Thông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 12/9

20:01 12/09/2021

(HMC) – Chiều ngày 12/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 24 giờ qua. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Tham dự có Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Tống Văn Thanh; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm; đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh TP; đại diện lãnh đạo Công an TP; cùng phóng viên, biên tập viên của 29 cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Toàn cảnh họp báo chiều ngày 12/9. Ảnh: Khang Minh
Toàn cảnh họp báo chiều ngày 12/9. Ảnh: Khang Minh

1. Tinh hình y tế:

Tại cuộc họp, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ 00 ngày 11/9/2021, có 292.403 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, bao gồm 291.930 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 473 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 39.296 bệnh nhân, trong đó có 2.914 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.690 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 11/9, có 2.925 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 150.341), 200 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 11.992)

Tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 11/9/2021 là 7.774.789 mũi (tăng 239.191 mũi vắc xin so với ngày 10/09/2021) trong đó tổng số mũi 1 là 6.472.672, mũi 2 là 1.302.117, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 882.292.

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo. Ảnh: Khang Minh
Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo. Ảnh: Khang Minh

Về xét nghiệm, từ 18 giờ ngày 10/9/2021 đến 18 giờ 11/9/2021, TP đã lấy 475.886 mẫu, trong đó có 7.674 mẫu đơn và 9.334 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 402.819 mẫu.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm thông tin, qua đợt xét nghiệm diện rộng vừa qua cho thấy tỷ lệ phát hiện ca nhiễm mới qua các đợt xét nghiệm có giảm dần. Cụ thể, tính riêng kết quả xét nghiệm tại vùng đỏ, cam, trong đợt 1 tỷ lệ phát hiện ca nhiễm mới là 36%, đợt 2 là 27%, đợt 3 mới xét nghiệm được một nửa thì kết quả là 1,3%.

“Tỷ lệ phát hiện vùng xanh là 0,78%; vùng cận xanh là 1,27%, vùng vàng là 1,41%. Từ đó cho thấy việc phân vùng theo màu trước đây là khá chính xác, vùng nguy cơ thấp thì tỷ lệ phát hiện ca nhiễm mới rất ít và vùng nguy cơ cao thì phát hiện ra nhiều hơn”, ông Nguyễn Hồng Tâm nhận định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc các trường hợp tự xét nghiệm dương tính, tự điều trị khỏi bệnh tại nhà thì làm sao để được cấp giấy chứng nhận, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết những trường hợp này không có cơ sở để địa phương cấp giấy. Vì theo quy định, khi có kết quả test nhanh dương tính thì F0 phải báo cho y tế địa phương để ghi nhận và có các biện pháp hỗ trợ điều trị, khi khỏi bệnh mới có xác nhận.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu trả lời phóng viên về các nội dung liên quan đến y tế. Ảnh: Khang Minh
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu trả lời phóng viên về các nội dung liên quan đến y tế. Ảnh: Khang Minh

Đối với việc những người tiêm 2 mũi vắc xin rồi thì khi nhiễm COVID-19 có bị chuyển biến nặng dẫn đến tử vong hay không, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin, các loại vắc xin đều có tỷ lệ bảo vệ nhất định, không tuyệt đối được 100%, thường sẽ là 70-80%, nên còn lại 20-30% vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Riêng đối với biến chủng Delta thì hệ thống kháng thể của cơ thể không được bảo vệ hoàn toàn, dẫn đến việc nhiều người tiêm vắc xin đủ 2 mũi rồi vẫn mắc bệnh.

Thống kê trên thế giới cho thấy, với người đã tiêm đầy đủ 2 mũi thì 90% khi nhiễm bệnh sẽ được bảo vệ, không chuyển biến nặng, không cần thở oxy và không phải điều trị hồi sức tích cực. Tuy nhiên, còn 10% vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng, Đặc biệt với người trên 65 tuổi thì tỷ lệ bảo vệ khoảng 80-85%, do đó nguy cơ chuyển biến nặng cao hơn so với bình thường.

Liên quan đến thông tin hiện vẫn còn F1 cách ly tập trung, Phó Gíam đốc HCDC TPHCM Nguyễn Hồng Tâm lý giải, các F1 đang cách ly tập trung hiện nay gồm các nhóm đối tượng là người tiếp xúc gần với F0, các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh, các tổ bay gồm phi công và tiếp viên. Theo số liệu mới nhất, TP đang cách ly tập trung 2475 trường hợp.

Theo ông Tâm, việc F1 hay F0 cách ly tại nhà hay cách ly tập trung tùy thuộc vào điều kiện của từng trường hợp vầ đều có quy định rất rõ.

Về việc cấp thẻ xanh cho người từ nước ngoài trở về, Sở Y tế đang nghiên cứu phương án chuyển đổi dữ liệu quản lý trên hệ thống. Hiện tại, người nhập cảnh đã tiêm 2 mũi vắc xin có quy định 7 ngày cách ly tập trung và 7 ngày cách ly tại nhà, khi nhập cảnh các trường hợp đều được ngành y tế quản lý chặt chẽ.

2. Tình hình giap thông:

Về quản lý kiểm tra giấy đi đường, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP cho biết Công an TP ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp trên từng giai đoạn. Hiện đã có 116 thiết bị camera để quét mã QR được lắp đặt ở các điểm chốt trên địa bàn.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP

Theo thống kê từ ngày 6/9 đến ngày 11/9, tại 914 chốt trạm kiểm soát đã kiểm tra hơn 1,3 triệu lượt phương tiện các loại ô tô, xe khách, xe tải, xe máy, lập biên bản xử lý 3986 trường hợp với số tiền hơn 6,8 tỷ đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu là ra đường không có lý do chính đáng.

Đối với giải pháp trong thời gian tới, đại diện Công an TP cho biết sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm; Tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý khu dân cư. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, làm giả thẻ xanh.

Tại cuộc họp, Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin thêm về việc xử lý vi phạm. Theo đó, ngày 11/9, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam với Trần Vũ Hàn Minh Nhật (34 tuổi, tạm trú quận 4) và Võ Thành Phúc (51 tuổi, ngụ quận 7) về hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác. Các quyết định khởi tố, bắt tạm giam hai bị can đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.

3. Về an sinh:

Đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho biết, trong ngày 12/9/2021, Trung tâm an sinh tại các kho của MTTQ Thành phố đã tiếp nhận nhiều loại mặt hàng nhu yếu phẩm các loại như rau củ, nước vải, nước gạo, trứng, cá hộp, ... vv của tỉnh Kiên Giang và các doanh nghiệp, mạnh thường quân trị giá hơn 4,277,100,000đ. Các mặt hàng được phân phối đến các đơn vị:  Quận 4, 6, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Chánh, Bình Tân, Nhà Bè, Tân Bình; công ty Môi trường đô thị; UBND Phường 4 -Quận 8; Chung cư ehome 2; Xã Bình Hưng- huyện Bình Chánh; Quận đoàn Bình Thạnh, 25 bếp ăn từ thiện và các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị covid-19 trị giá 5,048,530,000 đồng.

Đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM thông tin về tình hình an sinh xã hội trong ngày. Ảnh: Khang Minh
Đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM thông tin về tình hình an sinh xã hội trong ngày. Ảnh: Khang Minh

Như vậy, lũy kế từ ngày 15/8 đến 12/09/2021, tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, thành phố Thủ Đức là 1.778.660 túi (ngày 12/9 không chuyển cho các đơn vị).

Đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho biết thêm, việc chăm lo an sinh cho người dân không chỉ dừng lại ở túi an sinh mà TP thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác.

4. Tình hình cung ứng hàng hóa:

Liên quan đến việc mở cửa trở lại chợ truyền thống, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương khẳng định TP cho biết chủ trương của TP là mở cửa theo lộ trình, an toàn đến đâu mở đến đó

Sắp tới, Thành phố đưa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại Chợ đầu mối Bình Điền vào hoạt động, trong đó có quy định và kiểm soát chặt chẽ người vào chợ phải có kết quả xét nghiệm âm tính.

Trước mắt, Sở sẽ làm việc với từng quận, huyện để nắm kế hoạch cụ thể và điều chỉnh kịp thời. Khi điều kiện phù hợp sẽ cho các chợ mở cửa trở lại.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương thông tin về việc chợ truyền thống mở cửa trở lại. Ảnh: Khang Minh
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương thông tin về việc chợ truyền thống mở cửa trở lại. Ảnh: Khang Minh

Về công tác “đi chợ hộ”, tổng nhu cầu đăng ký trong ngày 11/9 là 62.404 hộ, giảm 7,09% (tương đương giảm 4.760 hộ) so với ngày hôm trước. Có 17/22 địa bàn có nhu cầu giảm trong ngày, bao gồm thành phố Thủ Đức (giảm 386 hộ), quận 1 (giảm 28 hộ), quận 3 (giảm 23 hộ), quận 6 (giảm 187 hộ), quận 7 (giảm 84 hộ), quận 8 (giảm 1.122 hộ), quận 10 (giảm 10 hộ), quận 11 (giảm 145 hộ), quận 12 (giảm 273 hộ), quận Bình Thạnh (giảm 395 hộ), quận Bình Tân (giảm 114 hộ), quận Gò Vấp (giảm 759 hộ), quận Phú Nhuận (giảm 985 hộ), quận Tân Bình (giảm 214 hộ), huyện Bình Chánh (giảm 797 hộ), huyện Hóc Môn (giảm 331 hộ), huyện Nhà Bè (giảm 157 hộ).

Xu hướng giảm số hộ đăng ký từ ngày 06/9 trở lại đây phản ánh người dân đã được đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm thông qua những phương thức hỗ trợ khác nhau như: chính sách hỗ trợ an sinh của Thành phố, các hoạt động từ thiện, đặt giao hàng qua shipper, bán hàng lưu động,…

Theo kết quả thực hiện, có 63.359 hộ được cung ứng hàng hóa, tỷ lệ đạt 101,5% số hộ đăng ký. Tỷ lệ vượt 100% (nhưng có xu hướng giảm kể từ ngày 01/9 trở lại đây) chứng tỏ năng lực đáp ứng được tăng cường, nhưng đồng thời còn nhiều đơn hàng của các hộ dân chưa được giải quyết kịp thời, phải thực hiện trong các ngày tiếp theo.

5. Công tác tuyên truyền

Kết luận tại cuộc họp, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình đánh giá cao các vấn đề mà phóng viên đã nêu trong họp báo, trong đó có những vấn đề phản ánh bức tranh muôn màu của TP và có cả những câu hỏi đáng suy nghĩ.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Khang Minh
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Khang Minh

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về thống kê thiệt hại, tổn thất của TPHCM do dịch bệnh, ông Lê Hải Bình cho rằng, trên thế giới cũng chưa có một tổ chức nào hay quốc gia nào đánh giá được hết những thiệt hại, tác động mà COVID-19 gây ra cho nhân loại.

“Đại dịch COVID-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng về kinh tế mà còn cả vấn đề nhân đạo. Ước tính, có 200 triệu trẻ em không được đến trường tạm thời và vĩnh viễn ở Châu phi; Tổ chức tiền tệ thế giới và ngân hàng thế giới tạm tính thiệt hại trong 2 năm do COVID-19 là 10.300 tỷ USD, sụt giảm GDP vào khoàng 3%. Du lịch quốc tế thiệt hại 4000 tỷ USD… Đại dịch này đã gây thiệt hại to lớn cho nhân loại và các quốc gia”, ông Lê Hải Bình thông tin thêm.

Nhắc lại lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 sáng ngày 11/9: "Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch; một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe và tính mạng của người dân", ông Lê Hải Bình cho rằng hơn lúc nào hết, TPHCM muốn mở cửa an toàn thì phải nâng cao hơn nữa ý thức phòng dịch.

Đồng thời, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình bày tỏ: “Chính quyền TP đang đứng trước bài toán cân não, tôi mong những người làm báo bằng ngòi bút của mình giúp người dân hiểu, nhận thức sâu sắc, thông cảm đồng hành cùng Đảng bộ và chính quyền TP trong các quyết sách. Sứ mệnh của nhà báo là tạo sự đồng thuận, đồng cảm, đồng hành của người dân với chính quyền TP”

Khang Minh

Tin cùng chuyên mục