Thông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 24/1

Vân Anh - Huyền Mai 24/01/2022 18:22

(HMC) - Chiều ngày 24/1, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP trong những ngày qua. Phó Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Tham dự có Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Lâm; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hòa An; Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm Phạm Khánh Phong Lan; Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nguyễn Hồng Tâm; Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP Nguyễn Văn Khanh; đại diện Công an TP; đại diện Bộ Tư lệnh TP; Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op Nguyễn Anh Đức; cùng các phóng viên, biên tập viên đến từ 20 cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Dự kiến chi 6 tỷ đồng chăm lo cho trẻ em mồ côi vì COVID-19

Trao đổi về công tác chăm lo cho trẻ em mồ côi vì COVID-19, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm cho hay, TPHCM có 2.208 trẻ mồ côi vì COVID-19. Tính đến hết 25/1/2021 (ngày mai), TP dự kiến chi 6 tỷ đồng để chăm lo cho các em. Trong đó có một số hoạt động chính đã và đang diễn ra.

Cụ thể, Sở LĐ-TB&XH dự kiến trao tặng 1.500 phần quà cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi cha mẹ vì COVID-19 với tổng kinh phí 432 triệu từ nguồn ngân sách và ủng hộ của các nhà hảo tâm.

Đồng thời, phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình Tết cho trẻ em mồ côi vì COVID-19 có hoàn cảnh khó khăn cho khoảng 200 trẻ; Phối hợp với Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam trao 200 phần quà cho trẻ em mồ côi vì COVID-19.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm cho hay, TPHCM có 2.208 trẻ mồ côi vì COVID-19. Ảnh: Huyền Mai

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP cũng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP, Thành Đoàn, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Hiệp hội Doanh nghiệp TP tổ chức kết nối, vận động các nguồn lực cho Trung tâm bảo trợ chăm sóc trẻ mồ côi vì COVID-19 ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP và Ngân hàng Nam Á tổ chức chương trình Tết Hạnh phúc, tặng quà cho trẻ em mồ côi vì COVID-19, trị giá 01 triệu đồng/phần quà.

Giá vé xe Tết tăng không quá 60% so với ngày thường

Thông tin về công tác vận tải hành khách dịp Tết Nguyên đán, Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hòa An TP cho biết: Hiện tại, TP đã hoạt động vận tải hành khách đường bộ theo tuyến cố định trở lại 315 tuyến trong tổng số 418 tuyến đã hoạt động trước dịch bệnh (đạt 75,35%) thuộc 50 tỉnh, thành phố trong cả nước trong tổng số 57 tỉnh, thành phố đã hoạt động trước dịch bệnh (đạt 87,71%).

Dự báo lượng hành khách đi lại cao điểm năm nay tối đa chỉ bằng 50% số khách trong dịp Tết 2020 (thời điểm chưa có dịch bệnh COVID-19).

Về khả năng cung cấp xe khách, theo Sở GTVT, tổng số xe khách trên tuyến vận tải hành khách hoạt động tại các bến xe khách trên địa bàn (bao gồm xe của các tỉnh, thành phố) 4.685 xe tương ứng 162.489 chỗ; tổng số xe khách từ 10 chỗ trở lên đăng ký kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng tại Sở GTVT là 25.241 xe tương ứng 605.784 chỗ. Công suất tiếp nhận của các bến xe trên địa bàn: 13.972 xe/ngày tương ứng 341.664 hành khách/ngày.

Về giá vé, phần lớn với mức tăng giá không quá 40% đối với các tuyến từ TPHCM đi các tỉnh Miền Tây, Tây Ninh và không quá 60% các tuyến từ TPHCM đi các tỉnh còn lại so với giá kê khai ngày thường. Giá cước Tết năm nay tương đương với giá cước Tết năm 2021.

Đến ngày 23/1/2022, Bến xe Miền Đông đã bán 48.140 vé/100.181 vé theo kế hoạch; Bến xe Miền Đông mới đã bán 50 vé/1.000 vé theo kế hoạch; Bến xe Miền Tây đã bán 61.500 vé/196.000 vé theo kế hoạch; Bến xe An Sương đã bán 4.782 vé/13.910 vé theo kế hoạch; Bến xe Ngã Tư Ga đã đặt và bán 1.145 vé/13.056 vé theo kế hoạch.

Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hòa An TP thông tin về công tác vận tải hành khách dịp Tết Nhâm Dần. Ảnh: Huyền Mai

Đối với vận tải hành khách bằng xe buýt, thời gian phục vụ Tết Nguyên đán là 20 ngày gồm 10 ngày trước Tết Nguyên đán và 10 ngày sau Tết Nguyên đán, tức từ ngày 22/1 đến hết ngày 10/2/2022, nhằm ngày 20 tháng chạp năm Tân Sửu đến hết mùng 10 tháng Giêng năm Nhâm Dần.

Đối với vận tải hành khách bằng đường thủy, bình quân có 187 chuyến phà phục vụ Tết tại bến phà Cát Lát (tăng 9%), 119 chuyến tại bến phà Bình Khánh (tăng 16%).

Riêng tuyến buýt đường thủy số 1 Bạch Đằng – Linh Đông sẽ tạm dừng hoạt động vào chiều ngày 30 và ngày mồng 1 Tết; từ ngày mồng 2 đến mồng 6 Tết hoạt động 30 lượt tàu/ngày. Tùy theo tình hình, nhu cầu của hành khách, dự kiến tuyến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng đi Cần Giờ, Vũng Tàu sẽ tăng chuyến đến 08 chuyến/ngày và tuyến vận tải phà Cần Giờ - Vũng Tàu sẽ tăng đến 34 chuyến/ngày.

Đối với vận tải hành khách bằng đường sắt, ngành đường sắt dự kiến sẽ bổ sung thêm các đôi tàu tùy tình hình thực tế để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Về vận tải hành khách bằng đường hàng không, tiếp tục triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và chuyến bay thương mại thường lệ quốc tế qua cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy định của Bộ GTVT.

An toàn thực phẩm – Cần sự đồng hành của người tiêu dùng

Liên quan đến công tác an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết Nguyên đán, Trưởng Ban quản lý ATTP Phạm Khánh Phong Lan thông tin, thực hiện kế hoạch của Trung ương, Thành phố, Ban quản lý ATTP TP đã ban hành Kế hoạch 2237 tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi mất an toàn thực phẩm; rà soát và phòng chống ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, Ban quản lý ATTP có 11 đoàn kiểm tra; mỗi quận - huyện, TP Thủ Đức cũng có các đoàn kiểm tra liên ngành cùng với các đoàn của lực lượng chức năng đồng loạt ra quân dịp Tết.

Trưởng Ban quản lý ATTP Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cần có sự giúp sức, đồng hành của người tiêu dùng để hạn chế các vi phạm về ATTP. Ảnh: Huyền Mai

“Những vi phạm của ATTP rất đa dạng. Vì vậy rất cần sự giúp sức, đồng hành của người tiêu dùng như: ủng hộ thực phẩm sạch; mua thực phẩm ở những cửa hàng, điểm bán hợp pháp; kịp thời báo cơ quan chức năng theo đường dây nóng 028.39.301.714 ngay khi gặp sự cố.” - Trưởng Ban quản lý ATTP TP chia sẻ.

Sài Gòn Co.op: 5.000 tỷ đồng dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân

Tại họp báo, Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op Nguyễn Anh Đức cho biết, hiện tại, 9 nhóm hàng dự trữ thiết yếu đã được đơn vị chuẩn bị với tổng dung lượng khoảng 5.000 tỷ để phục vụ người dân. Do đó, người dân có thể yên tâm về nguồn hàng hóa cung ứng trong dịp Tết 2022 của doanh nghiệp.

Nhằm gắn kết tình thân, mang Tết “xa” về “gần” hơn với mỗi khách hàng, hiện tại, Sài Gòn Co.op đang triển khai “Chương trình Tết xa thêm gần - Gắn kết tình thân” trên khắp các tỉnh thành. Khách hàng ở xa có nhu cầu biếu quà Tết đến người thân có thể sử dụng dịch vụ đặt-gửi giỏ quà tận nhà theo địa chỉ yêu cầu tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra toàn quốc. Theo ông Nguyễn Anh Đức, hiện tại, tổng số lượng gói quà ghi nhận tại hệ thống Sài Gòn Co.op là 2 triệu và sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op Nguyễn Anh Đức cho biết, hiện tại, 9 nhóm hàng dự trữ thiết yếu đã được đơn vị chuẩn bị với tổng dung lượng khoảng 5.000 tỷ để phục vụ người dân. Ảnh: Huyền Mai

Cũng trong Tết 2022, Sài Gòn Co.op sẽ triển khai 200 chuyến bán hàng lưu động tại khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa, các xã đảo trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận.

Về tình hình hoạt động của các điểm bán, tương tự các năm trước, Sài Gòn Co.op sẽ chỉ đóng cửa vào chiều 29 (ngày 31/1) và mồng 1 Tết (ngày 1/2). Do đó, người dân không cần lo lắng, tích trữ quá nhiều hàng hóa.

Đa số các ca COVID-19 nhiễm chủng Omicron tại TPHCM đều có triệu chứng nhẹ

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm, hiện tại, TPHCM có 88 ca nhiễm COVID-19 với biến chủng mới Omicron (thêm 15 ca so với ngày 23/1). Trong đó, có 5 ca cộng đồng thuộc chuỗi ca nhiễm từ hành khách nhập cảnh tại Cam Ranh (Khánh Hòa).

Đa số các ca nhiễm biến chủng mới đều có triệu chứng nhẹ với các biểu hiện sốt nhẹ, đau họng, ớn lạnh. Số ngày kể từ khi phát hiện dương tính đến lúc âm tính của các bệnh nhân trên là từ 6 - 7 ngày.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm, đa số các ca nhiễm biến chủng mới đều có triệu chứng nhẹ với các biểu hiện sốt nhẹ, đau họng, ớn lạnh. Ảnh: Huyền Mai

Tính đến 18 giờ ngày 23/1/2022, có 513.596 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 512.815 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 781 trường hợp nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 2.563 bệnh nhân (BN), trong đó: có 54 trẻ em dưới 16 tuổi, 204 BN nặng đang thở máy, 16 BN can thiệp ECMO. Trong ngày 23/1: có 92 BN nhập viện, 110 BN xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 315.668), 06 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 20.305 người).

Về tiêm vắc xin phòng COVID-19, đến ngày 23/1/2022, đã có 8.100.582 mũi 1, 7.277.669 mũi 2, 623.696 mũi bổ sung và 3.797.264 mũi nhắc lại được tiêm cho người dân TPHCM.

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP những ngày qua. Ảnh: Huyền Mai

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 24/1
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO