Thông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 20/1

Vân Anh - Linh Nhi 20/01/2022 19:41

(HMC) - Chiều ngày 20/1, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP trong những ngày qua. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Linh Nhi
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Linh Nhi

Tham dự có Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội Nguyễn Văn Lâm; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương; Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng; Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai; Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Trịnh Duy Trọng; đại diện Văn phòng Thành uỷ TP; đại diện lãnh đạo Công an TP; Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) Trần Văn Khanh cùng 27 phóng viên, biên tập viên đến từ 25 cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho hay, Tính đến 18 giờ 00 ngày 19/01/2022, có 512.731 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, bao gồm 511.991 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 740 trường hợp nhập cảnh…

Hiện TP đang điều trị 3.061 bệnh nhân, trong đó: có 25 trẻ em dưới 16 tuổi, 232 bệnh nhân nặng đang thở máy, 17 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 19/01: 172 bệnh nhân nhập viện, 260 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 314.959), 13 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 20.275).

Về tiêm chủng, đến ngày 19/01/2022, đã có 8.095.254 mũi 1 và 7.264.214 mũi 2, 598.311 mũi bổ sung và 3.666.653 mũi nhắc lại được tiêm cho người dân TPHCM.

Ghi nhận 68 ca nhiễm biến chủng Omicron

Thông tin liên quan đến các ca COVID-19 biến chủng Omicron tại TPHCM, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, TP hiện có 68 ca nhiễm Omicron (65 nhập cảnh, 3 cộng đồng). “Theo quy định của Bộ Y tế, người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú; không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú.

Thực hiện xét nghiệm PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Dương tính thì xử lý theo quy định.

Tuy nhiên yêu cầu tự theo dõi sức khỏe tại nhà phải thực hiện đầy đủ 5K( đeo khẩu trang, khai báo ý tế, khử khuẩn thường xuyên, không đến nơi đông người, không tụ tập)”.

Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, TP hiện có 68 ca nhiễm Omicron. Ảnh: Linh Nhi.

Sau khi phát hiện 03 ca COVID-19 nhiễm chủng Omicron trong cộng đồng, TP đã triển khai truy vết và có 11 trường hợp tiếp xúc gần (F1), trong đó phát hiện có 03 trường hợp “dương tính” với SARS-CoV-2. Hiện đang thực hiện giải trình tự gene đối với 03 trường hợp này.

Để ứng phó với biến chủng mới, ngành Y tế chủ trương tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp đã được kích hoạt. Trong đó, công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch phải được triển khai hiệu quả trong cộng đồng; các bệnh viện thực hiện sàng lọc đối với bệnh nhân đến khám và điều trị, nhất là các đối tượng có nguy cơ để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh.

Riêng về quy trình xét nghiệm và điều trị, TP thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Bệnh viện Dã chiến 12 là nơi tập trung các trường hợp nghi ngờ để giải trình tự gene và điều trị cho các trường hợp mắc COVID-19 biến chủng Omicron.

Việt Nam hiện ghi nhận 108 ca mắc Omicron, trong đó, TPHCM có 68 ca. Ban chỉ đạo đề nghị người dân không quá hoang mang, lo lắng.

"Ý thức người dân là điều quyết định giúp chúng ta kiểm soát được dịch bệnh", Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải nhấn mạnh. Ảnh: Linh Nhi.

“TPHCM đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó. Chúng ta hết sức bình tĩnh, chưa có gì phải thay đổi, các hoạt động như đường hoa, đường sách, hội hoa xuân…Ý thức người dân là điều quyết định giúp chúng ta kiểm soát được dịch bệnh”, ông Hải nhấn mạnh.

TP Thủ Đức: Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã thăm khám hơn 1.000 lượt bệnh nhân liên quan hội chứng hậu COVID-19

Thông tin tại họp báo, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) Bác sĩ Trần Văn Khanh cho biết việc nhiễm COVID-19 cũng như số ca mắc trong thời gian qua đã ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, tính mạng, chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Ngành y tế TP đã có tổng kết và ghi nhận tỉ lệ rất lớn các ca bệnh có triệu chứng từ nhẹ đến nặng, từ người lớn đến trẻ em mắc hội chứng hậu COVID.

Theo bác sĩ Khanh, sau khi khỏi bệnh đến sau 4 được xếp vào nhóm hậu COVID cấp tính, từ 4 đến dưới 12 tuần là giai đoạn chuyển tiếp. Nếu những triệu chứng, dấu hiệu kéo dài hơn 12 tuần được xếp vào nhóm hội chứng hậu COVID-19.

Để ứng phó hội chứng này, nếu không được triển khai đồng bộ, hỗ trợ điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý, thể chất con người và chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh nhận định, các cơ sở y tế trên địa bàn cần tập trung triển khai các phòng khám về tim mạch, nội tiết, cơ sinh khớp, hô hấp… ảnh hưởng do COVID-19 để lại. Ảnh: Linh Nhi.

Thời gian qua, Sở Y tế TP đã có chỉ đạo các bệnh viện từ Trung ương đóng trên địa bàn đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa… tùy khả năng mỗi bệnh viện để tham gia thành lập các trung tâm, khoa điều trị hay đơn vị hoặc phòng khám hậu COVID-19, điều trị và phục hồi cho bệnh.

Sau hơn 3 tháng thành lập Trung tâm phục hồi chức năng và vật lý trị liệu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã thăm khám hơn 1.000 lượt bệnh nhân từ trong địa bàn đến các tỉnh lận.

Ông Khanh cũng đánh giá, nặng nề nhất là di chứng về tâm lý, Do đó, Khoa vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, Khoa tâm lý lâm sàng của bệnh viện này cũng đã phối hợp với Khoa Tâm lý (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) trong công tác “chữa tâm” có và không sử dụng thuốc.

Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh nhận định, các cơ sở y tế trên địa bàn cần tập trung triển khai các phòng khám về tim mạch, nội tiết, cơ sinh khớp, hô hấp… ảnh hưởng do COVID-19 để lại.

“Trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron, bệnh viện luôn trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng. Dù bệnh viện thu dung số 3 đang tạm ngưng, tuy nhiên, nếu số ca nhiễm biến chủng này có sự lây lan nhanh và tăng lên, trong 24 giờ, cơ sở này sẽ được kích hoạt, tái khởi động với trang thiết bị, thuốc đã được chuẩn bị”, Ông Khanh nhấn mạnh.

Chủ trương dạy học trực tiếp sau Tết không thay đổi

Về chủ trương tổ chức dạy và học trực tiếp đối với học sinh sau Tết khi TP phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo TP) Trịnh Duy Trọng cho biết trước mắt, chủ trương dạy học trực tiếp sau Tết không thay đổi. Tuy nhiên, Sở sẽ phối hợp Sở Y tế để theo dõi, cập nhật tình hình để có đánh giá và chủ động tham mưu UBND TP chỉ đạo các cơ sở giáo dục có sự chuẩn bị phương án dạy và học giai đoạn sau Tết đảm bảo an toàn nhất.

Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo TP) Trịnh Duy Trọng cho biết trước mắt, chủ trương dạy học trực tiếp sau Tết không thay đổi. Ảnh: Linh Nhi

Ông Trọng cũng cho biết, ngay từ ban đầu, khi triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp, UBND cấp quận, huyện, cơ sở giáo dục trên quan điểm và nguyên tắc “an toàn đến đâu mở đến đó”. Cơ sở giáo dục nào đáp ứng đủ điều kiện an toàn phòng, chống dịch trước sẽ mở cửa trước.

Ông cho biết thêm, trong tuần Sở này cũng đã tổ chức 2 hội nghị để quán triệt đến cơ sở giáo dục ở từng cấp học mầm non, tiểu học về quy định phòng, chống dịch. Từ đó, mỗi cơ sở có sự chuẩn bị, chủ động thực hiện chỉ đạo của TP trong xử lý tình huống ở giai đoạn sau Tết tốt nhất.

Quận Gò Vấp đã nhiều tuần đạt cấp độ 1 (vùng xanh)

Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng thông tin, quận đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh trước ngày 30/9, đến nay, đã nhiều tuần quận đạt cấp độ 1 theo đánh giá cấp độ dịch. Đây là kết quả từ sự ủng hộ của nhân dân và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị.

Về những nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng, chống dịch xoay quanh nhiệm vụ chính: tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, TP, sự hỗ trợ của các sở ban, ngành, TP giúp địa phương làm tốt nhiệm vụ của mình; Ban chỉ đạo quận sâu sát, nắm bắt tình hình, phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, huy động lực lượng tối đa tham gia vào công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; Thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin, xét nghiệm, khoanh vùng đúng trọng tâm, trọng điểm… Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức người dân.

Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng thông tin, quận đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh trước ngày 30/9, đến nay, đã nhiều tuần quận đạt cấp độ 1 theo đánh giá cấp độ dịch. Ảnh: Linh Nhi.

Thông tin về ca nhiễm biến chủng Omicron cư trú tại Gò Vấp, ông Dũng cũng cho hay, người này cư trú trên địa bàn quận nhưng trong 10 ngày qua, sau khi đón người nhập cảnh về nước thì ở quận Bình Thạnh nên không tiếp xúc với ai ở quận Gò Vấp. Tuy nhiên, quận cũng đã triển khai lực lượng theo dõi dấu hiệu dịch của các gia đình xung quanh để dự phòng phương án nếu có phát hiện ca mắc mới.

Đến nay, quận Gò Vấp cũng đã triển khai các kế hoạch về thế trận y tế ứng phó với biến chủng Omicron, sẵn sàng phương án ngăn chặn, đảm bảo can thiệp kịp thời, hiệu quả và giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của dịch bệnh.

20 chợ trên địa bàn TP vẫn chưa hoạt động trở lại

Trao đổi về lý do có 20 chợ trên địa bàn TP vẫn chưa hoạt động trở lại, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, đa số chợ ở TPHCM đều có thời gian xây dựng và hoạt động lâu năm nên nhiều chợ bị xuống cấp; một số chợ thuộc diện di dời, giải tỏa theo quy hoạch chung; một số khác lại nằm trên địa bàn giáp ranh với tỉnh bạn và tiểu thương trong chợ đa phần cũng là người từ các tỉnh bạn.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, hiện TP có 20 chợ truyền thống chưa hoạt động trở lại. Ảnh: Linh Nhi.

Theo kế hoạch, trong tháng 1/2022, sẽ mở lại chợ Tân Kiểm 1 và chợ cư xá ngân hàng quận 7. Bên cạnh đó, hiện có 02 chợ đang trình phương án để hoạt động lại; 02 chợ chuyển công năng; 06 chợ đang duy tu, sửa chữa; còn lại các chợ bị xuống cấp, không đảm bảo điều kiện hoạt động và tạm ngừng hoạt động trước thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Về tình trạng chợ tự phát, Phó Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ, có nhiều phương án đưa ra để từng bước giải tỏa hoạt động tự phát này. Tuy nhiên, công tác quản lý chợ truyền thống do địa phương phụ trách. Vì vậy, Sở Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các địa phương để xây dựng lộ trình quản lý chợ phù hợp.

Các loại tội phạm xã hội có chuyển biến tích cực

Liên quan đến tình hình tội phạm trộm cắp tài sản, cướp giật trên địa bàn thời gian vừa qua, Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an TP) cho biết, từ ngày 15/12/2021, Công an TP mở cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT Tết Nhâm Dần 2022, với sự phối hợp và nỗ lực của các đơn vị, lực lượng nghiệp vụ, các loại tội phạm xã hội nói chung có chuyển biến tích cực.

Thống kê sơ bộ, từ 15/12/2021 – 4/1/2022, ghi nhận xảy ra 309 vụ phạm tội về trật tự xã hội, giảm 266 vụ so với tháng liền kề (46,26%), giảm 156 vụ (33,55%) so với cùng kỳ. Bình quân 9,97 vụ/ngày. Trong đó có 09 loại án được kéo giảm, bao gồm cả cướp giật và trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, tội phạm cướp giật, trộm cắp tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao với 55% tổng số vụ.

Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an TP) cho biết, từ ngày 15/12/2021, Công an TP mở cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT Tết Nhâm Dần 2022,đến nay, các loại tội phạm xã hội nói chung đã có chuyển biến tích cực.  Ảnh: Linh Nhi.

Vì vậy, Công an TP khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, phòng ngừa các loại tội phạm, nhất là các đối tượng trộm cắp, cướp giật gắn với sơ hở của người dân như: sử dụng điện thoại nơi công cộng, đeo trang sức, cầm ví tiền, túi xách nhưng lơ là, thiếu cảnh giác…

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bị mất trộm xe mô tô, xe gắn máy vì chủ quan, không đề phòng hoặc đối tượng lợi dụng khu vực vắng vẻ, gần kênh rạch, ít người quan sát được… để đột nhập vào nhà người dân trộm cắp tài sản.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 20/1
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO