Thông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 14/3

20:12 14/03/2022

(HMC) - Chiều ngày 14/3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP những ngày qua. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương chủ trì họp báo.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Linh Nhi
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Linh Nhi

Tham dự có Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Lâm; Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hòa An; Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm; đại diện Bộ Tư lệnh TP; đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP; đại diện Văn phòng Thành uỷ cùng các phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP. 

Tính đến 18 giờ 00 ngày 13/3/2022, có 569.769 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 568.813  trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 956 trường hợp nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 5.666 bệnh nhân, trong đó: có 407 trẻ em dưới 16 tuổi, 88 bệnh nhân nặng đang thở máy, 03 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 13/3: 577 bệnh nhân nhập viện, 541 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 328.144), 03 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 20.435).

Về tiêm vắc xin phòng COVID-19, đã có 8.121.632 mũi 1, 7.356.181 mũi 2, 677.925 mũi bổ sung và 4.168.285 mũi nhắc lại được tiêm cho người dân TPHCM.

Mục tiêu phấn đấu vượt qua đỉnh dịch trong 2 tuần: Công tác kiểm soát dịch của các địa phương có hiệu quả, đúng hướng

Thông tin về số trẻ mắc COVID-19 tăng trong thời gian học sinh đi học trực tiếp trở lại, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, tuần từ ngày 7-13/2 ghi nhận có 449 trẻ; tuần 14-21/2 có 6.799 trẻ; tuần 22-28/2 có 18.522 trẻ và tuần 1-7/3 có 34.202 trẻ mắc COVID-19.

Sở Y tế và Sở Giáo dục cũng đã họp, triển khai các hoạt động như hướng dẫn xử lý F0, có các kịch bản đáp ứng tuỳ theo điều kiện tình hình. Số trẻ mắc COVID-19 diễn tiến nặng thời gian qua không nhiều nhưng Sở đã chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc sẵn sàng thu dung điều trị trẻ mắc COVID-19.

Đồng thời, để chủ động ứng phó với tình huống số mắc ở trẻ em tăng cao, mới đây, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện gồm Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TPHCM tăng số giường điều trị tại khoa COVID-19 lên tối thiểu 300 giường (trong đó có 50 giường hồi sức); đảm bảo công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn, các bệnh viện nhi tiếp tục tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và điều trị trẻ em mắc COVID-19 theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em của Bộ Y tế cho các bệnh viện theo cụm điều trị đã được phân công. 

Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai. Ảnh: Linh Nhi
Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai. Ảnh: Linh Nhi

Về mục tiêu phấn đấu vượt qua đỉnh dịch được đặt ra vào đầu tháng 3, Chánh văn phòng Sở Y tế TP cho biết, qua báo cáo ngày 9/3, số ca mắc của TP đang có xu hướng giảm liên tục, TP vẫn ghi nhận thêm các trường hợp nhập viện ở các tầng nhưng không tăng đột biến, số ca nặng và tử vong dù có tăng nhẹ nhưng vẫn đang ở mức thấp so với đợt đỉnh dịch vào tháng 8,9/2021. “Như vậy, việc kiểm soát dịch của các phường, xã, thị trấn có hiệu quả, chương trình hành động đi đúng hướng”, Chánh Văn phòng Sở Y tế nhận định.

Về việc đạt miễn dịch cộng đồng, “với 500.000 ca nhiễm tại một thành phố hơn 10 triệu dân và tốc độ bao phủ vắc xin như hiện nay, TPHCM vẫn cố gắng để đạt miễn dịch cộng đồng. Nhưng để đánh giá đạt hay chưa đạt miễn dịch cộng đồng nên để cơ quan dịch tễ khẳng định, bà Mai nói.

Tuy nhiên, đại diện Sở Y tế cũng khuyến cáo, hiện TP vẫn còn một số lượng không nhỏ chưa được tiêm vắc xin như trẻ 5-11 tuổi (dự kiến chuẩn bị tiêm) và trẻ từ 0-5 tuổi chưa có kế hoạch tiêm, do vậy nhiệm vụ của người lớn là thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế để tránh lây nhiễm trong cộng đồng và bảo vệ các đối tượng này.

F1 tại doanh nghiệp có độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 từ 80% trở lên sẽ được đi làm ngay

Thông tin thêm về hướng dẫn mới được ban hành chiều nay (14/3) về việc quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19 của Bộ Y tế, Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm khẳng định, đội ngũ chuyên viên của đơn vị đang phân tích, tham mưu, các phương án sẽ được điều chỉnh lại. Chắc chắn TPHCM sẽ điều chỉnh lại một số quy định cho phù hợp.

Tính đến thời điểm hiện tại, TPHCM đã có một số quy định về quản lý F1 thoáng hơn so với thời gian trước đây. Cụ thể, các F1 tại doanh nghiệp có độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 từ 80% trở lên sẽ được đi làm ngay, phải thực hiện xét nghiệm vào ngày 3 và ngày 7.

Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm. Ảnh: Linh Nhi
Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm. Ảnh: Linh Nhi

Theo đại diện HCDC, gần như tất cả doanh nghiệp tại TPHCM, tỷ lệ tiêm vắc xin đạt trên 85%. Do đó, hầu hết người lao động là F1 trên địa bàn đã có thể đi làm ngay. Tất nhiên, các đối tượng phải tuân thủ nghiêm các biện pháp theo quy tắc 5K, đặc biệt là khẩu trang, khử khuẩn.

Đối với cơ sở có tỷ lệ tiêm chủng dưới 80%, người lao động chưa tiêm đủ mũi vắc xin COVID-19 cần cách ly theo quy định. Tuy nhiên, người lao động đã tiêm vắc xin sẽ được cho đi làm ngay.

Tính đến thời điểm hiện tại, người lao động là F0 trên địa bàn vẫn cần tuân thủ tuyệt đối quy định của Bộ Y tế về việc cách ly 7 ngày hoặc 14 ngày đối với trường hợp chưa tiêm đủ số mũi vắc xin phòng COVID-19.

Thông tin về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2022, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Tấn Minh cho biết, theo dự thảo trình UBND TP phê duyệt, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 24, 25/6 và cơ bản giữ nguyên các môn thi như trước. 

Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Tấn Minh.Ảnh: Linh Nhi
Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Tấn Minh.Ảnh: Linh Nhi

Về công tác phòng, chống dịch, rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm 2021, Sở đang xây dựng nhiều phương án đối phó với các trường hợp có thể xảy ra. Với các thí sinh là F0, đang cách ly y tế, Sở sẽ căn cứ quy định y tế tại thời điểm đó để trình UBND TP các tiêu chuẩn để đánh giá, xét tuyển.

Dự trữ cung ứng xăng dầu hoàn toàn được đảm bảo

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương, việc giá xăng dầu thế giới tăng cao, vượt xa so với dự báo, đã tác động đến nguồn cung ứng. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ nhu cầu trong nước, cuối tháng 2/2022, ngành Công Thương đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu.

Tại Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, mặc dù có thời điểm phải tạm ngưng hoạt động nhưng đến nay, công suất đã được khôi phục 80-85%. Dự kiến cuối tháng 3, đầu tháng 4/2022, nhà máy sẽ đạt 100% công suất. Do đó, việc thiếu cục bộ phụ thuộc vào năng lực tiếp nhận cung ứng của các nhà phân phối cụ thể. 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương.Ảnh: Linh Nhi
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương.Ảnh: Linh Nhi

“Chúng tôi khẳng định việc dự trữ cung ứng xăng dầu hoàn toàn được đảm bảo. Sở Công Thương đã có kế hoạch làm việc với Sở Giao thông Vận tải để có phương án hỗ trợ lưu thông trong giờ cao điểm với xe chở xăng dầu của một số doanh nghiệp lớn”, ông Nguyễn Nguyên Phương trả lời báo chí.

Lãnh đạo Sở Công Thương cũng cho biết, trước tình trạng giá xăng dầu thế giới tăng cao, giá cả tại Việt Nam nhìn chung vẫn tăng nhưng ở mức thấp. Đó là do có sự can thiệp của quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Liên quan đến tình hình giá cả các mặt hàng khác, Sở Công Thương nhận định, sự tác động của nhiều yếu tố đã dẫn tới áp lực tăng giá hàng hoá. Tuy nhiên, qua theo dõi, Sở nhận thấy, giá cả tại các hệ thống phân phối hiện đại tương đối ổn định, thống nhất như nhau.

Hiện tại, các hệ thống đang rà soát, kiểm tra các yếu tố, các đề xuất tăng giá hợp lý từ nhà cung cấp để có căn cứ điều chỉnh giá cả. Dù vậy, với chương trình bình ổn thị trường TPHCM đang triển khai, người dân có thể yên tâm từ nay đến cuối tháng 3/2022, giá cả mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (trong chương trình) tại các kênh phân phối hiện đại sẽ được giữ giá ổn định.

Hơn 500 tỷ đồng đã được chi trả hỗ trợ tới các đối tượng chịu ảnh hưởng mởi dịch COVID-19

Liên quan đến tiền hỗ trợ COVID-19, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Nguyễn Văn Lâm cho hay, theo thống kê, số lượt người thụ hưởng hỗ trợ đợt 1 là 15.536 người với khoảng 23,3 tỷ; đợt 2 là 127.173 người với 190,7 tỷ; đợt 3 là 308.223 với số tiền 308 tỷ. 

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Nguyễn Văn Lâm.Ảnh: Linh Nhi
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Nguyễn Văn Lâm.Ảnh: Linh Nhi

Tại huyện Bình Chánh, đợt 1 có số người thụ hưởng là 35.445 người với 53,1 tỷ; đợt 2 gồm 240.410 người với 360 tỷ; đợt 3 là 330.000 người với 330 tỷ. Tại quận Bình Tân, số người nhận hỗ trợ đợt 1 là 19.271 người với số tiền 28,9 tỷ; đợt 2 là 203.509 người với 305,9 tỷ; đợt 3 gồm 442.345 người với 442,3 tỷ.

Thực hiện kết luận số 113 ngày 2/3/2022 của UBND TP, ngày 7/3, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội đã có văn bản số 8041, yêu cầu các địa phương có văn bản tổng hợp số người nhận hỗ trợ tiếp tục, đề nghị Sở Tài Chính tổng hợp chung báo cáo UBND TPHCM để có kinh phí cho quận, huyện tiếp tục chi trả cho người dân. 

Thông tin tại họp báo, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông Từ Lương cho hay, mới đây, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức vừa có văn bản chỉ đạo khẩn về việc xử lý đơn tố cáo liên quan đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. 

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông Từ Lương. Ảnh: Linh Nhi
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông Từ Lương. Ảnh: Linh Nhi

Theo đó, xét đề nghị của Thanh tra TP HCM, Phó Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương công khai chủ trương, kết quả vận động và chi tiết việc sử dụng số tiền do các cá nhân và đơn vị trực thuộc sở đã đóng góp, hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động đang công tác tại Sở và các đơn vị trực thuộc.

Đồng thời, lãnh đạo UBND TP cũng đề nghị ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân có liên quan trong việc chưa công khai, minh bạch về đối tượng nhận hỗ trợ, kết quả vận động và quá trình sử dụng số tiền hỗ trợ; việc sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân để tiếp nhận và chuyển tiền hỗ trợ do các đơn vị trực thuộc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội đóng góp để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 tại Sở.

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, xử lý số tiền đã chi cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thuộc sở nhằm bảo đảm số tiền do Công đoàn Sở đã kêu gọi vận động được sử dụng đúng mục đích…

Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục