Tham dự họp báo có Cục trưởng Cục báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Tống Văn Thanh; Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu; Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh TP, Thượng tá Trần Văn Trung; Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Nguyễn Hồng Sơn; Đại diện UBMTTQ Việt Nam TP; Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP; Đại diện Thành đoàn TP; Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM PGS.TS Ngô Thị Phương Lan; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm; Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP, Thượng tá Lê Mạnh Hà; cùng phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.
1. Công tác chỉ đạo
Thông tin tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, ngày 2/9/2021, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng; Tiểu ban Truyền thông (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đã ban hành 03 văn bản: Quyết định 01/QĐ-TBTT về việc ban hành quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ các thành viên Tiểu ban truyền thông; Kế hoạch 03/KH-TBTT về thông tin, tuyên tuyền phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới; Kế hoạch 02/KH-TBTT về kế hoạch truyền thông chống dịch COVID-19 với thông điệp “Bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài” tuần 36 từ 30/8 đến 06/9/2021.
2. Về Y tế - Hai địa phương đầu tiên công bố kiểm soát được dịch bệnh
Nhấn mạnh đây là ngày thứ 12 TPHCM thực hiện Công điện số 1099/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 11 của UBND TP về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM, Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, TPHCM đã và đang nỗ lực, quyết tâm cao độ với nhiều biện pháp phòng, chống dịch. Qua đó, tuy tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp nhưng nhiều kết quả bước đầu được ghi nhận.
Tính đến 18 giờ ngày 02/9/2021, có 233.093 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 232.644 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 449 trường hợp nhập cảnh.
Hiện đang điều trị 41.470 bệnh nhân, trong đó: có 2.915 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.779 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 02/9, có 4.172 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 120.509), 250 trường hợp tử vong trong ngày.
Thông tin về tiêm chủng vắc xin, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 02/9/2021: 6.268.327 (tăng 42.367 mũi vắc xin so với ngày 01/09/2021) trong đó tổng số mũi 1 là 5.899.379, mũi 2 là 368.948; số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 689.191. Đây là số liệu thống kê bao gồm tất cả người nhập cư, thường trú, tạm trú… trên địa bàn TPHCM.
Về chủ trương kêu gọi lực lượng F0 đã được điều trị khỏi tham gia chống dịch, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho hay, đây là những F0 đã có kháng thể bảo vệ sau thời gian nhiễm bệnh và hồi phục. Kết quả nghiên cứu cho thấy, người nhiễm bệnh đã hồi phục có khả năng không mắc bệnh trở lại (kéo dài ít nhất 6 tháng) và bảo vệ cơ thể trước vi rút SARS-CoV-2 cao hơn cả những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19. Vì vậy, việc kêu gọi F0 hồi phục tự nguyện tham gia lực lượng chống dịch, hỗ trợ cho đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc các trường hợp đang nhiễm bệnh là chủ trương đúng đắn. Hiện nay, chính sách hỗ trợ cho lực lượng này đang trình UBND TP phê duyệt và sẽ có thông tin chi tiết tới các cơ quan báo chí.
Liên quan đến mục tiêu kiểm soát dịch bệnh đã đề ra, Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải chia sẻ, căn cứ kế hoạch 2715 của UBND TP, trong đó, giai đoạn từ ngày 23/8 đến ngày 31/8/2021, mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn TP; phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với 7 quận - huyện sau: Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Phú Nhuận, quận 5, quận 7, quận 11. Theo đó, các quận - huyện đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.
Hôm qua (2/9), quận 7 và huyện Củ Chi là 2 địa phương đầu tiên đạt mục tiêu được giao, công bố kiểm soát được dịch bệnh. Thành phố ghi nhận và biểu dương 2 địa phương này.
Đối với 05 quận huyện còn lại, TP sẽ chỉ đạo tổ công tác đến thẩm tra dựa trên các tiêu chí của Bộ Y tế để đánh giá đơn vị đạt/chưa đạt và triển khai các bước tiếp theo.
Tuy nhiên, theo Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải, quận 7 và huyện Củ Chi vẫn phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của TP, chưa cho phép các hoạt động kinh tế trở lại cho đến khi có đánh giá tổng quan từ các quận – huyện còn lại của Tổ thẩm tra làm căn cứ để TP xây dựng kế hoạch cụ thể cho giai đoạn tới.
3. Về công tác an sinh: Gần 1,5 triệu túi an sinh đã chuyển đến các địa phương
Trong ngày 3/9, Trung tâm an sinh TP đã tiếp nhận nhiều loại mặt hàng như rau củ, gạo, thuốc… của các tỉnh Lâm Đồng và các doanh nghiệp trị giá hơn 4 tỷ 750 triệu đồng. Hàng rau củ được phân phối đến các quận gò vấp, quận 7, bình chánh, quận 10, 11, 12, Phú Nhuận, Hóc Môn, Của Chi, thành phố Thủ Đức, phường Bình Trị Đông - Quận Bình Tân và Bộ tư lệnh thành phố, 17 bếp ăn từ thiện trị giá 2 tỷ 430 triệu đồng.
Lũy kế từ ngày 15/8/2021 đến 03/09/2021: Tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, TP Thủ Đức là 1.474.683 túi (tăng 95.348 túi so với ngày 02/09/2021).
Riêng về hỗ trợ gạo, trong đợt 1, Chính phủ cấp cho TPHCM hơn 14 tấn, TP đã nhận được gần 6.000 tấn và phấn đấu khẩn trương nhận tiếp để sớm phát cho người dân.
Cùng ngày, Sở Lao động- Thương Binh và Xã Hội TP đã tiếp nhận 09 đối tượng cơ nhỡ, lang thang xin ăn sinh sống nơi công cộng và đã đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội (lũy kế từ 23/8/2021 đến 03/9/2021: 852 người); 03 đối tượng cai nghiện ma túy (lũy kế từ ngày 23/8/2021 đến 03/9/2021: 128 người).
4. Chương trình “vắc xin tinh thần”: Khởi động từ ngày 5/9/2021
Liên quan đến Chương trình “vắc xin tinh thần” - Chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho người dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại TPHCM, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM thông tin thêm, chương trình được khởi động từ ngày 5/9/2021, dự kiến kết thúc vào cuối năm 2022 hoặc kéo dài tùy vào tình hình diễn tiến của đại dịch.
Chương trình có 3 nhóm nội dung hoạt động chính: Phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần; tham vấn và trị liệu tâm lý; hỗ trợ tái hòa nhập hậu COVID-19.
Với nội dung phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần, chương trình tư vấn khẩn cấp cho người có nguy cơ thấp, có các dấu hiệu lo lắng, căng thẳng, hoang mang nhẹ, chưa đạt mức bệnh lý với các hoạt động chính như: hội thảo trực tuyến, Chương trình Radio “Tâm an vượt qua đại dịch”, tư vấn trực tiếp thông qua Cổng thông tin 1022.
Với nội dung tham vấn và trị liệu tâm lý, chương trình đáp ứng cho khoảng 15-20% người dân có các biểu hiện bệnh lý về lo âu, trầm cảm, nguy cơ tự tử, bị sang chấn vì nhiễm bệnh hoặc mất người thân do COVID-19… Chương trình phối hợp với Sở Y tế, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện dã chiến số 12 (phường Bình Khánh, TP Thủ Đức) để tư vấn tâm lý cho bệnh nhân đang chữa trị tại đây.
Các chuyên gia của chương trình cũng sẽ tham vấn tâm lý rộng rãi cho người dân có nhu cầu thông qua hotline 0987 111 801 của Chương trình. Đối với các trường hợp cá nhân gặp phải bệnh lý nặng sẽ được hỗ trợ tham vấn, trị liệu lâu dài.
Trong nội dung hỗ trợ tái hòa nhập hậu COVID-19, chương trình hỗ trợ cho người dân tái phục hồi sau khi được can thiệp, giúp họ tìm thấy nguồn lực để tăng trưởng thông qua cung cấp thông tin về việc làm, phát triển bản thân, học tập và lao động, hay các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, của TP…
5. Công tác giao thông, an ninh trật tự: Cảnh báo tình trạng lừa đảo mua bán Giấy phép lưu thông giả mạo
Trao đổi tại cuộc họp báo về phản ánh tình trạng người dân ở một số khu dân cư có dấu hiệu vi phạm giãn cách xã hội những ngày gần đây, Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP cho biết, Công an TP đã tiến hành rà soát, kiểm tra các địa bàn, số lượng người dân vi phạm rất ít. Về số lượng người tăng, một phần do TP đang có chủ trương đẩy mạnh việc cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân nên một số lực lượng được cho phép lưu thông theo quy định.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, thực hiện phương châm “ai ở đâu, ở yên đó”, Công an TP đã điều động hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ từ các phòng nghiệp vụ đến đảm nhiệm các chốt chặn kiểm soát ở các quận – huyện và đưa lực lượng đang chốt chặn phường – xã – thị trấn về các khu dân cư để nắm bắt tình hình địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo Công an quận – huyện phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác nắm bắt đời sống người dân và kịp thời hỗ trợ, không để ai bị đói trong thời gian này.
Về vấn đề lưu thông, Công an TP cũng đang lập danh sách những người được cấp Giấy phép lưu thông và cập nhật cơ sở dữ liệu trên phần mềm chung của Bộ Công an, để đối chiếu, so sánh với lượng người di chuyển và rà soát, kiểm soát các đối tượng F0 lưu thông trên đường.
Bên cạnh đó, hiện nay, có một số đối tượng lừa đảo mua bán Giấy phép lưu thông giả mạo, Công an TP cảnh báo người dân không nên tham gia để kẻ xấu lợi dụng, vi phạm pháp luật, bởi danh sách người được cấp giấy phép lưu thông được lực lượng Công an cập nhật hàng ngày và sẽ dễ dàng phát hiện ra nếu sai đối tượng, giấy phép giả mạo...
6. Thông tin về Chương trình "Thành phố 18H"
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Trịnh Thị Hiền Trân cho biết, tối ngày 2/9, tại Bệnh viện dã chiến số 6,7,8 đã diễn ra Chương trình "Thành phố 18H" số thứ 10. Chương trình do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP phối hợp với Nhà Văn hóa Thanh niên cùng một số đơn vị cùng sự tham gia của các văn nghệ sĩ đã tổ chức chương trình cùng một số đơn vị và các văn nghệ sĩ.
Với mục đích chào mừng Kỷ niệm 76 năm ngày Quốc khánh 2/9 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đồng thời cung cấp các thông tin cần thiết cho người dân, thanh thiếu niên TP về các vấn đề liên quan công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP. Đồng thời, giúp cho lực lượng tuyến đầu chống dịch tại đây giảm bớt một phần áp lực khi thực hiện công tác phòng, chống dịch, giúp cho những bệnh nhân hiện đang được điều trị thêm “món ăn tinh thần” để nhanh chóng vượt qua dịch bệnh.
Công tác đảm bảo an toàn trong quá trình diễn ra chương trình, Đại diện Hội LHTN Việt Nam TP cho biết, toàn bộ lực lượng tham gia công tác tổ chức, các văn nghệ sĩ đều mặc trang phục bảo hộ xuyên suốt quá trình thực hiện chương trình; 100% lực lượng này cũng đã tiêm vắc xin phòng COVID-19. Các y bác sĩ, lực lượng dân quân tự vệ, tình nguyện viên tại đây được sự chấp thuận của Ban giám đốc các bệnh viện và theo dõi trực tiếp, các bệnh nhân theo dõi, lắng nghe chương trình từ phòng điều trị.
Chương trình được sự đón nhận lớn từ lực lượng tuyến đầu, những người tham gia công tác phòng, chống dịch cũng như bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện dã chiến số 6,7,8. Ngoài ra, thông qua việc phát sóng livestream trên nền tảng các trang mạng xã hội cũng đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng rất lớn từ người dân về việc triển khai thực hiện chương trình này.
Thông tin thêm về Chương trình "Thành phố 18H" số thứ 10, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê chia sẻ: Chương trình có ý nghĩa rất tích cực, là sự cân bằng đặc biệt đối với lực lượng tuyến đầu cũng như các bệnh nhân tại cơ sở điều trị. Đã qua 09 chương trình được tổ chức thành công dưới hình thức trực tuyến, số thứ 10 với bối cảnh đặc biệt của Ngày lễ Quốc Khánh 2/9, sau khi tham khảo các y, bác sĩ tại cơ sở điều trị, Hội LHTN Việt Nam TP đã tổ chức chương trình số thứ 10 và có sự tham gia theo dõi trực tiếp của các lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ trong không gian của 03 bệnh viện dã chiến. Do đó, công tác tổ chức có thể còn một số hạn chế, cần rút kinh nghiệm.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng lưu ý, mục đích và ý nghĩa rất tích cực nhưng phương thức thể hiện cần tính toán, cân nhắc để các chương trình tiếp theo thành công trên nhiều mặt.
Thủ tướng đã có chỉ đạo về việc tiếp tục việc thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch trong dịp lễ 2/9, rút kinh nghiệm từ dịp Lễ 30/4 và 1/5, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị Hội LHTN Việt Nam TP cần bám sát các chỉ thị, chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia cũng như Thành phố về công tác phòng, chống dịch.
Về dự thảo kế hoạch phục hồi kinh tế tại TPHCM đang được một số phóng viên báo chí chia sẻ, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương khẳng định, Sở đã trao đổi nội dung này với Sở Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, đây là dự thảo bước đầu, đang được lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu và chỉnh sửa, chưa đủ điều kiện để trình UBND TP xem xét. Vì vậy các phóng viên báo chí và người dân không sử dụng tài liệu dự thảo này.
Nói thêm về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản Tống Văn Thanh cho rằng, kế hoạch phục hồi kinh tế là rất quan trọng, cần được chuẩn bị chu đáo và chi tiết cụ thể. Vì đây chỉ là dự thảo ban đầu nên việc thông tin từ dự thảo là chưa chính xác, chắc chắn sẽ có những thay đổi.
Các cơ quan báo chí cần thận trọng khi đưa tin, có sự trao đổi kỹ với các cơ quan chuyên môn để đảm bảo thông tin chính thống, xác thực; tránh tác động tiêu cực đến việc ban hành các chính sách, chủ trương của TP.
Ngoài ra, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản Tống Văn Thanh cũng lưu ý, trong tuyên truyền về vắc xin, báo chí không đưa tin về các cam kết để tránh tạo sự kỳ vọng giả tạo cho người dân, ảnh hưởng đến chiến dịch tiêm chủng của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng.
Một số cơ quan báo chí đăng tải thông tin về dự báo liên quan đến các lĩnh vực kinh tế; đề nghị không đưa tin thiếu căn cứ, nhất là về các thông tin đầu tư, tránh gây sức ép nặng nề lên các cơ quan, đơn vị chuyên môn đang rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ “Mục tiêu kép”.