Thông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 15/11

19:50 15/11/2021

(HMC) - Chiều ngày 15/11, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP trong những ngày qua. Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Thông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 15/11
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Linh Nhi

Tham dự có Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ -TB&XH) Nguyễn Văn Lâm; Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú; Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nguyễn Hồng Tâm; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; đại diện Sở Y tế; đại diện Bộ Tư lệnh TP; đại diện Công an TP; cùng các phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn những ngày qua. Ảnh: Linh Nhi
Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn những ngày qua. Ảnh: Linh Nhi

Thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho hay, tính đến 18 giờ ngày 14/11/2021, có 448.010 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 447.469 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 541 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 12.179 bệnh nhân (BN), trong đó: có 646 trẻ em dưới 16 tuổi, 258 BN nặng đang thở máy, 11 BN can thiệp ECMO. Trong ngày 14/11: có 1.150 BN nhập viện, 713 BN xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 263.548), 45 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 17.202 người).

Về tiêm chủng, đến ngày 14/11/2021, đã có 7.854.546 mũi 1 và 5.954.127 mũi 2 được tiêm cho người dân TPHCM.

Đề xuất cho phép phục vụ rượu bia tại quán ăn tùy thuộc cấp độ dịch của từng địa bàn

Liên quan đến đề xuất cho phép các hàng quán trên địa bàn toàn TP được phép hoạt động trở lại và phục vụ rượu bia, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, hiện nay TP đang thực hiện thí điểm bán hàng ăn và rượu bia tại chỗ ở TP Thủ Đức và quận 7 đến hết ngày 15/11. Sở cùng 02 địa phương này đã tổng hợp các đánh giá để báo cáo và đề xuất UBND TP cho các địa bàn tiếp theo.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Minh Tú, đề xuất này áp dụng tùy thuộc vào cấp độ dịch của từng địa bàn để đảm bảo việc kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc cho phép bán rượu bia tại chỗ nhằm phục vụ đầy đủ hơn nhu cầu của người dân, chứ không phải cổ súy cho việc vi phạm quy định phòng chống dịch (giãn cách) và lạm dụng các chất có cồn.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú, chủ trương của TP hiện nay không cho phép các chợ tự phát hoạt động, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ảnh: Linh Nhi
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú, chủ trương của TP hiện nay không cho phép các chợ tự phát hoạt động, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ảnh: Linh Nhi

Trả lời phản ánh về hoạt động của chợ tự phát xung quanh các chợ truyền thống, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh, chủ trương của TP hiện nay không cho phép các chợ tự phát hoạt động, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và có biện pháp xử lý kịp thời.

Tính đến thời điểm này, có 100% DN sản xuất trong khu công nghệ cao (KCNC), 96% DN ở khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN); trên 90% DN ngoài các KCN, KCX, KCNC đã quay lại hoạt động.

Chuẩn bị trước một bước, trên một mức để chủ động ứng phó với dịch bệnh

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch COVID-19 giữa Ban chỉ đạo TP cùng các quận, huyện, TP Thủ Đức vào ngày 13/11 vừa qua, Sở Y tế đã có đề xuất triển khai lại các khu cách ly quận, huyện và có thêm bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung, điều trị F0. Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, hiện nay, tình hình dịch của TPHCM tương đối ổn định, dù một số địa phương có sự gia tăng F0 nhưng vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát. Tuy nhiên, quán triệt quan điểm của Ban Chỉ đạo quốc gia, TP vẫn phải chuẩn bị trước 1 bước, trên 1 mức để chủ động ứng phó với bất kì tình huống nào có thể xảy ra đối với dịch bệnh.

Theo lộ trình, từ nay đến cuối năm 2021, 16 bệnh viện dã chiến cấp TP sẽ được thu hẹp và chỉ còn 3 bệnh viện. Do đó, để chăm sóc kịp thời các trường hợp F0 khi cần thiết, Sở Y tế đề nghị thành lập bệnh viện dã chiến cấp quận - huyện, xem đây là tầng 2. Hiện tại, 8 bệnh viện dã chiến đã được thành lập với quy mô từ 300 -500 giường để sẵn sàng thu dung, điều trị F0 có triệu chứng vừa và nhẹ.

Trước thực trạng nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 nhưng không đủ điều kiện để áp dụng cách ly tại nhà, Sở cũng đề xuất triển khai lại các khu cách ly tại các địa phương (xem như là tầng 1) để tiếp nhận những đối tượng này. Hiện tại, toàn TP có 62 khu cách ly để tiếp nhận F0 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.

hó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, hiện nay, tình hình dịch của TPHCM tương đối ổn định, dù một số địa phương có sự gia tăng F0 nhưng vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát. Ảnh: Linh Nhi
hó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, hiện nay, tình hình dịch của TPHCM tương đối ổn định, dù một số địa phương có sự gia tăng F0 nhưng vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát. Ảnh: Linh Nhi

Đối với công tác sắp xếp lại các trạm y tế lưu động, ông Nguyễn Hữu Hưng cho hay, hiện nay, quy mô các trạm không giống như giai đoạn dịch cao điểm. Do đó, tuỳ theo diễn biến dịch bệnh, TP đang có kế hoạch duy trì, thành lập mới trạm y tế lưu động sao cho tương xứng với số F0 tại các địa phương. Vì vậy, nhân sự huy động hỗ trợ cũng sẽ có thay đổi.

Theo đó, Sở Y tế sẽ tăng lực lượng chuyên môn, mỗi trạm tăng cường 1 bác sĩ, 1-2 điều dưỡng; các địa phương chịu trách nhiệm huy động một số tình nguyện viên để hỗ trợ các công việc khác. Trong những ngày gần đây, 70 trạm y tế lưu động đã được tăng cường cho những khu vực có số ca F0 tăng cao. Hiện các địa phương cũng đang xây dựng kế hoạch, kịch bản, tình huống liên quan để Sở Y tế lên danh sách cán bộ y tế sẵn sàng điều động khi có nhu cầu.

Các trường hợp F0 trong tuần qua chủ yếu là công nhân trong các KCN, KCX và khu nhà trọ

Thông tin tại họp báo, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm cho biết, số ca F0 trong tuần vừa qua có sự gia tăng, hầu hết ở các quận - huyện vùng ven và là công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong các KCX, KCN và một số khu nhà trọ.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm cho biết, số ca F0 trong tuần vừa qua có sự gia tăng, hầu hết ở các quận - huyện vùng ven và là công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong các KCX, KCN và một số khu nhà trọ. Ảnh: Linh Nhi
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm cho biết, số ca F0 trong tuần vừa qua có sự gia tăng, hầu hết ở các quận - huyện vùng ven và là công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong các KCX, KCN và một số khu nhà trọ. Ảnh: Linh Nhi

Về tỷ lệ số ca F0 đang điều trị cách ly tại nhà, có khoảng 47.000 ca trên tổng số 64.000 ca, chiếm 73%. Do vậy, ngành y tế TP đã tăng cường các trạm y tế lưu động tại các quận - huyện, TP Thủ Đức. Đồng thời, các khu cách ly tập trung tại các địa phương cũng đang có kế hoạch tăng cường trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu cách ly ở tầng 1.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP đã và đang có những chỉ đạo sát sao các cơ sở y tế trên địa bàn TP có sự chuẩn bị, sẵn sàng trước tình hình diễn biến phức tạp và đề phòng số ca F0 có tăng cao trong thời gian tới.

Không phải F0 nào cũng có thể sử dụng túi thuốc C

Trước phản ánh một số F0 không được chăm sóc, điều trị sau khi liên lạc với một số cơ sở y tế; nhiều bệnh nhân không nhận được túi thuốc điều trị, đặc biệt là túi thuốc C, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho hay, Sở đã nắm bắt được tình hình này và lập tức có văn bản nhắc nhở các địa phương. Đồng thời, thành lập 10 đoàn kiểm tra để đánh giá thực tế, hướng dẫn, chấn chỉnh các địa phương.

Chiều 13/11, Sở Y tế đã mời 22 Giám đốc Trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức để quán triệt lại việc chăm sóc F0 tại nhà, nhất là các F0 đủ điều kiện nhận túi thuốc C mà chưa được cấp kịp thời. Nếu địa phương, trạm y tế không phát thuốc cho bệnh nhân thì sẽ bị xử lý theo quy định.

Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin thêm, trừ túi thuốc A, các túi thuốc B, C là 2 túi thuốc cần có chỉ định của bác sĩ và không phải F0 nào cũng có thể sử dụng.

“Túi thuốc C chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và sự đồng thuận của bệnh nhân; chống chỉ định đối với bệnh nhân F0 dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, người có bệnh lý nền về gan, thận…” - ông Hưng nhấn mạnh.

Thông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 15/11 - Ảnh 1

Tính đến chiều ngày 13/11, số túi thuốc còn là hơn 20.000 liều cho bệnh nhân (chưa kể số liều đã phát cho các cơ sở y tế mà chưa phát cho F0), TP đủ thuốc để cung ứng cho F0 có chỉ định sử dụng trong giai đoạn này.

Về chế độ hỗ trợ cho nhân viên y tế, theo ông Hưng, từ tháng 5/2021, TP đã dùng ngân sách để chi thu nhập tăng thêm với hệ số 1.2 cho các đối tượng này. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 16 /NQ-CP với mức chi 130.000đ/người/ngày - 300.000đ/người/ngày cho các nhân viên y tế tuỳ theo công việc thực hiện. HĐND TP cũng có Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND về một số chính sách, chế độ đặc thù đối với lực lượng phục vụ công tác phòng, chống dịch, trong đó mở rộng thêm một số đối tượng được hỗ trợ tiền ăn so với Nghị quyết 16 của Chính phủ và nâng mức chế độ tiền ăn cho những người tham gia là 120.000 đồng/người/ngày.

Vân Anh - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục