Thông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 08/11

18:26 08/11/2021

(HMC) - Chiều ngày 8/11, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP trong những ngày qua. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Phan Nguyễn Như Khuê cùng Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Tham dự có Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Lâm; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hòa An; Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nguyễn Hồng Tâm; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; đại diện Sở Y tế; đại diện Bộ Tư lệnh TP; đại diện Công an TP; cùng các phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp

Tính đến 18 giờ ngày 07/11/2021, có 439.196 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 438.665 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 531 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 11.527 bệnh nhân (BN), trong đó: có 656 trẻ em dưới 16 tuổi, 255 BN nặng đang thở máy, 11 BN can thiệp ECMO. Trong ngày 07/11: có 953 BN nhập viện, 533 BN xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 257.538), 35 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 16.936).

Đến ngày 07/11/2021, TP đã tổ chức tiêm 7.822.405 mũi 1 và 5.842.329 mũi 2 vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn.

Bán hàng ăn tại chỗ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và tâm lý của người dân

Trao đổi với các phóng viên về phản ánh sau 2 tuần các quán ăn được bán tại chỗ nhưng tình hình mua bán vẫn ảm đảm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, phản ánh này chưa thể hiện đầy đủ bức tranh chung trên toàn TP.

Theo ông Phương, hoạt động mua bán tại các quán ăn không chỉ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh mà còn phụ thuộc vào tâm lý người dân. Hiện nay nhiều người vẫn có sự e dè, cẩn trọng khi đến các hàng quán để ăn, uống tại chỗ. Với trách nhiệm của mình, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP, Sở Y tế để rà soát, đánh giá cụ thể, làm cơ sở đề xuất, tham mưu UBND TP về các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Theo ông Phương, hoạt động mua bán tại các quán ăn không chỉ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh mà còn phụ thuộc vào tâm lý người dân.
Theo ông Phương, hoạt động mua bán tại các quán ăn không chỉ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh mà còn phụ thuộc vào tâm lý người dân.

Không hạn chế di chuyển đối với người dân trên các địa bàn cấp độ 3

Thông tin về các gói thuốc điều trị COVID-19 đang được TPHCM sử dụng, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, hiện TP có khoảng 264.500 túi thuốc các loại, 213.076 túi đã được cấp về trung tâm y tế các địa phương. Trong thời gian tới, tuỳ theo tình hình dịch bệnh, TP sẽ mua thêm 100.000 túi thuốc để hỗ trợ công tác điều trị F0 tại nhà và bệnh viện.

Đối với túi thuốc C chứa thuốc kháng vi rút Molnupiravir, ông Nam cho hay, Bộ Y tế đã phân bổ cho TPHCM 50.000 túi, trong đó 28.583 túi đã được cấp để điều trị F0. Sắp tới, khi có nhu cầu, TP sẽ kiến nghị Bộ Y tế cấp thêm các túi thuốc này.

Trước thông tin số F0 tại Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn có xu hướng tăng, theo ông Nguyễn Hoài Nam, ngày 8/11, theo thông báo đánh giá cấp độ dịch của UBND TP, TPHCM đang ở cấp độ 2. Cụ thể, có 13/22 địa phương đạt cấp độ 1, 7/22 địa phương cấp độ 2 và 2/22 địa phương cấp độ 3.

Đối với cấp độ dịch tại phường – xã - thị trấn, Phó Giám đốc Sở Y tế lưu ý, theo văn bản số 166/TB-UBND, có 1 địa phương được xác định đạt cấp độ 4 là xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè). Tuy nhiên, thực tế cấp độ dịch tại địa phương là cấp 3. Sự nhầm lẫn của huyện về số liệu dân cư là nguyên nhân dẫn đến sai sót này.

“Khi đánh giá xã Phước Kiển đạt cấp độ 4, huyện Nhà Bè đã tính dân số trên địa bàn xã là hơn 31.000 người. Tuy nhiên, thực tế người dân sống tại Phước Kiển lên đến 60.269. Trong ngày 8/11, huyện Nhà Bè đã có báo cáo điều chỉnh số liệu này”, ông Nam thông tin.

Hiện tại, theo đánh giá cấp độ dịch tại phường, xã, thị trấn, tính đến ngày 8/11, TPHCM có 13 địa phương đạt cấp độ 3 (vùng cam). Căn cứ Kế hoạch 3515 của UBND TP, việc đi lại của người dân tại các địa bàn là không hạn chế. Tuy nhiên, người dân cần tuân thủ các điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly theo quy định.

Vẫn duy trì hoạt động của các Trạm y tế lưu động

Liên quan đến các trạm y tế lưu động, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, khi tình hình dịch bệnh diễn căng thẳng, TP đã thành lập 550 trạm y tế lưu động kết hợp 312 trạm y tế phường – xã - thị trấn đảm bảo việc chăm sóc F0 tại nhà, từ việc hỏi thăm sức khỏe qua điện thoại, theo dõi sức khỏe cũng như cấp phát các túi thuốc A,B,C cho F0 đang trong quá trình điều trị.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, ngành Y tế TP đã có phương án giao lại các Trạm y tế lưu động cho các địa phương triển khai tùy tình hình thực tế
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, ngành Y tế TP đã có phương án giao lại các Trạm y tế lưu động cho các địa phương triển khai tùy tình hình thực tế

Hiện nay, việc duy trì trạm y tế lưu động vẫn rất cần thiết. Tại các địa phương có ca F0 còn cao, Sở Y tế tiếp tục duy trì, huy động và mở thêm các trạm y tế lưu động, phấn đấu mỗi trạm chăm sóc tốt nhất từ 50 -100 F0 tại nhà. Cụ thể, tuần vừa qua, Sở đã huy động, mở thêm 40 trạm Y tế lưu động tại Hóc Môn. Tại huyện Nhà Bè, sau khi kiểm tra thực tế, Sở ghi nhận có 772 ca F0 đang điều trị tại nhà và có 7 trạm y tế lưu động, do đó Sở đang đề xuất thành lập thêm ít nhất 15 trạm y tế lưu động để có thể chăm sóc tốt nhất cho F0 điều trị tại nhà.

Trước vấn đề duy trì hoạt động các trạm y tế lưu động sau khi lực lượng quân y rút quân, ông Nguyễn Hoài Nam thông tin, ngành Y tế TP đã có phương án giao lại cho các địa phương triển khai tùy tình hình thực tế. Các trạm y tế lưu động sẽ được giao cho các bệnh viện trên địa bàn bao gồm các bệnh viện công lập, bệnh viện ngoài công lập cũng như huy động các thầy thuốc ở các phòng mạch, phòng khám tư nhân tham gia các trạm y tế lưu động để đảm bảo đáp ứng nhu cầu khi cần thiết.

Đề nghị người dân thay đổi thói quen, thay đổi hành vi để thích ứng an toàn với dịch bệnh

Trả lời câu hỏi “Bao giờ Grapbike, quán bar, vũ trường, karaoke được hoạt động trở lại?”, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải nhấn mạnh nguyên tắc “Mở cửa phải an toàn – An toàn tới đâu mở cửa tới đó” và TPHCM thực hiện nghiêm nguyên tắc này.

Nhìn lại các con số trong những ngày gần đây, ông Phạm Đức Hải nhận định, số ca mắc mới dù có giảm so với tuần trước nhưng vẫn còn trên dưới 1.000 ca. Nếu tuần trước chỉ có 04 phường – xã – thị trấn ở cấp 3 trên kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh thì tuần này đã lên 13 phường – xã – thị trấn. Nếu tuần trước không có quận – huyện nào ở cấp độ 3 thì tuần này có huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Ngoài ra, số ca nhập viện nhiều hơn số ca xuất viện, đây cũng là một nguy cơ. Có thể nhận thấy, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM vẫn còn rất phức tạp.

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải nhấn mạnh nguyên tắc “Mở cửa phải an toàn – An toàn tới đâu mở cửa tới đó”
Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải nhấn mạnh nguyên tắc “Mở cửa phải an toàn – An toàn tới đâu mở cửa tới đó”

Từ đó, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải đề nghị người dân thực hiện nghiêm quy định 5K, nhất là khẩu trang, khoảng cách. Đồng thời, thay đổi thói quen, thay đổi hành vi để thích ứng an toàn với dịch bệnh. Đối với các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định của UBND TP về phòng chống dịch COVID-19, khi hoạt động phải tuân thủ theo Bộ tiêu chí an toàn.

“Hiện nay, TPHCM chưa có đủ cơ sở, điều kiện để cho các hoạt động nêu trên hoạt động trở lại”, ông Hải cho hay.

Vân Anh - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục