Tham dự có Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương;Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Phan Công Bằng; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm; Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP Thượng tá Lê Mạnh Hà; Uỷ Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP; đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP; đại diện Bộ Tư lệnh TP;…
Theo dõi họp báo qua hình thức trực tuyến có Quyền trưởng đại diện Văn phòng Bộ Thông tin - Truyền thông Đặng Thị Bích Vân cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí.
1. Về y tế
Tính đến 18 giờ 00 ngày 16/9/2021, có 321.358 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 320.882 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 476 trường hợp nhập cảnh.
Hiện TP đang điều trị 40.888 bệnh nhân, trong đó có 3.145 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.514 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 16/9 có 3.287 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 164.294), 166 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 12.934).
Về công tác xét nghiệm, từ 18 giờ ngày 15/9/2021 đến 18 giờ 16/9/2021 đã lấy 319.308 mẫu, trong đó có 14.673 mẫu đơn và 4.331 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 278.111 mẫu.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm thông tin một số điểm nổi bật trong chiến lược xét nghiệm mới. Ảnh: Huyền Mai
Thông tin một số điểm nổi bật trong chiến lược xét nghiệm mới, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm cho biết, từ 15/9 đến 30/9, tại các vùng đỏ, vùng cam, TP sẽ lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày theo hộ gia đình với phương pháp test nhanh mẫu gộp (2-3 người/test/hộ gia đình) hoặc RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình (toàn bộ thành viên trong 1 hộ gia đình/1 mẫu gộp), giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh.
Tại các vùng vàng, vùng xanh, vùng cận xanh, ngành y tế xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, gộp 10 cho vùng xanh, vùng cận xanh và gộp 5 cho vùng vàng. Trong đó, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện ở đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vắc xin, người tiếp xúc với nhiều người khác.
Hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên phải lấy 2 mẫu đại diện hộ gia đình. Giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh hoặc RT-PCR mẫu đơn cho toàn bộ thành viên của các hộ gia đình trong mẫu gộp; tần suất lặp lại 5 - 7 ngày/lần.
Liên quan đến chiến dịch tiêm chủng, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 16/9/2021 là 8.563.863 (tăng 111.254 mũi vắc xin so với ngày 15/09/2021) trong đó tổng số mũi 1 là 6.693.404, mũi 2 là 1.870.459, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 992.614.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng trả lời báo chí về kế hoạch tiêm vắc xin từ nay đến ngày 30/9. Ảnh: Huyền Mai
Về kế hoạch tiêm vắc xin từ nay đến ngày 30/9, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, TPHCM còn khoảng 515.988 người cần tiêm mũi 1, tổng mũi 2 cần phải tiêm đến ngày 30/9 là 1.782.496 mũi. Với hơn 400.000 liều vắc xin các loại hiện có (tính đến thời điểm hiện tại), TP đã đề xuất với Bộ Y tế phân bổ thêm vắc xin để đảm bảo công tác phủ hết mũi 1 và tiêm mũi 2 cho những người đến hạn.
2. Tình hình cung ứng hàng hoá
Tổng nhu cầu đăng ký trong ngày là 55.468 hộ, giảm 6,81% (tương đương giảm 4.053 hộ) so với ngày hôm trước. Theo kết quả thực hiện, có 57.594 hộ được cung ứng hàng hóa, tỷ lệ đạt 103,8% số hộ đăng ký.
Đến nay, TP có 3.115 điểm bán đang hoạt động, tăng 114 điểm bán so thời điểm bắt đầu triển khai mô hình (23/8/2021).
Về các giải pháp hỗ trợ đối với các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, Sở đã có những biện pháp hỗ trợ trong việc kết nối, tiếp cận hệ thống phân phối để có đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó là tham mưu với UBND TP các phương án kết nối với địa phương, các đơn vị cung ứng để hỗ trợ tìm kiếm, bổ sung nguồn cung nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp; phối hợp với Sở y tế, Công an TP hỗ trợ các đơn vị trong Hội lương thực thực phẩm trong công tác tiêm vắc xin, cấp giấy đi đường.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương thông tin về các giải pháp hỗ trợ đối với các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm. Ảnh: Huyền Mai
Về phương án lâu dài, Sở đã tham mưu TP hình thành Hội đồng phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm. Hội đồng này có nhiệm vụ tham mưu TP các giải pháp, phương hướng để hỗ trợ phát triển ngành lương thực, thực phẩm.
3. Công tác an sinh, xã hội
Trong ngày 17/9/2021, Trung tâm an sinh TP đã tiếp nhận các mặt hàng như chanh, thuốc, đồ bảo hộ v.v… của tỉnh Quảng Ngãi, khách sạn Sài Gòn, Hội Thánh Tin lành, Công ty TNHH MTV The Fruit Republic trị giá 737.500.000 đồng. Ban Vận động tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống COVID-19 đã đặt mua 290 thùng đồ bảo hộ trị giá 507.500.000 đồng.
Từ ngày 15/8/2021 đến 17/09/2021, tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, TP Thủ Đức là 1.796.570 túi (tăng 5.410 túi so với ngày 16/9/2021).
Liên quan đến phản ánh chậm trễ trong việc hỗ trợ cho người dân, đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP cho biết, TP đã triển khai app An sinh để người dân đăng kí nhận túi an sinh, gói hỗ trợ.
Đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Huyền Mai
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do app vận hành chưa trôi chảy hoặc người dân cung cấp thông tin chưa chính xác đã dẫn đến tình trạng một số trường hợp chưa được tiếp nhận hỗ trợ dù đã phản ánh từ sớm. Để khắc phục, Sở đang tiếp tục liên hệ với các đơn vị triển khai để tối ưu hoá app An sinh này để người dân truy cập dễ dàng.
4. Tình hình giao thông
Lượng phương tiện lưu thông trung bình cả ngày 16/9 (số liệu tại 100 điểm đo đếm trên 48 tuyến đường chính), giảm 75% so với trung bình ngày thường; tăng 5% so với ngày 15/9; tăng 18% so với ngày thứ năm tuần trước 09/9; giảm 18% so với ngày 22/8. Trong đó, 8,9% xe máy; 15,5% xe hơi; 69,9% xe tải; 3,8% xe 16 chỗ trở lên; 1,9% xe trên 35 chỗ, tải nặng.
Nhận xét về tình hình giao thông tại TPHCM trong những ngày qua, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng cho rằng, sau khi TP cho phép một số lĩnh vực được hoạt động trở lại, số người dân ra đường có đông hơn nhưng không đáng kể. Tại các chốt kiểm soát, lực lượng công an, quân đội giải quyết rất nhanh, cơ bản không xảy ra tình trạng ùn tắc tại các chốt. Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cũng đề nghị người dân nên giãn cách tại các chốt để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng nhận xét về tình hình giao thông tại TPHCM trong những ngày qua. Ảnh: Huyền Mai
Trước phản ánh người dân phải khai báo trên 3 app để qua các chốt kiểm soát, Thượng tá Lê Mạnh Hà khẳng định: “Hiện nay, tất cả các chốt kiểm soát của Công an TP chỉ kiểm qua mã QR tại 1 app duy nhất là VNEID”. Trong trường hợp app VNEID bị lỗi, người dân có thể quét mã QR để đăng nhập vào trang Sức khoẻ dân cư quốc gia để khai báo y tế hoặc trình giấy đi đường để công an kiểm tra.
Thượng tá Lê Mạnh Hà phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai
Về phản ánh một số doanh nghiệp kinh doanh ăn uống gặp khó khăn trong việc yêu cầu cấp giấy đi đường, Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin, trong ngày hôm nay (17/9), Công an TP đã ban hành công văn hướng dẫn số 3679 gửi đến công an các địa phương. Trong đó, yêu cầu công an các địa phương tham mưu với UBND để có hướng dẫn, tổ chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho các doanh nghiệp được phép hoạt động. Công an TP cũng bổ sung hơn 15.000 giấy đi đường xuống công an các địa phương để cung cấp cho doanh nghiệp, các nhân.
Để kịp thời tiếp nhận, cấp giấy đi đường cho người dân, công an các địa phương được giao trực cả thứ 7, chủ nhật, giải quyết nội dung trên trong ngày cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.
Thông tin về các giải pháp sau giai đoạn giãn cách của ngành Giao thông Vận tải, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng cho hay, Sở đã xây dựng Bộ tiêu chí án toàn trong lĩnh vực giao thông, UBND TP đã phê duyệt bộ tiêu chí này. Sở cũng chủ động xây dựng phương án quản lý giao thông sau ngày 30/9. Đồng thời, liên lạc với Sở Giao thông Vận tải các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực giao thông, vận tải.
“Còn trong giai đoạn giãn cách, mục tiêu lớn nhất của ngành Giao thông TP là cấp phép luồng xanh qua hệ thống công nghệ thông tin. Thời gian vừa rồi, công tác này diễn ra thuận lợi, không gặp khó khăn”, ông Phan Công Bằng cho biết.