Tham dự họp báo có Cục trưởng Cục báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Tống Văn Thanh; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Lê Văn Minh; Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Nguyễn Hồng Sơn; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm; Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP, Thượng tá Lê Mạnh Hà cùng 41 phóng viên, biên tập viên đến từ 33 cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.
1. Đánh giá sơ kết 15 ngày thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 22/8/2021 về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM
Thông tin tại họp báo, Phó Ban chỉ đạo TP Phạm Đức Hải cho biết, việc thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt giãn cách xã hội với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó” đã có chuyển biến rõ rệt; lưu lượng phương tiện lưu thông giảm khoảng 85% so với trước ngày 22/8/2021; các khu dân cư cũng đã được siết chặt hơn, người dân cơ bản đã chấp hành theo yêu cầu của Thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít bộ phận người dân ra ngoài mà không có lý do chính đáng.
Trong quá trình thực hiện tăng cường giãn cách xã hội từ ngày 23/8, TP đã linh động, kịp thời giải quyết những vướng mắc khi kiểm soát các phương tiện và đối tượng lưu thông, vừa đảm bảo hạn chế tối đa lưu thông, nhưng vẫn phải đảm bảo phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người dân.
Từ ngày 23/8/2021, Thành phố đã tích cực triển khai kế hoạch cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn Thành phố, trong đó tập trung tại các khu vực có nguy cơ cao và rất cao với mục tiêu nhanh chóng tìm được các ca F0 trong cộng đồng. Do đó, trong hai tuần vừa qua, số ca phát hiện của Thành phố tăng cao, bình quân mỗi ngày phát hiện khoảng 5.300 ca F0.
Thành phố đã chuyển hướng tập trung hơn cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, xây dựng và ban hành Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0, trong đó bao gồm xây dựng các gói thuốc điều trị mẫu (gói A, B, C), giúp điều trị kịp thời cho các trường hợp F0 mới phát hiện, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, từ đó giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến, đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp phần nhanh chóng hồi phục.
Ngoài ra còn tăng cường công tác tư vấn, theo dõi F0 tại nhà từ xa qua các tổng đài 1022, các tổ y tế lưu động của các trường Y khoa. Thành phố đã thành lập 471 trạm y tế lưu động (vượt chỉ tiêu đề ra là 400 trạm); tiếp tục phát huy hiệu quả ứng dụng quản lý thông tin giường bệnh và oxy cho bệnh nhân COVID-19 (trong hệ thống 3 tầng điều trị) để kịp thời điều chuyển, không để ùn ứ, nâng cao năng lực điều trị giữa các tầng.
Về nhân lực tham gia phòng, chống dịch, tính đến nay, TP có trên 177.300 người, trong đó, tiếp nhận trên 24.000 người từ các Bộ ngành tăng cường, hỗ trợ. Bên cạnh đó, TP cũng đã cử 312 tổ công tác với trên 1.300 cán bộ, công chức, viên chức xuống tăng cường, hỗ trợ cho TP Thủ Đức và các quận, huyện tham gia phòng, chống dịch, trong đó lực lượng chủ yếu là lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc các sở, ban, ngành Thành phố.
Về công tác chăm lo an sinh xã hội, Trung tâm An sinh đã thực hiện hỗ trợ trên 1,6 triệu túi an sinh xã hội cho người dân Thành phố trong tổng số 2 triệu túi an sinh. Chương trình SOS của Trung tâm an sinh Thành phố đã hỗ trợ trên 10.500 phần quà cho các trường hợp cứu trợ khẩn cấp. Đồng thời, vận động hơn 85.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho 670.000 phòng trọ với số tiền trên 329 tỉ đồng.
Nhìn chung, việc chăm lo an sinh xã hội cho người dân được các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện với phương châm “không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc”, nhiều lực lượng được huy động để thực hiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu của người dân, do đó có lúc có nơi vẫn còn tình trạng người dân bức xúc vì chưa được hỗ trợ kịp thời hoặc hỗ trợ không đồng đều. Thành phố đang tăng cường các lực lượng để kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác chăm lo an sinh xã hội cho người dân.
Đánh giá kết quả sau 15 ngày thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM, Phó Ban chỉ đạo TP Phạm Đức Hải nêu rõ, TP đã quán triệt tốt và chuẩn bị các bước triển khai chu đáo Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ, Công điện số 1099/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 11/CT-UBND của Chủ tịch UBND Thành phố.
Công tác triển khai nghiêm túc, kịp thời, khẩn trương, tạo chuyển biến mạnh trong cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch”, người dân là “chiến sỹ” trong phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu thì ở đó”; lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.
2. Về Y tế
Tính đến 18 giờ ngày 06/9/2021, có 259.055 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 258.595 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 460 trường hợp nhập cảnh.
Hiện đang điều trị 42.029 bệnh nhân, trong đó: có 3.052 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.808 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 06/9: có 5.196 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 133.592), 253 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 10.938).
Tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 06/9/2021: 6.725.192 (tăng 171.644 mũi vắc xin so với ngày 05/09/2021) trong đó tổng số mũi 1 là 6.132.354, mũi 2 là 592.838, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 720.190 người.
Trả lời câu hỏi phóng viên về việc tiêm vắc xin cho F0 sau khi khỏi bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hoài Nam cho biết, theo các hướng dẫn của ngành Y tế, F0 sau khi khỏi bệnh thuộc diện trì hoãn và sẽ được xem xét tiêm sau 6 tháng.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hoài Nam
Thông tin về việc cung ứng lượng Oxy cho các Bệnh viện (BV), theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TP đã mua thêm bình oxy để trang bị cho các cơ sở y tế, nhất là các BV dã chiến. Sau khi tiếp nhận, Sở Y tế sẽ phân bổ về cho các quận, huyện, TP Thủ Đức, tăng cường, bố trí ở các trạm y tế lưu động.
Hiện nay, các BV quận, huyện, TP Thủ Đức, BV dã chiến đã được trang bị các bồn oxy lỏng, oxy cao áp có khối lượng 5-10 tấn, thay cho bồn 1 tấn trước đây. Riêng đối với các BV hồi sức như Bệnh viện Ung bướu, các Trung Tâm Hồi Sức Tích Cực trực thuộc BV Bạch Mai, BV Hữu Nghị Việt Đức; Bệnh viện TW Huế cũng đã được trang bị bình có khối lượng 20 tấn.
Bên cạnh đó, lực lượng quân đội cũng đã thành lập một cơ sở sản xuất oxy để cung ứng oxy miễn phí cho các BV, đã và đang hoạt động rất hiệu quả. Các đơn vị cung ứng oxy lỏng như Sovigaz; Công ty Oxy Đồng Nai cùng các công ty cung ứng oxy khác cũng đang đáp ứng tương đối đầy đủ nguồn oxy cho TP.
Liên quan đến việc chi hỗ trợ cho lực lượng y tế tuyến đầu, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, ngày 24/8/2021, tại kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân TPHCM khóa X đã thông qua mức chi hỗ trợ một lần cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch COVID-19 gồm lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp; lực lượng tuyến đầu thực hiện công việc gián tiếp; Tổ phòng chống COVID cộng đồng; lực lượng tình nguyện viên được TP huy động tham gia phòng, chống dịch; lực lượng tình nguyện viên được Bộ Y tế huy động tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch, chi viện cho TPHCM.
Hiện nay, qua thống kê, một số bệnh viện đã thực hiện chi trả cho lực lượng tuyến đầu như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đớt, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bình Dân và một số đơn vị khác đang lập danh sách, trong tuần này lực lượng tuyến đầu sẽ được nhận được gói hỗ trợ này.
Đối với các đơn vị Trung ương như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Răng Hàm Mặt và một số bệnh viện tham gia lồng ghép công tác phòng chống dịch cũng được chi trả thông qua danh sách tổng hợp của Bệnh viện ung Bướu.
Về việc chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), theo Nghị quyết của HĐND TP đã thông qua có nêu, từ tháng 7 đến hết tháng 12/2021, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập theo cơ chế đặc thù tại các đơn vị tối đa là 1 lần, riêng CBCCVC ngành y tế từ cấp TP đến cấp xã và các cán bộ chuyên trách, không chuyên trách tại các phường – xã – thị trấn vẫn giữ nguyên mức tối đa là 1.2. Điều này thể hiện sự quan tâm, ưu tiên của TP đối với lực lượng tuyến đầu, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.
3. Công tác cung ứng hàng hóa
Trong ngày 06/9/2021, tổng nhu cầu đăng ký đi chợ hộ trong ngày là 82.660 hộ, giảm 5,12% so với ngày hôm trước (tương đương giảm 4.465 hộ). Ngoài các quận, huyện như Quận 3 (nhu cầu đăng ký tăng 224 hộ so với ngày hôm trước), Quận 8 (tăng 6.550 hộ), Quận 10 (tăng 122 hộ), Quận Bình Thạnh (tăng 55 hộ), huyện Hóc Môn (tăng 86 hộ) và huyện Nhà Bè (tăng 119 hộ), nhu cầu đăng ký tại các địa bàn còn lại đều giảm, do người dân còn nhiều giải pháp đi chợ thay thế, đồng thời kỳ vọng vào chính sách mở cửa có lộ trình của chính quyền Thành phố, trong đó có việc cho phép đi chợ có kiểm soát.
Thành phố hiện có 2.714 điểm cung ứng hàng hóa đang hoạt động; bao gồm 92 siêu thị, 2.100 cửa hàng tiện ích và 522 cửa hàng tạp hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.
Về đề xuất nới lỏng một số loại hình dịch vụ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Nguyên Phương cho biết, trên cơ sở đã tính toán trên tình hình thực tế, đảm bảo công suất hoạt động nhưng không tăng số người ra đường, không ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh. Trong đó, kéo dài thời gian hoạt động của siêu thị đến 21 giờ (thay vì 18 giờ như hiện nay) để tăng thời gian chuẩn bị nguồn hàng. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Công thương TP nhấn mạnh, đây chỉ mới là đề xuất của Sở, đang chờ UBND TP xem xét.
4. Công tác an sinh
Trong ngày 07/9/2021, Trung tâm an sinh tại các kho của MTTQ Việt Nam Thành phố đã tiếp nhận nhiều loại mặt hàng như rau và nhu yếu phẩm các loại như rau củ, xúc xích, muối,... của các tỉnh Lâm Đồng và các doanh nghiệp, mạnh thường quân, Ban vận động tiếp nhận và phân phối quỹ COVID-19 đặt mua 570 thùng đồ bảo hộ (22,800 bộ) trị giá hơn 6.343.000.000đ. Hàng rau củ, muối, đồ bảo hộ được phân phối đến các F0 tại các quận huyện: 4, 7, 8, 10, Tân phú, Bình Tân, Bình chánh, Tân Bình, bệnh viện Công An Thành phố, bệnh viện dã chiến Tân Phú, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch; đồ bảo hộ được phân phối đến 26 bệnh viện dã chiến và điều trị COVID-19 trị giá 6.181.200.000đ. Các mặt hàng nhu yếu phẩm còn lại được nhập kho Quận 7 để tiếp tục thực hiện các phần quà an sinh.
Lũy kế, từ ngày 15/8/2021 đến 07/09/2021: Tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, thành phố Thủ Đức là 1.728.375 túi (tăng 43.879 túi so với ngày 06/09/2021).
Cùng ngày, Sở Lao động- Thương Binh và Xã Hội đã tiếp nhận 12 đối tượng cơ nhỡ, lang thang xin ăn sinh sống nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội (lũy kế từ 23/8/2021 đến 07/9/2021: 909 người); 10 đối tượng vào cơ sở cai nghiện ma túy (lũy kế từ ngày 23/8/2021 đến 07/9/2021: 164 người).
5. Công tác kiểm soát giao thông - an ninh trật tự
Liên quan đến vấn đề kiểm soát, xử lý các vi phạm về quy định phòng chống dịch từ ngày 23/8 đến ngày 6/9/2021, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP cho biết: Kiểm tra tại 914 chốt kiểm soát trên địa bàn toàn TP, Công an TP đã ghi nhận 2.141.502 phương tiện tham gia giao thông (564.983 ô tô, 1.081.281 mô tô, 487.998 xe tải); kiểm tra 938.614 lượt người (938.192 người Việt Nam, 422 người nước ngoài).
Qua đó, phát hiện, lập biên bản xử lý 11.176 trường hợp với số tiền đề xuất xử phạt là 17.751.000.000 đồng. Các trường hợp xử lý vi phạm chính là ra đường không có lý do chính đáng với 11.017 trường hợp (chiến 99.11%).
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP
Thông tin thêm tại họp báo, đại diện Công an TP cho biết, qua việc kiểm tra khai báo y tế bằng mã QR code, Công an TP đã phát hiện 63 trường hợp F0 lưu thông trên đường (29 trường hợp thuộc diện được cấp giấy phép lưu thông, các trường hợp khác là đi khám, chữa bệnh, shipper). Qua xác minh, có 10 trường hợp F0 đã hỏi bệnh; 17 trường hợp đang cách ly tập trung và số còn lại đang thực hiện cách ly tại nhà.
Công an TP cũng đã tiến hành thu hồi 9 giấy phép lưu thông, đưa 02 trường hợp vào danh sách cảnh báo, hủy giấy đi đường.
Nhằm khắc phục tình trạng F0 vi phạm quy định về giãn cách xã hội, nhận được sự hỗ trợ của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), sáng 7/9, Công an TP đã tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin, trang thiết bị và hướng dẫn lắp đặt hệ thống camera kiểm tra QR code, phấn đấu hoàn thành lắp đặt 100 đầu quét cho 22 quận, huyện, TP Thủ Đức ngay trong ngày.