Thông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 12/5

18:51 12/05/2022

(HMC) - Chiều 12/5, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP những ngày qua. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Tham dự có Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Nguyễn Văn Lâm; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Kim Ngọc; Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Lê Thiện Quỳnh Như; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm; Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà; đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP; đại diện Văn phòng Thành ủy cùng các phóng viên, biên tập viên đến từ nhiều cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP. 

Toàn cảnh họp báo - Ảnh: Huyền Mai. 
Toàn cảnh họp báo - Ảnh: Huyền Mai. 

TPHCM đang chăm sóc, nuôi dưỡng gần 2.700 người cao tuổi

Thông tin về tình hình trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Nguyễn Văn Lâm cho biết, trên địa bàn hiện có 20 đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi, trong đó, có 8 cơ sở công lập (đang nuôi dưỡng 1.555 cụ) và 12 cơ sở ngoài công lập (đang nuôi dưỡng 1.138 cụ). Hiện TP đang chăm sóc, nuôi dưỡng 2.693 cụ, các đối tượng được chăm sóc đa phần là người lớn tuổi, neo đơn, người lang thang không rõ địa chỉ… 

Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Nguyễn Văn Lâm cho biết, trên địa bàn hiện có 20 đơn vị đang chăm sóc, nuôi dưỡng 2. 693 người cao tuổi - Ảnh: Huyền Mai.
Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Nguyễn Văn Lâm cho biết, trên địa bàn hiện có 20 đơn vị đang chăm sóc, nuôi dưỡng 2. 693 người cao tuổi - Ảnh: Huyền Mai.

TP chủ trương khuyến khích các đơn vị tham gia vào hệ thống chăm lo cho đối tượng người cao tuổi trên địa bàn. Theo đó, Sở đã tiếp nhận 3 hồ sơ gửi đến để xin phép thành lập cơ sở chăm sóc đối tượng này, hiện các hồ sơ đang được thẩm tra, có hướng dẫn phù hợp với quy định của pháp luật.

Mức chăm sóc người cao tuổi ở TPHCM là 1.970.000 đồng, cao hơn mức quy định (1.520.000 đồng). Ngoài ra, TP cũng huy động các nguồn lực xã hội khác để chăm lo cho đối tượng nêu trên.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết, ngày 22/4, UBND TP đã có ban hành Kế hoạch 1224 về tổ chức tháng hành đồng tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trong ngày. Theo đó, Sở này sẽ tiếp nhận và giải quyết trong ngày đối với hồ sơ cấp lại và gia hạn giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể là TPHCM.

Chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 mũi 4

Thông tin về kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 mũi 4, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như cho biết,ngày 11/5, Sở Y tế TPHCM đã có tờ trình 3088 gửi UBND TP về dự thảo Kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người dân trên địa bàn TP. 

Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như thông tin về kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 mũi 4 - Ảnh: Huyền Mai.
Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như thông tin về kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 mũi 4 - Ảnh: Huyền Mai.

Theo dự thảo Kế hoạch, có 3 nhóm người được tiêm mũi 4 sắp tới gồm:

- Người từ 50 tuổi trở lên với số lượng dự kiến là 1.874.121 người (số liệu do UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức cung cấp, cập nhật đến ngày 9/5).

- Người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng.

- Người thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 (cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu chống dịch, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp).

Về hình thức tiêm chủng, người lao động, làm việc tại đơn vị hoặc người đang điều trị nội trú tại đơn vị sẽ được tiêm tại bệnh viện, cơ sở tiêm chủng.

Bên cạnh đó, TP còn tổ chức tiêm tại điểm tiêm lưu động trên địa bàn theo quyết định của UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức. Với các trường hợp di chuyển khó khăn, không thể di chuyển đến các điểm tiêm sẽ được tiêm tại nhà.

Kế hoạch trên sẽ được triển khai ngay khi Bộ Y tế cung ứng vắc xin theo nguyên tắc đơn vị nào chuẩn bị sẵn sàng, đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Theo đại diện Sở Y tế, loại vắc xin được sử dụng tiêm mũi 4 là vắc xin mRNA (vắc xin do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất); vắc xin do AstraZeneca sản xuất; vắc xin cùng loại với mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3). Khoảng cách tiêm ít nhất là 4 tháng sau khi tiêm mũi nhắc lại lần 1. Đối với người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi nhắc lại lần 1, trì hoãn tiêm chủng 3 tháng kể từ ngày mắc COVID-19. 

Dịch sốt xuất huyết: Khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh

Thông tin tại họp báo, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM Nguyễn Hồng Tâm cho biết, về tình hình bệnh sốt xuất huyết, tính từ đầu năm 2022 đến nay (ngày 12/5), số ca mắc ở TPHCM là 7.129, tăng 17,7% so với cùng kì năm 2021. Trong đó, ghi nhận 158 ca nặng, tăng 532% so với cùng kì năm ngoái. 

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM Nguyễn Hồng Tâm khuyến cáo người dân nên phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh thường xuyên xung quanh nhà ở - Ảnh: Huyền Mai. 
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM Nguyễn Hồng Tâm khuyến cáo người dân nên phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh thường xuyên xung quanh nhà ở - Ảnh: Huyền Mai. 

Theo ông Tâm, đây là số liệu đáng báo động. Vì sốt xuất huyết là bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc đặc trị, do đó, hoạt động phòng, chống, diệt muỗi và diệt lăng quăng là quan trọng nhất. 

HCDC khuyến cáo, người dân nên phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh thường xuyên xung quanh nhà ở và tránh để lại ao tù nước đọng tại nơi sinh sống. Khi phát hiện người thân có biểu hiện sốt, mệt mỏi, đau cơ không rõ nguyên nhân, người nhà phải nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế. 

Về bệnh tay chân miệng, lãnh đạo HCDC cho biết, tính đến trưa nay 12/5, TPHCM ghi nhận 1.283 ca mắc, giảm 85% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó có 2 ca nặng, giảm 94,87% so với cùng kì năm 2021 và không có ca tử vong. Mặc dù số ca mắc không cao như năm ngoái nhưng TPHCM vẫn đang giám sát tình hình bệnh này tại các địa phương.

Tăng tốc độ xử lý các thủ tục hành chính cho người dân

Ghi nhận phản ánh của phóng viên về tình trạng người dân tập trung đông tại trụ sở các cơ quan công an quận Bình Tân, Gò Vấp và TP Thủ Đức, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng tham mưu, Công an TP cho biết, hiện Công an TP đang đang mở đợt cao điểm cấp CCCD cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 9 và lớp 12 để phục vụ kỳ thi chuyển cấp cũng như kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Bên cạnh đó, với những tiện ích của việc cấp CCCD gắn chip do Đề án 06 thực hiện, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính; tích hợp khám, chữa bệnh có sử dụng BHXH và thời gian tới có thể rút tiền tại Ngân hàng bằng CCCD. Theo đó, người dân có nhu cầu thay đổi CCCD cũng tăng cao. 

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng tham mưu, Công an TP thông tin tại họp báo - Ảnh: Huyền Mai.
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng tham mưu, Công an TP thông tin tại họp báo - Ảnh: Huyền Mai.

Một nhiệm vụ khác ở cấp quận, huyện TP đang thực hiện là cấp mã định danh điện tử cho công dân. Đối với các địa bàn có mật độ dân số cao như quận Bình Tân, quận Gò Vấp và TP Thủ Đức, nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính ở các địa phương này tương đối cao, do đó, có hiện tượng người dân tập trung đông. 

Về giải pháp, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho hay, thời gian tới, Bộ đang định hướng bố trí phương tiện, đưa nội dung cấp mã định danh điện tử về công an cấp xã, để người dân thuận tiện hơn trong việc xin cấp định danh điện phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính. Công an TP cũng chỉ đạo tăng ca để giải quyết các thủ tục cho người dân.

Đồng thời, Công an TP đã báo cáo Bộ Công an đề nghị phân bổ, cấp thêm trang thiết bị, nâng cấp đường truyền để tăng tốc độ xử lý các thủ tục cho người dân.

Linh Nhi - Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục