Thông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 13/12

19:16 13/12/2021

(HMC) - Chiều ngày 13/12, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP trong những ngày qua. Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Tham dự có Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Lâm; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Dương Trí Dũng; Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nguyễn Hồng Tâm; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; đại diện Bộ Tư lệnh TP; đại diện Công an TP; Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng; cùng các phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 trong ngày đầu tiên học sinh quay lại trường học

Một trong những nội dung được quan tâm tại buổi họp báo liên quan đến ngày đầu tiên học sinh lớp 9 và lớp 12 trên địa bàn TPHCM trở lại trường học. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Dương Trí Dũng thông tin, ngày 13/12, TPHCM đã triển khai cho các em lớp 9, lớp 12 đến trường học trực tiếp (trừ huyện Củ Chi).

Thống kê cho thấy, tại các trường THCS, THPT, số học sinh lớp 9 đi học trở lại chiếm 90,69% (trên tổng số 80.927 học sinh), lớp 12 đạt 93,65% (trên tổng số 60.566 học sinh).

Đối với Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, tỷ lệ học sinh lớp 9 đến trường là 73,6%, lớp 12 chiếm 91,17%.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Dương Trí Dũng cho hay, đến thời điểm này, TPHCM chưa phát hiện ca nhiễm COVID-19 ghi nhận tại đơn vị trường học. Ảnh: Linh Nhi
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Dương Trí Dũng cho hay, đến thời điểm này, TPHCM chưa phát hiện ca nhiễm COVID-19 ghi nhận tại đơn vị trường học. Ảnh: Linh Nhi

Về phương án ứng phó khi xuất hiện F0 trong trường học, ông Dương Trí Dũng cho hay, từ hướng dẫn của ngành Giáo dục và ngành Y tế, các đơn vị đã xây dựng các phương án xử lý theo từng tình huống cụ thể, trong đó có việc tầm soát đối với F0 và F1. Hiện tại, Sở Giáo dục - Đào tạo đã có văn bản gửi UBND TP, đề nghị cấp các bộ xét nghiệm nhanh cho y tế quận, huyện để hỗ trợ xét nghiệm đối với F1 tại trường học.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, cũng trong sáng nay (ngày 13/12), 5 đoàn kiểm tra thuộc ngành Giáo dục và Y tế đã đến đánh giá công tác phòng chống dịch tại các trường học trên địa bàn quận 3, quận 4, quận 5, quận 10 và quận Gò Vấp. Đồng thời, các phòng chuyên môn của Sở cũng tổ chức đoàn kiểm tra an toàn phòng chống dịch COVID-19 ở các địa phương còn lại. Kết quả kiểm tra cho thấy, công tác tổ chức học trực tiếp được các trường thực hiện an toàn, nghiêm túc, theo phương án đã được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương phê duyệt trước đó.

“Đến thời điểm này, TPHCM chưa phát hiện ca nhiễm COVID-19 ghi nhận tại đơn vị trường học”, ông Dũng nói.

Việc tham gia phòng chống dịch của các nhà thuốc tư nhân dựa trên sự đồng thuận và tự nguyện

Đối với kế hoạch huy động nhà thuốc tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, TPHCM hiện có hơn 6.500 nhà thuốc, thường phân bố tại các khu vực đông dân cư như gần chợ, khu công nghiệp.... Việc kêu gọi và huy động mạng lưới các nhà thuốc tư nhân có ý nghĩa thiết thực và cần thiết để tăng thêm nguồn lực trong giai đoạn hiện nay.

Vì vậy, ngày 13/12/2021, Sở Y tế đã có công văn số 9297/SYT-NVD gửi hệ thống các nhà thuốc tư nhân trên địa bàn TP. Theo đó, Sở Y tế đề nghị các nhà thuốc trên địa bàn TP sẵn sàng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, cung ứng đầy đủ và đúng theo quy định các vật dụng và thuốc cần thiết cho công tác chăm sóc sức khỏe người mắc COVID-19 tại nhà; Đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp kèm theo thông tin về thuốc, tư vấn và theo dõi cho người sử dụng.

Đồng thời, mỗi nhà thuốc phải là một điểm truyền thông, tư vấn và hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho người F0. Khi phát hiện người bệnh có các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở... nhà thuốc hướng dẫn người bệnh khai báo y tế điện tử và liên hệ với y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn.

Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, TPHCM hiện có hơn 6.500 nhà thuốc, thường phân bố tại các khu vực đông dân cư như gần chợ, khu công nghiệp.... Ảnh: Linh Nhi
Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, TPHCM hiện có hơn 6.500 nhà thuốc, thường phân bố tại các khu vực đông dân cư như gần chợ, khu công nghiệp.... Ảnh: Linh Nhi

Bên cạnh đó, nhà thuốc sẽ là cầu nối giữa người F0 với các trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc COVID-19 tại cộng đồng. Tùy theo nhu cầu thực tế tại từng địa phương, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận - huyện, TP Thủ Đức lựa chọn các nhà thuốc để cùng tham gia quản lý và cấp phát thuốc điều trị F0 tại nhà.

“Việc huy động các nhà thuốc tư nhân tham gia công tác chăm sóc F0 tại nhà, xuất phát từ thực tiễn nhu cầu người dân về việc chăm sóc sức khỏe. Cạnh đó, tại thời điểm này, TP đẩy mạnh chiến dịch chăm sóc sức khỏe đối tượng thuộc nhóm nguy cơ nên cần rất nhiều nguồn lực… Sự tham gia của các nhà thuốc tư nhân hoàn toàn dựa trên sự đồng thuận và tự nguyện.” - Chánh Văn phòng Sở Y tế thông tin thêm.

Tăng cường quản lý và hướng dẫn xử lý chất thải y tế của F0 tại nhà

Trao đổi với báo chí về vấn đề xử lý rác thải y tế của F0 tại nhà, Chánh Văn phòng Sở Y tế cũng cho hay, Sở đã ban hành văn bản số 9029 ngày 3/12/2021 về tăng cường quản lý chất thải của F0 tại nhà. Theo tinh thần văn bản này, các đơn vị y tế cơ sở và UBND quận - huyện, phường - xã - thị trấn phải nắm chắc số lượng F0 trên địa bàn; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để có phương án xử lý chất thải y tế; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP và các Trạm y tế địa phương hướng dẫn F0 tại nhà phân loại, xử lý chất  thải y tế đảm bảo an toàn, đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nguồn ảnh: TTXVN
Nguồn ảnh: TTXVN

Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong vì COVID-19

Về “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”, theo Chánh Văn phòng Sở Y tế, chiến dịch này được Chính phủ và Bộ Y tế đánh giá cao. Đây là chiến lược có ý nghĩa quan trọng với 6 hoạt động chính. “Việc ngăn ngừa và phát hiện sớm những người thuộc nhóm nguy cơ bị nhiễm COVID-19 để kịp thời điều trị đặc hiệu với thuốc kháng virus và theo dõi sức khỏe, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay” - bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nhấn mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Hà Nội Mới
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Hà Nội Mới

Trong đó, việc đầu tiên là cập nhật danh sách. Đến thời điểm này, các các đơn vị, địa phương đang tích cực rà soát và lập danh sách các đối tượng nguy cơ trên địa bàn (gồm: người trên 65 tuổi, người có bệnh nền).

Sau khi có danh sách chính xác, TP sẽ triển khai xét nghiệm tầm soát để phát hiện F0 đối với nhóm nguy cơ và can thiệp phương án điều trị, chăm sóc phù hợp. Cùng với đó, trạm y tế cố định và lưu động sẽ hỗ trợ tích cực, kịp thời để giảm thiểu các ca chuyển nặng và tử vong.

Người dân chưa được tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều cần liên hệ địa phương để được tiêm chủng sớm nhất

Trước phản ánh nhiều trạm y tế yêu cầu F0 (test nhanh tại nhà cho kết quả dương tính) di chuyển ra phường khai báo, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm khẳng định, người dân tự xét nghiệm ra kết quả dương tính phải ở yên tại nhà và gọi điện cho trạm y tế phường. Trong 24 giờ, trạm y tế có nhiệm vụ tiếp cận với bệnh nhân để kiểm tra lại tình trạng. Nếu người dân là F0, trạm y tế sẽ đánh giá điều kiện khu vực để cách ly tại nhà, phát ngay gói thuốc theo quy định.

Trường hợp địa phương nào yêu cầu người dân ra phường khai báo, đề nghị người dân và các cơ quan báo chí thông tin đến HCDC hoặc Sở Y tế để chấn chỉnh kịp thời.

Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh, trường hợp địa phương nào yêu cầu F0 ra phường khai báo, đề nghị người dân và các cơ quan báo chí thông tin đến HCDC hoặc Sở Y tế để chấn chỉnh kịp thời. Ảnh: Linh Nhi
Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh, trường hợp địa phương nào yêu cầu F0 ra phường khai báo, đề nghị người dân và các cơ quan báo chí thông tin đến HCDC hoặc Sở Y tế để chấn chỉnh kịp thời. Ảnh: Linh Nhi

Đối với công tác tiêm vắc xin cho người lao động quay lại TPHCM, theo lãnh đạo HCDC, tình hình di biến động của TP lớn và phức tạp, vì vậy TP đang thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, kết hợp với chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ để rà soát lại thông tin tiêm chủng. Về phía người dân, những ai chưa tiêm vắc xin (hoặc tiêm chưa đủ mũi) cần báo với chính quyền địa phương (hoặc doanh nghiệp nơi làm việc) để được tổ chức tiêm chủng sớm nhất. Riêng các trường hợp bị hoãn tiêm, khi đến thời hạn có thể liên hệ với địa phương, tổ dân phố và trạm y tế.

Thông tin về chiến dịch tiêm vắc xin mũi bổ sung, mũi nhắc lại, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cho biết, sau 3 ngày thực hiện (từ 10/12-12/12), TP đã tiêm 4.448 mũi bổ sung, 7.370 mũi nhắc lại cho các đối tượng được yêu cầu.

Xử phạt hơn 87.000 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông

Tại họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an TP) thông tin, trong tất cả các chỉ đạo của Công an TP đều quán triệt Công an các quận - huyện, TP Thủ Đức tiếp tục duy trì tốt công tác tuần tra, kiểm soát lưu động vừa đảm bảo an ninh trật tự vừa phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thống kê từ ngày 1/10/2021 đến nay, Công an TP đã tổ chức trên 126 lượt tuần tra, kiểm soát, xử lý hơn 87.000 trường hợp vi phạm Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tổng mức xử phạt lên tới hơn 100 tỷ đồng.

Đồng thời, nhắc nhở, xử lý 251 trường hợp vi phạm Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó chủ yếu là lỗi ra đường không đeo khẩu trang.

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an TP) cho biết, lực lượng Công an tiếp tục duy trì tốt công tác tuần tra, kiểm soát lưu động. Ảnh: Linh Nhi 
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an TP) cho biết, lực lượng Công an tiếp tục duy trì tốt công tác tuần tra, kiểm soát lưu động. Ảnh: Linh Nhi 

Gần đây, Công an TP cũng chỉ đạo công an các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp bán hàng rong không đúng nơi quy định nhằm kiểm soát không để xảy ra tình trạng chợ tự phát trên địa bàn. Sau một tuần ra quân, từ ngày 8/12 đến nay, lực lượng chức năng đã nhắc nhắc nhở 181 trường hợp và xử phạt hành chính 57 trường hợp bán hàng rong không đúng nơi quy định.

TP Thủ Đức thành lập 202 tổ y tế khu phố để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân

Thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, hiện địa bàn được đánh giá cấp độ 2, trong đó 12/34 phường cấp độ 1 và 22/34 phường cấp độ 2. Địa phương đang thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND TPHCM và hướng dẫn về chuyên môn của Sở Y tế TP.

Trong đó, ngoài việc duy trì hoạt động của các trạm y tế phường và trạm y tế lưu động, TP Thủ Đức cũng đã triển khai trên 202 tổ y tế khu phố, đây là một điểm mới và nhận được sự ủng hộ cao của Sở Y tế TP. Khi chia nhỏ theo khu phố, việc đáp ứng nhu cầu của người dân và quản lý, chăm sóc F0 trên địa bàn cũng được thực hiện nhanh chóng, kịp thời hơn.

Đồng thời, các tổ y tế khu phố cũng phối hợp với tổ COVID cộng đồng để chăm lo về an sinh xã hội đối với những trường hợp F0 cần sự hỗ trợ về lương thực, thực phẩm… Thành phần tham gia hoạt động này là quân sự địa phương, Hội Chữ Thập Đỏ, Đoàn Thanh Niên… đặc biệt, có sự tăng cường nhân lực y tế từ các bệnh viện trên địa bàn TP Thủ Đức.

“Mô hình này đã được ban hành quy chế hoạt động kèm theo chức năng, nhiệm vụ và hiện nay đang hoạt động hết sức hiệu quả. Đối với lực lượng tình nguyện sẽ được chi hỗ trợ theo Nghị quyết 12/2021/NQ-HĐND về chính sách đặc thù hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch COVID-19”- ông Hoàng Tùng chia sẻ.

Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cung cấp thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Linh Nhi
Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cung cấp thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Linh Nhi

Bên cạnh đó, TP Thủ Đức đã và đang tiến hành chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao, theo thống kê, có hơn 60.000 thuộc nhóm này. Theo đó, triển khai tiêm mũi bổ sung cho các đối tượng này và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trong thời gian sắp tới.

Ngoài ra, TP Thủ Đức cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân về sự cần thiết của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19. Lấy ví dụ về con số tử vong trên địa bàn trong thời gian vừa qua, ông Tùng cho hay, trên 60% ca tử vong là những trường hợp chưa tiêm vắc xin, trong đó có cả trường hợp có bệnh lý nền và không có bệnh lý nền. Do đó, đại diện lãnh đạo UBND TP Thủ Đức đánh giá, nếu không tiêm vắc xin, người dân sẽ gặp nguy hiểm, việc tiêm vắc xin sẽ có khả năng bảo vệ sức khỏe bản thân tốt hơn nếu chẳng may nhiễm COVID-19.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức đề nghị người dân TP Thủ Đức nói riêng và người dân TPHCM nói chung hãy tiêm vắc xin để bảo vệ sức khỏe của chính mình. Hiện, trên địa bàn TP Thủ Đức vẫn duy trì hoạt động 22 điểm tiêm vắc xin. Đối với trường hợp chưa có điều kiện đi đến trạm y tế, TP sẽ hỗ trợ người dân tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại nhà.

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Ảnh Linh Nhi
Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Ảnh Linh Nhi

Về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn những ngày qua, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho hay, tính đến 18 giờ ngày 12/12/2021, có 487.889 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 487.300 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 589 trường hợp nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 12.150 bệnh nhân (BN), trong đó: có 388 trẻ em dưới 16 tuổi, 488 BN nặng đang thở máy, 15 BN can thiệp ECMO. Trong ngày 12/12: có 920 BN nhập viện, 1.028 BN xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 292.500), 75 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 18.997 người).

Về tiêm chủng, đến ngày 12/12/2021, đã có 7.943.198 mũi 1 và 6.872.669 mũi 2 được tiêm cho người dân TPHCM.

Vân Anh - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục