ty điện lực TP Luân Quốc Hưng phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai

Phó Giám đốc Công ty điện lực TP Luân Quốc Hưng cho biết, từ khi TPHCM áp dụng Chỉ thị 16, ngành điện lực đã tạm dừng tất cả công tác không thiết yếu để tập trung cung cấp điện cho phòng chống dịch và an sinh xã hội trên địa bàn. Hiện nay, đơn vị đã đảm bảo cung cấp điện cho 12 chốt phòng chống dịch, 15 bệnh viện dã chiến, hơn 300 bệnh viện, khu cách ly. Để tránh trường hợp mất điện đột ngột tại các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19, Công ty điện lực TP đã triển khai hai nguồn điện trong 1 máy phát để đảm bảo cung ứng điện 24/7.

Trước tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành điện lực đã triển khai ghi chỉ số điện qua hệ thống đo ghi từ xa với 80% khách hàng. Gần 20% khách hàng còn lại thì sẽ gọi điện cho khách hàng để tự ghi chỉ số và cung cấp cho ngành điện. Về thanh toán tiền điện, công ty khuyến khích các khách hàng thanh toán qua các ví điện tử, website hoặc ứng dụng chăm sóc khách hàng của công ty. Riêng những người gìa neo đơn, người khó khăn về kinh tế, ngành điện cam kết sẽ không ngừng cung cấp điện ngay cả khi khách hàng chưa thanh toán hoá đơn.

Đối với vấn đề nhân sự, thực hiện chỉ đạo của TP, 7.000 cán bộ công nhân viên điẹn lực chỉ làm việc 30% ở khối gián tiếp. Các công nhân trực tiếp tiếp xúc khách hàng sẽ chia ca từ 5-7 ngày và đều phải tầm soát nhanh COVID-19 trước khi vào ca, sau khi hết ca.

5. Tình hình cung ứng hàng hoá thiết yếu tại siêu thị, điểm bán lẻ

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Nguyên Phương phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai
Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Nguyên Phương phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Nguyên Phương, trong 2 ngày qua, lượng hàng vận chuyển và cung ứng về TPHCM tăng lên khoảng 5% mỗi ngày. Sức mua trên thị trường giảm, giá trị các đơn hàng mua sắm giảm, không còn tình trạng xếp hàng kéo dài như trước. Điều này cho thấy, tình trạng cung ứng hàng hoá trên địa bàn TP tương đối ổn định.

Các vấn đề khó khăn liên quan đến vận chuyển hàng hoá từ các tỉnh, thành về TPHCM đã được giải quyết. Sở không nhận được phản ánh từ đơn vị phân phối, vận chuyển, nhà cung cấp.

Về hệ thống phân phối, số lượng chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động tiếp tục gia tăng, chỉ còn 32 chợ truyền thống còn hoạt động. Bên cạnh đó, có 9/106 siêu thị tạm ngưng hoạt động, 120/2.895 cửa hàng phải ngưng hoạt động do dịch bệnh.

Về cung ứng hàng hoá, Sở Công thương đã đăng kí một số mặt hàng có khả năng thiếu như rau củ, trứng gia cầm để các địa phương khác hỗ trợ kịp thời.

6. Thông tin tình hình dịch bệnh COVID-19 tính đến ngày 21/7

Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai
Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai

Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm cho biết, từ 6h ngày 20/7 - 6h ngày 21/7, TPHCM có 5.480 ca mắc mới, 587 bệnh nhân được xuất viện trong ngày. Trong số các ca nhiễm mới, gần 90% trong khu cách ly, phong toả, hơn 95% phát hiện dương tính xét nghiệm lần 1. Từ đó, có thể thấy, đa số trường hợp nhiễm COVID-19 là do diễn tiến của bệnh từ F1 thành F0, không có cơ sở để khẳng định do lây nhiễm trong khu cách ly, phong toả.

Theo đánh giá, các ca nhiễm phân bố ở khắp các quận, huyện và TP Thủ Đức. Trong đó, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh có tỷ lệ ca nhiễm cao nhất.

Trong những ngày qua, TP đã ghi nhận một số tín hiệu đáng mừng về dịch bệnh. Cụ thể, những ngày gần đây, TP không phát sinh ổ dịch mới. Bên cạnh đó, kể từ khi áp dụng chính sách “3 tại chỗ”, số ca nhiễm trong khu chế xuất, khu công nghiệp đã giảm mạnh.

7. Thông tin về công tác điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, công tác điều trị có nhiều tiến triển tích cực. Dựa trên cơ sở kết quả điều trị, dự kiến số bệnh nhân xuất viện thời gian tới sẽ khoảng 1.000 người/ngày.

Số bệnh nhân đang điều trị COVID-19 tại TP là trên 35.000 ca. Số giường bệnh hiện nay đã chuẩn bị được 59.000 giường, đảm bảo đủ cho công tác thu dung điều trị theo các kế hoạch dự phòng của TP.

Đối với các ca tử vong, theo thống kê, đa số trường hợp là người có bệnh nền, bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, tai biến mạch máu não.

8. Thông tin về phương án cách ly F1 tại nhà

Theo Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm, việc cách ly y tế tại nhà cho F1 là một chiến lược phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Điều này giúp giảm tải và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo (nếu có) tại các khu cách ly tập trung. Đồng thời, tạo được tâm lý thoải mái cho người được cách ly.

Ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, trước tình hình cấp bách như hiện nay, việc cách ly y tế tại nhà cho F1 và theo dõi, quản lý, giám sát cách ly tại nhà bằng phần mềm VHD (VietNam Health Declaration) cần triển khai đồng loạt tại TP Thủ Đức và các quận, huyện thay vì chỉ thí điểm ở một vài phường, xã như kế hoạch cũ.

Hiện tại, TPHCM đã có hơn 2000 trường hợp F1 đủ điều kiện và hoàn tất thủ tục để cách ly tại nhà. Công tác cách ly được triển khai tại 15 quận, huyện. HCDC cũng soạn thảo tài liệu hướng dẫn cách ly tại nhà cho F1 và chuẩn bị kế hoạch phát tờ rơi hướng dẫn tới từng trường hợp.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng bổ sung, về việc cách ly F1 tại nhà, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể. Sau thời gian thí điểm hiệu quả, TP đã triển khai đồng loạt việc cách ly F1 tại nhà trong điều kiện đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn với dịch bệnh và thực hiện theo đúng quy trình của Bộ Y tế.

Riêng về cách ly tập trung F0 tại từng quận, huyện và TP Thủ Đức, việc này được thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản số 2407/UBND- VX của UBND TP ngày 21/7/2021. Theo đó, đối tượng áp dụng gồm các trường hợp F0 (có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR dương tính) và không có triệu chứng lâm sàng, không kèm bệnh lý nền hoặc nếu có bệnh lý nền thì đã được điều trị ổn định, không béo phì.

Ngoài ra, những trường hợp F0 mới được phát hiện không có triệu chứng lâm sàng, có thể được xem xét cách ly tại nhà khi kết quả xét nghiệm PCR với giá trị CT>30 vì nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất thấp.

9. Thông tin về việc triển khai đợt tiêm chủng vaccine COVID-19 lần 5

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng, ngành Y tế đã khởi động chiến dịch tiêm chủng 930.000 liều trong thời gian 2-3 tuần để không chịu áp lực về thời gian hoàn thành mục tiêu nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện về giãn cách. Rút kinh nghiệm sâu sắc ở đợt tiêm phòng thứ 4, những điểm tiêm nào chưa đảm bảo an toàn thì sẽ chưa triển khai, nhằm tránh sự lây nhiễm dịch bệnh.

Đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt này là người lớn tuổi (trên 65 tuổi) và người mắc bệnh nền. Thời gian bắt đầu từ 22/7/2021, tổ chức đồng loạt tại các quận huyện, TP Thủ Đức. Dự kiến mỗi phường/xã có ít nhất 2 điểm tiêm, mỗi điểm tiêm tối đa 120 người/ngày. Đối tượng người lớn tuổi và bệnh nền sẽ được tiêm vaccine tại các bệnh viện.

Sở Y tế đã giao Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 bố trí xe cấp cứu tại các điểm tiêm để hỗ trợ kịp thời khi cần thiết.

10. Thông tin về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn TPHCM trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó trưởng Phòng tham mưu (PV01), Công an TP phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai
Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó trưởng Phòng tham mưu (PV01), Công an TP phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai

Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó trưởng Phòng tham mưu (PV01), Công an TP thông tin, hiện nay Công an TP tổ chức 12 chốt kiểm soát cấp TP, 315 chốt cấp quận, huyện và TP Thủ Đức, trên 600 tổ tuần tra kiểm soát cơ động để thực hiện công tác phòng chống dịch.

Cụ thể, từ ngày 9/7 đến 12 giờ ngày 21/7, các chốt kiểm soát trên địa bàn TP đã kiểm soát trên 1,3 triệu lượt phương tiện với trên 1,5 triệu lượt người.

Hàng ngày, Công an TP tổ chức kiểm soát trên 60.000 lượt phương tiện, xử phạt bình quân là trên 500 trường hợp. Ngoài ra, lực lượng còn nhắc nhở người vi phạm với số lượng tương đương số trường hợp xử phạt mỗi ngày.

Trong thời gian tới, Công an TP sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định giãn cách theo Chỉ thị 16 tại khu toả, cách ly.

Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Từ Lương cho biết thêm, bên cạnh kết quả xử lý vi phạm của Công an TP, tính đến ngày 21/7, UBND các quận huyện và TP Thủ Đức đã lập 1.886 đoàn kiểm tra, xử phạt 5.882 trường hợp với tổng số tiền 14,5 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Từ Lương phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai
Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Từ Lương phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai

11. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi thông tin về công tác chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi cho biết, trong thời gian vừa qua, số ca dương tính tại TP vẫn tăng cao. Có thể nhận định, tính đến thời điểm hiện tại, đỉnh dịch tại TP vẫn chưa đạt và còn diễn biến phức tạp trong vài ngày tới.

Trước đây, TP có đề ra 3 kịch bản sau 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16. Trong 3 kịch bản trên, đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch của TP phù hợp với kịch bản thứ 2. Đó là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và tăng cường một số biện pháp.

Hiện tại, Ban chỉ đạo TP cũng đang chuẩn bị cho giải pháp tăng cường sẽ thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động, giám sát để người dân, các tổ chức cá nhân trên địa bàn TP, thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn trong thời gian 1 tuần hoặc 10 ngày tới. Từ đó, ngăn chặn được nguồn lây lan và đạt được đỉnh dịch trong thời gian này.

Song song việc giãn cách xã hội, TP sẽ tập trung cao việc phân tầng, quản lý, chăm sóc điều trị F0. Theo đó, thực hiện mô hình 5 tầng theo đề nghị của ngành y tế.

Cụ thể, người test nhanh kháng nguyên cho kết quả dương tính (nghi nhiễm) sẽ được cách ly tại tạm thời tại phường, xã, thị trấn để lấy mẫu PCR. Nếu cho kết quả dương tính mà không có triệu chứng, không có yếu tố nguy cơ sẽ cách ly tập trung tại cơ sở. Đây là tầng 1 với tỷ lệ chiếm khoảng 70% số F0.

Tầng thứ 2 là tầng F0 có triệu chứng cần điều trị, chủ yếu ở bệnh viện quận.

Tầng 3 và 4 dành cho F0 vừa có triệu chứng vừa có bệnh nền, cần điều trị ở tuyến cao hơn. Các F0 này sẽ phân bổ một phần ở bệnh viện quận và một phần ở bệnh viện khác tuyến cao hơn và chiếm khoảng 20 - 25%.

Tầng 5 dành cho F0 có triệu chứng nặng nhất sẽ được tập trung điều trị, hạn chế nguy cơ tử vong.

Mô hình điều trị tháp 5 tầng nêu trên sẽ giúp giảm tải áp lực y tế, không cần thiết phải đưa F0 không có triệu chứng vào cơ sở điều trị.

Bên cạnh 2 nhóm biện pháp đã nêu, TP cũng quan tâm đến việc đảm bảo cung ứng hàng hóa, đặc biệt là khu phong tỏa và gia đình khó khăn. Cùng với đó, TP sẽ tập trung bảo vệ, mở rộng dần vùng xanh trên bản đồ COVID-19 TP thay vì tập trung vào vùng nguy cơ cao như vừa qua.

Về đảm bảo sản xuất an toàn, TP đã đề ra tiêu chí sản xuất an toàn gồm "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến". Tuy nhiên, quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc phát sinh. Do đó, TP đã làm việc lại các đơn vị liên quan điều chỉnh phương án để có biện pháp an toàn nhất.

Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục