Thông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 14/2

Vân Anh - Huyền Mai - Linh Nhi 14/02/2022 19:18

(HMC) - Chiều ngày 14/2, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP trong những ngày qua. Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Tham dự có Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Lâm; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai; Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm; đại diện UBMTTQ Việt Nam TP; đại diện Công an TP; đại diện Bộ Tư lệnh TP; đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP; đại diện Cục quản lý thị trường; đại diện Thành Đoàn TP; cùng các phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Linh Nhi

03 quận huyện chưa hoàn tất việc chi trả gói hỗ trợ đợt 3

Thông tin về tiến độ cho trả gói hỗ trợ thứ 3 của TP, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm cho biết, tính đến nay, TPHCM còn 924.098 người đủ điều kiện ở 3 quận- huyện: Củ Chi, Bình Tân, Bình Chánh chưa nhận được tiền hỗ trợ đợt 3. Lý do là các địa phương này có địa bàn rộng, dân số đông, biến động dân cư cao nên công tác chi trả gặp nhiều khó khăn.

Sở LĐ-TB&XH đã tổng hợp và có văn bản gửi Sở Tài chính để kiến nghị UBND TP bổ sung kinh phí cho các quận - huyện này để hoàn tất công tác chi trả hỗ trợ trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâmthông tin về tiến độ cho trả gói hỗ trợ thứ 3 của TP. Ảnh: Linh Nhi

Xử lý nghiêm các cửa hàng xăng dầu vi phạm quy định

Liên quan đến tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TPHCM trong 7 ngày qua, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Nguyễn Nguyên Phương cho hay, ngày 11/2, Liên Bộ Công thương - Tài chính vừa công bố điều chỉnh tăng mạnh giá xăng dầu sau hơn 20 ngày không điều chỉnh.

Qua theo dõi tình hình, nhận thấy có một số khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Sở Công Thương đã có văn bản gửi 15 đầu mối kinh doanh xuất-nhập khẩu, yêu cầu báo cáo tình hình nhập khẩu xăng dầu trong các tháng tới đây. Đồng thời, gửi văn bản khẩn đến các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, yêu cầu báo cáo ngay nếu doanh nghiệp gặp khó khăn trong cung ứng, phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng hoặc gặp đứt gãy, gián đoạn về nguồn cung. Trường hợp không báo cáo nếu bị đoàn thanh tra, kiểm tra phát hiện thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Nguyễn Nguyên Phương cho hay Sở đang phối hợp với Cục quản lý thị trường để giám sát, kiểm tra, các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Ảnh: Linh Nhi

Ngoài ra, Sở cũng đang phối hợp với Cục quản lý thị trường để giám sát, kiểm tra, các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Đoàn đã kiểm tra được 6 cửa hàng, ghi nhận 1 đơn vị đóng cửa do hết xăng dầu, các cửa hàng khác chủ yếu hết xăng RON - 95 hoặc gặp tình trạng hết xăng còn dầu. Nhìn chung, qua kiểm tra nhận thấy, các cửa hàng đều có các giấy tờ yêu cầu cung ứng xăng dầu theo quy định.

“Bất cứ cửa hàng xăng dầu nào trên địa bàn có dấu hiệu kinh doanh không đúng quy định, sẽ bị xử lý nghiêm, kịp thời. TP cũng sẽ có kiến nghị với Bộ Công Thương, Chính phủ xem xét điều chỉnh việc tăng giá xăng dầu phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh” - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP nhấn mạnh.

Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường TP Nguyễn Tiến Đạt kêu gọi người dân nếu có thông tin liên quan đến việc thiếu hụt xăng dầu hoặc phát hiện cơ sở kinh doanh vi phạm thì thông tin ngay cho cơ quan chức năng. Ảnh: Linh Nhi

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường TP kêu gọi người dân nếu có thông tin liên quan đến việc thiếu hụt xăng dầu hoặc phát hiện cơ sở kinh doanh vi phạm thì thông tin ngay cho Cục quản lý thị trường TP hoặc Sở Công Thương TP. Phản ánh sẽ được 2 đơn vị xác minh, làm rõ, xử lý vi phạm, răn đe (nếu có). Từ đó, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, tránh gây xáo trộn trong kinh doanh, đảm bảo niềm tin của người dân đối với công tác quản lý việc kinh doanh xăng dầu của nhà nước.

Hỗ trợ hơn 4.000 lượt tân sinh viên đến TPHCM

Trao đổi tại họp báo về công tác hỗ trợ sinh viên (SV) trở lại trường học, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Việt Nam TPHCM Ông Thị Ngọc Linh thông tin, để hỗ trợ tân sinh viên từ các tỉnh, thành đến TPHCM học tập, đội hình gồm 200 tình nguyện viên là sinh viên các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng trên địa bàn TP, đã, đang và sẽ có mặt ở Bến xe miền Đông (Số 292 Đinh Bộ Lĩnh, Phường 26, quận Bình Thạnh) và Bến xe miền Tây (Số 395 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân) để tham gia hỗ trợ tân sinh viên với các nội dung như: hướng dẫn các tuyến xe buýt di chuyển về các trường; tư vấn, hỗ trợ giới thiệu nhà trọ, việc làm thêm... Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 13/02 đến ngày 20/02/2022.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Việt Nam TPHCM Ông Thị Ngọc Linh cho biết, Chương trình hỗ trợ tân sinh viên sẽ diễn ra từ ngày 13/02 đến ngày 20/02/2022. Ảnh: Linh Nhi

Bên cạnh đó, Thành đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam TP cũng đẩy mạnh các trang tin điện tử hỗ trợ sinh viên quay trở lại học tập trực tiếp (sac.vn, hoisinhvientphcm.vn, các trang cộng đồng) với các nhóm nội dung: hỗ trợ giới thiệu nhà trọ uy tín cho sinh viên; giới thiệu các việc làm, các thông tin tuyển dụng phù hợp với sinh viên; tuyên truyền các thông tin cảnh báo; thực hiện các chuỗi nói chuyện chuyên đề trực tuyến chăm sóc sức khỏe cho sinh viên hậu COVID.

Đồng thời, kết nối Ban quản lý các Ký túc xá trên địa bàn hỗ trợ tân sinh viên đăng ký, sắp xếp vào lưu trú. Thành đoàn cũng khảo sát tình hình sinh viên khó khăn, chuẩn bị nguồn lực để trao học bổng đồng hành.

Thống kê sơ bộ, trong ngày ra quân đầu tiên 13/2, các đội tình nguyện đã hỗ trợ hơn 4.000 lượt SV đến TP học, thuê trọ…

Gần 96% học sinh tiểu học trở lại trường

Một trong những vấn đề được quan tâm tại họp báo là ngày đầu tiên trẻ mẫu giáo và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trở lại. Thông tin về tình hình này, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT) Trịnh Duy Trọng cho biết, hôm nay (14/2) có 151.335/288.262 trẻ mẫu giáo đến trường đạt tỉ lệ 66,33%; l 670.366/698.356 học sinh tiểu học, đạt 95,99%; 89.818/94.903 học sinh lớp 6, đạt tỉ lệ 94,64%.

Trong tuần đầu đi học trở lại, khối mầm non không tổ chức ăn sáng, bảo mẫu, giáo viên tập trung đón trẻ từ đầu buổi học và có tầm soát (sát khuẩn, đo thân nhiệt...), phối hợp với phụ huynh học sinh để có sự chăm sóc phù hợp.

Ở bậc tiểu học, nhiều cơ sở giáo dục đã tổ chức dạy học chương trình học kỳ II cùng với hoạt động bán trú để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, cũng còn một số cơ sở chưa tổ chức lại hoạt động này do chưa đáp ứng điều kiện về quy định phòng chống dịch cũng như cơ sở vật chất.

Theo Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT) Trịnh Duy Trọng, các trường đã thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, luôn cảnh giác, ứng xử kịp thời khi có tình huống xảy ra. Ảnh: Linh Nhi

Theo đại diện Sở GD&ĐT, các trường tổ chức nhiều phương án đón học sinh, phân chia buổi học, thời gian đến trường và ra về cho từng khối lớp để đảm bảo giãn cách học sinh. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, luôn cảnh giác, ứng xử kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Về các khoản thu phục vụ cho học tập, các hoạt động của học sinh, Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản số 344 ngày 11/2/2022, trong đó, hướng dẫn thu học phí và các khoản thu khác khi học sinh học trực tiếp trở lại, đảm bảo thực hiện theo nguyên tắc thu theo tháng thực học.

Liên quan đến tình hình ngày đầu tiên học sinh đến trường, TP ghi nhận 1 trường hợp F0 tại khối mầm non, 1 F0 tại khối tiểu học và 1 F0 tại khối lớp 6. Ba trường hợp trên đều được y tế địa phương xử lý theo quy định, tất cả F1 đều được xét nghiệm và có kết quả âm tính.

Người chưa tiêm đủ liều vắc xin, cách ly tại nhà 7 ngày khi nhập cảnh vào Việt Nam

Trao đổi về quy trình giám sát phòng chống dịch đối với người nhập cảnh tại TPHCM, nhất là trước thông tin Việt Nam sẽ mở lại các chuyến bay quốc tế và không hạn chế tần suất, Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm cho hay, trước khi vào Việt Nam, người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 có giá trị 72 giờ tính đến thời điểm nhập cảnh. Đồng thời, thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh và khai báo y tế trên phần mềm PC COVID sau khi nhập cảnh.

Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm cho hay, trước khi vào Việt Nam, người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 có giá trị 72 giờ tính đến thời điểm nhập cảnh. Ảnh: Linh Nhi

Với những người đã tiêm đủ mũi vắc xin theo quy định hoặc vừa khỏi COVID-19 trong vòng 06 tháng được phép tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 03 ngày. Đến ngày thứ 3 y tế địa phương sẽ tới lấy mẫu xét nghiệm. Nếu âm tính, theo dõi thêm nửa ngày.

Những người tiêm chưa đủ mũi vắc xin theo quy định, thực hiện cách ly tại nhà 07 ngày nếu đủ điều kiện, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7 và tự theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 07 ngày.

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải thông tin về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TPHCM những ngày qua. Ảnh: Linh Nhi

Tính đến 18 giờ ngày 09/2/2022, có 516.801 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 515.892 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 909 trường hợp nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 739 bệnh nhân (BN), trong đó: có 38 trẻ em dưới 16 tuổi, 72BN nặng đang thở máy, 12 BN can thiệp ECMO. Trong ngày 13/2: có 90 BN nhập viện, 86 BN xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 317.800), 01 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 20.399 người).

Về tiêm vắc xin phòng COVID-19, đến ngày 13/2/2022, đã có 8.107.716 mũi 1, 7.300.956 mũi 2, 663.223 mũi bổ sung và 3.943.919 mũi nhắc lại được tiêm cho người dân TPHCM.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 14/2
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO